Tôi nhớ như in một buổi chiều thu năm 1968 tại khu sơ tán ở Hà Tây, anh Tạ Xuân Mẫn, Trưởng ban Thiết kế Phòng công trình Bộ Tư lệnh Công binh báo cho biết: “Về ngay Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới”. Nhận thông báo như vậy, tâm trạng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được trên tin tưởng giao nhiệm vụ. Lo là nhiệm vụ mới, môi trường công tác mới, xa anh em, đơn vị, liệu mình có đảm đương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?
Tổ công tác gồm 4 người: Đồng chí Nguyễn Trọng Quyển phụ trách chung và 3 chúng tôi là: anh Phạm Hoàng Vân – Kỹ sư điện, anh Nguyễn Lam Sinh – Kỹ sư xây dựng và tôi – Kỹ sư công trình thiết kế phần điều hoà thông gió.
Công việc đầu tiên của chúng tôi là đến ngay Viện Quân y 108 để cùng thảo luận và làm việc với Tổ y tế đặc biệt do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền phụ trách.
Nhiệm vụ đòi hỏi chúng tôi phải cải tạo khu phẫu thuật của Bệnh viện thành một khu thí nghiệm đặc biệt có phiên hiệu 75A, mà buồng chính phải đảm bảo được các điều kiện sau:
– Nhiệt độ: 160C ± 0,20C;
– Độ ẩm: 75% ± 5%;
– Không được có gió lùa;
– Phải vô trùng tuyệt đối;
– Thời gian hoàn thành càng nhanh càng tốt và phải tuyệt đối giữ bí mật.
Việc đầu tiên là tìm kiếm thiết bị vật tư có ở Việt Nam, sau đó lập phương án thiết kế cho từng buồng, từng công trình. Để nắm chắc các thông số kỹ thuật của máy điều hoà, chúng tôi đã phải làm thí nghiệm liên tục 24/24 giờ. Tôi cùng đồng chí Phạm An Đông, Lê Trần Đống thay nhau theo dõi. Sau đó, chúng tôi về buồng số 1 tại khu giải phẫu của bệnh viện tiếp tục nghiên cứu thí nghiệm.
Công việc hết sức gian nan! Gian nan một cách thầm lặng, đòi hỏi phải kiên nhẫn, một sự kiên nhẫn tột cùng. Ở khu giải phẫu này, ngày cũng như đêm, hết sức tĩnh lặng. Đêm nghe tiếng dế, tiếng côn trùng kêu át cả tiếng máy chạy. Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, tôi và đồng chí Vân mới tìm ra được cách đấu lại hệ thống điện trong máy để đáp ứng yêu cầu hạ nhiệt của máy.
Để giải quyết việc đọng sương, chúng tôi đã dùng tấm nhựa cách điện “bakêlít” ốp trên trần, việc này đồng thời đảm bảo được cả yêu cầu vô trùng. Bây giờ nghĩ lại tôi càng thấm thía câu thành ngữ: “Cái khó ló cái khôn”.
Khó khăn nhất là công việc đảm bảo độ ẩm của buồng chính, nơi giữ thi hài theo yêu cầu của y tế. Công việc đó được thực hiện vào thời điểm của 37 năm về trước, khi máy móc còn rất thiếu thốn và thô sơ, hơn nữa trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, khó khăn bộn bề. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra cách dùng lượng gió nóng của máy WPH-105 hoà trộn với lượng gió lạnh của máy UC-26. Việc thử nghiệm đã cho kết quả tốt.
Công trình 75B là công trình phục vụ Lễ Quốc tang tại Hội trường Ba Đình. Công trình này tuy nhỏ nhưng hết sức khó khăn về mặt kỹ thuật. Tôi đã phải túc trực thường xuyên bên máy để điều chỉnh. Có lúc hơi focmol và hoá chất lọt ra ngoài làm mắt cay xè. Để đảm bảo công việc, tôi đã nhiều đêm thức trắng. Có lúc buồn ngủ quá, tôi phải đổ nước lạnh lên đầu cho tỉnh táo để tiếp tục làm việc. Tôi đã có một kỷ niệm nhỏ không thể quên trong những ngày này. Đó là buổi họp của Ban lễ tang để kiểm tra các công tác chuẩn bị. Vừa nghe Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài nói được 5 phút, tôi đã gục xuống ngủ không hay biết gì. Các đồng chí xung quanh thấy vậy nhưng biết chúng tôi đã phải thức đêm liên tục nên không đánh thức, để tôi được chợp mắt trong chốc lát. Thủ trưởng Tài cũng biết nhưng ông đã rộng lượng tha thứ.
Thực tế khách quan lại đưa đến một khó khăn mới buộc chúng tôi phải suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Đó là tại Hội trường Ba Đình lúc đó chưa có máy điều hoà nhiệt độ, chỉ có quạt thông gió đơn thuần. Nhiệt, ẩm do dòng người vào viếng Bác toả ra, cộng với nhiệt do đèn chiếu sáng để quay phim, chụp ảnh v..v… ảnh hưởng đến nhiệt độ của quan tài kính và gây ra hiện tượng đọng sương. Qua nhiều ngày đêm thí nghiệm, nghiên cứu quên cả ăn, ngủ, chúng tôi đã tìm được cách khắc phục là dùng tốc độ gió của quạt bàn, cộng với lượng gió lạnh thổi xung quanh quan tài kính để giải quyết.
Đáp lại niềm tin của Đảng, Chính phủ, của nhân dân và quân đội, chúng tôi đã làm việc suốt ngày đêm, chạy đua với thời gian, bảo đảm tiến độ và chất lượng tốt nhất. Cuối tháng 8 năm 1969, đoàn cán bộ y tế Liên Xô và Ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác kiểm tra công trình 75A, 75B đã kết luận có đủ điều kiện để tiến hành công tác giữ gìn thi hài Bác giai đoạn đầu phục vụ lễ viếng, lễ tang Bác.
Trong những ngày tổ chức Lễ Quốc tang tại Hội trường Ba Đình, cả nhóm chúng tôi và các Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh luôn có mặt, không ai rời vị trí công việc của mình một phút. Lễ viếng Bác sang ngày thứ 3, đồng chí Nguyễn Lương Bằng- Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương hỏi chúng tôi: “Liệu có đảm bảo thêm thời gian để nhân dân vào viếng Bác không?” Chúng tôi rất tự tin thưa: “Về kỹ thuật, chúng tôi hoàn toàn bảo đảm, kéo dài bao lâu cũng được”.
Tiếp theo là việc cải tạo công trình K9 (sau này đổi tên là K84), công trình bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác trong những năm chiến tranh gồm 2 khu: khu mặt đất và khu ngầm để tránh bom đạn của địch. Công trình phải được hoàn thành trong 3 tháng. Điều kiện thi công rất khó khăn, không có điện lưới, không đủ nước cung cấp cho thiết bị điều hoà. Ngoài ra còn phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt, không được dùng thuốc nổ và máy thi công lớn để đảm bảo bí mật.
Các bộ phận thiết kế, điện, nước, điều hoà, cơ khí, xây dựng làm việc liên tục suốt ngày đêm. Chúng tôi đều hiểu rõ đây là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa lịch sử lớn lao, vì thế mọi người đều hết sức cố gắng, cùng chung ý chí, cùng thương yêu, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngày 15/12/1969, công trình K9 hoàn thành, vượt trước thời gian quy định 10 ngày và được đổi thành K84. Sáng sớm ngày 24 tháng 12 năm năm đó, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển lên K84 để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn lâu dài trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Năm 1972, Tổng thống Ních Xơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Bom Mỹ bắn phá ác liệt nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng. Mặc dù K84 ở xa Hà Nội nhưng lại nằm trong phạm vi đường bay của máy bay Mỹ. Đề phòng khi bị đánh trả quyết liệt, máy bay Mỹ sẽ ném bom bừa bãi để tháo chạy. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác đến một nơi khác an toàn hơn, trước ngày 15 tháng 7 năm 1972. Chúng tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ xây dựng công trình này. Tôi cùng đồng chí Phạm Hoàng Vân, Hoàng Quang Bá được lệnh lên khảo sát thiết kế thi công tại chỗ. Chúng tôi đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành công việc trong 20 ngày. Địa điểm là nơi rừng núi, hang sâu ẩm ướt, vắt muỗi nhiều vô kể. Đường lên khó khăn, điện nước không có, ăn uống vô cùng thiếu thốn. Nhưng khó khăn không làm nhụt được tinh thần và ý chí của chúng tôi. Với tấm lòng kính yêu vô hạn và biết ơn đối với Bác, được sự chỉ đạo của Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, công trình đã hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo chất lượng. Hơn một tuần sau khi hoàn thành công trình, thi hài Bác kính yêu đã được đưa về giữ gìn tại đây.
Hơn một phần ba thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại những suy nghĩ, tình cảm, những đêm thức trắng, cùng đồng chí, đồng đội miệt mài nghiên cứu, thiết kế, những khó khăn vất vả phải vượt qua … tôi vô cùng xúc động. Đó là những năm tháng không thể nào quên. Những năm tháng “khó khăn nào cũng vượt qua” để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà Đảng và nhân dân giao cho.
Bộ phận kỹ thuật chúng tôi kết hợp với bộ phận y tế đã cùng nhau giữ gìn nguyên vẹn thi hài Bác đến khi đón Bác về Lăng. Chúng tôi rất xúc động khi được nghe Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia y tế Liên Xô và Việt Nam sau khi kiểm tra đã kết luận: Ở một nước khí hậu nhiệt đới, lại phải di chuyển xa, nhưng hình dáng Người vẫn nguyên vẹn như khi Người còn sống và có đủ điều kiện để giữ gìn lâu dài.
Viết lại những dòng kỷ niệm ngắn ngủi này, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng: Ở Thế kỷ XX, trong những năm tháng chiến tranh gian khổ của đất nước, cán bộ, chiến sĩ kỹ thuật Công binh đã thầm lặng xây dựng những công trình tuyệt mật, nơi Bác Hồ yên nghỉ trong những năm chiến tranh, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Bác kính yêu.
Đại tá Bùi Danh Chiêu
Nguyên cán bộ Phòng Công trình – Bộ Tư lệnh Công binh