Sau thất bại thảm hại trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương trên miền Bắc cuối năm 1972, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom toàn miền Bắc và chấp nhận trở lại hội nghị ở Pa-ri. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” được ký chính thức giữa các bên, đồng thời cũng chấm dứt vai trò của quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường miền Nam. Tuy vậy, chúng vẫn không từ bỏ âm mưu chiếm đóng lâu dài miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng viện trợ, gấp rút củng cố ngụy quân, ngụy quyền miền Nam trong quỹ đạo của đế quốc Mỹ. Được Mỹ tiếp sức, quân ngụy ra sức phá hoại Hiệp định Pa-ri, liên tiếp mở những cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Cuộc chiến ở miền Nam vẫn diễn ra rất ác liệt.
“…Việt Nam trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó, nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời…Ta còn đến nơi đâu còn giặc, ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên…”. Lời bài hát cứ vang mãi, vang mãi, thôi thúc trong tim chúng tôi, những người lính trẻ nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tiếp bước cha anh cầm súng đi đánh giặc.
Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 144 – Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị đóng quân gần sân bay Gia Lâm, Hà Nội, một số chiến sĩ mới của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Thái và huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình được tuyển chọn đi làm “nhiệm vụ đặc biệt”. Điểm tập kết đầu tiên là ở Nhổn thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đến đây chúng tôi được biết còn có cả những anh lính mới “tò te” của các Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 144 thuộc các địa phương khác như: huyện Yên Lập, huyện Thanh Sơn tỉnh Vĩnh Phú; huyện Định Hoá, huyện Phú Lương tỉnh Bắc thái.
Sau 1 tuần học tập về tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, đơn vị lại tiếp tục tuyển chọn trong số khoảng gần 900 chiến sĩ mới. Phụ trách tuyển chọn là đồng chí Trung tá Đỗ Hải – Chính uỷ Trung đoàn 144 và một số đồng chí cán bộ. Tiêu chuẩn đầu tiên là chiều cao. Những ai không đủ 1m65 trở lên là bị loại; ngoại hình phải cân đối; quân dung sáng sủa; toàn thân, nhất là các vùng ở mặt, đầu, cổ, chân tay không có khuyết tật, dị tật và không nói lắp. Mặc dù được giữ bí mật và không được thông báo, nhưng chúng tôi cũng nghe phong phanh là được tuyển chọn đi đào tạo làm nhiệm vụ bảo vệ Lăng Bác Hồ, nên ai cũng cũng háo hức, chờ đợi và ước ao mình được trúng tuyển.
Sau lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12 năm 1974, chúng tôi được lệnh hành quân lên trường huấn luyện.
Trung tâm huấn luyện thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú. Doanh trại nằm giữa những quả đồi với bạt ngàn cây sơn, một loại cây đã gắn liền với câu tục ngữ “Sơn ăn tuỳ mặt, ma bắt tuỳ người”. Đón chúng tôi là những đồng chí chuẩn uý, hạ sĩ, trung sĩ mới toe nhưng với một thân hình rắn chắc, đen sạm nắng gió và với những cái tên đầy ấn tượng: Nào là “Mỹ ục”, “Sơn lắp”, “Ba Gãi”… Đây là những cán bộ vừa tốt nghiệp lớp đào tạo hạ sỹ quan chỉ huy và sẽ là trung đội trưởng, tiểu đội trưởng làm nhiệm vụ huấn luyện. Chúng tôi được biên chế thành 3 trung đội. Tôi thuộc Tiểu đội 6, Trung đội 2. Toàn đại đội được trang bị súng trường CKC với lưỡi lê sáng quắc. Mỗi người được cấp thêm một đôi giày da của Liên Xô (giày Kô-sư-ghin) và một bộ quân phục mới. Sau 2 ngày làm công tác chuẩn bị, lễ khai giảng khoá huấn luyện diễn ra ngắn gọn nhưng thật trang trọng. Trên lễ đài là các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 144, đại diện của Bộ Tổng Tham mưu, Cục Bảo vệ Quân đội. Toàn đại đội đứng nghiêm như nuốt lấy từng lời của đồng chí Trung đoàn trưởng Vũ Ngạch. Đồng chí nói: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại, thể theo ý nguyện rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là đồng bào miền Nam, Đảng và Nhà nước đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Ngày 2 tháng 9 năm 1973, Lăng Bác đã được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hiện nay công trình xây dựng Lăng Bác đang được thi công rất khẩn trương, các đồng chí có một vinh dự là được tuyển chọn để huấn luyện làm nhiệm vụ đặc biệt, đó là nhiệm vụ bảo vệ Lăng Bác. Vinh dự cho bản thân, cho gia đình, quê hương, vinh dự to lớn nhưng trách nhiệm cũng hết sức nặng nề, các đồng chí phải ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyên để trở thành những chiến sĩ cận vệ ưu tú đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng canh giữ giấc ngủ của Người. Quân đội ta đã có các Trường 200, Trường 300, Trường 400…và hôm nay Trường 100 được thành lập để đào tạo những chiến sĩ cận vệ trung thành”. Trong không khí trang nghiêm, đại đội trưởng của chúng tôi đã lên đọc lời tuyên thệ và tất cả hô vang lời thề danh dự nguyện học tập và tu dưỡng rèn luyện thật tốt, nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Bảo vệ Lăng Bác, là một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ. Trên cơ sở tham khảo, nghiên cứu những kinh nghiệm của Lăng Lê-nin, Ban Chỉ đạo huấn luyện đã xây dựng một chương trình đào tạo rất cơ bản, phù hợp với thực tế của Việt Nam. Trong các nội dung tập luyện có lẽ môn tập tiêu binh đứng nghiêm là vất vả nhất, nó đòi hỏi cả sức khoẻ và cả ý chí quyết tâm. Mỗi tuần chúng tôi có hai buổi tập đứng nghiêm, bắt đầu là đứng nghiêm 30 phút, sau nâng dần lên 45 phút, 1 giờ, 2 giờ, 4 giờ và kỷ lục đứng nghiêm của chúng tôi là 5 giờ. Trước buổi tập, chúng tôi được phép khởi động và làm mọi công tác chuẩn bị, vệ sinh cá nhân và vào vị trí chữ T đứng nghiêm. Sau khi kiểm tra tư thế động tác thật chuẩn “đầu ngay, cổ thẳng, miệng ngậm, cằm thu, ngực nở, bụng thót, quân dung tươi tỉnh, mắt hạn chế chớp” là khẩu lệnh “Nghiêm, bắt đầu”, 20 phút đầu thật đơn giản. Sau những buổi tập võ thuật, tập vác súng, đi đều, đi nghiêm, giương lê, gập lê, thì đứng nghiêm thế này thật nhàn hạ như là được nghỉ ngơi, mới đầu ai cũng nghĩ như vậy, nhưng sau 30 phút trở đi, đứng nghiêm là cả một sự thử thách gian nan chỉ có những ai đã từng đứng nghiêm mới cảm nhận được. Để rèn luyện ý chí và quyết tâm, đại đội quy định trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được rời vị trí khi chưa hết thời gian của buổi tập. Thế là từ khoảng hơn 1 giờ trở đi thỉnh thoảng lại nghe tiếng rơi khô khốc của khẩu súng trường và tiếng đổ vật của thân thể người bị ngã, chúng tôi gọi là bị “đổ ”. Một tổ quân y luôn túc trực để sẵn sàng cấp cứu. Để có được sức khoẻ thực hiện các bài huấn luyện, vấn đề rèn luyện thể lực được đại đội quan tâm. Môn rèn luyện thường xuyên của chúng tôi là chạy dài, sáng nào cũng vậy, sau tiếng còi báo thức là chạy dài 30 km.
Tháng Tám – mùa thu lịch sử, những ngày ấy, khắp nơi trên mọi miền đất nước đều hướng về Quảng trường Ba Đình. Ai cũng mong chờ Lăng Bác được khánh thành. Ngày 20 tháng 8 năm 1975, chúng tôi được lệnh hành quân về Hà Nội. Trước đó đã có 2 lần về Ba Đình để tập làm quen với địa hình thực tế. Ngồi trên xe “Páp”, chúng tôi hát đến khản cả giọng những khúc quân hành và bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tập kết tại Ba Đình, Đại đội 100 được chia thành 3 đội: Tiêu binh danh dự, Cảnh vệ đặc biệt và Cảnh vệ vũ trang, tôi được biên chế về đội Tiêu binh danh dự. Từ đây kết thúc C100 – trường đào tạo đầu tiên của tôi trong đời binh nghiệp.
Phiên gác tiêu binh đầu tiên tại Lăng Bác thật nhiều cảm xúc, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in buổi sáng mùa thu năm ấy. Tôi được đảm nhiệm đứng tiêu binh số 2 túc trực bên thi hài Bác, số 1 là Hà Văn Tặng, số 3 là Bùi Thanh Vững quê ở Kim Bôi – Hoà Bình (nay đã xuất ngũ) và số 4 là Nguyễn Trọng Nghĩa (nay là Đội trưởng Đội di tích – Đoàn 285). Phòng Bác nằm có cảm giác thật ấm cúng và yên tĩnh. Bác đang yên nghỉ. Phía trên đầu Bác nằm có 2 lá cờ – cờ Đảng và cờ Tổ quốc được ghép bởi hơn 4.000 miếng đá hồng ngọc. Búa liềm và ngôi sao năm cánh ghép bằng đá cẩm vân sáng vàng. Sau lễ viếng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước là lễ viếng của các đơn vị quân đội, công an, dân quân, tự vệ tham gia lễ duyệt binh được phép ưu tiên vào viếng Bác trước để sẵn sàng làm nhiệm vụ trong ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9.
Thấm thoắt đã hơn 30 năm kể từ ngày những người chiến sĩ cận vệ qua trường C100 đứng gác phiên đầu tiên ấy. Trong số họ có những người đã trưởng thành là những sỹ quan cao cấp trong quân đội, có người đã xuất ngũ và trở thành bác sĩ, giáo viên, luật sư, doanh nhân; có người đã trở về với cuộc sống của người dân bình thường. Nhưng ở đâu, với cương vị nào, họ vẫn xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của Đảng, quân đội và nhân dân đã dành cho “Bộ đội Lăng Bác Hồ”. Riêng với tôi, sau này còn nhiều những lần vào học ở các nhà trường trong quân đội, nhưng trường C100 vẫn là một kỷ niệm sâu sắc trong đời người lính mà tôi không bao giờ quên.
Đại tá Nguyễn Phúc Trị
Phó Tham mưu trưởng – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh