Tôi đã có mặt trong buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử đã từng được phục vụ Bác Hồ và Trung ương tại Đá Chông. Tháng 5, tuy cái nắng hè oi ả nhưng thời tiết ở nơi đây thật là dễ chịu với bao cảm xúc. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, hôm nay người còn, người mất nhưng trong tiềm thức của mỗi nhân chứng lịch sử đều gợi nên những kỷ niệm sâu sắc, tình cảm kính yêu Bác vô hạn. Xin được ghi lại một vài kỷ niệm của các bác, các anh, những thế hệ đi trước đã vinh dự được phục vụ Bác và Trung ương tại Đá Chông.
Sau những cái bắt tay thân thiết, là những câu chuyện cảm động, hỏi thăm sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình của nhau, mọi người chậm bước hướng vào ngôi nhà nơi Bác đã từng sống và làm việc để làm lễ dâng hương tưởng niệm Người. Biết bao những kỷ niệm đầy ắp cứ trào dâng trong lòng. Những hiện vật một thời từng gắn liền với Bác; những nơi Bác và các đồng chí Trung ương đã từng làm việc, nghỉ ngơi, tiếp khách, những cuộc họp quan trọng bàn quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước trong những năm chiến tranh. Các ông lần giở cuốn sổ vàng ghi lưu niệm của khách tới tham quan, có nhiều đoàn, nhiều người viết rất cảm động. Đây là lời ghi cảm tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhiều năm được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ: “Ngày 1 tháng 1 năm 1998 lên thăm Khu di tích K9, cũng thường gọi là khu Đá Chông, nhìn lại bức tượng khá giống Bác, ngồi lại cái bàn trước đây Bác đã họp cùng các anh trong Bộ Chính trị, càng nhớ Bác vô cùng, cảm thấy như ngày nào lên đây làm việc với Bác”. Đọc xong những dòng lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mọi người nhìn nhau lặng đi trong giây lát, cùng chung một cảm xúc: Tuy Bác đã đi xa nhưng ngôi nhà, chiếc bàn, chiếc ghế làm việc, chiếc giường như còn ấm hơi Người, ngày nào còn được phục vụ bên Bác, được Bác ân cần chỉ bảo, thế mà đã thấm thoát một phần hai thế kỷ. Ông Nguyễn Văn Rự – 86 tuổi, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Hành chính tỉnh Sơn Tây những năm 1957 đến năm 1959, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng còn minh mẫn; ông chậm rãi kể lại: “Tháng 2 năm 1958, tôi cùng với ông Phương – Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh vinh dự được đón Bác lên thăm khu vực đồn điền cà phê cũ (công trường 5 sau này). Hôm đó, Bác và đoàn công tác nghỉ ăn trưa tại đây. Buổi chiều Bác nói chuyện với gần 500 cán bộ chủ chốt của tỉnh ở thị xã Sơn Tây. Sau này Bác Hồ và Trung ương quyết định chọn nơi đây làm căn cứ, tôi lại vinh dự được cử tham gia Ban chỉ huy công trường, đồng thời tham gia Đảng uỷ công trường. Ông say sưa kể tiếp: “Thú thực lúc đó tôi vừa mừng vừa lo, mừng rỡ cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, một nhiệm vụ rất quan trọng, rồi đây trên quê hương mình có Bác Hồ, có các đồng chí Trung ương ở và làm việc, không mừng sao được”, nét mặt ông rạng lên: “Nhưng cũng rất lo vì nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu khẩn trương, công trình phải đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Vì vậy tôi phải luôn bám sát công trình. Mấy lần được đi cùng Bác lên thăm và kiểm tra, còn lại tôi thường dùng chiếc xe máy cơ động lúc ở Sơn Tây, lúc ở Công trường 5”.
Nghe ông Rự nói, tôi chợt nhớ đến ông Vũ Kỳ – Thư ký riêng của Bác những năm trước đây đã kể lại: “Vào một ngày tháng 5 năm 1957, khi Bác đến thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 diễn tập ở thượng nguồn Sông Đà, Bác nghỉ ăn cơm nắm cùng các đồng chí bên cạnh “Ba ngọn núi” Đá Chông, chỗ đó đất phẳng, có một cây phượng vĩ, sau đó Người nằm nghỉ một lát ngay dưới gốc cây”. Bác Hồ đến Đá Chông không chỉ một lần, nhưng buổi trưa tháng 5 năm 1957 đó, cũng theo ông Kỳ: Người đã đứng ở vị trí “3 ngọn núi” Đá Chông nhìn Sông Đà trước mặt, thấy nơi đây sơn thuỷ hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân, xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã tính đến việc lập một căn cứ, khi cần thiết có thể đưa Bộ tham mưu của cách mạng đến đây để tiếp tục chỉ đạo cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù.
Theo ý kiến của Bác, khu vực Đá Chông được xây dựng gồm nơi làm việc của Trung ương, nơi nghỉ ngơi và khu vực dành cho lực lượng phục vụ. Ngay sau đó, Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ xây dựng một số ngôi nhà cấp 4. Đến tháng 5 năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Trung ương đã chỉ đạo các lực lượng của quân đội và địa phương khẩn trương xây dựng các công trình của khu căn cứ. Sau khi hoàn thành, khu căn cứ mang mật danh K9.
Kể về những ngày đầu xây dựng khu căn cứ, ông Cù Văn Chước – nguyên Trưởng phòng Văn thư Văn phòng Chủ tịch nước, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, là người vinh dự được phục vụ Bác Hồ nhiều năm chậm rãi tâm sự: “Trong thời gian xây dựng khu nhà này, Bác Hồ đã lên kiểm tra 3 lần. Ngôi nhà chính được xây dựng mô phỏng theo kiểu nhà sàn và chính Bác là người cắm cọc nhắm huớng cho ngôi nhà. Để giữ bí mật, khi xây dựng, cây trong khu vực không được phép tuỳ tiện chặt phá. Nhiều cây lâu năm cạnh nhà sàn (ngôi nhà 2 tầng) đến nay vẫn còn: cây gạo, cây vải, cây long não, bồ hòn, cà phê….Nhiều cây được trồng thêm sau này như: cây hoa lan, cây bạch quế… trồng ở đây vừa thêm bóng mát lại có hương thơm bảo vệ cho môi trường. Cây vú sữa miền Nam trồng trong vườn Bác cũng được chiết cành đem trồng trên công trường 5 và một số nơi nghỉ khác như: Nhà nghỉ Hồ Tây, khu vườn ươm trong Phủ Chủ tịch…”.
Ông Lê Văn Năm, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Trung đoàn 600 đã từng làm nhiệm vụ bảo vệ khu Đá Chông từ năm 1960 đã bồi hồi nhớ lại: trong đời quân ngũ của ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, nhưng lần đầu tiên được gặp Bác là sâu sắc nhất mà đến nay, buổi gặp đó vẫn in đậm trong tâm trí của ông. Đó là sáng ngày 28 tháng 1 năm 1960 (tức ngày mồng 1 Tết Canh tý) Bác Hồ lên Đá Chông (Công trường 5) thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân làm việc trên công trường. Biết một số anh em công nhân là người miền Nam rất nhớ nhà, Bác căn dặn: “Các cô, các chú nhớ miền Nam thì phải làm việc bằng hai để xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc”. Kế đó Bác đến chúc Tết hai gia đình cụ Tô, cụ Cẩm ở chân đồi. Bác mặc bộ quần áo nâu, đội mũ len, đi đôi dép cao su đen. Khi Bác đến gần mọi người đều ngạc nhiên, vui mừng và luống cuống. Cụ Tô, cụ Cẩm chắp tay và nói: “Lạy cụ, lạy cụ”. Bác tươi cười giơ tay vẫy và nói: “Các cụ đừng làm thế. Nhân dịp năm mới chúc các cụ, các chú mạnh khỏe, ăn tết vui vẻ và tiến bộ”. Sau đó Bác chúc Tết và chia quà cho mọi người. Tất cả mọi người vỗ tay và cảm ơn Bác. Bác chào và đi lên nhà sàn.
Còn nhiều câu chuyện khác hết sức cảm động, đó là vào các dịp lễ, tết, và kỷ niệm ngày sinh của Bác, Người không muốn tổ chức chúc tụng nhiều và Người đã chủ động bố trí những chuyến đi công tác xa. Đá Chông là địa điểm được Người đến nhiều nhất.
Mỗi người bổ sung thêm một câu chuyện, một kỷ niệm với Bác, tưởng chừng như không dứt. Các ông đứng lặng người ngắm nhìn ngôi nhà, mọi đồ vật vẫn nguyên vẹn như xưa, đây là nơi tiếp khách, là phòng họp của Bộ Chính trị, có kê một dãy bàn dài, ghế ngồi và quạt trần. Hệ thống cửa được thiết kế đẩy ra vào cơ động trên ray, tạo thông thoáng, bệ cửa dùng làm ghế ngồi khi có số lượng người dự họp đông, hoặc lúc nghỉ giải lao. Những năm sau khi Bác mất, vào những ngày Tết Nguyên Đán, ngày giỗ Bác, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây đều đến thắp hương tưởng nhớ Bác. Ngày 17 tháng 4 năm 1995 (tức ngày 18 tháng 3 năm Ất Hợi) đơn vị đã lập bàn thờ Bác. Lúc đầu bàn thờ đặt ảnh chân dung, đến ngày 8 tháng 5 năm 1997 (tức ngày 2 tháng 4 năm Đinh Sửu) đã thay ảnh Bác bằng pho tượng đồng. Đây là tác phẩm của hoạ sĩ Minh Đỉnh công tác tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự) đã dựng lại chân dung Bác ngồi trên chiếc ghế trúc (một đồ dùng quen thuộc của đồng bào Cao Bằng tặng Người). Bác vừa dừng đọc báo Nhân dân, dường như để đón khách với ánh mắt hiền từ nhân hậu. Mọi người dừng lại ngắm kỹ pho tượng Bác, rồi lần bước cầu thang lên tầng 2 ngôi nhà. Tại đây ông Cù Văn Chước, ông Nguyễn Văn Mùi – lái xe phục vụ Bác còn nhớ rất rõ năm 1961 Bác đã tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) và năm 1962 Bác Hồ đã đón tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc – man Ti – tốp. Sự kiện Bác Hồ tiếp hai vị khách quốc tế tại K9 có ý nghĩa rất lớn. Đây là một cử chỉ rất thân tình của Bác đối với nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc anh em. Hiện nay những cây ngọc lan và vàng anh do Bác và các vị khách quý trồng bốn mùa vẫn xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thuỷ chung của nhân dân Việt Nam.
Cạnh hai phòng khách là phòng họp nhỏ. Căn phòng này đã diễn ra buổi họp của Bác với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bàn bạc và quyết định những việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Phòng Bác nghỉ được bố trí những đồ dùng rất giản dị, những thứ rất cần thiết. Ông Cù Văn Chước kể: “Đây là chiếc đệm cỏ của đồng bào Sơn La tặng Bác, chiếc đèn ngủ, tấm thảm len là quà tặng khi Bác đi sang Trung Quốc”. Bác vẫn nói với anh em phục vụ: “Những thứ tốt, đồ dùng khá hơn nên dành cho khách quý, Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu khách, quý trọng bạn bè”. Trong phòng này những khi Bác lên làm việc và nghỉ, trên bàn làm việc thường có lọ hoa huệ – thứ hoa mà Bác rất thích.
Trước cửa ngôi nhà có một bể tròn, ở giữa có hòn non bộ tự nhiên, phía trước bên phải, đầu cầu thang xuống có xây hầm trú ẩn nhỏ cho 3 – 4 người sử dụng. Phía trước bên phải ngôi nhà có một con đường xây gạch, rải sỏi, từ nhà xuống sông Đà gồm 81 bậc, mọi người gọi là “Con đường rèn luyện sức khoẻ” của Bác và hôm nay ai cũng nhìn thấy những cây bông bụt khá to được trồng từ khi xây dựng khu căn cứ để gợi nhớ những cây trồng trong vườn nhà ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn.
Rời ngôi nhà sàn thân quen, mọi người trở về thăm khu nhà kính, khu nhà đã bảo vệ, che chở an toàn cho thi hài Bác trong 6 năm chiến tranh. Đứng trước tấm biển “Nơi đây đã giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 – 1975” do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trực tiếp gắn vào ngày 16 tháng 5 năm 2001, các ông đã kể nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, âm thầm chịu đựng, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các kỹ sư, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên, kỹ thuật viên của Việt Nam sát cánh cùng chuyên gia Liên Xô trong quá trình giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Kết thúc phần tham quan, các ông bước vào phòng khách. Mặc dù trước đó đã dốc tâm sự, nhưng lúc này các nhân chứng lịch sử còn đầy ắp những kỷ niệm đẹp. Sau này, mỗi người được phân công một nhiệm vụ khác nhau, nhưng luôn luôn theo dõi từng bước đi của Đoàn 69 trước đây, cũng như Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ, thiếu thốn và giai đoạn bước ngoặt sau khi Liên Xô sụp đổ, đơn vị đã vững vàng từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Riêng khu di tích Đá Chông, nhiều năm các ông mới trở lại, nhưng vẫn được bảo vệ giữ gìn nguyên vẹn, các khu vực lân cận nhà sàn, nhà kính được tôn tạo khang trang, đẹp đẽ.
Đứng ngắm nhìn các bác, các ông – những người đã một thời có vinh dự được làm nhiệm vụ đặc biệt, giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn minh mẫn kể lại cho lớp con cháu những kỷ niệm thiêng liêng của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong tôi trào dâng niềm kính phục và biết ơn vô hạn.
Đại tá Lê Hồng Đường
Phó Chủ nhiệm Chính trị – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh