Đã là tháng 2 năm 1975, công trường xây dựng Lăng Bác đang tiếp tục đợt thi đua mới, đẩy mạnh tiến độ xây dựng và lắp máy, sao cho kịp khánh thành Lăng vào tháng 9 năm nay. Vui, hào hứng, sôi nổi, mọi người ở đây làm việc không quản ngày đêm, không nghỉ ngày chủ nhật và ngày lễ. Nhưng trong tâm tư của mỗi người vẫn thấp thỏm chờ đợi, lo âu: Tại sao đến bây giờ hệ thống máy điều hòa nhiệt độ, được ví như lá phổi lớn của Lăng vẫn biệt vô âm tín và toàn bộ thiết bị quan tài kính cũng đang mỏi mong chờ đợi?
Mãi đến cuối tháng, tin vui từ Hải Phòng về: Tàu chở máy điều hòa đã đến phao số “O” làm nức lòng cả công trường, nhất là anh chị em lắp máy thuộc Trung đoàn 259 Công binh.
Phó Thủ tướng Đỗ Mười, đồng thời là Trưởng ban xây dựng Lăng giao nhiệm vụ: Trong vòng 5 ngày, thiết bị phải về đến Lăng (thông thường phải hàng tháng).
Tình hình hết sức khẩn trương. Gần tối, chiếc xe com – măng – ca chở chúng tôi đến giao lệnh chở hàng cho Tổng cục Đường sắt xong, rồi phóng một mạch xuống Hải Phòng giao lệnh cho Giám đốc Cảng. Trời đã về đêm, sau một thoáng suy nghĩ, Giám đốc Cảng nói với chúng tôi: Giờ thì đã khuya, sáng sớm mai, các đồng chí cùng tôi ra phao số “O” gặp chủ tàu. Chúng tôi thầm nghĩ: Ngày đầu như vậy là hết sức thuận lợi.
Đúng 6 giờ sáng hôm sau, chiếc ca nô chở tất cả chúng tôi rời cảng, nhẹ nhàng lướt trong sương mù lãng đãng, khoảng gần một tiếng đồng hồ thì đến phao số “O” cặp mạn tàu của Bạn. Đây là chiếc tàu vượt đại dương mới tinh vừa đóng xong ở Ba lan, được Liên Xô thuê chở hàng cho ta.
Giám đốc Cảng báo cho chủ tàu: Ngay chiều nay, chờ con nước, tàu các anh sẽ vào cảng để bốc hàng. Khỏi phải nói, chủ tàu và thủy thủ xiết bao mừng rỡ. Lập tức rượu sâm panh nổ bốp bốp, đồ nhắm được bày ra, phần nhiều là thức ăn khô và lạnh nhưng khá thịnh soạn.
Tàu ở phao số “O” còn cả chục chiếc, sẽ vào cảng theo thứ tự trước sau, như vậy ít ra phải 15 ngày sau tàu này mới được vào cảng. Cán bộ, thuỷ thủ trên tàu không ngờ chiều nay được vào Cảng. Họ rất vui mừng, mặt mày ai nấy nở hoa phấn khởi.
Lại nói về Tổng cục Đường sắt, trong một, hai ngày phải có 9 toa xe lửa võng có mặt ở cảng Hải Phòng. Bởi vì thiết bị to, cao quá khổ, nếu chở trên toa thường sẽ không qua được cầu Long Biên. Trong khi miền Bắc lúc đó có khoảng chục toa võng nằm rải rác ở các ga từ Lạng Sơn vào đến Thanh Hóa. Để kịp thời gian, ga nào có toa xe lửa võng được sử dụng 1 đầu máy kéo ngay về Hà Nội, ghép thành đoàn xuôi Hải Phòng. Một cuộc chạy đua ngoạn mục với thời gian.
Trở lại Cảng, ngay đêm hôm đó, tàu chở thiết bị đã được dẫn vào. Sáng hôm sau bốc hàng thì đoàn tàu trong đó chủ yếu là toa võng đã có mặt kịp thời.
Nếu như Cảng cử đội bốc xếp giỏi nhất, an toàn nhất để dỡ hàng, thì Đoàn tàu cũng được một Anh hùng Lao động lái, với kíp phục vụ tiên tiến nhiều năm.
Bốc xếp xong, sau khi thiết bị được cố định chắc chắn, đoàn tàu khởi hành ngay về Hà Nội. Đầu máy được trang hoàng rực rỡ cờ, khẩu hiệu rất khí thế. Các đồng chí công an đã lập phương án bảo vệ đoàn tàu rất cụ thể, tỉ mỉ, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Toa nào cũng có các đồng chí công an canh giữ. Tàu chạy suốt không dừng ở các ga. Dù vậy nhân viên nhà ga ra hướng dẫn tàu đều mặc đồng phục, tỏ lòng tôn kính. Những chỗ Quốc lộ 5 chạy sát đường tàu đều được các đồng chí công an canh chừng, đề phòng xe ô tô mất tay lái va phải tàu. Các cầu lớn như Lai Vu, Phú Lương, Long Biên đều được bảo vệ cẩn mật cả trên đường lẫn dưới lòng sông. Xung quanh các cột cầu đều có ca nô của công an tuần tiễu bảo đảm an toàn.
Tàu về đến ga Giáp Bát, trời vừa tối. Tính ra đã bốn ngày trôi qua. Lực lượng công an cũng như những thiết bị hiện đại được điều đến bảo vệ đoàn tàu nghỉ đêm tại đây.
Sáng hôm sau đoàn ô tô của công trường đã có mặt ở ga, sẵn sàng tiếp nhận hàng. Vì hàng thuộc loại cao quá khổ, lại quan trọng nên mỗi ô tô có một đồng chí công an bảo vệ, một đồng chí thợ điện với cây sào cách điện sẵn sàng nâng dây điện cho ô tô đi qua. Ô tô công an dẫn đường và khóa đuôi, đoàn xe vận chuyển khí thế an toàn về đến Lăng đúng 5 ngày kể từ khi hàng còn ở phao số “O”.
Khi về đến công trình, lập tức chuyên gia Bạn và ta mở thùng hàng kiểm kê: Thật tuyệt vời. Thiết bị hệ điều hòa nặng hơn 160 tấn do Liên Xô thiết kế với hàng trăm phụ tùng máy móc mua của nhiều nước: Nhật, Mỹ, Đan Mạch… vận chuyển hàng vạn cây số như vậy mà không mảy may suy chuyển. Nếu có xảy ra dù chỉ một hư hỏng nhỏ phải thay thế thì không thể nào kịp tiến độ.
Máy về đến nơi, chưa kịp nghỉ, ngày hôm sau Bộ chỉ huy lắp máy đã phát động đợt thi đua: “40 ngày lắp xong hệ điều hòa”.
*
* *
Một buổi sáng cuối xuân năm 1975, đoàn tiếp nhận của công trường xây dựng Lăng Bác với những chiếc ô tô chuyên dụng đã chờ sẵn ở sân bay Gia Lâm. Khoảng 10 giờ, trời nắng đẹp, tiếng ầm ì từ xa vọng lại ngày càng rõ, chiếc máy bay mang số hiệu 42988 nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay giữa sự vui mừng khôn xiết của những người ra đón. Tổ lái cùng anh em đoàn tiếp nhận sau khi chụp ảnh chung, đã nhanh chóng bắt tay vào việc bốc dỡ hàng từ máy bay lên xe ô tô chuyên dụng. Cửa hậu máy bay được mở, từng chiếc ô tô lần lượt vào nhận hàng.
Đây là toàn bộ thiết bị quan tài kính được tháo rời, đóng gói chắc chắn để vận chuyển. Thiết bị này do Liên Xô thiết kế, chế tạo ở nhiều cơ sở có trình độ chuyên môn cao rất hiện đại và chính xác. Đó là những tấm kính dày cỡ vài chục ly trong suốt, ánh sáng xuyên qua không bị khúc xạ, được chế tạo đơn chiếc với công nghệ đặc biệt. Thiết bị nâng hạ được chế tạo theo nguyên lý trục vít, bảo đảm chính xác và an toàn tuyệt đối. Hàng chục bộ đèn nhiều tia được chiếu qua một hệ kính lọc, bảo đảm ánh sáng có thể điều chỉnh màu sắc và hạn chế gia nhiệt.
Do tính chất quan trọng như vậy nên phía Bạn đã quyết định vận chuyển những thiết bị này bằng máy bay, cho dù tốn kém hơn nhiều so với đi đường biển.
Đoàn xe sau khi cố định xong, từ từ thận trọng chuyển bánh về công trình Lăng, với sự bảo vệ nghiêm ngặt của các đồng chí công an Hà Nội. Anh em tiếp nhận chưa kịp phấn khởi thì nỗi lo lại đến. Đây là những thiết bị có độ chính xác cao, nếu khí hậu thay đổi thất thường, dễ cong vênh, lắp ráp sẽ không đảm bảo độ kín theo yêu cầu. Vậy nên, Bạn đề nghị phải để trong phòng có điều hòa nhiệt độ và khống chế độ ẩm. Lúc bấy giờ tìm được vài máy điều hòa cỡ trung bình thật không dễ chút nào. Nhưng tất cả vì Bác kính yêu nên ở đâu có máy là họ sẵn sàng cho mượn. Đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban phụ trách xây dựng Lăng cho phép sử dụng Câu lạc bộ Ba Đình là nơi tập luyện thể thao của cán bộ cao cấp để cất giữ thiết bị tạm thời.
Lập tức phòng bóng bàn của Câu lạc bộ được cải tạo, đục tường, lắp những cánh cửa lớn, lắp 4 máy điều hòa cỡ trung bình. Sau khi chạy thử, bảo đảm thông số, thiết bị được mở ra bảo quản theo quy định, sẵn sàng chuyển vào lắp ráp trong Lăng khi điều kiện cho phép.
Công việc lắp ráp thiết bị quan tài kính trong Lăng chủ yếu do chuyên gia Bạn làm, cán bộ, nhân viên kỹ thuật Việt Nam làm việc phụ và theo dõi học tập.
Vậy là, nếu hệ điều hòa là “lá phổi đặc biệt của Lăng”, thì thiết bị quan tài kính là “quả tim lớn”, đã được Bạn và ta lắp ráp bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Nhiều năm sau, thiết bị vẫn làm việc liên tục, an toàn, góp phần quan trọng giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Đó chính là phần thưởng vô giá đối với cán bộ, chiến sĩ lắp máy và vận hành trên công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tá Nguyễn Quế
Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 195 – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh