1. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc xây dựng Lăng đã trở thành một vấn đề bức xúc. Đồng bào và chiến sỹ cả nước đều mong muốn có một nơi an nghỉ cuối cùng của Bác thể hiện được phần nào công lao và sự nghiệp vĩ đại của Người, để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau có điều kiện tới viếng Bác và nguyện đi tiếp theo con đường mà Đảng và Bác đã vạch ra. Bầu bạn khắp nơi mỗi khi tới Việt Nam cũng có dịp vào Lăng chiêm ngưỡng Bác – Người chiến sỹ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, của phong trào cộng sản va công nhân thế giới.
Ngay sau ngày tổ chức chu đáo và hết sức trọng thể lễ tang Bác, “Ban phụ trách quy hoạch A” gồm các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài… đã nghiên cứu quy hoạch chung về việc giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người.
Trong phiên họp sáng ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định:
I. Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người. Cố gắng làm nhanh, làm tốt và sớm xây dựng xong Lăng để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971.
II. Mọi công tác có liên quan đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thể hiện được sự trong sáng và đức tính giản dị, gần gũi quần chúng của Người.
Vì vậy, gối và đệm của Người nên là màu trắng, quần áo bằng vải ka ki và theo kiểu mà Người vẫn mặc khi Người còn sống; nên phủ một chăn mỏng từ bụng đến hết hai bàn chân, có thể dùng chăn vải hoặc chăn len màu mỡ gà hoặc màu cà phê sữa nhạt, hai tay đặt như cũ ở trên chăn. Ngoài ra trong quan tài kính không để một thứ gì khác nữa. Đôi dép đặt trong một hòm kính nhỏ khác.
III. Cần thấu suốt, nắm vững và đáp ứng những yêu cầu sau đây trong công tác thiết kế Lăng:
1. Bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết, có kế hoạch giữ gìn an toàn, phòng chiến tranh, địch phá, v.v.
2. Thể hiện được tính cách hiện đại mà vẫn giữ màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị.
3. Bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục, bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình.
4. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở khu Ba Đình lịch sử.
IV. Xúc tiến ký Hiệp nghị với Liên Xô về việc Liên Xô giúp ta giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.
Bộ Chính trị còn quyết định:
Ban phụ trách quy hoạch A có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, chăm lo chung các công việc đã được phân công.
Quân uỷ Trung ương tiếp tục phụ trách các công tác về bảo vệ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ Kiến trúc có trách nhiệm chính trong việc xây dựng Lăng, cần chuẩn bị để làm tốt với các chuyên gia bạn; bảo đảm tốt, làm nhanh công tác thiết kế, khẩn trương bắt tay vào công việc để Bộ Chính trị có thể duyệt sớm phương án thiết kế, mô hình Lăng và kế hoạch thi công.
Từ ngày 9 đến 23 tháng 1 năm 1970, Chính phủ Liên Xô đã cử một đoàn cán bộ sang Việt Nam bàn bạc về thiết kế Lăng Bác. Đoàn gồm 7 đồng chí do đồng chí Ka-du-kốp, đại diện uỷ ban liên lạc kinh tế với nước ngoài thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô làm trưởng đoàn. Thành viên là đại diện của Viện nghiên cứu thiết kế cục tổ chức xây dựng Mát-xcơ-va, Viện kỹ thuật vệ sinh, Viện kỹ thuật chế tạo máy lạnh, v.v.
Đoàn cán bộ Việt Nam làm việc với bạn gồm 12 đồng chí thuộc Bộ Kiến trúc và Bộ Quốc phòng. Bốn đồng chí được quân đội cử tham gia đoàn là các đồng chí:
– Thượng tá Trần Bá Đặng, phó tư lệnh Binh chủng Công binh.
– Trung tá Lương Soạn, trưởng phòng công trình Bộ tư lệnh Công binh.
– Đại uý Nguyễn Trọng Quyền, trưởng ban thiết kế thuộc phòng công trình.
– Trung tá Nguyễn Gia Quyền, Bác sỹ quân y, phụ trách công tác giữ gìn thi hài Bác
Đoàn ta đã thông báo cho bạn quyết định của Bộ Chính trị Đảng ta về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Những yêu cầu đối với công trình này được thể hiện trong bản dự thảo “nhiệm vụ thiết kế” do phía Việt Nam chuẩn bị.
Các chuyên gia Liên Xô thông báo quyết định của Chính phủ Liên Xô giúp đỡ về kỹ thuật trong việc thiết kế, xây dựng và trang bị cho Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được ký kết tại Mát-xcơ-va như đã thoả thuận giữa hai nước.
Trong quá trình hội đàm, các chuyên gia Liên Xô đã tìm hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ những bản phác hoạ và các mô hình Lăng, từng vấn đề trong bản dự thảo “nhiệm vụ thiết kế” do phía Việt Nam chuẩn bị. Những kinh nghiệm thực tế phong phú qua những lần nhân dân Liên Xô xây dựng và tôn tạo Lăng Lê-nin, được các đồng chí chuyên gia Liên Xô chân tình trao đổi với các cán bộ ta nhiều điều hết sức bổ ích để bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo “nhiệm vụ thiết kế” Lăng Bác.
Chỉ trong một tuần lễ ngắn ngủi, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã soạn thảo xong bản “Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh “. Ngày 19 tháng 10 năm 1970, bản dự thảo “nhiệm vụ thiết kế” này đã được thông qua tại phiên họp Bộ Chính trị, đánh dấu một cột mốc lịch sử đầu tiên của thời kỳ chuẩn bị thiết kế Lăng.
Nội dung bản “nhiệm vụ thiết kế” đã đáp ứng các yêu cầu của Bộ Chính trị: Lăng – Quảng trường Ba Đình – Khu lưu niệm của Bác trong Phủ Chủ tịch và khu vực tiếp giáp là một tổng thể kiến trúc lịch sử thống nhất mà Lăng Bác là tiêu biểu. Phác thảo kiến trúc Lăng đã thể hiện tính chất dân tộc, hiện đại, trang nghiêm và giản dị.
Sự bề thế, trang nghiêm và vĩnh cửu của công trình sẽ phần nào thoả mãn được ý nguyện của nhân dân và bè bạn đối với công lao và sự nghiệp của Bác.
Tuy vậy, với mong muốn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là công trình hoàn mỹ, thể hiện lòng tôn kính Bác và tình cảm keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam – Liên Xô, trong quá trình hội đàm, hai bên cũng thống nhất với nhau rằng: Các cơ quan thiết kế có liên quan của Liên Xô trong quá trình thiết kế có thể bổ sung vào “nhiệm vụ thiết kế” một số thay đổi cần thiết, sau đó sẽ thông báo và thống nhất ý kiến với phía Việt Nam. Những số liệu gốc cần cho việc thiết kế… phía Việt Nam sẽ khẩn trương thu thập và gửi sang Mat-xcơ-va sau hai tuần lễ kể từ khi bạn rời Hà Nội. Việt Nam sẽ cử một số kiến trúc sư, kỹ sư của một số ngành kỹ thuật chủ yếu sang Liên Xô tham gia thiết kế kỹ thuật.
Hai bên nhất trí tiến hành xây dựng Lăng bằng lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam, có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô về kỹ thuật xây, lắp và hiệu chỉnh mà phía Việt Nam không đủ khả năng đảm nhiệm.
Phía Việt Nam nhận giải phóng và tạo mặt bằng thi công, năng lượng điện nước, máy móc thi công, phương tiện vận chuyển, các vật liệu mà trong nước có.
Lần gặp và làm việc đầu tiên này giữa hai đoàn đã gây ấn tượng đẹp đẽ trong tình cảm chung giữa hai Đảng và nhân dân hai nước đối với Bác Hồ kính yêu. Kết quả bước đầu này tạo điều kiện thuận lợi cho những lần làm việc tiếp theo.
Trước khi đoàn cán bộ Liên Xô lên đường về nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp và nói chuyện với đoàn. Thủ tướng ân cần hỏi thăm sức khoẻ đồng chí đoàn trưởng và các thành viên trong đoàn. Người đứng đầu Chính phủ ta, một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa trọng đại của việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người, cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ nhân dân ta thực hiện ý nguyện đó và hoan nghênh kết quả làm việc của bạn trong những ngày vừa qua.
Ngày 23 tháng 1 năm 1970, biên bản làm việc giữa hai đoàn được ký kết.
Theo chỉ thị của đồng chí Đỗ Mười, Bộ Kiến trúc chịu trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thiết kế về mô hình Lăng, giải pháp mặt bằng của công trình, tìm kiếm và xác định các loại vật liệu xây dựng có trong nước phục vụ cho xây dựng va chuẩn bị tổ chức khai thác cho kịp tiến độ thi công. Phía quân đội có nhiệm vụ tham gia vào thiết kế về kiến trúc, đặc biệt là đề xuất các yêu cầu kỹ thuật bảo đảm giữ gìn thi hài tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống.
Bằng sự nỗ lực phi thường của tập thể kiến trúc sư, kỹ sư và cán bộ kỹ thuật và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, chỉ hơn một tháng sau, ta đã hoàn thành phương án “thiết kế sơ bộ” của Lăng. Phương án này đã được Bộ Chính trị thông qua.
Từ ngày 19 tháng 3 đến ngày 6 tháng 5 năm 1970, một đoàn cán bộ gồm ba kiến trúc sư của ta được cử sang Liên Xô tiếp tục làm việc với bạn. Đoàn được phép mang theo phương án thiết kế đã được Bộ Chính trị duyệt sơ bộ.
Khi đoàn tới Mát-xcơ-va, bạn cho biết đã chuẩn bị được năm phương án về bố trí cụm tổng thể của Lăng. Các phương án này đều gần giống với phương án của ta mang sang. Khối lượng công việc đồ sộ mà bạn đã làm không chỉ nói lên thái độ làm việc nghiêm túc, tri thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, mà còn biểu lộ tình cảm rất đặc biệt của nhân dân Liên Xô đối với Bác Hồ kính yêu.
Dựa trên những phương án đã có của hai đoàn, một phương án chung có tăng cường các giải pháp kỹ thuật phù hợp môi trường khí hậu nhiệt đới của Việt Nam đã được hình thành. Theo phương án này, phòng đặt hệ thống điều hoà trung tâm tăng từ 400 mét vuông lên 750 mét vuông. Các máy móc chủ yếu đặt trong Lăng đều có dự trữ 100% trở lên, để dù bất kỳ tình huống nào máy móc trong công trình vẫn hoạt động 24/24 giờ trong ngày.
Bản “thiết kế sơ bộ” công trình “Lăng Bác” đặt phiên hiệu là công trình 75808. Bạn sẽ in ấn tài liệu này để Trung ương Đảng và Chính phủ ta phê duyệt.
Từ ngày 15 tháng 5 đến 28 tháng 5 năm 1970, cuộc trình bày và bảo vệ phương án “thiết kế sơ bộ” của các tác giả diễn ra tại Hà Nội. Đoàn Liên Xô do đồng chí Xa Mô-din, đại diện Ban liên lạc kinh tế đối ngoại Liên Xô tại Việt Nam dẫn đầu: Đoàn còn có các đồng chí I-xa-cô-vích kiến trúc sư trưởng đồ án và Bai-cô kỹ sư trưởng đồ án…
Đồng chí Bùi Quang Tạo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kiến trúc phụ trách việc xem xét và đánh giá bản đồ án để báo cáo lên Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ.
Tham gia hội đàm về phía quân đội có các đồng chí:
– Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng.
– Kinh Chi, đại diện Tổng cục Chính trị.
– Trần Bá Đặng, Bộ tư lệnh Công binh và một số đồng chí cán bộ giúp việc khác.
Biên bản làm việc của hai đoàn ghi rõ: Bản “thiết kế sơ bộ” đã được thể hiện với trình độ chuyên môn cao, có chất lượng phù hợp với bản “nhiệm vụ thiết kế” đã được duyệt ngày 19 tháng 1 năm 1970. Đặc biệt, phía Việt Nam ủng hộ phương án mặt đứng số 4, coi đây là phương án tốt nhất.
Sự đánh giá trên là một phần thưởng to lớn đối với tập thể tác giả Liên Xô và Việt Nam sau nhiều ngày đêm lao động cần cù, thông minh và nghiêm túc. Mọi người hồi hộp chờ đợi sự phê duyệt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta.
Cũng vào thời gian này, tin Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định xây dựng Lăng Bác, đã lan truyền nhanh đến mọi tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước. Người Việt Nam nào chẳng mong sớm có một ngày được chiêm ngưỡng Bác, được đặt chân tới nơi an nghỉ của Người. Rất nhiều thư từ hậu phương lớn miền Bắc, từ tiền tuyến lớn miền Nam và cả từ nhiều Việt kiều ở nước ngoài cũng gửi tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ kiến nghị về thiết kế Lăng, bày tỏ nguyện vọng được đóng góp phần nhỏ bé của mình để đền đáp lại công ơn trời biển của Bác.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định lùi việc duyệt bản “thiết kế sơ bộ” từ 4 đến 5 tháng, để tổ chức một đợt sáng tác các mẫu thiết kế Lăng và trưng bày các mẫu sáng tác đó, lấy ý kiến tham gia của nhân dân. Phương án mặt đứng số 4 mà Bộ Chính trị đã thông qua được đem trưng bày như nhiều phương án khác để quần chúng lựa chọn.
