Tổ Kỹ thuật trên Công trình K9

Tổ thiết kế và chỉ đạo thi công công trình K9 (Đá Chông), nơi giữ gìn thi hài Bác Hồ trong thời gian trước khi có Lăng gồm 6 kỹ sư của Ban thiết kế Phòng Công trình – Bộ Tư lệnh Công binh: kỹ sư xây dựng Nguyễn Trọng Quyển – Trưởng ban trực tiếp phụ trách chung; kỹ sư Nguyễn Cao Đàm phụ trách phần xây dựng; kỹ sư Bùi Danh Chiêu đảm nhiệm thiết bị điều hoà thông gió; kỹ sư Hoàng Quang Bá phụ trách phần cấp nước; kỹ sư điện Phạm Hoàng Vân tổ chức thi công và tôi, Nguyễn Trung Thành, phụ trách hệ thống điện và tự động. Trong thời gian này, 6 anh em chúng tôi sống và làm việc liên tục tại công trường trong điều kiện hết sức khó khăn.

Buổi sáng, cầm củ sắn luộc vừa ăn vừa đi ra công trường, bữa trưa và bữa tối ăn “bo bo” với cá khô, ăn cùng bếp ăn của tiểu đoàn thi công. Những lúc rỗi rãi hoặc buổi chiều, ngày chủ nhật, chúng tôi rủ nhau đi câu cá để cải thiện.

Nhiệm vụ của tôi gồm 4 hạng mục:
– Thiết kế và chỉ đạo thi công hệ thống cấp điện dự phòng. Nói là dự phòng nhưng trong thời gian chiến tranh, hệ thống điện lưới quốc gia hầu như bị mất, nên hệ thống này thành nguồn cấp điện chính.

– Giám sát và nghiệm thu việc kéo đường dây cao thế 35 KV và lắp đặt trạm biến áp hạ thế để cấp điện lưới quốc gia cho công trình.

– Thiết kế và chỉ đạo thi công phòng điều khiển trung tâm số 7 để điều khiển hệ thống điều hoà, cấp nước đảm bảo thông số nhiệt, ẩm giữ gìn thi hài Bác.

– Thiết kế lắp đặt hệ thống chiếu sáng đặc biệt phục vụ việc tổ chức viếng Bác.

Một loạt vấn đề kỹ thuật đặt ra, tôi phải cân nhắc lựa chọn các giải pháp thiết kế sao cho phù hợp với yêu cầu tiến độ, trình độ thi công và tình hình cung cấp vật tư thời đó. Nhiều khi vừa đi vừa nghĩ các giải pháp trong đầu, nhặt miếng giấy xi măng vẽ phác thảo để đêm về thể hiện lên bản vẽ cho công nhân thi công. Buổi sáng xắn quần lội mấy cây số đường rừng cùng anh em công nhân chi nhánh điện Hà Đông giám sát thi công đường dây cao thế dẫn vào công trình; gần trưa trên đường về đói quá, bị hạ đường huyết, hoa mắt chóng mặt, đành ngồi tựa cột điện nghỉ. Giá có một chiếc kẹo để ngậm thì có thể đi tiếp được, nhưng giữa rừng lấy đâu ra của hiếm đó. Mồ hôi ướt đầm áo, chân tay bủn rủn, tưởng gục dọc đường, nhờ sức trẻ nghỉ một lúc lại tiếp tục trở về công trường. Về đến nhà, cơm canh nguội tanh nguội ngắt, cố chan canh và ào vào bụng cho đỡ đói. Khi những thợ điện được đào tạo tại đơn vị chạy lại nhờ đọc bản vẽ để thi công hệ tự động điều chỉnh phòng điều khiển, tôi lại xé giấy xi măng vẽ tách ra từng phần để giảng giải cho anh em. Nhưng cuối cùng tôi vẫn phải ra hiện trường trực tiếp vừa làm, vừa hướng dẫn cho công nhân. Tôi cầm kìm tuốt dây uốn khuyết làm mẫu, cầm đồng hồ đo thử các đi ốt để mọi người khỏi đấu nhầm. Đã từng là công nhân nên tôi nói anh em hiểu ngay và tiếp tục thi công suôn sẻ. Đang làm việc với thợ thi công, thì anh Hanh phụ trách vật tư công trình đến, anh nói:

– Các loại vật tư cậu yêu cầu, tôi đã đến tận nhà máy sản xuất thiết bị điện, nhưng đều không có chủng loại đó. Mai cậu bố trí thời gian đi với tôi đến Văn Giang để xác định loại thay thế.

Thế là tôi thành cán bộ vật tư cùng với anh Hanh đi Văn Giang, Hà Đông rồi lên Thái Nguyên. Đi trong ngày về trong đêm cho kịp thi công, ngủ gà gật trên xe. Chẳng riêng gì tôi, các đồng chí khác cũng ở trong tình trạng vừa thiết kế, vừa chỉ đạo thi công, vừa chạy vật tư do yêu cầu tiến độ khẩn trương. Vật tư ngành điện vốn nhiều chủng loại nên tôi càng vất vả.

Khi thiết kế nguồn điện dự phòng, tôi nhận được yêu cầu kỹ thuật rất cao, có cả yêu cầu quân sự mà người làm công tác kỹ thuật phải am hiểu. Nguồn điện này phải đủ công suất cho mọi yêu cầu sử dụng điện của công trình và khởi động bình thường các máy điều hoà công suất lớn. Chất lượng điện (điện áp và tần số) phải đảm bảo và ổn định để các thiết bị y tế làm việc tốt. Nguồn điện có khả năng làm việc liên tục lâu dài trong trường hợp đế quốc Mỹ bắn phá các nhà máy điện và trạm phân phối. Đồng thời tính đến phương án tiết kiệm nhiên liệu, phòng khi việc cung cấp bị gián đoạn do cầu đường bị bắn phá. Việc chuyển đổi các nguồn điện không cho phép mất điện quá một phút, vì quá thời gian trên ảnh hưởng đến thông số nhiệt, ẩm giữ gìn thi hài Bác.

Phải mất nhiều ngày xắn quần lội khắp khu vực công trường chúng tôi mới xác định được vị trí xây hầm đặt các trạm phát điện. Đi khắp các kho sơ tán của Phòng khí tài Bộ Tư lệnh Công binh ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hoà Bình, tôi mới chọn được các trạm phát điện vừa ý. Nhiều đêm ngồi đọc sách tham khảo, tôi mới tìm đủ các giải pháp thoả mãn các yêu cầu trên. Thực tế vận hành nhiều năm sau này ở K9 đã lần lượt xảy ra như các giả định ban đầu và hệ thống nguồn điện đã phục vụ tốt cho nhiệm vụ.

Tôi đã chọn các trạm phát điện di động đi-ê-zen AД 75 (75 KVA) của Liên Xô, có khả năng cơ động cao, công suất đảm bảo, dễ vận hành, tự động điều chỉnh tốc độ và công suất nên điện áp và tần số ổn định, nhược điểm của trạm là khó khởi động, nhất là buổi sáng mùa đông. Tôi không chọn máy xăng cho dễ khởi động, là vì lúc này các kho Bộ Tư lệnh Công binh không có máy xăng công suất lớn, hơn nữa về lâu dài nhiên liệu đi-ê-zen tiết kiệm hơn, dễ cung cấp hơn. Tôi bố trí mỗi hầm 2 tổ máy nằm sâu vào trong lòng đất. Tất cả ống khói được kéo dài ra ngoài hầm và qua xử lý kiểu bếp Hoàng Cầm nên khói chỉ lan toả dưới bụi cây. Ba hầm máy bố trí cách nhau theo thế chân vạc xung quanh khu vực. Ngoài các giải pháp kỹ thuật đi kèm còn có quy trình vận hành, chăm sóc máy chặt chẽ, được tập huấn cho công nhân vận hành một cách chu đáo. Các tổ máy phát điện nằm trong chế độ trực, buổi sáng đều phải được nổ máy 10 đến 20 phút, máy nóng trong tư thế sẵn sàng khởi động. Tôi còn thiết kế một trạm nạp bù ắc quy, một khu chăm sóc ắc quy bổ sung nước cất và axit.

Tính đến việc tiết kiệm máy, tiết kiệm nhiên liệu trong thời gian mùa đông nhiệt độ ngoài trời thấp, máy lạnh làm việc ít, thời gian về khuya công suất tiêu thụ nhỏ, tôi xây dựng một trạm máy phát công suất nhỏ, AД – 15 (15 KVA).

Yêu cầu không để mất điện quá một phút làm tôi lúng túng đau đầu nhất. Thiết kế một mạch tự động đóng nguồn dự phòng không có gì khó khăn đối với một kỹ sư điện. Cái khó ở đây là nguồn dự phòng do các máy đi-ê-zen đảm bảo. Làm sao trong vòng một phút máy phải nổ nhanh, ổn định công suất và điện áp để mang tải. Trong trường hợp khởi động máy một không nổ phải tự động chuyển sang máy hai hoặc máy ba. Để cho các máy đi-ê-zen nổ ngay phải có các yếu tố sau: ắc quy phải thật khoẻ, máy nóng, các kim phun nhiên liệu tốt và cả dầu đi-ê-zen phải hâm nóng… Đúng là phải có giải pháp tổng hợp vừa kỹ thuật, vừa trình độ vận hành. Phác thảo trong đầu rồi lắp ráp và thử đi thử lại nhiều lần, nhưng đều thất bại ở khâu đếm giờ, chuyển mạch. Nếu như ngày nay tìm một bộ vi xử lý có mạch đếm giờ tự động chuyển mạch không khó khăn gì, còn thời kỳ đó tôi phải lắp lấy bằng các linh kiện rời, rồi mò mẫm thí nghiệm, cuối cùng tôi cũng tìm ra mạch đạt yêu cầu.

Thiết kế và lắp đặt bảng điện ở phòng trung tâm điều khiển số 7 lại có tính chất phức tạp khác. Xung quanh phòng giữ thi hài Bác có 9 máy điều hoà thay nhau làm việc. Các máy này đều của Nhật kiểu cục bộ, tất cả bảng điều khiển đều lắp trước mặt máy. Các công nhân vận hành không được phép vào phòng đặt thi hài để điều khiển máy, cũng không thể bóc tất cả bảng điều khiển về tập trung ở phòng số 7, làm như vậy dây rợ rất phức tạp, giảm độ tin cậy làm việc của máy. Yêu cầu đặt ra là công nhân ngồi tại buồng trung tâm có thể biết được nhiệt độ, độ ẩm trong phòng thi hài, máy nào đang làm việc, cũng như nhiệt độ, độ ẩm ngoài trời để quyết định tăng giảm máy lạnh bằng cách ấn nút trên bảng điện. Ngoài ra công nhân còn theo dõi các thông số khác như: lượng nước, nhiệt độ nước làm mát v.v… Nhìn các đèn đỏ, đèn xanh nhấp nháy và tiếng kêu sè sè của đồng hồ tự ghi làm việc, các chuyên gia y tế Liên Xô chăm chú theo dõi, ngạc nhiên, nhưng rất tin tưởng. Để có một bảng điều khiển như vậy, ngày nay chắc khó ai tưởng tượng nổi, các đèn đỏ đèn xanh đều dùng bóng đèn pin sơn xanh đỏ, làm việc được một thời gian sơn bong hết, lại phải sơn lại hoặc thay thế, tôi cũng đã tìm cách hạ điện áp cấp để kéo dài tuổi thọ bóng đèn pin. Thành công này có sự giúp đỡ to lớn của anh Chiêu, anh Bá và sự sáng ý của các công nhân Trung đoàn Công binh 259; sự giúp đỡ của Nhà máy Y cụ Hà Nội và Xưởng X49 Bộ Tư lệnh Công binh. Họ sẵn sàng tháo từng cái nút bấm, công tắc của máy công cụ để phục vụ công trình bảo quản giữ gìn thi hài Bác làm tôi rất cảm động.

Công trường bước sang giai đoạn gấp rút hoàn thiện để đón Bác lên. Công nhân chuyển sang làm 3 ca liên tục, còn nhiều hạng mục dang dở. Chúng tôi liên tục bám công trường để xử lý kịp thời các vướng mắc, chỉ tranh thủ ngủ khi nào quá mệt. Ai nấy đều gầy rộc, đen sạm, đến như đồng chí Cao Đàm mọi người quen gọi là “Đàm sữa”, vì da anh trắng như thư sinh, giờ cũng mai mái đen, nhưng không ai bị ốm.

Chúng tôi đã làm việc như vậy ở nhiều công trình, chưa một ai được biểu dương khen thưởng, ngay cả trong các cuộc giao ban, mọi người coi đó là chuyện bình thường. Lúc nào cũng được giáo dục tinh thần trách nhiệm, niềm vinh dự lớn lao được thay mặt Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhận những công trình cơ mật quốc gia. Ở đây, ai cũng quá quen phong cách làm việc của Phó Tư lệnh Trần Bá Đặng. Ông đã đi khắp các công trình mật. Ông là con người của công việc. Phó Tư lệnh thường gọi vui chúng tôi là ông “vua” của các ngành: xây dựng, điều hoà, điện nước.

Một buổi sáng chủ nhật, cả công trường nghỉ, chúng tôi được Phó Tư lệnh quan tâm đặc biệt cho theo xe ông về Hà Nội thăm vợ con. Ai cũng rất vui mừng vì đã lâu không được về thăm nhà. Mọi người lễ mễ xách theo lương khô, suất bồi dưỡng ca đêm giành làm quà cho con. Xe qua thị xã Sơn Tây được mấy cây số, đang chạy bon bon, bỗng một chiếc Uoát từ phía Hà Nội lên dừng lại ven đường vẫy chúng tôi. Phó Tư lệnh và anh Quyển bước xuống xe, một vị tướng bệ vệ, trán hói bước ra. Lần đầu tiên tôi trông thấy Tướng Phùng Thế Tài. Ngay sau đó, xe chúng tôi chở Thủ trưởng Tài, Phó Tư lệnh và anh Quyển quay lại công trường, không giải thích, động viên. Tất cả chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng, ai cũng buồn, có lẽ do thói quen phục tùng của người lính nên không ai kêu ca gì.

Những ngày lao động hết mình, bao nhiêu công sức của cả đơn vị, bao mong đợi bấy lâu đã được đền bù. Đêm đón thi hài Bác lên đã tới. Từ chập tối tất cả các đèn quanh công trình đã bật sáng. Từ ngoài cổng dưới chân đồi con đường dẫn lên đỉnh đồi, những ngọn đèn cao áp hai bên đều bật sáng tạo thành một vệt sáng trắng lượn vòng quanh chân đồi lên đến đỉnh trông rất huyền ảo. Chúng tôi tất cả vào vị trí trực của mình sẵn sàng đảm bảo thiết bị hoạt động để đón Bác.

Phó Tư lệnh Trần Bá Đặng hạ lệnh cho tôi thử các phương án mất điện. Ông cầm đồng hồ bấm giây theo dõi, đứng cạnh ông là đồng chí Lê Quang Đạo. Tôi ấn nút tắt điện lưới quốc gia, chưa đầy mấy giây sau máy đi-ê-zen số một hoà mạng. Chạy được một lúc giả định sự cố, mấy giây sau máy hai hoà mạng, tiếp đó có điện lưới quốc gia, tự động đóng nguồn trở lại . “Thật tuyệt vời – Phó Tư lệnh khen – chính xác đến mức người ta chưa cảm nhận được mất điện”. Gần sáng đoàn xe đưa thi hài Bác đến công trình.

Để thiết kế hệ thống chiếu sáng phục vụ thăm viếng, tôi đã về Hà Nội trèo lên trần sân khấu Hội trường Ba Đình xem xét hệ thống chiếu sáng đã phục vụ lễ tang Bác trước đó rồi đến Xưởng Phim truyện I ở Thụy Khuê xem cách họ chiếu sáng diễn viên để quay phim, mua đèn và phụ kiện của họ. Phòng đặt quan tài kính của Bác ở K9 thấp và nhỏ nên không thể dùng phương án chiếu sáng ở Hội trường Ba Đình. Tôi thiết kế các giá lắp đèn, thiết bị điều chỉnh nhỏ gọn hơn, gắn lên tường, chiếu từ xa. Tất cả đèn và giá đều được mạ crôm bóng loáng phù hợp với yêu cầu y tế. Mọi việc đã xong, nhưng không có điều kiện chiếu thử trên mô hình để xác định góc chiếu và màu sắc, tôi rất lo lắng vì thời gian hiệu chỉnh trên thi hài Bác chỉ được phép 15 phút. Biết được lo lắng của tôi, Phó Tư lệnh Trần Bá Đặng đã báo cáo Thủ trưởng Tài, người phụ trách trực tiếp đón các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị lần đầu tiên lên viếng Bác nhân Ngày sinh của Người (19- 5). Thật bất ngờ, ông cho phép tôi thử trực tiếp trên người ông. Thấy tôi băn khoăn quá, ông hỏi:

– Còn đắn đo gì nữa ?

