7. Công việc lắp máy tới lúc đã trở thành vấn đề nóng bỏng của toàn công trường. Tiến độ xây bị chậm khiến cho tiến độ lắp máy ngày đêm bồn chồn không yên. Hiệp định ngày 9 tháng 2 năm 1971 đã nói rõ việc thi công xây-lắp là do Việt Nam đảm nhiệm.
Với một công trình đồ sộ, kỹ thuật phức tạp như thế, cán bộ chiến sĩ ta mới tiếp xúc lần đầu trong khi quỹ thời gian hết sức co hẹp. Đồng chí Phùng Thế Tài đã hai lần gặp đồng chí tham tán kinh tế sứ quán Liên Xô và đồng chí Xu-cu-nốp đại diện tổng cục Kỹ thuật Liên Xô tại Hà Nội. Thông cảm với những khó khăn của ta, hai đồng chí đã viết thư về nước đề xuất các giải pháp giúp đỡ cụ thể. Hệ trung tâm điều hoà không khí được coi như “lá phổi” của công trình, bạn đã thiết kế xong và dặt hàng cho một nước khác sản xuất vào năm 1974. Thời gian lắp và hiệu chỉnh rõ ràng là quá muộn. Việc chậm trễ này sẽ ảnh hưởng tới lắp ráp các hệ kỹ thuật khác. Các thiết bị khác, bạn cũng cho biết phải tới cuối năm 1974 mới về tới công trình. Vậy muốn hoàn thành lắp máy để khánh thành Lăng vào đúng ngày mồng 2 tháng 9 năm 1975 thì cần tăng lực lượng kỹ thuật và các cơ sở vật chất khác lên bao nhiêu? Có cách nào khác giải quyết tốt hơn?
Sau khi cân nhắc mọi mặt, Bộ chỉ huy lắp máy đã xác định phương hướng hành động: Một mặt, bám sát bạn, bám sát cấp trên để tiếp nhận nhanh vật tư thiết bị, làm trước những gì có thể làm được trong công tác lắp đặt. Mặt khác, đề xuất với cấp trên cho phép làm việc với các chuyên gia một phương án dự phòng. Theo phương án này, bạn sẽ đảm nhiệm lắp các thiết bị phức tạp và hướng dẫn kỹ thuật cho Việt Nam. Lắp đặt các thiết bị còn lại bạn cần cử sang Việt Nam 59 kỹ sư và một số công nhân kỹ thuật. Nếu bạn lắp toàn bộ thiết bị của công trình thì bạn phải cử sang Việt Nam 169 kỹ sư và một số công nhân kỹ thuật, còn cán bộ và công nhân ta chỉ làm việc phụ trợ và học tập để quản lý vận hành sau này. Đồng chí Xu-cu-nốp đã gửi về Liên Xô dự thảo phương án này để xin ý kiến.
Ban phụ trách xây Lăng cần thiết phải cử một đoàn cán bộ cấp cao đủ quyền hạn giải quyết công việc sang Liên Xô trực tiếp làm việc với bạn. Đoàn do đồng chí Phùng Thế Tài dẫn đầu.
Đoàn cán bộ Việt Nam được đồng chí Nô-vi-cốp, phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô tiếp, khẳng định lại quyết tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ nhân dân Việt Nam hoàn thành xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng dịp mồng 2 tháng 9 năm 1975.
Ban phụ trách xây dựng Lăng đánh giá cao sự giúp đỡ cao cả và chí tình của nhân dân Liên Xô. Song cũng thường xuyên giáo dục cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên toàn công trường nêu cao ý thức tự lực, tự cường. Thời gian lúc này là lực lượng. Mùa mưa sắp tới, nếu không kết thúc được việc đổ bê tông phần ngầm của công trình, tiến độ xây và lắp sẽ lùi tới mùa khô năm sau.
Từ cuối năm 1973, cơ quan đặc trách của Bộ chỉ huy lắp máy và ban phụ trách đã dự báo với lãnh đạo về khả năng xây không bảo đảm tiến độ. Dự báo trên đã được thực tiễn những tháng 11,12 năm 1973 và tháng 1 năm 1974 chứng minh.
Ban phụ trách xây dựng Lăng đã nghĩ tới khả năng huy động thêm lực lượng quân đội tham gia chi viện cho công việc xây dựng và giao cho cơ quan đặc trách dự thảo các phương án thực hiện chủ trương này.
Thường vụ Quân uỷ Trung ương nêu ra nguyên tắc: Nếu công trường có yêu cầu và quân đội có khả năng thì quân đội phải sẵn sàng tích cực chi viện. Ban chỉ huy công trường yêu cầu bộ đội chi viện thợ sắt, quân đội đã cử một bộ phận thợ ưu tú của đoàn công binh Hùng Vương tới ngay Ba Đình. Các chiến sĩ được lệnh hành quân về công trường đúng ngày 28 tết và chỉ sau vài giờ nhận lệnh những người lính thợ đã khoác ba lô và trang bị lên đường. Họ gác lại niềm vui đón tết ở đơn vị, gác lại chuyến đi phép sum họp gia đình, và cả những cuộc hẹn hò đâu đó. Không khí chuẩn bị đón xuân không níu được bước chân họ. Đoàn xe lướt nhanh qua rừng đào, rừng quất và rừng người đi mua sắm tết đưa họ tới Ba Đình đang bộn bề công việc. Họ mang đến công trường khí thế hò hởi quyết tâm. Đêm 30 tết, những nồi bánh chưng đang reo trên bếp lửa hồng của mọi nhà, tiếng pháo nổ ran khắp các ngõ phố của Hà Nội cũng là lúc họ ra quân. Với hình thức phối thuộc cho công trường, đơn vị đã hình thành một đội sắt riêng, nhận làm gọn một hạng mục công trình từ đầu đến cuối. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gây niềm tin cho toàn công trường. Bộ đội trên công trường Lăng Bác đón cái tết Giáp Dần năm ấy bằng những thành quả lao động đầy ý nghĩa. Đoàn lắp máy Ba Đình vinh dự được đón nhân lẵng hoa đầu xuân của Bác Tôn trao tặng.
Ban chỉ huy công trường tiếp tục đề nghị quân đội chi viện thêm 120 thợ sắt nữa. Hai đại đội thuộc tiểu đoàn 2, đoàn Hùng Vương lại được điều động về nhập với đại đội 34 thành một tiểu đoàn. Tiểu đoàn này phụ trách đặt sắt móng bè cho khu giữa. Tới giữa tháng 3 năm 1974, riêng quân đội đã đặt 920 tấn thép. Năng suất bình quân 121 kg/công, tăng năng suất hơn hai lần quy định.
Lực lượng quân đội tăng cường công trường và kết quả công việc đã mở khả năng mới : nếu quân đội tham gia với lực lượng đông hơn nữa vào những khâu căng thẳng của công trình, thì tiến độ thi công có thể hoàn thành đúng thời hạn quy định. Một trong những việc trọng điểm lúc này là đổ bê tông. Quân đội phải tham gia gánh vác công việc, nay góp phần nâng cao tiến độ xây Lăng rõ ràng đã trở thành tất yếu, thành yêu cầu, nguyện vọng của mọi người.
Vào lúc này, Đoàn đại diện Ban phụ trách xây dựng Lăng do đồng chí Phùng Thế Tài dẫn đầu sang Liên Xô đã mang về nước bản tổng tiến độ thi công. Ta và bạn thoả thuận việc đổ bê tông phần ngầm khu giữa phải hoàn thành vào ngày 30 tháng 4 năm 1974. Nhưng cho tới lúc này, khối lượng công việc vẫn còn rất lớn, thời gian để hoàn thành nó lại không còn bao nhiêu.
Theo yêu cầu của Ban chỉ huy công trường. Ban phụ trách chính thức đề nghị với Quân uỷ Trung ương đưa lực lượng đưa lực lượng quân đội váo tham gia đổ bê tông phần ngầm.
Ngày 8 tháng 3năm 1974, đồng chí Phùng Thế Tài mời Thường vụ Đảng uỷ và Ban chỉ huy công trường họp phổ biến quyết định của Ban phụ trách dùng lực lượng quân đội tham gia trong việc đổ bê tông. Ngay chiều hôm đó, đồng chí Phùng Thế Tài giao nhiệm vụ này cho đoàn công binh Hùng Vương. Ngoài đoàn Hùng Vương, đồng chí Văn Tiến Dũng còn cho phép có thể sử dụng cả đoàn Bắc Sơn (trung đoàn 289) tham gia. Với nhiệm vụ được giao, quân đội sẽ đảm nhận toàn bộ khu trung tâm (phần ngầm).
Ngày 11 tháng 3 năm 1974, bộ đội đoàn Hùng Vương có mặt đầy đủ tại vị trí tập kết. Chỉ sau hai ngày, hàng nghìn người đã làm xong công tác chuẩn bị. Sáng ngày 15 tháng 3, họ đã đổ mẻ bê tông đầu tiên bắt đầu những ngày dầm mình trong nóng nắng, vật lộn với cát, sỏi, xi măng và giành giật với thời gian. Vài ngày sau, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đoàn Bắc Sơn cũng hành quân về tới công trường. Sau buổi làm lễ ra quân họ đã triển khai đội hình tác nghiệp và đổ mẻ bê tông đầu tiên tại khu hầm đặc biệt.
Bắt đầu từ đây, công trường xây dựng Lăng Bác được tiếp thêm sức mạnh mới. Dọc các lối đi lại xung quanh công trường, các lán trại “dã chiến” của bộ đội mọc lên san sát. Công trường ngập sắc áo lính. Tiếng búa, tiếng máy, tiếng hát cười vang vọng một góc trời Thủ đô.
Cả hai đơn vị Hùng Vương và Bắc Sơn đều đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy lắp máy và sự chỉ đạo nghiệp vụ của các cơ quan chức năng thuộc Ban chỉ huy công trường. Khó có thể hết được không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương và hết sức căng thẳng ở công trường trong những ngày này. Để tạo điều kiện cho lực lượng quân đội làm tốt nhiệm vụ, công trường đã cử hai đội mộc, một đội thép hình, một đội hàn, một đội giàn giáo và hai tổ trắc đạc phối thuộc với lực lượng quân đội. Ngoài ra, cán bộ công nhân công trường xây nhận nhiệm vụ làm các công việc ở hai lễ đài phụ của lăng. Bộ Xây dựng cũng điều gọn từng đội sản xuất ở các địa phương về chi viện cho công trường như đội sắt ở Thác Bà, Hà bắc… Bộ Xây dựng còn cử thâm đồng chí Thứ trưởng Vũ Quý về giúp đỡ công trường với chức năng cố vấn.
Cả hai mũi thi công (quân sự và dân sự) đều ra quân với những lực lượng mới, tổ chức mới, trong “trận quyết chiến” có tính chất quyết định này. Song trung tâm của sự chú ý vẫn nhằm vào khu giữa của Lăng – nơi lực lượng quân đội đảm nhiệm.
Từ mọi miền đất nước, mọi người cũng đang hướng về Thủ đô Hà Nội, về Quảng trường Ba Đình chờ đợi những tin tức về xây dựng Lăng, nhân dân khắp nơi nô nức khai thác và đóng góp những vật liệu đặc sản của địa phương mình cho công trình. Công trường sôi nổi hẳn lên và cảm động vô cùng khi đoàn xe chở gỗ của Quân giải phóng miền Nam cắm cờ nửa xanh, nửa đỏ lấp lánh dưới nắng chiều từ từ lăn bánh vào công trường. Cán bộ chiến sĩ chạy ào đến vây quanh lấy những chiến sĩ đội mũ tai bèo, xúm xít quanh những chiếc xe đầy bụi đường. Đây là những cỗ xe của đồng bào miền Đông Nam Bộ, nơi có những cánh rừng bạt ngàn, có nhiều gỗ quý. Nhân dân miền Đông đã tìm chọn cây gỗ quý nhất là cây nu gửi ra xây Lăng Bác. Gỗ nu không chỉ là loại gỗ tốt nổi tiếng mà còn có màu sắc hấp dẫn. Ở mặt cắt gỗ nu, giữa có màu vàng tươi, viền xung quanh là màu nâu sẫm, đường vân gỗ thanh thoát, chỗ góc bướu cuộn xoắn thành những dáng hình mây bay, sóng lượn. Cây gỗ được chở từ Lộc Ninh và tới công trường Lăng Bác sau 20 ngày lặn lội vất vả. Trong buổi lễ đón nhân gỗ quý miền Nam, đồng chí Nguyễn Thị Định, phó tư lệnh Quân giải phóng đã thay mặt đồng bào, chiến sĩ miền Nam biểu lộ tấm lòng với Bác Hồ kính yêu. “Cây gỗ nu quý giá sống mấy trăm năm trong căn cứ miền Đông tượng trưng cho sức sống kiên cường bất khuất của nhân dân. Với tấm lòng trung trinh vô hạn, đồng bào, chiến sĩ nam Bộ kính dâng lên Bác để đời đời ghi nhớ công ơn vị Cha già dân tộc…”. Những lời nói thân thương từ nơi tuyến đầu Tổ quốc có sức lay động tới tận trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ công nhân viên ở công trường, đã cổ vũ mọi người tiến công vào phần việc của mình, xứng đáng với đồng bào, đồng chí miền Nam ruột thịt.
Những tuần tiếp sau đó, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lại tiếp nhận những xe gỗ của Tây Nguyên kiên cường bất khuất, của Quảng Nam – Đà Nẵng nổi danh “Đi đầu đánh Mỹ”, của Trị Thiên đất lửa anh hùng… Bộ đội Trường Sơn cũng gửi cây gỗ trắc đại thọ ra góp phần xây dựng Lăng Bác, dự kiến sẽ làm khuôn cửa ra vào Lăng bằng cây gỗ trắc. Phải chăng những người lính từng bất chấp mọi gian nguy mở đường mòn Hồ Chí Minh mong mỏi được gửi lòng mình qua cây gỗ trắc đứng canh giấc ngủ cho Người. Những nhà thiết kế phải chăng đã lắng được tiếng lòng thầm thì đó, ghi nhận nó và vì vậy cây gỗ trắc đã được dành làm những khuôn cửa bền vững, làm sáng đẹp thêm “Ngôi nhà của Bác”.
Hai trung đoàn Hùng Vương, Bắc Sơn đã qua nhiều năm xây dựng các công trình quốc phòng. Tuy nhiên chưa quen thi công cơ giới với mức độ cao, với quy trình công nghệ chặt chẽ và việc hợp đồng đòi hỏi nghiêm ngặt. Các cán bộ chỉ huy từ cấp trung đoàn trở xuống của cả hai đơn vị do thời gian gấp, chưa được nghiên cứu kỹ bản thiết kế thi công nên trong chỉ huy chỉ đạo dễ xảy ra sai sót. Cơ quan đặc trách đã trình lên Ban phụ trách xây dựng Lăng một phương án thi công thích hợp: Hai đơn vị chịu sự chỉ đạo của các phòng nghiệp vụ nhưng phải chủ động về kế hoạch và tự quản lý con người theo các chế độ của quân đội quy định.
Cơ quan đặc trách cũng đề ra một số yêu cầu, một số chỉ tiêu cụ thể để hướng dẫn hai đơn vị. Ban phụ trách xây dựng Lăng cân nhắc các điều kiện thực tế ở công trường đã đồng ý lấy mức đổ bê tông 400m3/ngày và quy định thời hạn hoàn thành việc đổ bê tông vào ngày 19 tháng 5 năm 1974.
Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên toàn công trường và lực lượng bộ đội tham gia xây dựng Lăng đã mở “chiến dịch” đổ bê tông phần ngầm, lập thành tích kỷ niệm sinh nhật Bác.
Đây là một “chiến dịch” thi công lớn khẩn trương đầy ý nghĩa. Đổ xong bê tông phần ngầm coi như đã hoàn thành cơ bản công tác bê tông. CÓ làm xong phần ngầm mới thi công được phần nổi và mới làm các việc khác như trang trí, hoàn thiện, lắp máy,… Nếu như toàn bộ công việc xây Lăng là một trận đánh thì đây là điểm đột phá có tính quyết định.
Nhận nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ hai đoàn Hùng Vương và Bắc Sơn suy tính mọi khả năng, mọi biện pháp và các tình huống để đảm bảo chắc thắng. Căn cứ vào kết cấu công trình chia thành từng khối đổ bê tông hợp lý.
Khi bộ đội nêu quyết tâm thực hiện những chỉ tiêu này, dư luận chung rất hoan nghênh. Song cũng không ít người cho rằng đây chỉ là mong ước tốt đẹp chứ khó có thể thực hiện được. Có người quả quyết: Ở công trường Thác Bà chỉ 560m3 bê tông/năm. “Ở đây điều kiện có khác nhưng cũng không thể vượt quá mức 200m3/ngày”. Những người chín chắn hơn thì nói: “Hãy chờ kết quả tuần đầu xem sao đã”.
8 giờ sáng ngày 15 tháng 3 năm 1974, đợt thi công bắt đầu. Công việc cùng một lúc được triển khai ào ạt nhưng vẫn rất nhịp nhàng. Nhiều khối đổ bê tông cũng được đổ trong một thời gian, máy trộn bê tông làm việc hối hả. Vận chuyển bê tông từ máy trộn tới chỗ đổ là những chiếc xe ben liên tục nối đuôi nhau. Cần cẩu tháp như những cánh tay khổng lồ với từ nơi tập kết, đưa bê tông đến từng khối đổ. Kết hợp với cần cẩu là những mũi thi công dùng xe cải tiến, sẵn sàng thay thế những vị trí mà cần cẩu không với tới. Những chiếc “cầu” làm bằng những phương tiện sẵn có của công trường như giàn giáo, dầm thép, ván gỗ đã được bắc từ nơi tập kết vữa bê tông tới các khối đổ đón các xe cải tiến rầm rập lăn bánh qua lại. Vận dụng kinh nghiệm “đưa pháo vào sát lô cốt địch, ngắm bắn lốp đặt lên nắp hầm đặc biệt để phục vụ để bê tông nóc phần ngầm khu giữa. Mặc cho nóng nắng chói chang, mùi vữa bê tông ngột ngạt, tiếng máy, tiếng xe, tiếng những bước chân rầm rập vẫn không lúc nào ngừng nghỉ. Những tấm lưng gù xuống, những bắp cơ vồng lên, những gương mặt nhễ nhại mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên như là sự thách thức với thời tiết khốc nghiệt và thời gian ngặt nghèo…
Kết hợp với công đoạn đổ bê tông cốt thép, cán bộ và chiến sĩ đảm nhiệm công việc lắp thuộc đoàn Ba Đình đã lắp ráp hàng chục tấn chi tiết cần đặt trước trong bê tông. Tại khu hầm đặc biệt trong 12 ngày thi công liên tục, toàn hệ thống “cửa nặng” đã được lắp ráp vào vị trí đúng tiến độ và đạt yêu cầu kỹ thuật. Đây cũng là một công việc vừa nặng nhọc vừa đòi hỏi độ chính xác cao. Sau đó họ lại tiếp tục lắp hoàn thành các hệ thống “cửa nhẹ” khác.
Đợt thi công đổ móng bè thắng lợi đã tạo tiền đề thuận lợi cho đợt thi công tiếp theo. Thi công phần tường có nhiều phức tạp hơn. Kết cấu mỏng, cao diện thi công hẹp rất khó đổ bê tông. Phấn khởi với kết quả đợt đầu, cán bộ, chiến sĩ đã triển khai công việc trên toàn tuyến, thi công liên tục, thận trọng, tỉ mỉ, an toàn.
Giai đoạn cuối của chiến dịch bao giờ cũng có nhiều khó khăn, cuộc chạy đua về cuối thường sức lực không còn dồi dào; lại phải hết sức khẩn trương. Khẩu hiệu của cán bộ chiến sĩ trên công trường là “tất cả cho đợt tổng công kích cuối cùng hoàn thành đúng ngày sinh nhật Bác”.
Cán bộ chiến sĩ ta đã tận dụng tối đa thi công cơ giới. Sáng kiến làm cầu cho các xe thô sơ chạy theo hành trình ngắn nhất được áp dụng rộng rãi. Bộ đội cũng đưa cần cẩu bánh lốp đặt trên sàn của các khối đổ trước để bê tông ở các khối xa mà cần cẩu tháp không với tới được.
Cuộc vận lộn trong đợt cuối cùng này diễn ra quyết liệt. Bộ phận phục vụ mang cơm, nước ra ngay bờ hố móng. Điều quan trọng đối với mọi người lúc này là kết thúc công việc đúng ngày giờ quy định. Và nguyện vọng của họ đã được thực hiện mỹ mãn. Đúng 24 giờ ngày 19 tháng 5 năm 1974, các đơn vị đã thực hiện xong 7 khối đổ lớn.
Trong cả ba đợt của chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ ta đã thực hiện đúng kế hoạch trên giao, hoàn thành nhiệm vụ đúng ngày giờ quy định. Cốt thép đặt đúng, đẹp được chuyên gia khen ngợi. Bê tông đảm bảo độ bền chắc vĩnh cửu. Từ khối lớn đến khối nhỏ, từ tấm dày hàng mét tới tấm mỏng vài trăm ly, trong điều kiện thi công khẩn trương, phối hợp hiệp đồng rất phức tạp, tư thế làm việc khó khăn…nhưng tất cả đều đạt yêu cầu một cách tốt đẹp.
Thành công của chiến dịch đổ bê tông phần ngầm khu trung tâm có rất nhiều ý nghĩa, nhưng ý nghĩa sâu xa nhất là ở chỗ con đường dẫn tới việc hoàn thành công trình Lăng Bác để khánh thành vào ngày 2 tháng 9 năm 1975 đã mở ra.
Ngày 18 tháng 5 năm 1974, Bác Tôn đến thăm công trường, Bác đi mọi nơi, xem xét công việc, Bác dừng lại ở những nơi cán bộ chiến sĩ đang hoàn tất những công việc cuối cùng của chiến dịch. Đôi mắt hiền từ của Bác âu yếm nhìn cán bộ, chiến sĩ. Bác xúc động hỏi thăm, khen ngợi và khích lệ mọi người. Bác mong cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên toàn công trường sẽ làm việc hăng say hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hoàn thành Lăng đúng thời hạn để đồng bào trong nước và bầu bạn năm châu đến viếng Bác Hồ. Ngày 19 tháng 5, Bác Tô dành thời gian nghe báo cáo tình hình toàn diện ở công trường. Bác rất vui. Bác ra lệnh thưởng cho toàn công trường được đi thăm nhà sàn của Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch…
8. Cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị Hùng Vương và Bắc Sơn rút quân khi công trường xây dựng Lăng Bác đã hoàn thành một phần công việc khá nặng nề và quan trọng: Đổ xong bê tông phần ngầm.
Riêng tiểu đoàn 2, đoàn Hùng Vương ở lại theo yêu cầu của Ban phụ trách để tiếp tục chi viện cho công trường, đảm nhiệm đặt cốt thép phần nổi của công trình.
Nếu như đổ bê tông phần ngầm có một khối lượng lớn, cần tốc độ và sức mạnh thi công, thì phần nổi không thể triển khai lực lượng rầm rộ như trước. Diện tích thi công lúc này chật hẹp và ở trên cao, yêu cầu mỹ thuật cũng rất nghiêm ngặt. Những tường ngang tường dọc, chồng chéo lên nhau và trong mỗi bức tường đường nét kiến trúc lại rất phức tạp, vì vậy không thể áp dụng phương pháp thủ công. Song họ rất lạc quan bước vào một đợt thi công mới với những kinh nghiệm phong phú qua đợt thi công trước. Chín mươi ngày đêm lao động tiếp theo, họ đã cùng với cán bộ công nhân công trường xây Lăng hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao. Ngày 30 tháng 10 năm 1974, một trong những ngày vui đáng ghi nhớ: Công trường xây đốt pháo mừng hoàn thành mẻ bê tông cuối cùng ở nóc, Lăng Bác.
Lăng Bác là một công trình văn hoá nghệ thuật , phần công việc trang trí và hoàn thiện chiếm hơn một nửa thời gian xây dựng. Hơn bất cứ một công đoạn nào, phần công tác này đòi hỏi trình độ kỹ thuật và mỹ thuật rất cao.
Ngay việc trát vữa, quét sơn đã không giống nhiều công trình xây dựng khác đòi hỏi thực hiện những quy trình công nghệ phức tạp, những cán bộ, công nhân vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên đã hoàn thành tốt đẹp.
Nhìn từ ngoài Lăng cũng như đi sâu vào bên trong, người xem dễ nhận thấy toàn bộ khối Lăng chủ yếu được kết cấu trang trí bằng đá. Quả thật, việc gia công đá, làm đá cho công trình Lăng đã vượt quá khả năng mà cán bộ chiến sĩ công nhân viên trong công trường suy tính. Lúc đầu ta tưởng có thể tự lực cánh sinh đảm nhiệm phần làm đá. Đất nước ta vốn có nhiều núi đá và không thiếu những đá quý. Nhưng khi gia công, mới biết có được những viên đá vuông thành sắc cạnh có kích thước lớn và bóng bẩy như vậy không dễ dàng gì.
Sản xuất một khối lượng đá như thế vừa tốn không ít thời gian, vừa phải có máy móc ở trình độ nào đó mới kham nổi. Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã hết sức thông cảm với ta. Hai vạn miếng đá hoa cương và cẩm thạch mài nhẵn đã đi vòng quanh nửa trái đất để đến với công trình Lăng Bác.
Nhưng số lượng ấy cũng mới chỉ là một phần. Cán bộ, công nhân viên nhà máy gia công đá An Dương phối hợp với Tổng cục Địa chất và cán bộ Bộ Xây dựng, cán bộ các địa phương đã đi các vùng khác nhau của đất nước tìm nguồn đá quý . Những loại đá quý này được nhân dân các địa phương khai thác và được vận chuyển về nhà máy An Dương. Tại nhà máy, việc cắt và mài đá là công việc cũng rất mới mẻ, Liên Xô đã cử người đào tạo thợ cho ta tại chỗ.
Ngày 1 tháng 11 năm 1974, lễ ốp viên đá đầu tiên ở phòng khách B2 đã được tiến hành. Đồng chí Đỗ Mười trực tiếp chủ trì. Tất cả mọi người trong phòng chăm chú nhìn viên đá màu đầu tiên được trân trọng đặt vào tường. Điều quan trọng trong việc ốp đá không phải chỉ làm cho viên đá phẳng, ngay ngắn, mà còn làm sao cho khe nối giữa viên đá này với viên kia phải rất khít, gây cảm giác không có vữa liên kết mà chỉ có viên đá đầu tiên được ốp ở phòng khách, hàng loạt bức tường khác đã được ốp đá, mỗi tường có những quy cách khác nhau tạo dáng phong phú đa dạng, phù hợp với ánh sáng, màu sắc, hài hoà với bố cục chung. Mặt ngoài của Lăng được ốp bằng đá hoa cương, một loại đá cứng vào loại thứ ba thứ tư sau kim cương huyền vũ. Đá này chịu đựng thử thách của thời gian, của nắng mưa và của nhiệt độ khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Những tấm đá màu xanh đậm có những nét vân hoa ốp rất quy cách, tạo vẻ tôn nghiêm thành kính của Lăng. Chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh ” trên nóc Lăng được ghép bằng đá ngọc Cao Bằng. Cửa chính của Lăng được ốp bằng đá đen bóng. Người đi qua lấp loáng hình mình như có tấm gương phản sáng bên trong.
Hai phòng khách và lối ra lễ đài, các nền và các bậc cầu thang cũng lát bằng đá hoa cương. Tất cả các tường và cột ốp bằng đá cẩm thạch, một loại đá mềm hơn nhưng mịn hơn, đẹp hơn. Riêng tường chính tiền sảnh ốp đá hoa cương vân đỏ hồng tươi, làm nền cho dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chữ ký của Bác, dòng chữ và chữ ký được mạ vàng rực rỡ.
Phòng Bác nằm vẫn là đá cẩm thạch Hà Tây, nhưng những viên đá có hình chữ nhật xếp hình thẳng đứng kế tiếp nhau nối từ chân tường đến đỉnh trần làm ta liên tưởng tới những thanh gỗ lát nhà sàn của Bác. Có cảm giác căn phòng thật ấm cúng, thật yên tĩnh. Và như có phép nhiệm màu từ đâu đó, mỗi lần ta có dịp đến viếng Bác, tự trong tiềm thức sâu xa mách bảo ta: “Hãy nhẹ chân – Bác đang yên ngủ. Hãy giữ yên giấc ngủ của Người”. Đầu Bác hướng về bức tường có hai lá cờ rất lớn – Cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Nhân dân Bá Thước, Thanh Hoá đã cất công đi tìm loại đá Hồng Ngọc này trên những triền núi trung điệp của mình gửi về Lăng. 4000 miếng đá này đã được ghép lại thành hai lá cờ màu đỏ thắm. Búa liềm và sao năm cánh ghép bằng đá cẩm vân vàng sáng.
Phần trang trí và hoàn thiện Lăng Bác còn phải kể đến việc hoàn thành 200 bộ cửa và tất cả các loại gỗ khác trong Lăng. Để không lãng phí một chút gỗ nào của đồng bào, chiến sĩ miền Nam gửi ra, các xúc gỗ đều được xẻ tay. Ban chỉ huy công trường đã giao cho 20 cặp thợ xẻ Nam Hà. Nhà máy gỗ Bạch Đằng chịu trách nhiệm ngâm tẩm chống mối mọt. Gỗ được sấy bằng các lò sấy hiện đại. Các thợ mộc giỏi của Nam Hà, Hà Bắc, Nghệ An đã tụ hội thi thố tay nghề. Có hai bố con bác thợ mộc làng Gia Hoà nổi tiếng về nghề đóng cử đã tới đây. Hai bố con bác là đời thứ sáu làm nghề mộc. Cánh cửa vào phòng thi hài là do hai bố con bác đóng. Cửa chốt theo kiểu mộng mòi. Có khoá cài cả hai chiều, không cần ke, không cần đóng chốt, khó phân biệt mối ghép. Những cánh cửa với kỹ xảo điêu luyện này đã biểu hiện tài hoa của những người thợ mộc Việt Nam, được các chuyên gia Liên Xô thừa nhận là “Đôi tay vàng”. Cửa ra lễ đài được ốp đá, những cửa tiếp giáp với nắng được quyết nhựa chống nứt. Ngoài đồ gỗ, trong Lăng còn dùng các thứ kim loại để trang trí như trần nhôm, lan can mạ kền, lưới gió, cửa trang trí, rào chắn, tay vịn bằng đồng…
Cộng tác trang trí được Ban phụ trách Lăng, Ban chỉ huy công trường và các chuyên gia đánh giá cao. Chất lượng vật liệu được kiểm tra thử nghiệm chu đáo. Trước khi thi công chính thức đều có mẫu hình thông qua Hội đồng kỹ thuật. Một số mẫu đã được Bộ Chính trị trực tiếp duyệt. Sự thận trọng, chu đáo, cùng với nỗ lực cố gắng của cán bộ, công nhân viên phụ trách phần này đã góp phần làm cho Lăng Bác có một vẻ đẹp hoàn thiện.
9. Trong lúc công trường xây khởi công và thi công dồn dập, công trường lắp do quân đội đảm nhiệm cũng ráo riết chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc “chiến đấu” của mình. Đây là một công trình có nhiều hệ thống máy móc hiện đại nhằm phục vụ việc giữ gìn nguyên vẹn lâu dài thi hài Bác. Các đồng chí lãnh đạo quân đội luôn luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Hết sức thận trọng, tỉ mỉ, chu đáo, không cho phép sai sót một ly”. Những người trực tiếp tham gia lắp máy đã ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình, chuẩn bị chu đáo mọi mặt để “đã ra quân là chiến thắng”.
Từ tháng 9 năm 1973, Ban phụ trách đã cử một đoàn cán bộ kỹ thuật điện, cấp thoát nước, thông hơi, điều hoà, cơ khí sang Liên Xô tham gia thiết kế thi công phần lắp, nắm trước thiết kế, nắm trước các biện pháp thi công để sau này về nước chỉ đạo lắp đặt máy móc.
Mặc dù các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô bố trí sát sao giờ giấc làm việc và mỗi người đều mang hết sức lực, trí tuệ suy nghĩ nghiên cứu, nhưng tới tháng 3 năm 1974, bản thiết kế thi công điện nước mới xong. Và tới tháng 4 phần thiết kế thi công thông hơi, điều hoà mới kết thúc.
Làm bản thiết kế thi công này so với thời gian dự định có chậm, nhất là hệ điều hoà không khí do đặt làm tại một nước khác nên phải chờ nhà máy của họ thông báo các thông số kỹ thuật, mới thiết kế được.
Công trường lắp bước vào cuộc chiến đấu muộn hơn công trường xây, cán bộ công nhân viên nóng lòng được bắt tay vào công việc. Cơ sở vật chất, hiện trường bước đầu được ổn định, các đơn vị trực tiếp thi công đến các đơn vị hỗ trợ, các cơ quan chức năng đều đã có chương trình hành động của mình.
Theo hiệp định các phương tiện thi công cho công trường lắp do ta tự đảm nhận. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ công nhân viên phải tự chuẩn bị. Một mặt đi mượn ở các nơi, mặt khác phải tự sản xuất những phần làm được.
Hệ thống ống hơi, bạn thiết kế định tuyến và quy định kích thước ống, muốn gia công đúng yêu cầu, công trường phải thiết kế toàn bộ bản vẽ gia công chi tiết. Trong gia công ống hơi, khâu hàn có ý nghĩa rất quan trọng. Công trường đã bố trí thợ hàn đi học chuyển loại chu đáo.
Đang những ngày đầu hè nóng nực, nắng chói chang từ sáng đến tận chiều, nhưng cán bộ, chiến sĩ các đội ra quân hầu như ngày nào cũng đạt 100% quân số. Tiếng máy rộn ràng, người đi lại làm việc trên hiện trường tấp nập. Những chớp hàn loé sáng, khói hàn bốc mờ mịt. Các đội thi đua với nhau, người này thi đua với người khác, không những tự răn mình phải làm sao sản xuất được sản phẩm tốt nhất, mà còn có năng suất cao nhất. Lại Văn Cường, thợ hàn bậc 3/7, sau khi đi học chuyển loại về nâng năng suất hàn từ 16m/công lên 47m/công. Công trường lắp trở nên sôi động về những con số tăng năng suất, những tấm gương lao động mỗi ngày một xuất hiện thêm nhiều. Song song với việc sản xuất ống hơi, bảo ôn các đoạn ống cần thiết, công trường lắp còn phải sản xuất chi tiết lắp điện. Các chi tiết như hộp chia dây, móc giá… đều ghi theo chuẩn của Liên Xô, ở nước ta chưa sản xuất mặt hàng này, đơn vị lắp phải thiết kế và tổ chức gia công toàn bộ chi tiết này.
Chất lượng đặt “sắt chờ” quyết định đội chính xác vị trí lắp các thiết bị, đồng thời cũng ảnh hưởng nhiều tới tốc độ thi công cả xây và lắp. Việc đặt các chi tiết “sắt chờ” vào bê tông để sau này cố định các ống dây điện vào tường và trần rất phức tạp. Có tới 10.000 đoạn sắt chờ như vậy với sự tải trọng khác nhau. Trong thiết kế chưa tính toán được hết nên “sắt chờ” đặt trước không đủ, đội thi công lắp điện đã nghĩ cách hàn sắt chờ vào hệ thống lưới sắt của bên xây. Sáng kiến này đã khắc phục được tình trạng đục bê tông, công trình nhanh hơn, đảm bảo chắc chắn mà vẫn không thương tổn đến vẻ đẹp công trình. Cán bộ kỹ thuật tổng hợp gồm các đồng chí kỹ sư, cán bộ kỹ thuật thông hơi, điều hoà, điện, cơ khí, cấp thoát nước và trắc đạc… Bộ phận này không những nghiên cứu cả thiết kế phần xây để có phương án thi công hợp lý nhất.
Khối lượng công việc lớn, nhưng điều kiện thi công hết sức khó khăn. Mạng lưới ống hơi, đường ống nước, đường ống điện vừa nặng vừa cồng kềnh, lúc thì ở trên cao, lúc dưới hầm sâu. Điều kiện thi công chật hẹp và cùng một lúc, các phần công việc khác nhau đan xen vào nhau. Công trường xây lúc này đang dồn dập ốp đá, trát vữa, quét sơn. Trong cùng một diện tích hẹp đã có đủ mặt các loại thợ lắp, thợ xây, các loại dụng cụ, thiết bị. Trong lúc thợ xây đang trang trí hoàn thiện tường, trần thì thợ điện nhấp nhỏm đợi chờ bên cạnh để lắp hệ thống điện trên trần. Lợi dung giàn giáo và các phương tiện của đội bạn bên xây vừa làm, cán bộ công nhân lắp máy tổ chức làm thêm ca, thêm kíp. Mới đêm qua, trong phòng còn do bên xây làm chủ, sáng hôm sau các đoạn ống hơi, ống nước, ống điện đã được lắp đặt chằng chịt.
Mặc dù chạy đua với thời gian, tranh thủ mọi thời cơ để công việc hoàn thành với thời gian sớm nhất, song chất lượng công việc vẫn được đặt lên hàng đầu. Khẩu hiệu hàng đầu của công trường lúc này là: “Chất lượng là mệnh lệnh của trái tim”, “chất lượng là thể hiện lòng trung thành với Đảng, với Bác”. Phải “Đoàn kết hợp đồng, lập công tập thể”.”Xây hỗ trợ lắp, lắp hỗ trợ xây, triển khai toàn tuyến”. “Năng suất ngày hôm nay phải cao hơn ngày hôm qua”.
Không khí làm việc hững ngày này như có chất men say của người lính ra trận năm xưa. Những câu hát, câu hò quen thuộc ngày nào lại vút cao trong những phút nghỉ ngơi như nhắc nhủ động viên bộ đội vượt qua những gian nan hiện tại. Trong khó khăn, tình đồng đội càng gắn bó keo sơn. Những sáng kiến không ngừng nảy nở. Ở hào thông hơi từ tầng ngầm lên tầng kỹ thuật cao 21m, trong hào không những lắp 5 ống hơi lớn mà còn là vị trí của thang điện. Đường ống dài theo phương thẳng đứng, các ống nằm sát nhau không có chỗ để thao tác bảo ôn và xử lý độ kín của mối nối… làm sao có thể lắp tốt và tránh được mọi nguy hiểm? Nhóm kỹ sư thông hơi điều hoà đã đưa ra giải pháp: phân đoạn đường ống thành nhiều đoạn. Mỗi đoạn từ 2 đến 3 ống ghép lại. Dùng tời kéo từng đoạn ống để lắp với nhau và liên kết các đoạn vào với nhau, cứ như thế lần lượt lắp đến đoạn cuối cùng. Kết quả là cả 5 ống hơi được lắp nhanh, chất lượng tốt, an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị.
Cùng với những sáng kiến không ngừng phát sinh là những tấm gương lao động quên mình luôn nảy nở trong cán bộ, chiến sĩ, công nhân công trường. Lê Văn Duyệt, thợ hàn điện của đội lắp điện đang say mê hàn trên thang ở độ cao 2,5m bỗng lịm dần rồi ngất xỉu. Mọi người vội vã chạy đến đỡ Duyệt xuống và sau 30 phút cấp cứu, anh vừa tỉnh dậy lại thiết tha trở lại vị trí của mình. Anh đã làm việc liên tục mỗi ngày 12 giờ liền. Anh xin được làm như thế trong hàng tuần lễ để sớm xong công việc giải phóng mặt bằng cho bên xây. Ý chí của anh thật vô hạn.
Trọn cuộc đời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã hy sinh phần hưởng thụ riêng, cống hiến toàn bộ sức lực cho công việc chung. Phải chăng những chiến sĩ quân đội mà Người hằng chăm sóc giáo dục, những ngày này đã noi gương của Người.
Cuối tháng 12 năm 1974, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp đã cơ bản hoàn thành lắp hệ mạng của hệ kỹ thuật.
Cùng thời gian này, đồng chí Trường Chinh đến thăm công trường. Đồng chí Trường Chinh xem xét tình hình thi công, đột nhiên đồng chí chỉ ra một đoạn ống hàn chưa thật thẳng. Đồng chí ân cần nhắc nhở: “Lăng Bác là công trình tôn nghiêm vĩnh cửu, các đồng chí phải làm thế nào đạt chất lượng tốt nhất, đẹp nhất”. Đồng chí Trường Chinh chỉ nói vậy thôi, nhưng ngày hôm sau, mọi người đề nghị được cắt bỏ đoạn ống đó thay bằng đoạn khác, thẳng đẹp hơn. Cũng từ đó ý thức về chất lượng và mỹ thuật của công trình được quán xuyến sâu sắc hơn trong cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường.
Công việc đầu tiên của những người thợ lắp là hoàn thành phần điện trạm nguồn và các tủ bảng phân phối điện. Các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, và thợ lắp máy lành nghề đã được huy động tới lắp trạm biến áp 3×1000 KVA. Cụm máy này được coi như quả tim của công trình. Trước ngày lắp đặt, các đội đã được nghiên cứu kỹ thuật thiết kế, quy trình, quy phạm kỹ thuật. Các đồng chí chuyên gia luôn có mặt với cán bộ kỹ thuật Việt Nam chỉ đạo việc di chuyển lắp đặt và xử trí các tình huống phức tạp. Người ra vào Lăng tấp nập, hối hả. Từ dưới hầm sâu khu giữa, khu trái, khu phải lên tới độ cao 19m, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, bám trên thang, trên giá lắp tủ bảng điện các loại. Xen kẽ với thợ lắp tủ bảng điện là thợ lắp điện đèn chiếu sáng. Đèn trên trần, đèn trên tường, đèn ở những chỗ cheo leo ẩn khuất. Mỗi bộ đèn chiếu sáng đều có một mục đích, một ý nghĩa riêng, theo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật rất nghiêm ngặt. Quá trình lắp đèn chiếu sáng, những người thợ lắp đã cải tiến sơ đồ khối và điều chỉnh độ sáng để nâng hiệu quả của ánh sáng phục vụ nhân dân vào thăm viếng Bác tốt hơn.
Dưới hầm sâu, trên mặt nền, và cả ở những vị trí lơ lửng trên cao, hàng trăm động cơ điện từ 0,6kW đến 2000kW đang được bàn tay của những người lính thợ nâng nhấc, đưa vào vị trí. Tại buồng điều độ trung tâm, từng tốp thợ lặng lẽ lắp các bảng điều khiển, kiểm tra hệ điều hoà không khí. Công việc này tuy không nặng nề như căng thẳng. Các bảng này rồi đây sẽ thay con người những công việc chi ly tinh xảo, tự động báo những con số, những sai lệch để kịp thời điều chỉnh hệ thống điều hoà.
Ở một phòng khác, tổng đài điện thoại 100 số, và hệ thống truyền hình công nghiệp cũng đang được lắp ráp tỉ mẩn công phu. Hàng trăm chi tiết lớn, nhỏ, trông đến rối mắt đang được những đôi bàn tay khéo léo và những bộ óc tỉnh táo ghép nối thành hệ thống hoàn chỉnh. Cạnh đó là một tốp thợ vừa lắp vừa kiểm tra lại hệ tín hiệu bảo vệ, hệ tín hiệu báo cháy. Chỉ cần một sai sót nhỏ xảy ra trong các chi tiết máy đều có thể gây nhiễu loạn. Và sẽ thiệt hại cho công trình biết chừng nào nếu trong điều kiện khẩn cấp, các tín hiệu này không bảo đảm độ tinh nhậy chính xác.
Trong lúc có những bộ phận làm việc lặng lẽ căng thẳng thì ở đội kéo cáp động lực lại nổi lên tiếng dô hò, ầm ĩ và sôi động. Cáp tiết diện lớn nhỏ đang được các chiến sĩ giăng hàng, dồn hết sức lực kéo như kéo pháo để đưa vào vị trí lắp đặt. đường kéo cáp vòng vèo, nhiều chỗ ngoặt khúc khuỷu. Số người kéo lên tới bốn năm chục người mà vẫn trầy trật vất vả. Găng tay bảo hộ lao động không đủ, nhiều bàn tay rộp phồng, vậy mà không ai bỏ cuộc, không ai kêu ca phàn nàn.
Khối công việc nặng nề nhất, có tầm quan trọng đặc biệt nhất trong thời gian này là lắp hệ thống thông hơi, điều hoà nhiệt độ. Cuối tháng 2 năm 1975, các bộ phận máy móc này cập bến Hải Phòng. Cả công trường náo nức hẳn lên. Chỉ trong vòng một tuần, 240 tấn hàng đã được bốc dỡ về công trường.
Ngày 1 tháng 3 năm 1975, Bộ chỉ huy lắp máy quyết định mở chiến dịch “40 ngày lắp xong hệ điều hoà”. Đây là hệ thiết bị công nghệ cơ bản và tự động hoá cao nhất trong Lăng, có nhiệm vụ tạo ra môi trường tinh khiết, có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp phục vụ cho việc giữ gìn thi hài, phục vụ quần chúng đi viếng Bác và phục vụ nhân viên vận hành. Hệ điều hoà này còn có nhiệm vụ chống nấm mốc cho công trình. Ngày 2 tháng 3 năm 1975, tức là chỉ sau một ngày của chiến dịch đầy sôi động, một vinh dự bất ngờ lại đến với cán bộ, chiến sĩ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và động viên đơn vị.
Lắp đặt hệ thống điều hoà là công việc hoàn toàn mới mẻ với cán bộ, chiến sĩ, công nhân của đội lắp máy. Hệ thống máy này do Liên Xô thiết kế, nhưng máy móc được đặt ở một nước khác, các phụ tùng, linh kiện, các mô dun của máy lại do nhiều hãng thuộc nhiều nước như Nhật, Mỹ, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Thuỵ Sỹ… chế tạo. Tất cả hệ thông hơi, điều hoà, 4 hệ điều hoà trung tâm nặng 160 tấn, rất hiện đại, chưa từng có ở nước ta. Hỗ trợ cho hệ điều hoà trung tâm còn có các bộ làm lạnh cục bộ, các bộ sấy cục bộ, các máy điều hoà treo. Đưa không khí đã điều hoà đi có hàng chục máy quạt gió với tổng lượng gió trên 8 vạn mét khối giờ. Không kể hệ thống đường ống hơi chằng chịt, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp còn phải lắp thiết bị lẻ như tiêu âm, van gió, mô tơ, lưới hút, thổi… Và một nhà máy lạnh có sáu cụm máy lạnh với tổng công suất hơn 2,5 triệu kW/h, cũng được lắp đặt để phục vụ hệ thống điều hoà.
Đưa một khối lượng máy móc lớn vào trong Lăng quả là một việc không ít khó khăn. Đội lắp máy chẳng những đã phải huy động lực lượng các đội khác cùng giúp sức, mà còn phải không ngừng phát huy những sáng kiến trong quá trình làm việc. Để đưa máy nén nặng 7 tấn của trạm lạnh lên bệ, biện pháp thi công lúc đầu là “kích”. Một vài lần làm theo phương pháp này, anh em thấy vừa tốn quá nhiều thời gian, sức lực, vừa không bảo đảm an toàn. Quá trình “kích” máy đã hai lần nghiêng vì nâng hạ kích không đều. Anh em đã đề nghị cho cố định pa-lăng vào sắt chờ, phía trên bệ máy để đưa máy vào bệ. Nhờ sự cải tiến này, năng suất tăng 200%, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi đưa máy vào bệ. Tốp thợ căn chỉnh máy nén cũng có những sáng kiến đáng kể, anh em sử dụng dụng cụ thông thường mất 12 giờ một máy. Sau khi nghiên cứu thiết kế một bộ tăng đơn giản cho phép nâng hạ máy với khoảng cách nhỏ tuỳ ý. Biện pháp này chẳng những làm cho việc căn chỉnh máy rất chính xác mà còn đưa năng suất lên 300%. Việc kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị trước khi lắp ráp máy cũng được cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp tiến hành rất nghiêm khắc và tỉ mỉ.
Cùng với việc lắp hệ thống điều hoà nhiệt độ, đội lắp máy còn lắp hệ thống cấp thoát nước. Trong Lăng có hệ thống cấp và thoát nước, quan trọng nhất là hệ thống nước kỹ thuật: Nước làm mát bình ngưng máy lạnh và hệ thống nước tải lạnh. Nhu cầu cấp nước cho Lăng rất lớn. Lượng nước của thành phố chưa đáp ứng được nên công trường đã xây dựng nhà máy nước riêng. Bảo đảm một ngày đêm cấp được một vạn khối nước. Ống dẫn nước đưa vào Lăng cũng được đặt hai đường, một sử dụng và một dự bị. Nhà máy nước này cũng có hệ thống lọc để bảo đảm chất lượng.
Cán bộ chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp máy đã phải lắp 5 bình chưa nước dung tích từ 10 đến 50 mét khối, gần 50 máy bơm các loại, hơn 450 van khoá và một khối lượng ống nước lớn có đến 5000m. Ngoài việc lắp các hệ thống máy móc cơ bản trên, anh em còn phải lắp nhiều máy móc cơ khí khác. Lắp thang máy đặc biệt. Lắp hệ thống bảo vệ gồm các cửa nặng, các cửa kín, cửa tròn, các van phòng sóng xung kích, và hệ quang treo giảm chấn.
Các máy móc ở đây thiết kế khá độc đáo, yêu cầu lắp ráp với độ chính xác cao. Hệ cửa bảo vệ có thể điều khiển từ xa. Thang máy có nhiều giải pháp thiết kế bảo đảm an toàn. Trong các loại máy móc tinh vi quan trọng có thiết bị quan tài. Thiết bị này do đồng chí chuyên gia lắp. Quan tài trong suốt và kín. máy móc nâng hạ quan tài cũng theo nguyên lý chuyển động chính xác đặc biệt. Hai mươi loại đèn nhiều tia, có màu khúc xạ bởi nhiều bộ lăng kính và hệ thoát nhiệt. Trình độ công nghệ và trình độ khoa học ở các thiết bị này rất cao.
Tuy việc lắp ráp các máy móc tinh xảo đòi hỏi có trình độ khoa học kỹ thuật rất cao, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường lắp không những hoàn thành tốt mà còn phát huy được nhiều sáng kiến để thay đổi bổ sung cho thiết kế và lắp đặt được tốt hơn. Nhờ tinh thần chủ động sáng tạo và tinh thần đoàn kết hiệp đồng cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường, chiến dịch 40 ngày đêm lắp máy đã hoàn thành thắng lợi. Đây cũng là tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên công trường đối với Bác với Đảng kính yêu.
10. Cùng với việc thiết kế, xây dựng Lăng Bác là việc thiết kế, cải tạo xây dựng lại Quảng trường Ba Đình. Nơi đây, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Xây dựng lại Quảng trường Ba Đình to đẹp hơn, trang nghiêm hơn, hiện đại hơn cũng là ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân ta biểu dương lực lượng, biểu hiện ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mình mà còn là nơi nhân dân ta, các thế hệ mai sau cùng bạn bè năm châu quy tụ về đây thăm viếng Hồ Chủ tịch và tham quan những di tích lịch sử thời đại Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở phác thảo của ta, chuyên gia Liên Xô đã thiết kế Quảng trường, đường sá và vườn hoa tiếp giáp Lăng trên diện tích, bao gồm vườn Bách Thảo, khu lưu niệm và chỗ ở của Hồ Chủ tịch, Phủ chủ tịch, Lăng, Hộ trường Ba Đình… Trước mắt cải tạo xây dựng lại khu trước Lăng để kịp hoàn thành với Lăng trong dịp Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1975.
Ngày 19 tháng 4 năm 1974, Liên Xô cử một đoàn chuyên gia Liên Xô do đồng chí A. Lê-ốp, đại diện Xô -viết Mát-xcơ-va làm trưởng đoàn sang Việt Nam. Đoàn mang dự án thiết kế cải tạo Quảng trường và vườn hoa tiếp giáp Lăng sang Việt Nam để Nhà nước ta xem xét duyệt.
Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã triệu tập một hội nghị gồm đại biểu 14 bộ, ngành, địa phương có liên quan để giao nhiệm vụ. Đồng chí Đỗ Mười yêu cầu mỗi bộ, mỗi ngành cử cán bộ có năng lực tập trung nghiên cứu thiết kế của đoàn chuyên gia, đề xuất ý kiến trước khi Nhà nước xem xét và duyệt phương án này.
Chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của đồng chí Đỗ Mười, các đồng chí cán bộ được giao trách nhiệm đã miệt mài nghiên cứu, thảo luận dự án của bạn. Ngày 7 tháng 5 năm 1974, biên bản làm việc giữa ta và bạn đã được ký kết. Kết quả của cuộc hội đàm này được báo cáo lên Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ. Bản dự án thiết kế của đoàn chuyên gia Liên Xô đã được phê duyệt. Một số thay đổi, bổ sung trong quá trình thảo luận đã được phía đưa vào bản dự án cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Theo thiết kế đã thống nhất thì Quảng trường Ba ĐÌnh, vườn hoa tiếp giáp và Lăng Bác là một quần thể kiến trúc thống nhất. Tổng diện tích cải tạo và xây dựng là 14ha. Quảng trường ở phía trước Lăng, diện tích là 2,8 ha, chứa khoảng 10 vạn người, chia thành 168 ô vuông trồng cỏ, giữa có lối đi rộng 1,4m. Xung quanh Quảng trường là hè rộng 7m và 4m lát bằng tấm bê tông cốt thép sỏi nổi trang trí. Tổng diện tích lát hè là 7800m2. Dưới mặt đất là hệ thống tưới tiêu thoát nước. Nước được thu dồn về hai trạm bơm đặt ngầm dưới mặt đất. Mạng đường sá sẽ được làm lại rộng và chắc chắn hơn. Đường Hùng Vương, đi qua trước Lăng, làm bằng bê tông cốt thép, dài 1060m, rộng 40m. Riêng đoạn trước Lăng rộng 60m. Đường Bắc Sơn dài 280m, rộng 60m, chia làm 2 làn, ở giữa là dải ngăn cách rộng 12m làm vườn hoa. Đường Ba Đình dài 400m, rộng 18m. Ngoài ra còn có đường xung quanh Lăng gồm các đoạn ra vào vườn hoa hai bên và phía sau Lăng…
Để cho Quảng trường khô ráo nhưng vẫn bảo đảm hàng trăm thứ cây cảnh, cây hoa, các vuông cỏ có thể sống tốt tươi, những người thiết kế quảng trường hết sức chú ý đến hệ thống cấp thoát nước. Hệ thống này phải tiêu thoát nước cho một diện tích 14ha trong đó có Lăng, Quảng trường, hệ thống đường và các khu tiếp giáp. Một hệ thống ống cống bằng bê tông cốt thép đặt ngầm dưới các hè dọc đường với tổng chiều dài 4.200m được nối với mạng đường thoát nước của thành phố. Dưới các vuông cỏ của Quảng trường có các tầng lọc nước, mạng ống và mương ngầm. Đi đôi với hệ thống thoát nước, có hệ thống cấp nước. Đường ống dẫn nước được bố trí trên các khu vực Quảng trường, sau Lăng và đường Bắc Sơn.
Công trình điện cho Quảng trường chủ yếu cấp và phân phối năng lượng cho tất cả các thiết bị dùng điện chiếu sáng mặt ngoài Lăng, chiếu sáng Quảng trường, vườn hoa và các đường phố phụ cận. Quảng trường sử dụng các đèn thuỷ ngân cao áp và các đèn nêông đặt trên các cột cao.
Quảng trường còn có một hệ thống thông tin truyền thanh, truyền hình. Các công trình này sẽ bảo đảm thông tin liên lạc, truyền thanh, thu thanh và thu phát hình tại chỗ.
Công trình cây xanh, cây cảnh và vườn hoa làm tôn vẻ đẹp và tạo ra không khí trong lành trong Lăng Bác và quảng trường. Vơi công trình này các dịa phương trên mọi miền đất nước có thể gửi về Thủ đô những cây xanh, cây cảnh và những loại hoa tiêu biểu cho vùng đất của mình.
11. Hoàn thành một khối lượng công việc như thiết kế nói trên, lại trong một thời gian ngắn sao cho cùng xong với công trình Lăng. Công tác tổ chức, chỉ huy đảm bảo để nhanh chóng thi công là công tác rất thiết yếu lúc này.
Đúng ra, khi thành lập công trường xây dựng Lăng, chính phủ có giao nhiệm vụ cho công trường gồm việc xây dựng Lăng và làm lại Quảng trường Ba Đình. Nhưng tới tháng 5 năm 1974, công trường xây Lăng có nhiều khó khăn trong tiến độ xây dựng, nên khó đảm đương nổi cả nhiệm vụ thi công Quảng trường. Vì vậy, ngày 5 tháng 6 năm 1974, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phân giao nhiệm vụ này cho cán bộ, các ngành và các địa phương.
Thực hiện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngay từ những buổi đầu, cán bộ kỹ thuật của quân đội đã tham gia thiết kế cải tạo Quảng trường và vườn hoa tiếp giáp Lăng với chuyên gia và chuẩn bị các phương án tổ chức bộ máy để giúp cho Ban Phụ trách. Lăng theo dõi công trình này: Thành lập Ban Kiến thiết và một công trường thống nhất, hoặc do nhiều đơn vị thi công chuyên ngành. Cả hai phương án nói trên, quân đội sẽ cử một đoàn cán bộ tham gia vào Ban Kiến thiết và nếu có yêu cầu thì sẵn sàng cử một lực lượng tham gia thi công trực tiếp.
Ban Phụ trách Lăng đã trao đổi với Bộ Quốc phòng về sự cần thiết phải có một cơ quan quản lý thi công có đủ năng lực vừa làm nhiệm vụ Ban Kiến thiết vừa làm tham mưu giúp Ban Phụ trách. Ban Phụ trách xây dựng Lăng uỷ nhiệm cho Bộ Quốc phòng tổ chức khung Ban Kiến thiết Quảng trường, lấy quân đội làm nòng cốt. Ngày 29 tháng 6 năm 1974, Ban Kiến thiết Quảng trường Ba Đình đã được thành lập, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban Phụ trách. Cùng ngày Bộ Tổng tham mưu ra chỉ thị quyết định về cơ cấu Ban Kiến thiết và lấy cán bộ của Phòng sân bay Bộ tư lệnh Công binh là nòng cốt.
Ban Kiến thiết Quảng trương gồ 75 người, trong đó 85% là cán bộ kỹ thuật quân đội. Ngoài ra còn cán bộ của các Bộ Vật tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng tham gia. Đồng chí Nguyễn Văn Tưởng được cử làm Trưởng ban Kiến thiết Quảng trường.
Ngày 1 tháng 9 năm 1974, công trường cải tạo Quảng trường chính thức khởi công. Tin chiến thắng ở chiến trường, cùng với tốc đọ thi công khẩn trương trong giai đoạn chót của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ở công trường xây Lăng đã cổ vũ mọi người trên công trường kiến thiết Quảng trường ba Đình. Các cán bộ, các ngành và thành phố Hà Nội, mỗi ngành, mỗi địa phương nhận thi công một khu vực hoặc một việc chuyên ngành. Tuy Nhà nước chưa có đủ vật tư, các đơn vị thi công phải tự giải quyết lấy, Nhà nước sẽ trả sau. Song người và nguyên vật liệu từ các ngả đường ùn ùn tiến về Quảng trường. Bộ này thi đua với đội kia, ngành này thi đua với ngành kia. Các đơn vị thi công nhà cửa và hàng rào lập thành một khối do Bộ Xây dựng làm tổng B. Các đơn vị thi công chuyên ngành làm việc trực tiếp với Ban Kiến thiết Quản trường.
Mười bốn công ty của các bộ và thành phố Hà Nội tham gia xây dựng, và giải phóng mặt bằng. Công trường luôn có hàng nghìn người lao động. Lúc này đang là đầu mùa thu, trời se lạnh nhưng Quảng trường như sống lên bới không khí lao động nồng nhiệt, khẩn trương của mọi người. Tiếng tường đổ, tiếng cuốc xẻng đào xới, tiếng hò reo… không khí Quảng trường lúc nào cũng náo nhiệt.
12. Ngày 31 tháng 8 năm 1974, Liên Xô mới gửi bản thiết kế cơ bản sang cho công trường, chưa có thiết kế chi tiết và bản vẽ thi công. Đi đôi với việc giải phóng mặt bằng. Ban Phụ trách xây dựng Lăng đã huy động cùng một lúc hơn 100 cán bộ của 13 Viện Thiết kế chuyên ngành đến Quảng trường triển khai cụ thể hoá thiết kế của bạn.
Ngày 20 tháng 11 năm 1974, công trường bước vào thi công các công trình theo thiết kế mới. Có lẽ từ trước đến lúc này chưa có một công trường lao động nhân lực được lựa chọn tinh nhuệ đến như vậy. Tổng bộ Quảng trường như một sự huy động tổng hợp lực lượng chuyên ngành.
Lực lượng của Bộ Giao thông vận tải, có đủ các loại xe tải đang lăn bánh rầm rập chuyển nguyên vật liệu, thiết bị từ cấc nơi về công trường cho tất cả các đơn vị thi công. Lực lượng của họ được rải ra trên các trục đường chạy dọc, chạy ngang trên Quảng trường. Tất cả các đường bê tông nhựa đều do họ đảm nhiệm.
Lực lượng của Bộ Xây dựng tiến hành khai thác, sản xuất, gia công nguyên vật liệu, cấu kiện bê tông đúc sẵn cho toàn công trường. Họ còn là những người thi công thi công các hạng mục công trình Quảng trường, hệ thoát nước, cấp nước, điện chiếu sáng, lát gạch và tấm bê tông cho hè đường và cải tạo, lắp đặt thiết bị Nhà chỉ huy trung tâm…
Cánh quân của Tổng cục Bưu điện thi công toàn bộ công trình thông tin, truyền thanh, phát thanh và truyền hình…
Đội quân của Tổng cục Lâm nghiệp là những con người đang đem lại màu xanh cho Quảng trường, cho các đường quanh Lăng, và cho khu vườn của Bác. Công việc đầu tiên của họ là tiếp nhận hàng trăm thứ cây xanh, cây cảnh và các loại hoa của nhân dân từ trăm vùng đất nước gửi tới. Mỗi cây hoa, cây cảnh biểu hiện nồng thắm tấm lòng của các địa phương đối với Bác – Qua bao nhiêu chặng đường mưa gió nó vẫn tươi xanh như mầm chồi búp. Các anh chị trong ngành lâm nghiệp hơn ai hết biết cái giá của mỗi loại cây được chuyển tới đây. Họ sẽ trồng những cây này đúng nơi, đúng chỗ như bản thiết kế quy định, như ước mong của nhân dân.
Những cây chò nâu từ đất tổ Hùng Vương đã được chuyển tới. Các nhà thiết kế đã nghĩ đến việc trồng loại cây này trên con đường lớn nhất, trang trọng nhất chạy trước Lăng Bác. Đó là đường Hùng Vương. Đây là loại cây cao, thẳng, tán lá rộng có màu xanh đậm. Tất cả các loại cây được lựa chọn gần như cùng một lứa tuổi, độ lớn, độ cao giống nhau. Những cây chò nâu đất tổ sẽ tạo cho con đường một vẻ đẹp, một sức sống bền vững thiêng liêng.
Hai bên đường Bắc Sơn sẽ trồng hai hàng hoa ban giáp lòng đường; và hàng dầu nước bên trong. Hoa ban gợi nhớ một vùng đất mang chiến công oanh liệt của cả nước: Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc rất quý loại hoa này. Họ gửi về công trường một loại hoa cây to, cao, hoa trắng muốt và nở từ tháng 5 trở đi, những cánh hoa ban là thể hiện tấm lòng thuỷ chung, thanh bạch của họ gửi về Bác trong những dịp sinh nhật của Người.
Những cây dầu nước bên trong là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần kiên cường, bất khuất “đi trước về sau”, bám trụ trên mảnh đất quê hương đến thắng lợi cuối cùng của đồng bào chót mũi Cà Mau.
Ngoài hàng rào, hai bên đường Hùng Vương và Bắc Sơn cán bộ, công nhân viên lâm nghiệp trồng những hàng phi lao – một loại cây tượng trưng cho sự chịu đựng gan góc trước nắng, mưa bão táp. Cây phi lao hầu như sống được ở khắp nơi. Những vùng cát trắng ven biển, những đồi núi khô cằn…
Đôi bàn tay của người thợ lâm nghiệp cò vinh dự được trồng những loại cây có ý nghĩa lịch sử, như trúc Pác Bó mọc dưới núi Các Mác và bên suối Lê nin, từng gần gũi với Bác những năm gian nan khốc liệt của đất nước, những cây đa Tân Trào – kỷ niệm những ngày Bác đến Tân Trào, những ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Những cây luồng, cây tre vùng Lam Sơn, Thanh Hoá tiêu biểu cho ý chí quật khởi của các cuộc khởi nghĩa của anh hùng dân tộc Lê Lợi… Những người thợ lâm nghiệp còn được dón nhận những thứ cây quý từ miền Trung gửi về như cây quế trà my, nổi tiếng về chất lượng và mì thơm, cây loòng boong Quảng Nam – Đà Nẵng, một thứ cây đặc sản từng nuôi sống cán bộ, chiến sĩ miền Trung trong những năm chống Mỹ ác liệt…
Hàng trăm loại cây ăn quả mà trước đây Bác vẫn chăm bón hàng ngày, lấy quả làm quà gửi tặng các chiến sĩ quân đội, các cháu thiếu nhi và nhân dân các vùng như vú sữa, cam, chanh, bòng, bưởi cũng được quy hoạch lại, chăm chút thêm để tiếp tục sinh sôi nảy nở bên Người.
Còn những chàng trai, cô gái thanh lịch Thủ đô, thi công toàn bộ hệ thống đường ống cống thoát nước, trồng cỏ, trồng hoa và cây cảnh. Các cô gái công ty công viên cấy xuống Quảng trường những vuông cỏ, vừa có sức chịu nắng mưa, vừa xanh tốt bốn mùa. Ở vườn hoa tiếp giáp, họ đang nâng niu những loại hoa có nhiều ý nghĩa, như các cây đào được chiết ra từ cây đào Tô Hiệu, và những cành mai đủ màu sắc chỉ quen sống ở vùng đất phía Nam.
Phía sau Lăng một chút, những bồn hoa nhiều hương sắc mà sinh thời Bác vẫn ưu thích như nhài, hương mộc, dạ hương… được trồng xen kẽ với nhau, và vô vàn những loài hoa khác đặc sắc về màu sắc và hương thơm được nhân dân các địa phương gửi tới. Đồng bào cả nước muốn Bác nằm giữa muôn vàn hương thơm của hoa lá. Hoa lá như tấm lòng của nhân dân cả nước muốn được vây quanh Bác, muốn được quấn quýt bên Người.
Ở hai phía Lăng là loại ngọc bút trắng, cánh hoa tường vi hồng tươi, phía trước, sát bên Lăng Bác là hai hàng vạn tuế. Dưới chân Lăng là hai cây đại tượng trưng cho sự thanh khiết, trường tồn.
Ngoài các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, xây dựng Quảng trường còn có lực lượng của 14 tỉnh, thành tham gia. Việc phối hợp, điều hoà sao cho hợp với tiến độ, kế hoạch chung là việc không dễ dàng. Mặt khác vật tư thiết bị lúc thiếu, lúc chậm cũng làm cho công trường gặp không ít khó khăn.
Lực lượng lao động gồm nhiều thành phố khác nhau, nếu tổ chức phối hợp không tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, do đó các chỉ tiêu kế hoạch của các đơn vị thi công đạt rất thấp. Ban Kiến thiết Quảng trường sớm nhận thấy phải có biện pháp củng cố về tổ chức, vì vậy đã đề nghị Ban Phụ trách xây dựng Lăng thành lập một Ban chỉ huy chung để điều hành công việc phối hợp cho nhịp nhàng ăn khớp do trưởng ban kiến thiết làm chỉ huy trưởng. Tháng 2 năm 1975, Ban chỉ huy này được thành lập và quả nhiên tình hình thi công có khá hơn.
Ban chỉ huy chung đã đề nghị với Ban Phụ trách huy động thêm lực lượng chi viện. Các cán bộ, công nhân viên ở các cơ quan Trung ương và Hà Nội, các sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp đã hăng hái tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, chi viện đắc lực cho công trường. Từ tháng đến tháng năm 1974, lực lượng này đã góp được khoảng bảy vạn ngày công.
Tháng 6 năm 1974, tính chung toàn công trường mới hoàn thành được khoảng 60% khối lượng. Ban Phụ trách Lăng đã đề nghị Bộ Quốc phòng chi viện thêm lực lượng. Thế là, một lần nữa quân đội đã điều động khẩn cấp một lực lượng gồm hai trung đoàn: trung đoàn Trung Dũng của Đồng Bằng và trung đoàn Tân Trào của Quân khu Việt Bắc đến Quảng trường Ba Đình.
H là lực lượng cơ động của Ban Kiến thiết Quảng trường, xung kích ở những “điểm nóng”. Lực lượng làm đường thiếu người, có bộ đội bổ sung; lực lượng trồng cây cần người đào hố, có bộ đội chi viện… Bộ đội còn có mặt trong các lực lượng xây lắp hệ thống thông tin, phát thanh, truyền hình và các công việc phức tạp khác. Chỗ nào gặp khó khăn, bộ đội sẵn sàng tới chi viện.
Tuy không phải là lực lượng kỹ thuật, chuyên ngành, song nhờ có lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ, bảo đảm vật chất và hậu cần có nền nếp ở mọi nơi, mọi chỗ bộ đội tham gia đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ hai trung đoàn Trung Dũng và Tân Trào đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần lao động quên mình, và về năng suất và chất lượng công việc, xứng đáng với truyền thống “Đánh đâu được đấy” của quân đội ta. Sự có mặt của họ trong lúc công trường đang khó khăn đã gây được niềm tin yêu của mọi người, thúc đẩy và động viên mọi lực lượng nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn quy định.
Thế là gần năm năm, kể từ ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xây dựng Lăng, cải tạo Quảng trường Ba Đình đã vượt trăm nghìn gian khó, những gian khó tưởng chừng không thể vượt qua được để lúc này có thể báo cáo với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân rằng: Ngôi nhà vĩnh hằng của Bác, Quảng trường Bác đọc Tuyên ngôn độc lập năm xưa đã được xây dựng tốt đẹp, trọn vẹn.
Tất cả đã sẵn sàng đón Bác về giữa trái tim Tổ quốc!
Ngày 22 tháng 8 năm 1975, các đơn vị quân đội tham gia xây dựng Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình tổ chức lễ mừng công hoàn thành nhiệm vụ trong không khí tràn ngập niềm vui. Đến dự, có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và đông đảo đại diện các quân khu, quân chủng, binh chủng, cơ quan Bộ Quốc phòng và đại diện của các bộ, các ngành có liên quan. Các đồng chí lãnh đạo rất vui vẻ tự hào về những chiến sĩ yêu quý của mình. Họ đã đáng là những đại diện ưu tú của lực lượng vũ trang đi xây dựng Lăng Bác. Họ đã góp phần quan trọng lập nên những kỳ tích trong lao động, để lại một dấu son góp phần tô thắm lịch sử anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
(còn nữa)