Chương V: (Phần 1) Ngày, đêm trên Quảng trường Ba Đình

1. Ngày 28 tháng 1 năm 1973, tin kí kết Hiệp định Pa-ri được công bố trên Đài tiếng nói Việt Nam. Ở nơi sơ tán, cán bộ chiến sĩ Đoàn Ba Đình rất xúc động, có người nhảy cẫng lên reo hò, có người chạy ào tới ôm ghì bạn tỏ niềm vui sướng, có người giữ khư khư chiếc đài bán dẫn, nghe đi nghe lại chị phát thanh viên, nghẹn ngào nước mắt… Bên cạnh niềm vui chung của dân tộc, anh em còn có niềm xúc động riêng dào dạt. Sau bao đêm không ngủ, nhìn về Hà Nội thấy cảnh bom đạn nổ, lửa cháy, máy bay giặc gầm rú, lòng mỗi người như se lại, ai cũng muốn được chia lửa với đồng bào và đồng đội. Ai cũng muốn sớm được về Hà Nội tiếp tục phần công việc còn dang dở của mình. Hôm nay, nguyện vọng đó đang được khơi nguồn.

Đúng 10 giờ sáng, đơn vị được lệnh hành quân gấp về Thủ đô. Dọc đường, trên các ngọn cây, trên các nóc nhà, cột đèn… cờ đỏ sao vàng, cờ nửa xanh, nửa đỏ phấp phới bay. Cờ trên các ô tô, cờ trên xe đạp… từng đoàn chạy trên đường.

Ban phụ trách xây dựng Lăng họp ngay tối 29 tháng 1 năm 1973. Đồng chí Đỗ Mười sau khi truyền đạt chỉ thị của đồng chí Trường Chinh, đã nhắc nhở các lực lượng xây dựng Lăng “Không cho phép nghỉ ngơi. Không cho phép chậm trễ”. Việc chuẩn bị lực lượng lúc này vô cùng bức xúc. Ngoài nhân lực của Bộ Xây dựng, Nhà nước sẽ lấy thêm người ở các ngành, các địa phương. Lực lượng lắp đặt máy móc thiết bị do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm, nếu thiếu người có thể huy động thêm ở các ngành và địa phương khác. Nhà nước sẽ gửi Công hàm đề nghị Liên Xô nối lại mọi công việc xây dựng Lăng như đã thoả thuận trước đây.

Trong không khí tràn ngập chiến thắng, cả guồng máy được khởi động lại hối hả. Mọi người bắt tay vào việc với những suy nghĩ, tìm tòi để đạt được hiệu suất chất lượng cao nhất, bù lại thời gian đã mất.

Đợt ra quân đầu tiên của Đoàn Ba Đình là tham gia bảo dưỡng ngôi nhà sàn của Bác. Mặc cho bom đạn kẻ thù bao lần dội xuống lòng Thủ đô Hà Nội, ngôi nhà sàn vẫn được bảo vệ an toàn và hôm nay được bàn tay cán bộ chiến sĩ chăm chút, thành kính tu tạo. Bác Tôn, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp .. đã tới thăm công trình và động viên cán bộ chiến sĩ của Đoàn. Với phong thái ung dung và nụ cười rạng rỡ, đồng chí Trường Chinh nói: “Mỗi lần các cháu được tham gia làm một việc có ý nghĩa như thế này tức là các cháu có thêm một “dấu son” trong cuộc đời của mình”. Cán bộ, chiến sĩ hôm ấy rất cảm động đối với sự quan tâm chăm sóc của các đồng chí lãnh đạo.

Công tác tuyển chon người ở các quân chủng, binh chủng được đẩy mạnh. Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu cho các quân chủng, binh chủng, có trách nhiệm tuyển chọn, bảo đảm đúng tiêu chuẩn đã đề ra.

Những đồng chí được tuyển chọn tham gia xây dựng Lăng Bác đã thật sự là niềm vinh dự của đơn vị. Họ vô cùng cảm động trước những tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị gửi gắm vào họ. Những cuộc liên hoan, tiễn đưa, những lời dặn dò, chỉ bảo của cán bộ chỉ huy và lãnh đạo, sự lưu luyến của đồng đội… thật sự là những kỷ niệm động viên họ trước cuộc chiến đấu mới mà họ có vinh dự tham gia. Cho tới bây giờ nhiều cán bộ, chiến sĩ còn nhắc lại những giây phút cảm động, thiêng liêng không thể nào quên đó. Các chiến sĩ Quân khu 4 nhớ mãi buổi lễ dâng hương tại nhà Bác trước lúc lên đường ra Hà Nội. Quân khu Việt Bắc tổ chức cho anh em đi thăm bảo tàng cách mạng của địa phương mình, như nhắc nhủ anh em hãy xứng đáng với truyền thống của một địa danh đã từng được gọi là “cái nôi của cách mạng”. Và còn biết bao nhiêu hình ảnh cảm động khác nữa!.

Đối với quân đội ta, Hiệp định Pa-ri được kí kết không có nghĩa là nhiệm vụ của quân đội bớt nặng nề, Các lực lượng vũ trang ở miền Bắc vẫn phải nêu cao cảnh giác, cầm chắc tay súng. Nhiệm vụ giải phóng miền Nam, giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn cho Tổ quốc vẫn là nhiệm vụ chính trị số một của quân đội. Do vậy mặc dù đã cố gắng tới mức cao nhất, quân đội vẫn không cung cấp đủ số lượng công nhân kỹ thuật theo yêu cầu. Được sự đồng ý của Nhà nước, một lực lượng đáng kể công nhân kỹ thuật ở các ngành dân sự đã “biệt phái” vào quân đội để tham gia thi công lắp ráp công trình Lăng. 90 công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc cao của các ngành Điện-Than, Cơ khí-Luyện kim, Công nghiệp nhẹ, Giao thông vận tải, Lương thực – Thực phẩm, Vật tư, Hoá chất, Thuỷ sản và các thành phố Hà Nội, Hải phòng… đã được tuyển lựa bổ sung cho Đoàn Ba ĐÌnh làm nhiệm vụ. Cuối năm 1973, lực lượng công nhân kỹ thuật lắp ráp thiết bị của Lăng đã lên tới 484 người.

Lực lượng thi công phần xây dựng của công trường – người anh em sinh đôi với công trường lắp cũng hình thành nhanh chóng. Bộ Kiến trúc xác định lấy công trường 57 làm nòng cốt. Các địa phương cũng mong mỏi được góp phần xây Lăng Bác. Để đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, Ban phụ trách xây dựng Lăng đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương huy động 1200 thợ xây. Chỉ một tháng sau, tất cả các địa phương đều cử đầy đủ những công dân ưu tú của mình đi nhận nhiệm vụ. Hà Nội, Hải Phòng có vinh dự và trách nhiệm đóng góp nhiều nhất, mỗi thành phố 100 người; Vĩnh Phú – đất tổ Hùng Vương 50 người; Nghệ An – quê hương Bác 90 người có tay nghề nổi tiếng đi xây dựng Lăng Bác…

Với nguyện vọng thiêng liêng và quyết tâm không gì sánh nổi của nhân dân cả nước ta trong những ngày này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 2 tháng 9 năm 1975 là ngày hoàn thành đưa công trình vào hoạt động.
Quyết định có ghi:

“Cùng với việc hoàn thành xây dựng công trình Lăng, phải hoàn thành cải tạo Quảng trường Ba Đình và vườn hoa tiếp giáp Lăng trước ngày 2 tháng 9 năm 1975..”.

Song song với công tác chuẩn bị trong nước, Ban phụ trách xây dựng Lăng cử gấp đoàn cán bộ đi Liên Xô để bàn bạc với các cơ quan hữu quan của Liên Xô về những vấn đề thiết kế công trình Lăng , vườn hoa tiếp giáp và Quảng trường Ba Đình theo kế hoạch khởi công và hoàn thành như đã quy định. Để tạo thuận lợi cho đoàn làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị viết thư gửi đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nô-vi-cốp đề nghị Liên Xô tiếp tục các công việc giúp đỡ về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công việc diễn ra gặp không ít khó khăn. trước đây ta thông báo với bạn chủ trương tạm dừng xây Lăng không có thời hạn. Kế hoạch năm 1973 của bạn không có danh mục công việc này, vì vậy việc điều chỉnh kế hoạch của bạn gặp nhiều khó khăn, nhất là vật tư và thiết bị.

Nhằm huy động mọi cố gắng cao nhất của cả hai bên phục vụ cho công trình, đồng chí Vương Quốc Mỹ phái viên của Ban phụ trách xây dựng Lăng được cử sang Liên Xô để phổ biến ý kiến của Ban phụ trách cho đoàn ta và làm việc thêm với bạn. Phó Thủ tướng Đỗ Mười điện uỷ nhiệm đại sứ Võ Thúc Đồng ký nghị định thư giữa hai nước. Nghị định thư ghi rõ:

“Xét thời gian xây dựng Lăng ngắn và khẩn trương, phía Việt Nam trong trường hợp cần thiết sẽ tìm tại chỗ một số vật tư thiết bị thuộc diện Liên Xô cung cấp năm 1973 để khởi công..”. “Sau đó Liên Xô sẽ hoàn lại cho Việt Nam những vật tư thiết bị nói trên”.

Vấn đề nan giải nhất là thiết bị lắp đặt trong Lăng. Dù khó khăn đến đâu, bạn sẽ cố gắng khắc phục. Nhưng còn một số chủng loại thiết bị tối tân, bạn đặt chế tạo tại một số nước, thời gian sẽ phụ thuộc vào người sản xuất ở các nước này.

Nghị định thư ngày 7 tháng 6 năm 1973, một lần nữa thể hiện tình hữu nghị vĩ đại, tình đồng chí thắm thiết giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt – Xô. Nhân dân Liên Xô thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản của Lê-nin vĩ đại, vượt lên mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân ta thực hiện nguyện vọng thiêng liêng mà hơn mọt năm trước đây kẻ thù đã làm gián đoạn. Nghị định thư này tạo cơ sở vững chắc để công trình Lăng có thể khởi công đúng thời gian quy định.

Cả công trường 75808 sôi động với khẩu hiệu “Tất cả cho ngày khởi công”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tuy bộn bề công việc vẫn dành cho công trường sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng của Ban chỉ huy công trường. Ngày 11 thán 5 năm 1973, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị điện cho đại sứ Võ Thúc Đồng yêu cầu chuyên chở gấp cọc bản thép về nước bằn cách đề nghị các đồng chí Liên Xô đưa vào kế hoạch quá cảnh qua Trung Quốc. Ở trong nước cũng sẽ trao đổi thêm với Trung Quốc về vấn đề này.

Đồng chí Đỗ Mười cũng điện cho đồng chí Võ Thúc Đồng đề nghị bạn gửi gấp chuyên viên đóng cọc và bản thiết kế thi công đóng cọc sang Việt Nam chậm nhất là đầu tháng 7 năm 1973 để có thể thi công sớm, tranh thủ đổ bê tông móng công trình trước mùa mưa lũ năm tới. Đồng chí Đỗ Mười còn điện cho Thường trực Đại sứ quán ta tại Liên Xô yêu cầu chuyển các bơm hút nước hố móng về nước bằng đường sắt, đôn đốc ngay việc chuyên chở cọc bản thép từ cảng O-đét-xa về công trường… Sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực sự đã tháo gỡ những khó khăn tưởng chừng như bế tắc.

Ngày 18 tháng 6 năm 1973, một ngày không bao giờ quên đối với các chiến sĩ và công nhân công trường. 8 giờ sáng hôm ấy, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp… đã cùng với đại diện cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xây dựng Lăng tiến hành tháo dỡ lễ đài Ba Đình cũ. Đồng chí Trường Chinh xúc động nhắc lại công lao trời biển của Bác Hồ, ý nghĩa của việc xây dựng Lăng của Người, và nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ, công nhân tham gia xây dựng công trình lịch sử này hãy xứng đáng với sự tin cậy và mong mỏi của toàn dân. trong không khí trang nghiêm và thành kính, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta – những học trò trung thành và gần gũi của Bác, đã trực tiếp tháo gỡ mảnh bê tông nơi Bác đã từng đứng chủ trì các ngày lễ lớn của dân tộc.

Cùng một lúc, tất cả mọi người có mặt đều nghĩ: Chính nơi đây những năm xưa, bóng Bác in lồng lộng trên Quảng trường, Bác tươi cười vẫy chào đồng bào, đồng chí. Nơi đây, trên lễ đài, dấu chân Bác như còn ấm nóng, lời nói của Bác như còn vang vọng khắp non sông, động viên quân và dân ta vượt qua bao thử thách khắc nhiệt trong công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mơ ước của Bác “Đất nước thống nhất, đồng bào Nam – Bắc sum họp một nhà…” đang thành hiện thực.

Mảng bê tông Bác thường đứng trên lễ đài, di vật quý báu ấy được lưu giữ cho các đời sau, sẽ góp phần kể lại một thời đại hiển hách của dân tộc – thời đại Hồ Chí Minh.

Đúng 10 giờ đêm hôm ấy, toàn bộ mặt bằng công trường bắt đầu được quây kín bằng lớp hàng rào bảo vệ. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội cùng anh chị em công nhân công trường xây dựng đã hoàn thành trận ra quân đầu tiên này vào lúc trời rạng sáng trước sự ngỡ ngàng, thích thú của nhân dân. “Tin lành đòn xa”, không mấy chốc người Hà Nội và khách vãng lai trên đất Thủ đô đã truyền tin nhau, vui vẻ đàm luận. Tất cả như đều hướng về Quảng trường Ba Đình với một nỗi chờ mong, một niềm tin yêu thiết tha.

Có thể nói, ngày 18 tháng 6 năm 1973 là thời khắc đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ chuẩn bị và mở đầu một giai đoạn – một giai đoạn thi công lăng Bác.

2. Từ tháng 9 năm 1973, mô hình tổ chức của lực lượng bộ đội lắp máy đã ổn định và hoạt động có hiệu lực, Đảng uỷ, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh quyết định thành lập “Bộ chỉ huy lắp máy” gồm các đồng chí “Trần Bá Đặng, Lương Soạn, Nguyễn Văn Tý”.

Một cơ quan đặc trách đã được thành lập – cơ quan này vừa giúp việc cho Bộ chỉ huy lắp máy vừa giúp việc cho Ban Phụ trách và Ban chỉ huy công trường 75808. Quân đội đã cử 32 cán bộ tham gia vào các cơ quan nghiệp vụ thuộc Ban chỉ huy công trường. Nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ cấp trưởng các phòng kế hoạch, chính trị. Cấp phó các phòng kỹ thuật, cơ điện, cung ứng vật tư, bảo vệ… Ngoài ra quân đội còn cử 31 cán bộ khác tham gia vào cơ quan giúp việc Ban phụ trách xây dựng Lăng như các phòng chuyên gia, phòng giám sát chất lượng, văn phòng của Ban phụ trách…

Cơ quan đặc trách ở lúc cao điểm được tăng cường tới 90 cán bộ. Đồng chí Lương Soạn được chỉ định phụ trách cơ quan.

Trung đoàn 259B – Đoàn Ba Đình – là lực lượng trực tiếp thi công lắp ráp thiết bị của Lăng đến lúc này đã ổn định về tổ chức. Ban chỉ huy Đoàn gồm các đồng chí Nguyễn Văn Tý đoàn trưởng, Đinh Văn Khánh chính uỷ. Các đồng chí kỹ sư: Nguyễn Văn Tưởng, Nguyễn Quế, Lê Hãn là đoàn phó phụ trách từng mặt công tác như tham mưu, kỹ thuật, khí tài.

Các cơ quan của Đoàn cũng đã hình thành các ban tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, khí tài, hành chính… tập hợp một lực lượng đông đảo kỹ sư và cán bộ kỹ thuật các ngành.

Lực lượng thi công trực tiếp gồm các đội lắp máy (C7), đội lắp điện (C8), đội lắp ống (C9), đội gia công (C10) và đội vận tải (C11).

Thường vụ Đảng uỷ Binh chủng Công binh quyết định lập Ban cán sự Đảng, thay mặt cho Đảng uỷ binh chủng lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của bộ đội tại Lăng Bác. Ban cán sự Đảng gồm các đồng chí: Trần Bá Đặng, Lưu Công Tiền, Lương Soạn, Văn Đình Khánh, Nguyễn Văn Tý.

Chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ưu tú được điều động về đã được sắp xếp hợp lý. Hàng trăm cán bộ đủ các ngành nghề, đủ mọi quân chủng đã nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ buổi đầu, hoà nhập với nhau không chỉ trong nhiệm vụ mà cả trong phương pháp công tác, tác phong sinh hoạt…

Cán bộ các ngành nghề điều về đơn vị đều được luân phiên nhau đi bồi dưỡng nâng cao trình độ tại các nhà máy, công trường lắp ráp, các cơ sở nghiên cứu khoa học… Trình độ chỉ huy, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên nắm bắt được các biện pháp thi công tiên tiến. Các kỹ sư của 22 chuyên ngành được rèn luyện qua thực tiễn đã trưởng thành nhanh chóng và phát huy tác dụng khi bắt tay vào thi công lắp ráp các thiết bị ở Lăng.

3. Sau cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt đường sá, cầu phà đều trở ngại. Cảng Hải Phòng chưa khôi phục hết năng lực bốc dỡ, tàu vào cảng phải chở hàng tháng… Song các cán bộ chiến sĩ làm công tác cung ứng vật tư không bao giờ ỷ vào những khó khăn trên mà luôn luôn phấn đấu hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Hàng ngàn mặt hàng tập kết ở các sân bay, sân ga, cầu cảng, đã được đưa về công trường bằng tất cả phương tiện từ thô sơ đến hiện đại… Nguồn hàng chi viện cho công trình đã được cơ quan khí tài – vật tư tiếp nhận kịp thời, bảo quản tốt, sẵn sàng đưa vào sử dụng cho công trình theo tiến độ thi công. Ở đây cần ghi nhận sự giúp đỡ hết lòng của các ngành, các địa phương có liên quan. Cảng Hải Phòng luôn ưu tiên cho các tàu có hàng của công trình Lăng Bác được bốc dỡ sớm. Ngành đường sắt dành cho công trình Lăng Bác những toa tàu tốt nhất, bảo vệ nghiêm ngặt các mặt hàng cho công trình suốt dọc đường…

Quân đội với cố gắng cao nhất của mình trong việc tìm kiếm vật tư nhưng cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Đất nước còn nghèo, chiến tranh chưa hoàn toàn chấm dứt, các địa phương, các ngành đều gặp những khó khăn, nhưng với công trình Lăng Bác họ sẵn sàng chi viện hết mình cho công trình. Uỷ ban hành chính Ninh Bình rút từ một xí nghiệp của tỉnh để cho công trình Lăng mượn máy cắt thép tấm. Công trường nhà máy cán thép Gia Sàng giúp gia công toàn bộ vỏ nhôm bảo ôn ống nước và cho mượn pa-lăng, tời, máy đánh gỉ, máy uốn ống. Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân cho mượn nhiều loại máy đo lường điện – điện tử. Nhà máy quy chế Từ Sơn, Nhà máy cơ khí điện ảnh và xưởng quân giới X10, đã nhận sản xuất hàng chục vạn bộ bulông – đai ốc có chất lượng cao để liên kết các đường ống hơi, ống nước của công trình…

Công đoạn đóng cọc bản thép tạo thành bức tường thép bao quanh hố móng của công trình đã tới. Song cọc bản thép do bạn cấp chưa đưa sang kịp. Thông cảm với khó khăn của bạn, công trường đã tạm mượn 200 cọc bản thép tại cảng Hải Phòng. Cán bộ của công trường cùng với cán bộ của hai Bộ Giao thông vận tải và Vật tư đến các nơi (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Bắc, Hà Nội…) thu gom, chuyên chở được 1237 tấn cọc bản thép về công trình trước khi hàng của bạn cập cảng Hải Phòng. Chiếc búa hơi nước của Tổng Công ty công trinh cảng Hải Phòng cũng được cấp tốc điều về Ba Đình.

Ngày 9 tháng 8 năm 1973, tấm cọc thép đầu tiên đã được cắm xuống. Chiếc búa đi-ê-den của công ty thi công cơ giới Bộ Xây dựng cũng được điều về tiếp sức. Cả hai chiếc búa đều đã dầm mưa dãi nắng trên nhiều công trình. Tuy đã “già nua” cũ kỹ, nhưng kỳ diệu thay lúc này nó như đang sức hồi xuân, như một chàng trai bừng dậy với sức lực phi thường. Ngày cũng như đêm, dưới trời mưa tầm tã hay giữa trưa hè nắng gắt, tiếng búa đóng cọc vẫn cần mẫn, đều đặn. Một kỷ lục mới về năng suất đóng cọc đã được mở tại nơi đây. Bình quân mỗi ngày mỗi chiếc búa đóng được 18 cọc. Đột xuất có ngày búa hơi nước đóng được 34 cọc, búa đi-ê-den đóng được 21 cọc. Năng suất cao như vậy nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, độ vững chắc của công trình trả lời minh chứng.

Ngày 20 tháng 10 năm 1973, tấm cọc thép thứ 1200 – tấm cọc thép cuối cùng của công trình được đóng xuống, khép kín bức tường bao quanh hố móng,vượt thời gian quy định.

4. Tháng 8 mưa bão đến dồn dập, những cơn mưa tầm tã làm cho bầu trời Hà Nội như giăng một lớp mù xám xịt. Mặt đất ẩm ướt, nhiều chỗ nước đọng thành vũng. Ai đã từng có mặt ở công trường mới thấy hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên những ngày này. Mưa vẫn xối xả, tiếng búa máy vẫn vang vang. Những bộ quần áo đẫm nước. Những lúc này, các đồng chí lãnh đạo của Ban phụ trách xây dựng Lăng, Ban chỉ huy công trường thay phiên nhau có mặt tại hiện trường, cũng gội mưa, lội nước như những công nhân thực thụ.

Nỗi lo trùm lên tất cả là nguồn nguyên vật liệu. Không đổ xong bê tông phần ngầm trước mùa mưa lũ, kế hoạch khánh thành Lăng theo quy định không thể thực hiện được. Ban phụ trách xây dựng Lăng cử gấp hai đồng chí thuộc Bộ Xây dựng và một đồng chí cán bộ quân đội sang Liên Xô cùng bạn đẩy nhanh tiến độ thiết kế thi công, và thường trực cùng với bạn tổ chức điều hành việc đưa vật tư – thiết bị về công trường. Chưa thật yên tâm, Ban phụ trách lại cử tiếp đồng chí đoàn phó phụ trách vật tư của Đoàn Ba Đình cùng một đồng chí phiên dịch sang “cắm chốt” tại Mát-xcơ-va theo dõi, đôn đốc việc gửi thiết bị từ Liên Xô về nước.

Đồng chí Đỗ Mười đã liên tục điện cho sứ quán ta tại Mát-xcơ-va đề nghị bạn tạo mọi điều kiện gửi vật tư thiết bị sang ngay, đề nghị bạn tổ chức một chuyến táu hoả đưa hàng của Lăng về Hà Nội trong tháng 9 năm 1973 và đề nghị bạn chở hàng của Lăng bằng những chuyến tàu biển riêng. Đồng chí Đỗ Mười còn đề nghị bạn tăng thêm chuyên gia thi công cho công trình. Sự chỉ đạo kiên quyết, sâu sát của đồng chí Trưởng ban phụ trách xây dựng Lăng như một sự khơi nguồn để dòng thác công việc tiếp tục xuôi chảy.

Mùa mưa lũ chưa chấm dứt.

Ban phụ trách xây dựng Lăng đã quyết định thi công xen kẽ, đào hố móng cùng lúc với tiến trình đóng cọc bản thép. Một quyết định hết sức táo bạo. Những cơn mưa bão đột ngột có thể san bằng công sức của hàng ngàn con người, hố móng sẽ biến thành hố nước. Song, không có cách nào khác, thời gian hoàn thành công trình đang là tiếng gọi thôi thúc. Sau mười ngàn mét khối đất cần đào và di chuyển đi nơi khác đâu phải là một khối lượng nhỏ. Nếu dùng lực lượng thi công phải có 300 người đào trong 8 tháng. Ban phụ trách giao công ty thi công cơ giới Bộ Xây dựng đảm nhiệm việc này. Lực lượng quân đội và một số lực lượng khác là nhiệm vụ hỗ trợ bằng lao động thủ công.

Ngày 2 tháng 9 năm 1973, lễ khởi công xây dựng Lăng Bác đã diễn ra tại hiện trường. Ngay đêm hôm trước một cơn mưa tầm tã kéo dài như đe doạ. Sáng hôm đó mưa tạm ngớt. Mọi người hướng về phía các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười – những người chủ trì buổi lễ. Mưa dừng hẳn, bầu trời Quảng trường bỗng chốc được nâng lên cao vọi. Những tia nắng sớm tinh khiết vừa ánh lên đã đọng lại trên những gương mặt mọi người hớn hở. Một rừng cờ. Cờ bay trong nắng, cờ tô thắm những cặp mắt nồng nàn chờ đợi. Một đoàn người gồm 20 chiếc xe “bò tót” cắm cờ đỏ đuôi nheo đã xếp hàng ngay ngắn cạnh khu đất đào hố móng. Đúng 8 giờ chiếc máy xúc E.652 được lệnh ngoạm gầu đất đầu tiên. Người công nhân lái xe nổi tiếng về năng suất và an toàn lao động được vinh dự đón nhân gầu đất đầu tiên. Đất từ gầu xúc nhả ra đầy ắp thùng xe. Chiếc xe rùng mình chuyển động. Lần lượt các chiếc khác vào thay thế. Đoàn xe chở đầy đất nối nhau chạy về phía Giảng Võ rẽ xuống một con đường nhỏ. Tới đây đất được đổ xuống một vùng ao hồ, đầm lầy thuộc khu vực Láng Trung. Ban phụ trách xây dựng Lăng đã quyết định dành toàn bộ 60.000 mét khối đất ở đây cho một công trình đầy ý nghĩa: tôn nền cho “bệnh viện Nhi Việt Nam – Thuỵ Điển” sau này.

Buổi trưa, một cơn bão tràn tới. Gió gầm rít. Mưa giăng kín trời. Những máy xúc vẫn làm việc. Những chiếc xe trở đất vẫn chạy. Mặt đất vóng vánh nước, đường vận chuyển trơn. Cuộc vật lộn với dông bão để đảm bảo tiến độ thi công của cán bộ, chiến sĩ công trường đã thắng. Những ngày tiếp theo, họ không những làm một ca mà làm hai ca và thêm cả ngày chủ nhật. Góp sức làm nên ngôi nhà dành cho giấc ngủ yên lành của Bác, hình như không một ai tính toán sức lực, thời gian mình đổ ra.

Ban phụ trách xây dựng Lăng chủ trương vận động các cơ quan, xí nghiệp, trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang tại Hà Nội tham gia lao động tự nguyện cho các ngày nghỉ, cùng công trường đẩy nhanh tiến độ thi công. Hầu như mọi tầng lớp nhân dân đang chờ đợi điều này. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội, mặc dầu bộn bề công việc vẫn tham gia lao động. Thầy và trò các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và phổ thông trung học… nô nức tham gia lao động xã hội chủ nghĩa. Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan Bộ Quốc phòng và các quân chủng, binh chủng, cán bộ và công nhân các bộ, các ngành và các nhà máy xí nghiệp thay phiên nhau đến tham gia lao động trên công trường.

Mặt bằng công trường có hạn, không thể tiếp thu số lượng người quá lớn trong cùng một lúc. Nhiều cơ quan tổ chức cho cán bộ, công nhân viên của mình tham gia lao động trong cả giờ hành chính.

Ngày 29 tháng 10 năm 1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm công trường và xúc tảng đất cuối cùng kết thúc giai đoạn đào hố móng. So với định mức, công trường đã thực hiện vượt chỉ tiêu thời gian 16 ngày.

5. Những ngày này, khắp nơi trên mọi miền đất nước cũng đang hướng về Quảng trường Ba Đình. Ai cũng muốn Lăng Bác được hoàn thành sớm hơn. Các đơn vị, các ngành, các địa phương đều mong được đóng góp sức người sức của vào công trình. tại nhà máy xi măng Hải Phòng, các cán bộ chuyên môn tập trung sức lực và trí tuệ nghiên cứu loại xi măng mác cao, nhà máy chưa sản xuất bao giờ, nhưng nghĩ đến thành phẩm của nhà máy được sử dụng vào công trình Lăng Bác ai cũng phấn khởi. Các đồng chí Lê Thanh Nghị, Đỗ Mười trực tiếp xuống nhà máy giao nhiệm vụ và động viên cán bộ, công nhân viên khắc phục khó khăn làm bằng được. Nhà máy vừa trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ngót hai vạn tấn bom của giặc đã trút xuống nơi đây. Việc hàn gắn những đổ vỡ do bom đạn gây ra đang mới bắt đầu. Nhưng nghĩ đến Bác, mọi người đều nêu quyết tâm sản xuất bằng được loại xi măng tốt nhất để xây dựng Lăng của Người. Lò nung, máy nghiền được phục hồi. Quy trình sản xuất được nghiên cứu thấu đáo. Việc tuyển chọn các phôi liệu có chất lượng cao được bàn luận sôi động.

Nguyên liệu đầu tiên phải tuyển chọn là đá. Đá Tràng Kênh nổi tiếng là tốt. Nhưng nhận được yêu cầu của nhà máy và biết được công việc của mình làm, anh chị em mỏ đá Tràng Kênh đã tới tận vùng Áng Vàng, Áng Thi tìm chọn công phu loại đá nhà máy cần dùng. Những thuyền đá được chuyển về nhà máy xi măng mang cả tấm lòng của những người thợ giàu truyền thống kiên cường cách mạng và đời đời nhớ ơn Bác.

Thứ nguyên liệu làm chất phụ gia để sản xuất xi măng là đất vùng Cổ Pháp (Thuỷ Nguyên) – một loại đất có chất lượng “lý tưởng”. Nhân dân địa phương thường dùng loại đất này xây tường nhà bền chắc nổi tiếng. Loại đất này cũng được tuyển chọn về làm xi măng để xây Lăng Bác.

Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu tốt tới lúc sản xuất ra loại xi măng đạt yêu cầu là cả một dây chuyền công nghệ phức tạp được hình thành bởi trí tuệ và những bàn tay khéo léo của tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy xi măng – một nhà máy mang truyền thống anh hùng của đất Cảng. Mẻ đầu tiên 50 tấn xi măng được đưa vào thí nghiệm và kiểm tra ngặt nghèo. Kết quả tốt đẹp vượt quá sự mong ước. Loại xi măng không những đạt mác cao, lại đáp ứng được cả các tiêu chuẩn khác về thời gian độ toả nhiệt và đông cứng… Sau mẻ đầu tiên, hàng loạt mẻ khác ra đời. Chị em phụ nữ nhà máy tranh thủ các ngày chủ nhật – ngày “Đền ơn Bác Hồ” – để sản xuất bao bì. Bao bì do chi em sản xuất in dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Hàng chục nghìn tấn xi măng đặc biệt đựng trong những bao bì như thế đã được chuyển tới công trường. Với thành quả lao động xuất sắc trên, Nhà máy xi măng hải Phòng chẳng những đã nhanh chóng phục hồi sản xuất mà còn vươn tới đỉnh cao mới, tiến bộ mới về kỹ thuật, về khả năng sản xuất loại xi măng chất lượng cao, tạo cho nhà máy một đà đi lên vững chắc, thực hiện lòng mong muốn của Bác Hồ: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Đá dăm dùng cho công trình cũng cần tới hàng vạn mét khối. Đá dăm Xuân Hoà thường được coi là có chất lượng cao, thích ứng với các kết cấu bê tông vĩnh cửu. Các nhà kỹ thuật đã tới đây nghiên cứu kỹ lưỡng, khi xảy ra tỉ lệ hạt dẹt vẫn còn cao, chỉ dùng được một phần nhỏ. Các nhà kỹ thuật tìm tới Thác Bà, đá ở đây có nhiều ưu thế hơn. Ban lãnh đạo quyết định chọn mỏ đá Hoàng Thi ở khu vực Thác Bà làm nơi khai thác. Nhân dân các dân tộc Yên Bái náo nức tin vui khi được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp đá cho công trình Lăng Bác. Bộ Giao thông vận tải nhận chuyển đá bằng mọi phương tiện từ mỏ về công trường. Bộ Công an bảo vệ an toàn. Viện Thí nghệm vật liệu tổ chức bộ phận nghiệm thu chất lượng ngay tại nơi khai thác. Công trường Hoàng Thi sống dậy với một sức mạnh chưa từng thấy. Ngoài các đội sản xuất của công trường, còn hàng trăm nam nữ thanh niên các dân tộc Kinh, Dao, Nùng, Cao Lan.. góp sức. Tiếng máy khoan, tiếng mìn, tiếng búa đập đá, những điệu hát dân tộc đậm đà, hồn nhiên cộng với những sắc phục phong phú, đa dạng, công trường trở thành ngày hội của những người lao động tự nguyện. Chưa đầy một tháng, hàng vạn mét khối đá Thác Bà được bốc xếp lên các đoàn ôtô, các toa tàu hoả hoặc theo các đoàn ca nô xuôi dòng sông Lô, sông Hồng về Ba Đình.

6. Đất nước ta có nhiều suối, nhiều sông, nguồn cát cung cấp cho các công trường xây dựng cũng rất dồi dào. Tuy nhiên, thứ cát nào dùng cho công trình vĩnh cửu này cũng được lựa chọn khắt khe. Thời Pháp thuộc, trong một công trình nghiên cứu còn ghi rõ “Nguồn cát vàng sông Lô là tốt số 1”. Chúng ta cũng đã dùng nguồn cát vàng này cho nhiều công trình xây dựng ở miền Bắc. Nhưng các chuyên gia xây dựng vẫn chưa hài lòng vì trong cát còn chứa một tỷ lệ nhỏ mùn tạp. Qua các cuộc tìm kiếm, đã phát hiện cát vàng Kim Bôi (Hoà Bình). Loại cát này từ sỏi vỡ vụn ra, rắn và sạch hầu như không có tạp chất, màu vàng óng. Cát vàng Kim Bôi được tuyển chọn về xây Lăng Bác. Toàn bộ khâu khai thác do nhân dân địa phương đảm nhiệm. Đồng bào các dân tộc vùng Kim Bôi, Hoà Bình thời trước sống trong đói khổ, bị đè nén, áp bức nhiều bề. cách mạng Tháng Tám thành công, đời sống của đồng bào dần dần được nâng cao. Công ơn Đảng và Bác Hồ mang lại cho họ như rừng cây, mạch suối. Được đóng góp vào công trình Lăng Bác, họ không còn niềm vui nào hơn. Hàng ngàn mái đầu xanh xen lẫn những mái đầu điểm bạc, từ nhiều vùng khác nhau của Hoà Bình đã đổ về Kim Bôi. Cát từ các lòng suối được moi xúc lên thuyền chở ra bãi trung chuyển. Cát được đổ thành đống như những quả đồi vàng rực, óng ánh. Những đoàn xe vận tải nhộn nhịp ngày đêm chở cát về Hà Nội. Tấm lòng nhân dân các dân tộc Hoà Bình đối với Bác kính yêu gửi qua từng hạt cát vô hạn. Ngoài cát Kim Bôi, cát ở Thanh Xuyên (Bắc Thái) cũng được khai thác dùng vào việc san lấp hố móng và cải tạo Quảng trường.

Những tờ lịch cuối cùng của tháng 10 năm 1973 sắp qua – tín hiệu của mùa mưa bão vùng hà Nội đã chấm dứt. Bức tường bằng cọc bản thép đã hoàn thành. Hố móng đã mở rộng. Thiên nhiên, lòng đất, lòng người đang tạo thành sức mạnh tổng hợp để công trường chuyển sang một giai đoạn đổ bê tông cốt thép tạo thành khung của Lăng – một giai đoạn hết sức quan trọng.

Ngày 27 tháng 10 năm 1973, công trường chính thức đổ mẻ bê tông cốt thép đầu tiên ở nền lót. Thời hạn quy định phải đổ xong bê tông phần ngầm của công trình trước mùa mưa lũ năm 1974.

Công việc tiến hành chưa được bao lâu thì hàng loạt trắc trở ập đến, khiến nhiều người nghĩ đến khả năng không hoàn thành kế hoạch theo thời hạn quy định…

Mặc dù cán bộ và các đồng chí chuyên gia ngày đêm bám hiện trường lao động quên mình, nhưng kế hoạch đổ bê tông vẫn chưa đạt. Tiến độ ngày càng bị đẩy lùi. Nguy cơ không hoàn thành kế hoạch trước mùa mưa ngày càng rõ nét. Những khó khăn về thiếu nguyên vật liệu, những trục trặc trong khâu kỹ thuật, các giải pháp thi công… Công tác lãnh đạo, chỉ huy ở một công trường lớn, tập hợp nhiều lực lượng khác nhau đã bộc lộ nhiều mặt yếu kém. Những vướng mắc xảy ra trong điều kiện vừa thiết kế vừa thi công khiến cho nhiều lúc công việc phải tạm dừng lại hàng tuần lễ để chờ cán bộ ta bàn bạc với bạn. Chẳng hạn, việc đổ bê tông mới tiến hành vừa tròn hai tuần lễ thì cơ quan bảo vệ kinh tế phát hiện trong các loại đá đang dùng có chất phóng xạ quá quy chuẩn cho phép. Đây là một phát hiện cực kỳ hệ trọng, cần có ngay kết luận chính xác để lãnh đạo có chủ trương kịp thời. Đồng chí Trần Đại Nghĩa, chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước đề nghị cần đem mẫu đất sang Liên Xô nhờ các phương tiện hiện đại của bạn xét nghiệm, kết luận. Đồng chí Nguyễn Trọng Quyền được giao phụ trách công việc này, mang theo các mẫu đá và bản kết quả xét nghiệm ở trong nước sang Liên Xô để bạn xét nghiệm. Cùng đi còn có hai đồng chí Kiểm, San, chuyên gia thí nghiệm vật liệu của Bộ Xây dựng. Đồng chí Đỗ Mười cũng điện cho các đồng chí Võ Thúc Đồng, Nguyễn Tu, yêu cầu sứ quán phối hợp giải quyết việc này thật nhanh chóng để đỡ ảnh hưởng tốc độ thi công.

Những lúc gặp khó khăn, lại sáng ngời lên sự giúp đỡ vô giá của các bạn Liên Xô. Các bạn Liên Xô coi những trắc trở trong quá trình xây dựng Lăng Bác như mọi trắc trở trong những việc trọng đại của chính mình, nên đã tìm mọi biện pháp nhanh chóng nhất để giúp đỡ giải quyết. Ngày 19 tháng 11 năm 1973 mẫu đá của ta được đem thí nghiệm tại Viện nghiên cứu khoáng sản toàn Liên bang . Kết quả cho thấy đá của ta có những thông số kỹ thuật đảm bảo cho phép sử dụng ở các công trình xây dựng quan trọng. Mặc dù vậy, từ lúc phát hiện vấn đề tới khi có kết luận chính thức, công trường phải chờ mất hai tuần.

(Còn nữa)

bqllang.gov.vn

Advertisement