Cuộc vận động sáng tác mô hình thiết kế Lăng Bác nhanh chóng được sự hưởng ứng rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước và đông đảo Việt kiều, lưu học sinh Việt Nam và cán bộ Việt Nam công tác ở nước ngoài. Chỉ tính thời gian từ cuối tháng 5 năm 1970 tới cuối tháng 8 năm 1970, Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế khác nhau của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân gửi tới. Ban tổ chức đã lập Hội đồng sơ tuyển và chọn được 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để đem trưng bày lấy ý kiến nhân dân.
Để nhân dân, cán bộ, bộ đội giảm bớt khó khăn trong việc tới xem trưng bày các mô hình và góp được nhiều ý kiến, Ban tổ chức cùng một lúc đã tổ chức trưng bày tại năm địa điểm của miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An.
Tại Hà Nội, phòng trưng bày đặt tại Nhà thông tin Tràng Tiền mở cửa đón đồng bào vào đúng ngày 2 tháng 9 năm 1970, kỷ niệm lần thứ 25 Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, và bế mạc ngày 30 tháng 10 năm 1970. Sau hai tháng liên tục mở cửa nhưng những ngày cuối cùng vẫn đông nghịt khách tới xem.
Đến phút chót, số người tới xem lên tới 462.499 lượt và có 22.518 người ghi ý kiến tham gia. Những người tới xem triển lãm tuy khác nhau về nghề nghiệp, trình độ, lứa tuổi, song đều giống nhau ở chỗ hết sức trân trọng, chăm chú nghe thuyết minh của từng phương án. Người nào cũng mong có thể đóng góp một ý nào đó để Lăng Bác đẹp hơn, tốt hơn.
Tại Nghệ An, quê Bác, phòng trưng bày mở cửa từ mồng 3 tháng 9 năm 1970 đến ngày 30 tháng 10 năm 1970, đón 23.766 lượt người tới xem. Có 1526 người tham gia ý kiến. Làng Sen những ngày này nhộn nhịp khác thường. Những dòng người bộ hành từ khắp nơi đổ về. Có những cụ già mái tóc bạc phơ, thời trai trẻ từng là đội viên “Xích vệ đỏ” cũng chống gậy đi cả buổi đường tìm đến phòng trưng bày. Có những đơn vị bộ đội trước lúc hành quân ra tiền tuyến lớn, coi việc được thăm quan mô hình Lăng Bác là một phần thưởng để vượt “cổng trời”, xuyên dọc Trường Sơn đi thực hiện lời Bác dặn “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”.
Tại thị xã Thái Nguyên, từ ngày 1 tháng 10 đến 5 tháng 11 năm 1970 đã đón 66.084 lượt đồng bào các dân tộc khu tự trị Việt Bắc tới thăm phòng trưng bày mô hình Lăng Bác và có 2.864 ý kiến tham gia.
Phòng trưng bày ở Sơn La mở cửa từ 1 tháng 10 đến 1 tháng 11 năm 1970 đã có 26.623 lượt đồng bào các dân tộc Tây Bắc tới thăm và có 1069 người đã đóng góp ý kiến. Đồng bào Tây Bắc biểu lộ niềm xúc động mộc mạc, chân thành. Nhiều người bước và phòng triển lãm ôm mặt khóc rất to. Đồng bào nói gọn mấy câu: Xây Lăng cho thật đẹp, thật to, thật nhanh lên để những người Thái, người Mèo… thoả lòng mong ước…
Cuộc triển lãm tại thành phố Hải Phòng mở cửa muộn nhất (ngày 2 tháng 10 năm 1970) và cũng đóng cửa sau cùng (ngày 8 tháng 11 năm 1970). Trong 32 ngày mở cửa đã có 164.565 lượt đồng bào, cán bộ và chiến sĩ thành phố Cảng và vùng duyên hải tới thăm. Có 6035 ý kiến tham gia.
Cuộc trưng bày và tuyển chọn mô hình Lăng Bác đã thu được kết quả rất tốt đẹp. Có 745.487 lượt người tới thăm và 34.022 người tham gia ý kiến. Trong đó có 5.477 ý kiến của cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân. Điều đó cũng nói lên một phần tình cảm đặc biệt của cán bộ chiến sĩ quân đội ta đối với Bác Hồ muôn vàn tôn kính – Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.
Trong đợt trưng bày để tuyển chọn mẫu thiết kế Lăng Bác, quân đội ta chỉ tham gia hai mẫu thiết kế. Đây là hai trong số năm phương án có số phiếu cao nhất trong các cuộc trưng bày: phương án số 1 của Viện thiết kế dân dụng thuộc Bộ Kiến trúc (phương án đã được lãnh đạo sơ duyệt); phương án số 10 của Viện thiết kế quy hoạch thành thị nông thôn thuộc Bộ Kiến trúc; phương án số 13 do một số cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Cơ khí luyện kim và Trường Đại học Xây dựng “đồng tác giải”; và hai phương án 15 và 16 của quân đội.
Mỗi dân tộc có cách tưởng niệm các danh nhân, các tướng soái của mình, bằng các công trình tưởng niệm kiến trúc mang đặc thù riêng, phản ánh vai trò, vị trí xã hội của nhân vật lịch sử đối với nhân dân và thời đại. Ngót 5.000 năm đã trôi qua, loài người vẫn chưa hết ngạc nhiên về những Kim tự tháp Ai Cập – mộ chí của các đời vua dòng họ Pha-ra-ông. Kim tự tháp Kê-ốp được tạo nên bởi hai triệu phiến đá, mỗi phiến đá nặng trên hai tấn. Tháp cao tới 148 mét. Qua nhiều niên đại, ngôi mộ này vẫn là công trình cao nhất thế giới. Chỉ tới năm 1889, tháp Ép-phen của Pháp mới phá được kỷ lục này.
Đầu thế kỷ XX, ở La Mã đã khánh thành đài kỷ niệm hoàng đế đầu tiên của nước Ý thống nhất, được xây dựng sau 25 năm. Kích thước to lớn, có hàng cột hiên khổng lồ gồm 60 cột và một cầu thang rộng dần lên. Sau đó vài năm ở Oa-sinh-tơn cũng khánh thành đài kỷ niệm Lin-côn được xây dựng dưới hình thức đền thờ cổ Hy Lạp, bao quanh bằng 36 cột lớn.
Lăng Lê-nin đã thu hút được sự chú ý của những người thiết kế. Bộ phận chính của Lăng là một khối vuông tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Trên đỉnh Lăng là một kim tự tháp ba cấp. Hình thức chung vẫn là một kim tự tháp dật cấp. Đỉnh được bố trí dưới hình thức nắp quan tài đặt trên những cột gỗ màu đen. Lối bố cục kết thúc khối chính thể hiện hàm ý tư tưởng đời đời tưởng niệm.
Phương án số 1 mà những nét đặc trưng đã được chọn để xây dựng Lăng Bác hiện nay, khối chính của Lăng đặt trên bệ tam cấp rất thân thuộc với phong cách Việt Nam. Thân Lăng gợi hình dáng một ngôi nhà 5 gian giản dị. Bậc tam cấp một lần nữa nhắc lại ở mái Lăng. Hình vát ở mái Lăng gợi lên sự gần gũi những đường nét mài đình làng hay ở đền thờ các danh nhân đất nước.
Ở phương án số 10, Lăng Bác là một quần thể kiến trúc, cổng đồng thời dùng làm lễ đài cho các ngày lễ lớn. Khách đi viếng Bác sẽ vào cổng qua khu sân vườn, hồ nước, cây cảnh… rồi mới tới nơi Bác an nghỉ. Phương án này – theo lập luận của tác giả – sẽ làm cho Lăng thêm tôn nghiêm hơn, hợp với phong tục tập quán Việt Nam. Nhìn chung các đường nét kiến trúc toát lên chất Á Đông, nhưng đã tước bỏ nhiều trang trí rườm rà khi khai thác vốn cổ dân tộc.
Phương án số 13 lấy chủ đề từ câu ca dao: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” và Bác sinh ra từ Làng Sen xứ Nghệ.
Lăng Bác như một khối bông sen cách điệu ở giữa một hồ sen. Số người không đồng ý phương án này cho rằng lấy bông sen làm hình tượng cuộc đời Bác chưa hẳn đúng. Tạo hình bông sen có tính Phật giáo. Hoa sen cách điệu, trừu tượng quá, nhiều người không nhận ra.
Phương án số 15 của tập thể cán bộ thiết kế thuộc Bộ tư lệnh Công binh: quần thể kiến trúc Lăng gồm khối chính của Lăng, cổng, vườn cây. Khối chính của Lăng, nơi an nghỉ mang dáng dấp một ngôi nhà ba gian có tam cấp. Đặc biệt các đồng chí công binh thiết kế hai đoạn đường dốc cho lối vào thăm Bác và lối ra để các đồng chí thương binh có thể ngồi xe đẩy lên thăm Bác.
Phương án số 16 của tập thể cán bộ thiết kế thuộc Cục Kiến thiết cơ bản Tổng cục Hậu cần là một phương án độc đáo: Tại khu vực Ba Đình, đắp một quả núi (khoảng 1 triệu mét khối đất) xây Lăng Bác trên quả núi này. Trên đỉnh Lăng có thiết kế giống như một lầu thơ. Xung quanh Lăng là hồ nước và cây cối. Rất nhiều ý kiến đồng tình vì cho rằng mộ tổ tiên của chúng ta (đền Vua Hùng) cũng xây theo lối này. Hàng năm nhân dân ta sẽ tới đây trồng cây nhớ ơn Bác. Từ rất xa, mọi người đã có thể nhìn thấy Lăng Bác. Lầu thơ gợi khung cảnh Bác đang sống và làm việc. Những ý kiến không đồng tình cho rằng: Lầu thơ trông giống như “Khuê văn các”, những đường nét cổ kính ở đây không phù hợp với tính hiện đại của cấu trúc phía dưới. Vả chăng Bác Hồ khi còn sống, Người làm thơ trong khung cảnh giản dị, thấm đậm thiên nhiên, trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa bộn bề công việc.
“Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”
Mặt khác việc đắp một quả núi giữa lòng Thủ đô rất khó thực hiện, đường vào viếng Bác quá cao, gây khó khăn cho các cụ già, các cháu nhỏ và những người tàn tật.
2. Ngoài những ý kiến đóng góp cụ thể vào các phương án đã từng trưng bày còn có 6.627 ý kiến đóng góp chung. Một số người chưa bằng lòng với tất cả các phương án đã trưng bày. Họ cho rằng cần có thời gian nghiên cứu thêm, cần tiếp tục cuộc thi sáng tác về mô hình Lăng Bác. Về vị trí Lăng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người đề nghị Lăng nên nằm trong vườn Phủ Chủ tịch gần nhà sàn, có người muốn Lăng đặt trước Phủ Chủ tịch gần trường trung cao quân đội trước đây. Có ý kiến muốn Lăng xây gần Tam Đảo, gần Đền Hùng hoặc ở quê hương Bác. Không ít ý kiến đề nghị khối chính của Lăng nên tách khỏi lễ đài cho tăng phần tôn nghiêm. Lăng nên quay về hướng Nam, phù hợp với phong tục làm nhà của nhân dân ta và cũng phù hợp với tấm lòng của Bác luôn hướng về đồng bào miền Nam – Thành đồng Tổ quốc.
Thư của đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và kiều bào ở nước ngoài – những người không có may mắn được xem trưng bày các mô hình Lăng – đã gửi tới Ban tổ chức triển lãm rất nhiều và phong phú:
Đồng chí Nguyễn Trọng Hiệp, bộ đội hòm thư 47-170-OR đề nghị xây “Núi Bác Hồ”, tác giả viết:
“Cuộc đời của Bác gắn liền với lịch sử dân tộc và lịch sử đấu tranh của những người bị áp bức trên toàn thế giới. Đề nghị làm “Núi Bác Hồ” là một công trình độc đáo của dân tộc mà cũng là công trình độc đáo của thế giới”.
Phác thảo của đề tài này là: Dùng bộc phá đã được tính toán để đục một quả núi thành một pho tượng Bác Hồ, theo mẫu thiết kế có đường nét đơn giản nhưng thể hiện được phong cách của Bác. Đây sẽ là một công trình điêu khắc độc đáo và sẽ biến nơi đây thành danh lam thắng cảnh ở nước ta, ở đây sẽ kết hợp nhiều công trình nghệ thuật khác có ý nghĩa chính trị, lịch sử đấu tranh của Đảng, của dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế.
Ông Kim Cúc, cán bộ hưu trí tại xóm I thị trấn Lào Cai, mặc dù đang lâm bệnh hiểm nghèo cũng gửi ý nguyện của mình qua những dòng thư cảm động. “Bác luôn nhớ miền Nam, Lăng Bác nên hướng về Nam. Bác đi bốn biển năm châu tìm đường cứu dân, cứu nước và góp phần giải phóng loài người khỏi áp bức, nô lệ. Vì vậy chỗ Bác nằm nên kiến trúc hình quả cầu lát gạch hoa sao cho màu gạch nổi lên tấm bản đồ thế giới. Cửa Lăng hãy trồng các loại hoa quả, nhưng đừng quên trồng giống hoa “bất tử” giống như sự nghiệp của Bác còn mãi mãi”.
Anh Đinh Lệnh, 40 tuổi, xã viên hợp tác xã thủ công rạng Đông, thị trần Quảng Yên, sau khi được nghe bà con đi xem triển lãm mô hình Lăng tại Hải Phòng về kể lại, anh đã suy nghĩ rất nhiều và ngày 10 tháng 11 năm 1970, anh đã viết thư lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ. Thư anh viết: “Lấy gì để đền đáp công ơn cao sâu đối với Bác Hồ, với Đảng để trọn nghĩa nhỏ của người làm dân?”. Sau một tháng suy nghĩ. Anh đã phác thảo được một số bản vẽ mô hình nhà cửa, tuyển lựa các giống cây hợp với thân thế của Bác. Anh muốn được chuyển phương án này lên Trung ương Đảng và Chính phủ xem xét. Anh nói: “Nếu không đạt, tôi sẽ để ở nhà và thờ. Bác Hồ sẽ mãi mãi trong tâm hồn gia đình chúng tôi”.
Ông Trần Nhất Thống, cán bộ Tổng cục Thuỷ sản, ngày 20 tháng 10 năm 1970 đã gửi phương án Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên văn phòng đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo ông, các phương án trong triển lãm cần được thể hiện sâu sắc hơn nữa tính dân tộc và trang nghiêm, đó là hai yêu cầu chủ yếu đối với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả đề nghị bổ sung vào phương châm xây dựng Lăng Bác: có ý nghĩa lịch sử.
Tác giả phân tích cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ và đề nghị nên phỏng theo hình ảnh hang Pác Bó thật để xây dựng Lăng, ông nhắc đến bốn câu thơ đầy ý nghĩa của Bác:
“Non xa xa, nước xa xa
Chẳng phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà”
Và nhấn mạnh cần xây dựng thu gọn phong cảnh này vào Lăng để làm cho ý nghĩa Lăng thêm phong phú và tăng vẻ trang nghiêm hùng vĩ.
Trong phương án của ông có nhóm tượng đài mang ý nghĩa Bác Hồ luôn gần gũi, lãnh đạo mọi tầng lớp nhân dân “Đoàn kết – chiến đấu – sản xuất – học tập” có tác dụng động viên mọi thế hệ con người Việt Nam tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng mà Bác đã vạch ra.
Bà Phùng thị Cúc, một Việt kiều tại Pa-ri đã gửi thư, ảnh mô hình Lăng Bác để Ban tổ chức xem xét. Theo mô hình này, trùm lên trên hết là một thanh gươm không lưỡi. Bên trái là một em bé ôm lấy quan tài, bên phải là một em bé khác nũng nịu cụng đầu vào. Mô hình Lăng toát lên ý nghĩa: Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu chuộng hoà bình và thương yêu trẻ thơ.
Anh Đặng Đậu, sinh viên khoa kiến trúc tại Xô-phi-a (Bun-ga-ri) viết thư về nước đã vẽ mô tả tỉ mỉ Lăng Đi-mi-tơ-rốp để ở nhà tham khảo.
Các bạn quốc tế cũng hết sức quan tâm đến cuộc triển lãm các mô hình. Đồng chí giám đốc cơ quan đại diện Thông tấn xã Nô-vốt-ni (Liên Xô ) tại Hà Nội viết thư đề nghị được gặp đồng chí lãnh đạo triển lãm để thu lượm tình hình…
Cuộc triển lãm mô hình Lăng Bác đã thành công tốt đẹp. Chủ trương vận động quần chúng tham gia thiết kế và trưng bày để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân là hết sức đúng đắn và sáng suốt. Qua những ý kiến, kiến nghị của nhân dân càng thể hiện trí tuệ của quần chúng nhân dân thật vô cùng to lớn, đa dạng và phong phú. Số đông ý kiến tán thành chọn phương án thiết kế số 1. Có 1.326 ý kiến đề nghị chọn những nét tinh hoa của phương án khác để bổ sung và sửa đổi phương án này. Bộ Chính trị đã chỉ thị cho các nhà thiết kế nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trên để hoàn thiện bản thiết kế sơ bộ. Tuy nhiên, thời gian lấy ý kiến nhân dân chưa được nhiều so với một công trình có tầm vóc lịch sử, nên chưa thoả mãn lòng mong mỏi của tất cả mọi người. Nhiều đề xuất, nhiều phương án đang hình thành cần có thêm thời gian đầu tư. Nhưng mong muốn công trình Lăng hoàn thành sớm cũng là đòi hỏi vô cùng lớn của quần chúng. Mọi việc không thể kéo dài hơn được nữa.
Ngày 14 tháng 8 năm 1970, Hội đồng Chính phủ họp và ra Nghị quyết thành lập ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cử đồng chí Phó thủ tướng Đỗ Mười trực tiếp phụ trách để chăm lo mọi công việc cần thết.
Chỉ sau 10 ngày kết thúc đợt triển lãm mô hình Lăng, Chính phủ ta lại cử đoàn cán bộ đi Liên Xô mang bản “thiết kế sơ bộ” đã được tổng hợp các ý kiến của nhân dân sang làm việc với bạn. Đoàn gồm 4 người do đồng chí Nguyễn Ngọc Chân, Viện trưởng Viện thiết kế dân dụng Bộ Kiến trúc làm trưởng đoàn, trong đó có đồng chí đại uý Nguyễn Trọng Quyền là cán bộ thiết kế của quân đội, một trong những tác giả của bản “thiết kế sơ bộ”.
Sau ba tuần trao đổi sôi nổi và khẩn trương giữa ta với bạn, phương án “thiết kế sơ bộ” của ta đã được bạn đồng ý. Tuy vậy, bằng kinh nghiệm và giác quan nghề nghiệp tinh tế, bạn đã đề xuất thêm nhiều ý kiến như: nên nghiên cứu để mái Lăng nhẹ và thanh thoát hơn, tỷ lệ các phần ở khối chính của Lăng cân đối hơn. Nên tách hai lễ đài phụ khỏi lễ đài chính để tăng thêm vẻ tôn nghiêm của Lăng. Tại Mát-xcơ-va đoàn đã nhận được điện từ trong nước thông báo: Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đồng ý những đề xuất trên của bạn.
Quân đội đề nghị cần có thêm nguồn điện thứ ba cho Lăng. Cần tăng cường công tác bảo vệ bằng các biện pháp kỹ thuật. Cầu thang ở hậu sảnh lên phòng làm thuốc cần đặt ở vị trí kín đáo hơn. Đoàn ta đã báo cáo và được ở nhà đồng ý để bạn đưa vào nhiệm vụ thiết kế “buồng đặc biệt”. Buồng đặc biệt này khi có tình huống chiến tranh vẫn giữ được thi hài tại chỗ, chống được các loại bom và chống được độ rung khi bom nổ trên mặt đất. Đoàn ta đề nghị bạn cung cấp những thiết bị đã được nhiệt đới hoá và cùng chủng loại để dễ thay phụ tùng và thay thế cho nhau. Ta cũng yêu cầu bạn bảo đảm cho người viếng nhìn thấy rõ thi hài, kính quan tài phải chịu được xung lực cơ học lớn, đề phòng cả tình huống bất trắc có thể xảy ra thì thi hài vẫn tuyệt đối an toàn.
Tất cả những yêu cầu và bổ sung của đoàn ta đều được bạn nhất trí. Kết quả làm việc nói trên đã được báo cáo lên hai Chính phủ Việt Nam – Liên Xô. Đây là điều kiện chín muồi để hai nước ký kết một hiệp định có tính chất pháp lý cao nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 9 tháng 2 năm 1971, tại Mát-xcơ-va “Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết về việc Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người” đã được đại diện hai Chính phủ là Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nô-vi-cốp ký kết.
Hiệp định ghi rõ:
“Thông qua các tổ chức hữu quan Liên Xô, Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết giúp đỡ không hoàn lại về mặt kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người ở Hà Nội với khối lượng và thời hạn ghi trong phụ lục kèm theo Hiệp định này”.
“Qua các tổ chức hữu quan Việt Nam, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà bảo đảm việc thi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Liên Xô…”
Từ đó đến khi có được chính thức bản thiết kế sơ bộ và bản thiết kế kỹ thuật là cả một quá trình lao động công phu, bền bỉ, đầy trách nhiệm của hai đoàn Việt Nam và Liên Xô. Mỗi lần đoàn ta sang Liên Xô làm những việc tiếp theo đều gặp đoàn bạn đang say mê làm việc và đều được trông thấy những thành quả bất ngờ và hết sức cảm động. Mỗi văn bản, mỗi công việc dù to nhỏ đều được hai đoàn thảo luận tỉ mỉ thấu đáo. Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã dành cho công việc này những trí tuệ tài năng tinh tuý của mình, đã cử các cán bộ đầu ngành, những chuyên gia đầy tài năng, như đồng chí I-xa-cô-vích Ga-ron- một kiến trúc sư nổi tiếng đã từng nhận được giải thưởng quốc gia – phụ trách kiến trúc sư trưởng của đồ án. Tổng công ty xây dựng thuộc Xô viết Mát-xcơ-va phụ trách thiết kế tổ chức thi công phần xây dựng và sẽ cử chuyên gia xây lắp sang giúp đỡ ta. Một viện chuyên ngành có uy tín đảm nhận phần thiết kế hệ thống chữa cháy. Bộ đội công binh Liên Xô đảm nhiệm công trình bảo vệ đặc biệt. Ngành du hành vũ trụ thiết kế và chế tạo thiết bị quan tài, v.v.
Với tấm lòng tôn kính và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh , Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã tuyển chọn các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ưu tú vào công việc xây dựng Lăng.
Ngày 3 tháng 11 năm 1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định chính thức thành lập Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm:
– Đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng: Trưởng ban.
– Đồng chí Bùi Quang tạo, Bộ trưởng Kiến trúc: phó trưởng ban.
– Đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng: uỷ viên.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã ký quyết định thành lập Ban chỉ huy công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy phiên hiệu là Công trường 75808) do kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, Thứ trưởng Bộ Kiến Trúc làm chỉ huy trưởng. Theo quyết định này, đồng chí thượng tá Trần Bá Đặng, tư lệnh Công binh được cử làm phó chỉ huy thứ nhất công trường và đồng chí trung tá Lương Soạn, phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh được cử làm phó chỉ huy công trường.
Từ mồng 3 tháng 12 năm 1971 đến 31 tháng 12 năm 1971, tại Hà Nội đã tiến hành đợt xét duyệt chính thức bản thiết kế kỹ thuật của Lăng. Đoàn Liên Xô mang bản thiết kế kỹ thuật sang làm việc lần này do đồng chí Vô-dơ-chi-nhin, đại diện uỷ quyền của Tổng cục Kỹ thuật và Uỷ ban liên lạc kinh tế đối ngoại của Liên Xô dẫn đầu. Thành viên có đầy đủ các tác giả của bản thiết kế. Đoàn cán bộ Việt Nam gồm 14 đồng chí do đồng chí Nguyễn Ngọc Chân làm trưởng đoàn và các đồng chí Lương Soạn (phó đoàn), Nguyễn Tư Sô, Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Nguyễn Trung Thành, Trần Quốc Dân là những cán bộ quân đội tham gia. Nhiệm vụ của đoàn là xem xét bản thiết kế kỹ thuật do bạn trình bày, góp ý kiến bổ sung trước khi đưa trình Bộ Chính trị.
Hai bên xác nhận bản thiết kế kỹ thuật đã dưa trên cơ sở các bản nhiệm vụ thiết kế và thiết kế sơ bộ mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt trước đây. Hai bên cũng thống nhất bổ sung sửa đổi một số điểm cụ thể cho thật thích hợp.
Liên Xô sẽ cung cấp các bản vẽ thi công cho công trình trong vòng 12 tháng, cung cấp các thiết bị, vật tư, vật liệu trong vòng 27 tháng kể từ ngày Đảng, Chính phủ Việt Nam duyệt bản thiết kế kỹ thuật này.
Phía Việt nam khẳng định công tác chuẩn bị thi công sẽ xong trước thánh 8 năm 1972 và sẽ khởi công vào tháng 9 năm 1972.
Ngày 31 tháng 12 năm 1971 được Bộ Chính trị Trung ương Đảng đồng ý, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ký quyết định phê chuẩn bản “thiết kế kỹ thuật” nói trên.
Như vậy, sau hai năm chuẩn bị, trí tuệ của lãnh đạo, tinh thần lao động nghiêm túc và hăng say của tập thể các nhà khoa học – kỹ thuật Việt Nam-Liên Xô cộng với sự đóng góp ý kiến sâu sắc của đông đảo quần chúng, một văn bản kỹ thuật cơ bản của Lăng Bác đã được cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta xác nhận có hiệu lực. Nó mang tính định hướng cho mọi công việc tiếp theo.
Ban phụ trách xây dựng Lăng cũng đã họp khẳng định quyết tâm khánh thành Lăng vào ngày 2 tháng 9 năm 1973. Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ là bên A của công trình (bên chủ quản công trình sau khi xây dựng xong) và phụ trách lắp ráp toàn bộ thiết bị bên trong công trình. Đây là sự tín nhiệm rất cao, đồng thời cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của Đảng và Nhà nước trao cho quân đội.
Bộ Quốc phòng giao cho Bộ tư lệnh Công binh làm nòng cốt trong tổ chức lực lượng thi công, phối hợp với các cơ quan Bộ để tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ, công nhân kỹ thuật ưu tú ở các quân chủng, binh chủng trong toàn quân…
Được sự đồng ý của Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Công binh quyết định thành lập ngay một bộ khung cỡ trung đoàn cho đơn vị thi công lắp ráp, lấy tên trung đoàn 9B. Những cán bộ đầu tiên của đơn vị xuất thân từ trung đoàn 259 – một trung đoàn công binh kiến trúc tin cậy của binh chủng – đã từng xây dựng các công trình tuyệt mật của Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội trong chiến tranh. Các đồng chí Nguyễn Văn Tý, trung đoàn trưởng; Văn Đình Khánh, chính uỷ; Ngô Văn Hiển, chủ nhiệm chính trị; Nguyễn Trọng Quyền tham mưu trưởng và các đồng chí Nguyễn Đức Nghị, Ma Văn Lộc, Nguyễn Trung Thành, Bùi Danh Chiêu, Trần Quốc Dân… là những cán bộ đầu tiên của trung đoàn 259B.
Việc trước hết và nóng bỏng nhất là phối hợp với các cơ quan đơn vị phối hợp tuyển chọn ngay một số cán bộ (đặc biệt là cán bộ kỹ thuật) ở các quân binh chủng để bổ sung cho đơn vị. Công tác tuyển chọn được đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Người được tuyển chọn phải có lai lịch chính trị rõ ràng, trong sạch, có phẩm chất, năng lực đảm đương được nhiệm vụ hết sức mới mẻ, nặng nề và thiêng liêng này.
Lúc đầu những người trong Ban tổ chức phải đi gặp trực tiếp người dự kiến tuyển chọn. Cách làm này thận trọng nhưng mất nhiều thời gian. Từ tháng 12 năm 1971 đến tháng 4 năm 1972 mới chọn thêm được 8 cán bộ thuộc Cục Quân giới và Quân chủng Phòng Không Không quân. Ngoài ra còn tuyển chọn một số hạ sĩ quan, chiến sĩ làm công tác phục vụ ở cơ quan.
Ngày 28 tháng 2 năm 1972, trung đoàn 259B – đơn vị lắp ráp các thiết bị máy móc của Lăng – chính thức ra đời, còn có tên là Đoàn Ba Đình vì được thành lập để làm nhiệm vụ thiêng liêng tại mảnh đất Ba Đình lịch sử.
Những cán bộ được tuyển chọn về đây đã sớm ý thức đầy đủ trách nhiệm và vinh dự của mình. Có nhiều đồng chí trước khi về đơn vị mới chỉ được biết là đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Tổng số cán bộ của đơn vị lúc này chỉ có 20 đồng chí. Người ít, nhưng công việc lại rất nhiều và mới mẻ. Nghiên cứu các bản thiết kế kỹ thuật do Liên Xô gửi sang, thống kê khối lượng công việc, bàn các giải pháp thi công, dự trù trang thiết bị dụng cụ thi công, dự kiến nhân lực, tổ chức lực lượng và tu sửa doanh trại… Những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên này đã làm việc với niềm say mê, với không khí hồ hởi, phấn khởi chuẩn bị cho mình và các đồng chí về sau những cơ sở, điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ sắp tới.
Ngày 5 tháng 2 năm 1972, Thủ tướng Chính phủ cũng ra quyết định chính thức phân công nhiệm vụ cho cán bộ, các ngành, các địa phương tham gia xây dựng công trình 75808, trong đó hai lực lượng nòng cốt là Bộ Kiến trúc và Bộ Quốc phòng.
Các lực lượng được phân công đã nhanh chóng có mặt tại Quảng trường để trù liệu mọi công việc theo chức năng của mình. Quảng trường Ba Đình náo nhiệt khác thường. Từ anh công nhân bưu điện, chị nhân viên công ty công viên đến kỹ sư mặc áo lính, hồ hởi làm quen với nhau, hoà vào nhau rất thân tình, cởi mở và sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Ở trung đoàn 259B, cả những lúc ăn, lúc nghỉ vẫn không ngớt những lời bàn bạc công việc. Đêm đêm, những mái đầu chụm lại tính toán, lo âu… Những tin tức về các trận thắng giòn giã từ miền Nam dội về, như những đợt sóng dâng trào làm nức lòng cán bộ và chiến sĩ, thôi thúc họ cố gắng tranh thủ thời gian hơn nữa để kịp ngày đồng bào miền Nam ra thăm Bác.
Nhưng giữa lúc đó thì một sự kiện đột xuất đã xảy ra khiến họ sững sờ, căm giận. Mặc dầu bị thất bại thảm hại ở chiến trường, bị cả nhân loại tiến bộ lên án mạnh mẽ, nội bộ nước Mỹ mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc, song đế quốc Mỹ vẫn muốn tìm lối ra trong “con đường hầm” ở Việt Nam bằng sức mạnh bom đạn. Ngày 16 tháng 4 năm 1972, Ních-xơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc, đánh phá dã man Hải Phòng và Hà Nội, tiếp đó chúng phong toả cảng Hải Phòng và các cửa biển khác của miền Bắc.
Sau khi xem xét mọi mặt, Bộ Chính trị quyết định tạm dừng xây dựng Lăng theo tiến độ. Chính phủ ta cũng thông báo cho Chính phủ Liên Xô quyết định này, và như vậy mọi công việc đang tiến hành cho công trình cũng đều dừng lại. Đất nước ta lại đương đầu với những thử thách mới: chiến tranh lan rộng ra cả nước. Nhân dân miền Bắc dồn sức đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, tăng cường chi viện sức người sức của cho chiến trường. Quân và dân miền Nam liên tục mở những chiến dịch lớn giáng trả những đòn đích đáng vào cuộc chiến tranh leo thang của chúng.
Cuộc chiến đấu cực kỳ anh dũng của quân và dân hai miền Nam-Bắc nhằm thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Bác ngày nào “Không có gì quý hơn độc lập tự do… Hà Nội, Hải Phòng có thể bị tàn phá … nhưng nhân dân ta quyết không sợ. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Cán bộ, chiến sĩ đơn vị xây dựng Lăng Bác những ngày này chôn rộn không yên. Làm gì đây, trong khi cả dân tộc đang nước sôi lửa bỏng? Chờ đợi đến bao giờ? Có ý kiến đề nghị nên giải tán bộ phận này. Có người đề nghị ra mặt trận, có người ngỏ lời xin về đơn vị cũ… Trước tình hình đó, Quân uỷ Trung ương vẫn quyết định duy trì lực lượng nòng cốt này, tiếp tục chuẩn bị khi thời cơ đến là lúc có lực lượng làm ngay. Đây là sự chỉ đạo, định hướng rất sáng suốt. Thực tiễn diễn ra khoảng 8 tháng sau đó đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định này. Sau khi Hiệp nghị Pa-ri được ký kết, nếu không có bộ phận “lót ổ” này chắc chắn không thể tiến hành thuận lợi việc tiếp tục xây dựng Lăng.
Công việc sau khi có quyết định đình hoãn việc xây Lăng cũng không kém phần khẩn trương phức tạp. Đơn vị triển khai đợt sinh hoạt chính trị ngắn gọn, xác định nhiệm vụ và ổn định tư tưởng cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Tiếp đó là những ngày khẩn trương đào hầm hố, tập dượt phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ an toàn doanh trại. Và tiếp tục nghiên cứu bản thiết kế kỹ thuật, đàm luận các phương án thi công ngay trên miệng hầm. Tiếng còi báo động của thành phố xen kẽ với tiếng máy bay gầm rú của địch, tiếng quân và dân Hà Nội đã thôi thúc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Trong đợt 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội, chiến sự xảy ra hết sức ác liệt. Để bảo vệ tuyết đối an toàn lực lượng, cấp trên đã chỉ thị cho đơn vị sơ tán. Song ở nơi sơ tán anh em cán bộ, chiến sĩ vẫn tiếp tục hăng say làm việc.
Có thể nói, cuộc đánh phá miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ có làm gián đoạn tiến độ xây dựng Lăng, nhưng không hề làm gián đoạn mọi công tác chuẩn bị của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Ba Đình. Khẩu hiệu hành động của Đoàn lúc này là: “Hãy tìm ra những thuận lợi từ những khó khăn” chuẩn bị thật tốt cũng có nghĩa là tạo điều kiện rút ngắn thời gian thi công.
Ngày 25 tháng 10 năm 1972, đồng chí Lê Quang Đạo, thay mặt Quân uỷ Trung ương và Tổng cục Chính trị gặp gỡ cán bộ phụ trách xây dựng Lăng. Sau khi nhắc lại nhiệm vụ của quân đội ta được phân công trong xây dựng Lăng Bác, đồng chí căn dặn thêm: Quân đội phải cùng với Bộ Kiến trúc đề xuất các vấn đề trong thiết kế, làm cho thiết kế phù hợp với tình hình, đặc điểm thi công, sử dụng và bảo quản của ta. Kết hợp với nhiệm vụ thi công mà đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi, sau này phục vụ lâu dài trong quân đội. Đồng chí Lê Quang Đạo nhấn mạnh: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, nên tổ chức cũng đặc biệt. Cán bộ, công nhân kỹ thuật tham gia làm Lăng phải có chất lượng chính trị cao, trình độ kỹ thuật giỏi, có sức khoẻ, có trình độ văn hoá để tiếp thu khoa học nhanh, phục vụ được lâu dài”. Sự động viên của đồng chí Lê Quang Đạo làm cho mọi người phấn khởi, thấy rõ hơn trách nhiệm rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang của mình. Quyết tâm của anh em càng được củng cố để vượt qua những khó khăn, trở ngại trước mắt.
Trong đợt đánh phá đầu tiên hồi tháng 4 năm 1972 vào Hà Nội, không quân Mỹ đã điên cuồng đánh phá bừa bãi không phân biệt các mục tiêu quân sự hay dân sự. Một quả tên lửa của địch đã bắn vào khu Phủ Chủ tịch, gây ra một số thiệt hại. Điều này đã làm cho các đồng chí lãnh đạo suy nghĩ tới việc phải bảo vệ ngôi nhà sàn của Bác. Ngày 18 tháng 4 năm 1972 các đồng chí Hoàng Văn Thái, Kinh Chi, Trần Bá Đặng, giao cho trung đoàn 259B nhiệm vụ: Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn ngôi nhà sàn của Bác. Ngày 20 tháng 4 năm 1972, đơn vị bắt đầu thi công, anh em đã làm việc này với tất cả tấm lòng tôn kính Bác, sâu sắc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Những ngày máy bay B52 Mỹ rải bom vào Hà Nội hồi cuối 1972, tình hình giao thông ở Thủ đô cực kỳ căng thẳng. Nhiều đoạn đường vào Thủ đô bị bom cày xới không đi lại được. Có những hố còn rải rác bom nổ chậm của địch. Cán bộ, chiến sĩ công binh thông thạo rà phá bom mìn của trung đoàn 259B được điều động tham gia chiến dịch giải toả giao thông, sẵn sàng cứu sập, khai thông đường, rà phá bom nổ chậm. Sự lao động cần cù, thông minh và dũng cảm của anh em đã gây được lòng mến mộ của nhân dân Thủ đô và nhất là các cán bộ công nhân viên đường sắt.
Cán bộ, chiến sĩ được điều về trung đoàn 259B tham gia xây dựng Lăng Bác trong thời gian qua là thời gian có nhiều biến động, trắc trở. Nhưng cũng chính qua đó, bản lĩnh của mọi người được thử thách tôi luyện. Trong mọi lúc, mọi nơi, họ đều tỏ ra vững vàng, đáng tin cậy, xứng đáng là lực lượng “khung”, là “chỗ dựa” cho việc chuẩn bị và thi công Lăng Bác sau này. Một sức mạnh đã hình thành trong họ để đón lấy thời cơ thuận lợi nhất định sẽ đến với họ, đến với toàn dân, toàn quân trong cả nước. Đó là lúc kẻ thù của chúng ta đã đem ra thi thố hết những thủ đoạn xảo quyệt và tàn bạo nhất mà vẫn không tìm ra lối thoát, buộc phải cầm bút ký vào Hiệp định Pa-ri.
(còn nữa)