– Thưa, nếu chiếu trực tiếp lên người thủ trưởng không có hòm kính sẽ rất nóng, các đèn có công suất lớn đến 1.000W- Tôi đành thú thật.

– Có nóng bằng đèn chiếu lên đầu Nguyễn Đức Thuận không? – Ông cười hỏi tôi.

– Dạ ! Chắc không đến, vì các đèn để xa từ 2m trở lên – Tôi giải thích.

– Thế thì chuẩn bị, mai thử, sau đó lắp thật sáng, ngày kia các anh ấy lên viếng Bác rồi. Cậu chỉ được phép làm tốt như hồi tang lễ, sẽ có thưởng! – Ông vỗ vai tôi.

Hôm sau, ông nằm trên phản hai tay đặt trên bụng như tư thế Bác vẫn nằm. Tôi bật đèn, những luồng sáng mạnh hắt lên khuôn mặt của ông. Tôi nhanh tay hiệu chỉnh góc nghiêng, tiêu cự. Mới được mấy phút mà mồ hôi trên trán ông chảy ròng ròng xuống phản. Tôi luống cuống. Đang giữa hè, nơi thử không có quạt. Thế mà nét mặt ông vẫn bình thản chịu đựng. Tôi nhanh tay hiệu chỉnh lần nữa. Mọi người đứng ở phía sau thấy rất đạt tiêu chuẩn. Tôi tắt đèn. Ông bật dậy. Lập tức, người đưa khăn ướt, người dùng tấm bìa quạt mát cho ông.

– Các cậu thấy thế nào ?- Ông hỏi mọi người.

– Đẹp lắm thủ trưởng ạ !

Tôi chuẩn bị thu dọn, bỗng ông lại nằm lên phản và nói: thử lần nữa cho chắc, các cậu xem kỹ đi, cậu Thành nhớ mai mà chiếu cho Bác.

Tôi bật đèn, hiệu chỉnh lại tiêu cự cho tia sáng tập trung hơn vào khuôn mặt, mọi người nhất trí.

Nhìn ông đi ra cùng mọi người, áo phía sau tấm lưng to ướt đẫm, trên trán vẫn còn nhiều giọt mồ hôi, tôi ái ngại, thấy thương và cảm phục ông.

Tối hôm đó tôi được gọi lên phòng đặt thi hài Bác, các Thủ trưởng đã có mặt ở đó đông đủ, có vài chuyên gia y tế Liên Xô. Tôi chỉ được phép 15 phút để hiệu chỉnh ánh sáng trên thi hài Bác để hội đồng duyệt.

Đứng sau quan tài kính ngắm Bác một lúc lâu, tôi mới bắt tay hiệu chỉnh. Tôi sung sướng vô cùng được ngắm Bác thoả thích như đứa cháu nhỏ lâu ngày về thăm ông. Tôi nhớ lại những lần gặp Bác trước đây. Hồi ở Vai Cày -Thái Nguyên, công binh chúng tôi xây dựng khu nhà tạm để Trung ương ở trước khi về tiếp quản Thủ đô, chiều chiều tôi ra ngồi xem Bác đánh bóng chuyền cùng các đồng chí cảnh vệ, ngày ấy Bác gầy và đen hơn. Lần thứ hai là ngày tôi đứng giới thiệu gian trưng bày bom mìn trong triển lãm sáng kiến toàn quân tại phố Lý Nam Đế. Một hôm Bác đến thăm, Người mặc bộ bà ba lụa nâu, chân đi dép lốp, chăm chú nghe tôi giới thiệu. Khi ra ngoài sân tôi đẩy xe cút kít giới thiệu sáng kiến rải mìn bằng xe thô sơ, Người cười và nói: “Người ta sắp lên mặt trăng rồi, các chú còn đi bằng xe cút kít”. Mọi người cười vui vẻ.

Lần này, thấy Bác nằm thanh thản như đang ngủ, vẫn vầng trán cao vời vợi, chòm râu trắng. Tôi tự nhủ phải chỉnh ánh sáng sao cho mọi người đều cảm nhận rằng: Bác như đang ngủ. Bác thật vĩ đại mà gần gũi, giản dị.

Đại tá Nguyễn Trung Thành
Nguyên Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement