Đi Liên Xô tham gia thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1971, tôi được tham gia phục vụ đoàn cán bộ Việt Nam làm việc với đoàn chuyên gia Liên Xô thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu Mỹ không mở rộng chiến tranh không quân đánh phá miền Bắc, thì theo kế hoạch năm 1972 chúng ta sẽ tiến hành khởi công xây dựng Lăng. Tháng 12 năm 1972, Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội và một số thành phố khác nên việc khởi công xây dựng Lăng phải dừng lại. Đến tháng 1 năm 1973, do bị thất bại nặng nề nên Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, rút quân về nước và chấm dứt đánh phá bằng không quân đối với miền Bắc.

Tháng 3 năm 1973, ta đặt vấn đề lại với Liên Xô sẽ khởi công xây dựng Lăng vào tháng 9 năm 1973, Bạn trả lời lại rằng: “Do tạm hoãn nên chúng tôi không thể cung cấp bản thiết kế kỹ thuật hoàn chỉnh kịp”. Khi đó, ta đề nghị sẽ cử một số cán bộ kỹ thuật giỏi trong các ngành sang Liên Xô để cùng tham gia thiết kế kỹ thuật và Bạn đã chấp thuận.

Tháng 8 năm 1973, đoàn Việt Nam gồm 12 đồng chí. Trong đó, Bộ Kiến trúc 4 đồng chí: Anh Nguyễn Đình Phúng – Kiến trúc sư; anh Nguyễn Tấn Vạn – Kiến trúc sư và anh Ngô Thanh Cẩn, anh Lư – Kỹ sư xây dựng. Bộ Tư lệnh Công binh 8 đồng chí: Anh Nguyễn Trung Thành, anh Nguyễn Đức Nghị – Kỹ sư điện, anh Hoàng Quang Bá – Kỹ sư nước, anh Bùi Danh Chiêu – Kỹ sư điều hòa, anh Đặng Thành Trung – Kỹ sư cơ khí, anh Phạm Văn Quang và anh Nguyễn Văn Tẩy – Cán bộ phiên dịch và tôi – Trần Quốc Dân – Kỹ sư công trình quốc phòng. Riêng tôi được cấp hộ chiếu đỏ để mang theo các tài liệu mật làm việc với các chuyên gia.
Do được chuẩn bị kỹ, khi sang đến Mát-xcơ-va, người nào việc ấy, chúng tôi cùng với các chuyên gia bắt tay vào thiết kế luôn. Ở nhà, các đồng chí Đỗ Mười, Bùi Quang Tạo, Phùng Thế Tài rất sốt ruột, điện hỏi thăm luôn. Chúng tôi hứa sẽ có thiết kế vào tháng 9 năm 1973. Việc thiết kế được tiến hành theo kiểu cuốn chiếu từ dưới lên trên, vừa thiết kế vừa thi công. Theo quy định, hàng tuần, tôi phải đến Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô để báo cáo tình hình thiết kế và làm việc với chuyên gia cho đồng chí Võ Thúc Đồng, Đại sứ được Trung ương giao theo dõi việc này.

Trong thời gian ở Mát-xcơ-va, mỗi ngày chúng tôi cùng làm việc 7 giờ với cán bộ Viện thiết kế Liên Xô, tối về họp tổ để trao đổi công việc trong ngày, bàn kế hoạch cho ngày hôm sau và sắp đến. Trong quá trình làm việc, cũng có lúc hai bên chưa nhất trí, chúng tôi phải tìm mọi cách để thuyết phục Bạn.

Ngày ấy, tổ chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề nên ai cũng hăng say với công việc, làm ngày làm đêm cho kịp thiết kế để gửi về nước. Mới có 2 tháng mà ai cũng gầy đi, mặc dù bơ sữa, bánh mỳ không thiếu.

Trước khi đi, mỗi người chúng tôi được trang bị hai bộ comple, hai bộ đồ ngủ, hai đôi giày, một áo khoác, một mũ phớt. Sang Mát-xcơ-va mới được ba tháng, do đi lại nhiều nên tất bị rách, giày do Việt Nam đóng không chịu nổi băng tuyết ở Nga nên đã hỏng, anh em chúng tôi phải tự khâu vá lại để dùng. Một hôm, tôi đến đại sứ quán để báo cáo với đồng chí Võ Thúc Đồng. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí hỏi: “Đời sống anh em như thế nào, có vất vả lắm không ?”. Tôi trả lời: “Báo cáo đồng chí, về cuộc sống vật chất, so với anh em trong nước chúng tôi còn sướng hơn nhiều, chỉ có mấy ngày vừa rồi tuyết rơi nhiều mà giày anh em đều đã hỏng, tuyết ngấm vào chân, đi làm về ai cũng bị buốt chân”. Ngay lập tức, đồng chí cho gọi chị Trưởng ban Tài vụ của Đại sứ quán lên và bảo: “Chị xuất cho đồng chí này 450 rúp để mua 9 đôi giày và 9 đôi tất”. Sau đấy, tôi về nói lại với anh em trong tổ, ai cũng cảm động, tuy rằng đấy chỉ là một việc nhỏ nhưng đã động viên chúng tôi rất nhiều. Ngày chủ nhật sau đó, tất cả anh em chúng tôi cùng đi mua giày và tất.

Đến tháng 9 năm 1973, thông qua Đại sứ quán, chúng tôi đã có bản thiết kế nền móng để gửi về Việt Nam. Hôm tôi lên Đại sứ quán, đồng chí Võ Thúc Đồng nói: “Ở nhà đã nhận được thiết kế nền móng rồi, đồng chí Đỗ Mười gửi lời khen các cậu”. Biết tin ấy, anh em chúng tôi càng thêm phấn khởi, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo kế hoạch thống nhất giữa ta và Bạn thì khoảng đến tháng 10 năm 1974, những thiết kế kỹ thuật cơ bản sẽ hoàn thành. Đầu tháng 12 năm 1973, nhận được điện của Ban Chỉ đạo xây dựng Lăng, tôi và anh Ngô Thanh Cẩn phải thu xếp đem thiết kế đã làm được về ngay để giải quyết sự chênh lệch giữa công trình kiến trúc và công trình bảo vệ. Vì hai công trình là một tổng thể, nhưng hai bộ phận thiết kế khác nhau và tính chất bí mật cũng khác nhau.

Việc chuẩn bị lên đường trở về nước đã được đồng chí Võ Thúc Đồng chỉ thị cho anh Đoàn, lúc bấy giờ là Thương vụ sứ quán lo liệu mọi mặt. Tối ngày mồng 8 tháng 12 năm 1973, tôi, anh Cẩn và một số cán bộ bảo vệ của đại sứ quán lên tàu hỏa trở về nước trong một buồng riêng. Buồng có bốn giường, nhưng một giường giành riêng chỉ để tài liệu, tất cả có bảy kiện, khoảng chừng 200 cân và tôi là người được giao nhiệm vụ phụ trách chính. Năm ngày sau, chúng tôi đến Bắc Kinh, khi tàu vừa đến ga đã có xe của Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc ra đón và đưa tất cả tài liệu, tư trang của chúng tôi về đại sứ quán chứ không về nghỉ ở khách sạn.

Tối ngày 18 tháng 12 năm 1973, chúng tôi về đến ga Hà Nội, Ban chỉ huy công trường 75808 đưa xe ra đón. Ban chỉ huy công trường, lúc đó có anh Mỹ, anh Nhi, anh Đặng, anh Soạn và rất nhiều anh em nữa đón và ôm hôn chúng tôi thắm thiết như đón những người thân ruột thịt từ nơi xa trở về.

Tài liệu được đưa ngay vào phòng bảo mật niêm cất. Nhìn tài liệu nhiều quá, ai cũng yên tâm vấn đề cơ bản là thiết kế phần xây dựng đã được giải quyết. Còn lại phần thiết kế kỹ thuật, đặc biệt về thiết bị: điện, nước, điều hoà, lạnh, thông tin… do các đồng chí Nguyễn Tấn Vạn, đồng chí Lư (Bộ Kiến trúc); đồng chí Nguyễn Trung Thành, đồng chí Nguyễn Đức Nghị, đồng chí Bùi Danh Chiêu, đồng chí Hoàng Quang Bá, đồng chí Nguyễn Văn Tẩy (Bộ Tư lệnh Công binh) tiếp tục làm việc ở Liên Xô tới ngày 1 tháng 5 năm 1974 mới về nước. Đến lúc này phần thiết kế kỹ thuật có bản đã được giải quyết. Còn các thiết kế chi tiết khi thi công thì cán bộ kỹ thuật Việt Nam và chuyên gia Liên Xô cùng giải quyết trực tiếp tại hiện trường. Do có sự tham gia thiết kế của các cán bộ kỹ thuật Việt Nam ngay từ đầu nên bản thiết kế đã đáp ứng được với thực tiễn của Việt Nam.

Sáng ngày 19 tháng 12 năm 1973, tôi đã bàn giao tài liệu cho công trường 75808, gồm các đồng chí: Nguyễn Đức – Trưởng phòng Kỹ thuật, Nguyễn Ngọc Định – cán bộ bảo mật và đồng chí Ngô Thanh Cẩn – người làm chứng. Trong biên bản xác nhận: Các tài liệu còn nguyên cặp chì và toàn bộ tài liệu còn nguyên gói, đủ số lượng kê trong bản kê số 236/TM73 của Thương vụ Việt Nam tại Liên Xô.

Mười ngày đêm lo lắng, vất vả đã qua, khi đã bàn giao xong tài liệu, tôi mừng đến rơi nước mắt vì đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng. Anh Đặng bảo với tôi rằng: “Thưởng cho cậu 2 ngày phép, ngày kia đến sớm để giải quyết công việc”.

Tôi viết lại kỷ niệm này để mọi người có thể hiểu thêm về một phần công việc có liên quan đến công trình lịch sử Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, giữa Ba Đình lịch sử, hiển hiện một công trình văn hóa của thế kỷ, in đậm tình hữu nghị Việt – Xô, niềm tự hào của dân tộc, để mọi người dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế luôn hướng về đó, tìm ra chân lý và những suy nghĩ trong sáng tốt đẹp.

Đại tá Trần Quốc Dân
Nguyên Trưởng ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement