Chương II (Phần 1): Đơn vị đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt

Ngày 2 tháng 9 năm 1967, chiếc xe Skô-da của Tổng cục Đường sắt, chở một tổ y tế lặng lẽ rời Hà Nội. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều, thành phố đã lên đèn, nhưng những dòng người đầu đội mũ rơm, vai mang súng vẫn qua lại náo nhệt trên đường phố. Xen lẫn trong dòng người là những đoàn xe kéo pháo, xe chở hàng phủ bạt kín mít, đầy bụi đường, ùn tắc lại ở lối rẽ xuống cầu phao bắc ngang sông Hồng để lên phía Bắc.

Đó là gia đoạn quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bị thất bại nhục nhã sau hai mùa khô phản công chiến lược, Giôn-xơn điên cuồng tung thêm những đơn vị tinh nhuệ nhất vào chiến trường miền Nam và tăng cường đánh phá miền bắc. Những phi đội AD.6, F.105, F.4 từ Cò-rạt, gây tang tóc cho các làng mạc, thành phố trên miền Bắc. Còi báo động của Thủ đô chốc chốc lại rú lên cùng với giọng người phát thanh viên báo tin máy bay địch đang vào Hà Nội. Tiếp đấy hoặc là tiếng súng cao xạ nổ ran ở ngoại ô, hoặc là một khoảnh khắc im lặng, căng thẳng cho đến khi giọng người phát thanh viên trầm tĩnh vang lên báo tin máy bay địch đã đi xa…

Trong những ngày ấy, ngoài Bộ Chính trị và tổ y tế, không mấy ai biết được sức khoẻ của bác đang mỗi ngày một suy giảm. Ngay từ những năm 1966, sau chuyến đi thăm đồng bào tỉnh Thái Bình trở về, bác đã bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đi lại đã phải chống gậy. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sỹ, kết hợp với sự rèn luyện phi thường của Bác, sức khoẻ Bác dần dần hồi phục nhưng đó cũng là dấu hiệu đầu tiên, báo hiệu sự thiếu ổn định trong cơ thể Người.

Một buổi sáng, thiếu tá bác sỹ Nguyễn Gia Quyền, chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh viện 108, trưởng phòng pháp y Cục Quân y; bác sỹ Lê Ngọc Mẫn, chủ nhiệm khoa nội tiết bệnh viện Bạch Mai và bác sỹ Lê Điều, chủ nhiệm khoa ngoại bệnh viện Việt – Xô được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng trung ương giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được cử làm tổ trưởng. Trong buổi giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Thọ căn dăn: Đây là một công việc tối mật, tất cả mọi việc chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng riêng việc này tuyệt đối không được để Bác biết. Nếu biết, Bác sẽ buồn, và sẽ không cho phép thực hiện kế hoạch. Đồng chí Lê Đức Thọ còn dặn thêm: ngay đối với vợ con cũng không được tiết lộ một chi tiết nào về nhiệm vụ của chuyến đi này.

Xe chạy sang bờ bắc sông Hồng thì trời ập tối. Tuy vậy, dấu vết tàn phá của những cuộc ném bom trong ngày vẫn còn hiện rõ ở hai bên đường. Khắp nơi, những người dân, những người lính đang sôi động chuẩn bị cho trận đánh ngày hôm sau. Hầu hết những đoàn xe, đoàn tàu hối hả đổ về phía nam. Riêng chiếc Skô-đa chở tổ y tế thì cứ ngược mãi lên phía bắc, hồi đó được coi là hậu phương lớn của cả nước.

Đến ga Đồng Đăng, ba người lên tàu liên vận sang Bắc Kinh đi Mat-xcơ-va. Đón đoàn tại nhà ga Thủ đô Mát-xcơ-va có đồng chí La-du-nốp, đại diện Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đoàn được bố trí ăn, nghỉ tại khách sạn Tháng Mười.

Vừa mới đặt chân đến khách sạn, bạn đã mời đoàn làm việc ngay, và ngày hôm sau, đoàn được đưa tới Viện nghiên cứu Lăng Lê-nin để trao đổi về chương trình và kế hoạch học tập. Tại cuộc họp mặt này, đồng chí viện trưởng Đê-bốp cho biết chương trình học tập của đoàn gồm hai phần: lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết chủ yếu là đọc tài liệu ở Viện. Phần thực hành do giáo sư Xa-rô-va-tốp, người đã tham gia ướp giữ thi hài Đi-mi-tơ-rốp trực tiếp hướng dẫn.

Ngày thứ hai, đồng chí viện phó Rô-ma-cốp dẫn đoàn vào Lăng viếng Lê-nin và tiếp sau đó là những ngày học tập căng thẳng. Bạn đã dành hẳn cho đoàn phòng làm việc của đồng chí viện phó làm nơi nghiên cứu, đọc tài liệu, chủ yếu là các tài liệu về bảo quản thi thể từ cổ chí kim trên thế giới mà tiêu biểu là cổ Ai cập, Liên Xô và Mỹ.

Hết phần lý thuyết, đoàn được chuyển sang bộ phận dành riêng cho việc bảo quản thi thể do giáo sư Xa-rô-va-tốp phụ trách. Đối tượng nghiên cứu thực hành là thi thể của người già trên 60 tuổi, vì thế việc tìm kiếm thi thể ở lứa tuổi này rất khó khăn. Nhiều ngày trời lạnh, mưa tuyết phủ trắng trên các đường phố đồng chí Xa-rô-va-tốp vẫn tìm đến các bệnh viện cách xa Thủ đô hai ba trăm cây số để tìm kiếm tử thi cho đoàn thực tập.

Biết rằng thời gian dành cho việc học tập không được nhiều, cả ba người đã dồn hết tâm lực vào những đường dao, mũi chỉ tranh thủ học hỏi, cố gắng tiếp thu những kiến thức trong một lĩnh vực khoa học mới mẻ và phức tạp. Nhiều hôm, ba người đã phải làm việc suốt ngày trong phòng kín, không khí hết sức ngột ngạt, khó thở, bởi mùi hoá chất xông lên nồng nặc.

Ban ngày làm việc, học tập, đêm về khách sạn, đoàn lại tập trung trao đổi, rút kinh nghiệm, đọc thêm tài liệu. Ngày nào cũng dành thời gian nghe đài, theo dõi tin tức Tổ quốc. Một ngày trôi qua yên tĩnh là một ngày nhẹ nhõm nhưng không khỏi thắc thỏm những lo âu cho ngày mới đến. Không ai bảo ai, nhưng cả ba đều lo có chuyện không hay xảy ra với Bác trong khi họ đang còn ở Liên Xô. Cho đến ngày cuối cùng, lúc đã ngồi trên con tàu liên vận trở về Tổ quốc ba người mới thở phào, yên dạ khi buổi sáng và buổi chiều, đài phát thanh Hà Nội vẫn chỉ báo tin chiến thắng. Nghe giọng người phát thanh viên, cả ba đều hiểu: Họ đã không về muộn và bác của chúng ta vẫn mạnh khoẻ.

Về hôm trước, hôm sau đoàn đến báo cáo tình hình kết quả học tập với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bấy giờ là trưởng ban bảo vệ sức khoẻ của Bác. Sau bảy tháng trời học tập, thực nghiệm trên đất bạn, tổ y tế đã có thể hoàn toàn đảm đương được công việc ướp giữ thi hài trong giai đoạn đầu từ 15 đến 20 ngày. Giai đoạn tiếp theo, bạn sẽ trực tiếp sang giúp đỡ. Vì thế, tổ y tế không nghên cứu học tập quy trình bảo quản lâu dài. Tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và thực nghiệm. Tổ hứa với đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu, kết hợp giữa phương pháp hiện đại của bạn với phương pháp cổ truyền của dân tộc.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình sức khoẻ của Bác, tổ được chia làm hai bộ phạn: Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn được vinh dự vào Phủ Chủ tịch cùng với bác sỹ Nhữ Thế Bảo theo dõi và chăm sóc sức khoẻ của Bác. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều được lệnh thành lập tổ y tế đặc biệt nằm trong khoa giải phẫu bệnh lý bệnh viện 108 do Quân uỷ Trung ương trực tiếp chỉ đạo.

Buổi chiều ngày 19 tháng 8 năm 1968, bác sỹ Lê Ngọc Mẫn vào Phủ Chủ tịch gặp bác. Lúc đó Bác đang đi bộ từ nhà sàn sang nhà ăn. Nghe đồng chí Vũ Kỳ thư ký riêng của Bác giới thiệu, tuy Bác không hài lòng nhưng Bác vẫn ôn tồn bảo: “Bác có một mình mà những hai bác sỹ. Trong khi đó nhân dân, bộ đội, trẻ em còn rát thiếu thầy thuốc”. Ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết thì Bác nhận, Bác cũng nói trước cho chú biết, người già trong lúc lâm bệnh thường khó tính, các chú phải hết sức thông cảm cho Bác”.
Từ hôm đó, bác sỹ Lê Ngọc Mẫn và bác sỹ Nhữ Thế Bảo thường xuyên có mặt bên cạnh Bác. Cuối năm 1968, Bác vẫn duy trì rất đều đặn nếp sinh hoạt và rèn luyện hàng ngày. Sáng, 5 giờ 30 phút bác dậy xuống nhà hầm đánh răng, rửa mặt. Sau đó đi bộ sang nhà ăn, ăn sáng. Rồi tiếp khách và trở về nhà sàn làm việc. 11 giờ 30 phút Bác lại sang nhà ăn, ăn trưa. Buổi chiều, Bác thường tập thể dục, ném bóng, đi bách bộ theo đường món sang tận chùa Hội Đồng. Bác hết sức chú ý tới những hàng cây mọc hai bên đường, luôn luôn đặt câu hỏi về cây này, cây kia… nhiều hôm trời nóng, Bác vẫn khong từ bỏ những cuộc đi bộ và thường thở dài bảo bác sỹ Mẫn: “Mình đi chơi không mà còn toát mồ hôi, huống hồ là công nhân hầm lò, các pháo thủ trực chiến… Cần phải lo nước giải khát cho họ”.

Luôn luôn quên mình, nghĩ đến dân, đến bộ đội là phẩm chất của Bác. Năm ấy, bác đã 78 tuổi. Không ai nghĩ rằng, chưa đầy một năm sau, bác đã vĩnh biệt chúng ta, vĩnh biệt khu vườn đầy hoa trái mà Người đã gieo trồng từ những năm đầu về Hà Nội.

2. Tổ y tế đặc biệt được chính thức thành lập vào tháng 6 năm 1968, do bác sỹ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng. các tổ viên gồm có: đại uý bác sỹ Lê Ngọc Mẫn, thượng uý bác sỹ Lê Điều, thiếu uý bác sỹ Nguyễn Văn Châu, y sỹ Đỗ Trung Hát và hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am. Để tổ y tế có thể bắt tay ngay vào thực hành thí nghiệm gìn giữ thi hài ở điều kiện khí hậu nhiệt đới , Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh Công binh lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ tốt về viện Quân y 108 xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt và đó sẽ là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng mà bấy giờ đây mới chỉ là đồ án thiết kế.

Nhận nhiệm vụ, từ địa điểm sơ tán một số cán bộ kỹ thuật phòng công trình Bộ tư lệnh Công binh gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Lam Sinh và Trần Thanh Vân, do đồng chí Nguyễn Trọng Quyền phụ trách hành quân gấp về Hà Nội, vừa ổn định chỗ ăn, ở, vừa khảo sát hiện trường, vừa lập phương án thiết kế sơ bộ, cũng không kịp tìm hiểu công trình phục vụ ai, nhằm mục đích gì, chỉ được biết: đây là một công trình đặc biệt, phục vụ một nhiệm vụ đặc biệt, dòi hỏi kỹ thuật cao so với khả năng, phương tiện hiện có của đơn vị.

Phải thiết kế và thi công một công trình phức tạp, bảo đảm nhiệt độ thường xuyên 16 độ C, chỉ được phép dao động trên dưới 0,2 độ C. Độ ẩm phải giữ ổn định 75% trong điều kiện không có gió lùa và phải vô trùng tuyệt đối. Đây là một khó khăn lớn. Mặt khác, qua mấy năm chiến tranh phá hoại, một số cơ sở điện nước bị địch đánh phá hư hại nặng, không thể đảm bảo điện nước 24/24 giờ cho công trình. Các cơ quan Trung ương lại ở nơi sơ tán, việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật, tìm kiếm phương tiện, vật tư bị hạn chế lớn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng nhóm cán bộ kỹ thuật vẫn quyết tâm chuẩn bị thi công. Theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Công binh, cả hai lực lượng thiết kế và thi công phải song song triển khai cùng một lúc mới bảo đảm tiến độ. Quá trình thi công cũng là quá trình vừa bổ sung hoàn chỉnh thiết kế. Chỉ ít ngày sau, lực lượng thi công chủ yếu của tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 259 công binh do đồng chí Trần Sỹ yêm chỉ huy đã được điều động tới. Thời gian này, phần lớn các khoa của bệnh viện 108 đã đi sơ tán. Không khí trong viện vắng lắng, kín đáo, rất thuận lợi cho việc thi công cả ban ngày lẫn ban đêm. Do vị trí thi công chật hẹp, tiểu đoàn 2 phải tổ chức làm ca, kíp, kết hợp với việc tập kết vật tư, nguyên liệu đúng lúc, đồng bộ. Vốn là những chiến sĩ ngày đêm đối mặt với bom đạn Mỹ trên các mặt đường, trên các cây cầu, bến phà các chiến sĩ công kinh binh đã tỏ ra dày dạn, có nhiều kinh và hết sức năng động trong nhiệm vụ mới này.

Sau một thời gian lao động quên mình, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật. Nhưng đến khi lắp đặt các thiết bị máy móc, vận hành thử nghiệm lại nảy ra những khó khăn mới tưởng chừng không sao khắc phục, như khi lắp máy điều hoà nhiệt độ, lúc cần hạ thấp nhiệt độ theo yêu cầu thì máy không đáp ứng được. Thế là lại phải mày mò, cải tạo làm cho máy điều hoà nhiệt độ thoả mãn tất cả mọi yêu cầu kỹ thuật trong từng giai đoạn gìn giữ thi hài Bác.

Xử lý, khắc phục xong máy điều hoà nhiệt độ thì ở buồng trung tâm, nơi sẽ đặt thi hài lại xuất hiện một trục trặc khác. Nguyên do là sau khi máy điều hoà ngừng làm việc, mọi người nhận ra có hiện tượng đọng sương trên trần nhà. Hện tượng này dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, trong khi đó, buồng đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng này? Nhiều lần các chiến sĩ công binh đã dùng sơn chóng khô và dùng giẻ thấm nước, nhưng hiện tượng đọng sương vẫn xảy ra. Cuối cùng họ đã tìm được một biện pháp: dùng gỗ dán lên toàn bộ trần nhà kết hợp với thông hơi. Hiện tượng đọng sương biến mất. Công trình này đã được hoàn tất vào những ngày cuối năm 1968 và mang mật danh: công trình 75A.

Khi đoàn chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra, bạn đã ngạc nhiên đánh giá cơ sở làm việc được chuẩn bị hết sức tốt và bắt đầu từ đó, công trình được bàn giao cho tổ y tế đặc biệt sử dụng. Tiểu đoàn 2 công binh chỉ để lại một bộ phận nhỏ tiếp tục củng cố, bổ sung và quản lý vận hành, còn phần lớn đơn vị chuyển sang một nhiệm vụ mới: cải tạo, xây dựng công trình 75B, một công trình có cấu trúc và thiết bị tương tự như 75A. Đây là nơi đặt thi hài Bác trong những ngày tang lễ.

Bước vào cải tạo, xây dựng công trìn 75B, tiểu đoàn 2 công binh có nhiều thuận lợi. Vì sau ngày địch ngừng ném bom, các cơ quan của Bộ Quốc phòng và cơ quan Dân, Chính, Đảng đã lần lượt trở về Hà Nội. Những vướng mắc về kỹ thuật, những khó khăn về vật tư, trang thiết bị, được các cơ quan của Đảng và Nhà nước có liên quan quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện. Nhưng cũng như ở công trình 75A, vị trí thi công ở 75B rất chật hẹp, khó tập kết nguyên vật liệu, khó thi công ồ ạt trong cùng một thời gian và lại ở quá gần đường nên chỉ có thể tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật. Gần sáng mọi công việc phải được thu dọn gọn ghẽ để ban ngày Hội trường có thể dùng làm việc bình thường, phục vụ cho các hoạt động khác.

Trong những ngày đầy lo âu ấy, những dòng người cuồn cuộn đổ qua Quảng trường Ba Đình, không ai nghĩ rằng, bên trong cái vẻ yên tĩnh trang nghiêm của Hội trường Ba Đình, nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử của đất nước, các chiến sĩ công binh đang âm thầm chuẩn bị cho cái ngày đau xót nhất của dân tộc. Họ đã làm việc hết sức mình, bởi họ nhận thức sâu sắc rằng, giai đoạn đầu – giai đoạn ở Hội trường rất quan trọng. Nó sẽ là giai đoạn quyết định cho cả quá trình gìn giữ thi hài Bác về sau.

Để có những giải pháp tối ưu, hàng loạt các thí nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật đã tiến hành. Cũng giống như ở buồng trung tâm của công trình 75A, trên bề mặt hòm tôn được gò để chạy thử máy, không chỉ hiện tượng đọng suơng mà hơi nước còn bốc lên, ngưng tụ, chảy thành dòng. Trước khó khăn này, các cán bộ kỹ thuật lại lao vào vật lộn với các đề án khắc phục. Cuối cùng, sau nhiều đêm mất ngủ, họ đã tìm ra biện pháp chạy máy điều hoà kết hợp với thông hơi dùng tốc độ gió, chấm dứt được tình trạng đọng sương, ngưng tụ nước. Chính kết quả này đã làm cơ sở cho lãnh đạo quyết định duy trì phương án cải tạo xây dựng công trình 75B và tiếp tục cho đặt các máy móc, thiết bị kỹ thuật như ở công trình 75A.

Cũng cần nói thêm rằng, năm 1967, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô, Bun-ga-ri tìm hiểu về nghi thức lễ Quốc tang. Đồng chí Phùng Thế Tài tìm hiểu tỉ mỉ cả việc tại sao khi mai táng lại dùng xe kéo pháo chở linh cữu mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn giải thích rằng trước đây trong chiến tranh, đại tướng Cu-tu-dốp chết, không có xe khác nên phải dùng xe kéo pháo chở linh cữu. Còn ở Bunga-ri, bạn trả lời việc này tuỳ theo phong tục, tập quán của mỗi nước và không có một quy định chung nào cả. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi nghe báo cáo, đã đề xuất ta nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ầo. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng, cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử sang Mông Cổ mua ngựa. Nhưng khi diễn tập thử thì thấy không ổn, nên Trung ương quyết định dùng xe kéo pháo trong các dịp lễ Quốc tang như ở Liên Xô và các nước châu Âu khác.

Hoàn thành hai công trình đặc biệt trong một thời gian ngắn, các chiến sĩ công binh trung đoàn 259 đã biểu lộ tất cả tấm lòng của họ đối với Bác. Đứng trước những thành quả lao động, do chính bàn tay mình tạo ra, họ không thấy thoả mãn mà thấy lòng mình trống trải. Họ có mong muốn rằng, công trình làm chỉ để dự phòng rằng Bác vẫn đang mạnh khoẻ. Bác sẽ sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến.

3. Trong khi các chiến sỹ công binh bước vào giai đoạn khởi công cải tạo xây dựng công trình 75B thì 75A, tổ y tế đặc biệt cũng bắt tay vào công việc chuẩn bị trang thiết bị y tế. Một việc cấp bách cần làm ngay là phải đặt làm một chiếc bàn đá ga-ni-tô chuyên dụng để uớp giữ thi hài. Đây là một chiếc bàn đặc biệt. Khi còn học ở Liên Xô, anh em trong tổ y tế đã đo kích thước để khi về nước đặt làm. Sau khi nhận được mẫu vẽ, các công nhân ở xí nghiệp đá An Dương đã làm được một chiếc bàn rất đẹp, y hệt chiếc bàn đặt ở trong phòng giải phẫu của Viện thi hài Lê-nin tại Mát-xcơ-va.

Khi tổ y tế đặc biệt về nước, bạn đã cấp cho ta ba bộ độ đại phẫu thuật và một số dụng cụ đặc biệt chuyên dụng. Số dụng cụ này là một cái vốn ban đầu hết sức quý giá nhưng chưa đủ. Dưới danh nghĩa của khoa giải phẫu Quân y viện 108, tổ y tế đã phân công người đi tìm thêm dụng cụ ở các kho, các cơ sở y tế, ở bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, ở Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần và đặt làm ở các xí nghiệp, các nghệ nhân, các kỹ sư của Trường đại học Bách khoa Hà Nội… Cuối cùng tất cả các dụng cụ chuyên dụng cho việc bảo quản thi hài như kim tiêm đặc biệt, ống thông chỉ pla-tôn, chỉ vàng bạch kim… đều đã được chuẩn bị chu đáo.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, trưởng ban bảo vệ sức khoẻ của Bác rất sốt ruột về công tác chuẩn bị của tổ y tế đặc biệt. Nhiều lần, đồng chí trực tiếp xuống kiểm tra hoặc gọi lên báo cáo. Trong một lần gặp mặt đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ thị:

– Phải tiến hành khẩn trương công tác thực nghiệm để Bộ Chính trị và Trung ương yên tâm.

– Trong lĩnh vực này phải hết sức chú ý khai thác những kinh nghiệm của cha ông ta.

Để tiến hành được các thí nghiệm theo phương pháp đã học được, việc đầu tiên đối với tổ y tế là phải có tử thi. Đây là một vấn đề hết sức nan giải. Theo phong tục tập quán của người Việt Nam, không dễ gì có thể giữ lại được thi thể của những người quá cố một khi họ còn thân nhân.

Đã nhiều lần, các cán bộ của tổ y tế đặc biệt được cử đi các bệnh viên để xin tử thi nhưng đều trở về tay không. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tổ quyết định đi tìm bằng được và một thời gian sau đó tổ đã tìm được một số thi hài không còn thân nhân ở các bệnh viện.

Đồng chí Nguyên Lương Bằng, Lê Văn Lương và đồng chí Phạm Ngọc Mậu, sau khi kiểm tra kết quả thực nghiệm đã hết sức hài lòng. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu thay mặt Tổng cục Chính trị, quyết định cấp ngay cho tổ y tế 10 chiếc áo khoác Ba Lan để chống rét, một máy ảnh Đức có ống kính chụp gần và một số đồ dùng khác cho cá nhân và cho tập thể mà Tổng cục Chính trị có thể có được.

Với những kết quả bước đầu, tổ y tế đặc biệt đã khẳng định: Với khả năng của mình, họ có thể gìn giữ được thi hài của Bác trong giai đoạn đầu. Dĩ nhiêu phía trước họ còn là một con đường gian khổ, cần phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa và phải được sự giúp đỡ không điều kiện của bạn mới có thể gìn giữ được lâu dài thi hài Bác.

Cuối năm 1968, đồng chí Rô-ma-cốp, viện phó Viện thi hài Lê-nin sang kiểm tra, xem xét công việc chuẩn bị tại chỗ và kết quả thí nghiệm đã đánh giá cao cố gắng của tổ y tế. Thời gian này, sức khoẻ của Bác yếu đi nhiều, mặc dù Người vẫn kiên nhẫn duy trì nếp sinh hoạt, tập luyện hàng ngày. Nhưng các bác sĩ đi với Bác hiểu rất rõ: Người đã phải hết sức cố gắng mới có thể duy trì được nếp sinh hoạt tập luyện ấy.

Tháng 3 năm 1969, đề phòng mọi việc có thể xảy ra sớm hơn, hai đồng chí Nguyên Gia Quyền và Vương Quốc Mỹ được cử sang Liên Xô thông báo kế quả thí nghiệm và quy trình kỹ thuật dự kiến tiến hành trong giai đoạn đầu, đề phòng bạn không sang kịp. Ngoài ra, đoàn còn được giao nhiệm vụ xin thêm dụng cụ chuyên môn, nghiên cứu thêm công tác bảo quản thi hài tại Hội trường và cả khi chuyển vận. Đồng chí Vương Quốc Mỹ tìm hiểu sơ bộ về việc xây Lăng. Mọi việc được tiến hành gấp gáp và đã được bạn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ.

Có thể nhận thấy rất rõ ràng, bên ngoài sự tĩnh lặng, yên ả thường ngày của Thủ đô là sự lo âu, căng thẳng của các đồng chí lãnh đạo, của các bộ phận được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho những ngày đau thương, chắc chắn không lâu nữa sẽ xảy ra.

Đó là việc các chiến sĩ công binh đang cải tạo công trình 75B, các công nhân viên quốc phòng, đội cơ động 2 của Bộ tư lệnh Công binh đang gấp rút hoàn thành chiếc hòm kính đặc biệt thay thế chiếc hòm kính cũ do Bộ Kiến trúc làm từ trước đã trải qua quá nhiều thí nghiệm…

Khi bắt tay vào việc làm chiếc hòm kính, các chiến sĩ đội cơ động 2 đã gặp một khó khăn tưởng chừng rất vô lý: làm hòm kính nhưng lại không có kính. Kính làm hòm yêu cầu phải dày, trong suốt, không có gợn sóng. Đồng chí Trần Bá Đặng, tư lệnh phó Binh chủng Công binh, người đã có mặt thường xuyên ở công trình 75A, 75B báo cáo lên trên, có ý kiến đề xuất lấy kính của quầy trưng bày ở Cửa hàng bách hoá Tổng hợp. Nhưng khi kiểm tra thì loại kính này mỏng không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Giữa lúc đó anh em phát hiện ở gầm sâu khấu Hội trường Ba Đình có một số tấm kính có thể sử dụng được. Đồng chí Trần Bá Đặng cho kiểm tra, kết quả thật không ngờ: kính tốt, đạt tiêu chuẩn, dùng được.

Làm xong hòm kính lại nảy ra một vấn đề khác: đôi dép của Bác đặt ở đâu? Để trong hòm kính thì không ổn. Để bên ngoài càng không ổn. Thế là lại quyết định làm một hòm kính nhỏ để đôi dép. Các chiến sĩ xưởng 49 quốc phòng đã thức trọn đêm để hoàn thành chiếc hòm kính nhỏ bé này.

Đó còn là việc lữ đoàn 144 do đồng chí Vũ Ngạch làm lữ trưởng được giao nhiệm vụ chọn 150 cán bộ, chiến sĩ triển khai tập luyện các nghi thức cho một lễ tang lớn.

Hàng này, khi thành phố vừa lên đèn, các chiến sĩ thuộc lữ đoàn 144 lại lặng lẽ rời đơn vị chia làm hai bộ phận tập kết tại Hội trường Ba Đình và câu lạc bộ quân đội. Tại đây, họ tập các động tác đứng tiêu binh danh dự, tập tiếp cận bảo vệ mục tiêu, khiêng linh cữu, đưa vòng hoa… sao cho thật thuần thục, không rối, không sai, theo các quy định hết sức nghiêm ngặt của nghi lễ Quốc tang.

Công việc phải rèn đi tập lại nhiều lần là động tác khiêng linh cữu. Với chiếc linh cữu đóng bằng gỗ Ngọc Am, một loại gỗ hiếm và quý, màu vàng chanh thơm ngát, nặng gần 200 ki-lô-gam. Bên trong còn chứa thêm hai bao tải gạo. Trên nắp của linh cữu để một bát nước đầy. Mười sáu cán bộ, chiến sĩ phải khiêng linh cữu đi đúng điều lệnh, lên xuống bậc tam cấp thật nhịp nhàng sao cho bát nước bị tràn sánh ra ngoài.

Ngoài hai bộ phận luyện tập nói trên, lữ đoàn 144 còn được giao nhiệm vụ lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ do thượng uý Nguyễn Văn Mộc chỉ huy làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực 75A và triển khai từ Phủ Chủ Tịch về 75A và ngược lại.

Đội hình xe tham gia luyện tập gồm 5 chiếc, trong đó có 2 xe hồng thập tự (một chính thức, một dự bị) và 3 xe Gát hộ tống do các chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Nhít và Nguyễn Văn Thịnh lái.

Trong thời gian diễn tập, một số cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn 144 được cải trang, mặc trang phục cảnh sát giao thông, ém chốt ở các ngả đường mà đoàn xe sẽ đi qua. Tất cả mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra đều đã được lường tính để có kế hoạch xử trí.

Tuy chỉ là diễn tập, nhưng một bầu không khí trang nghiêm đã bao trùm trên nét mặt từng chiến sĩ. Những buổi tập, ngay cả trong giờ nghỉ rất ít tiếng cười, nói. Mọi người lặng lẽ đi, đứng, mồ hôi ướt đầm trên lưng áo. Mặc dù không được phổ biến chi tiết nhưng mọi người đều ngầm hiểu Bác đang mệt nặng và công việc họ đang làm là để chuẩn bị đón đợi cái ngày không thể không đến đã đang đến với toàn Đảng, toàn dân ta.

4. Và cái ngày không ai mong đợi ấy đã đến. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhận buổi sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969, ngày dân tộc và đất nước từ giã một con người vĩ đại nhất. Con người mà ngay từ lúc sinh thời đã đi vào truyền thuyết, huyền thoại. Con người của tất cả mọi người.

Buổi sáng hôm ấy, trong căn nhà hầm giản dị cách nhà sàn của Bác không xa, trên chiếc giường gỗ đơn sơ Bác nằm im thanh thản. Vây quanh phòng Bác là các bác sĩ, các chuyên gia và các đồng chí Bộ Chính trị. Trên nét mặt người nào cũng tràn ngập một nỗi lo buồn, và khi đồng chí Vũ Kỳ ngồi ở phía đầu giường Bác ngừng quạt, gục xuống khóc nức nở thì cả căn phòng như lặng đi, chìm ngập trong một nỗi đau quá lớn. Trái tim của Bác đã ngừng đập. Tuy vậy, các bác sĩ vẫn gắng hết sức xoa bóp cho Bác, hy vọng – một niềm hy vọng mãnh liệt nhưng thật mỏng manh – Trái tim của Bác sẽ đập trở lại. Nhưng một giờ sau, đồng chí Phạm Văn Đồng đau đớn ra hiệu cho các bác sĩ ngừng hô hấp nhân tạo để Bác được yên nghỉ.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 8, thấy bệnh tình của Bác mỗi ngày một nặng, Bộ Chính trị đã điệu mời các chuyên gia Liên Xô sang và giao cho Quân uỷ gấp rút thành lập một ban phụ trách theo dõi, điều hành việc gìn giữ thi hài Bác trong thời gian tang lễ, bao gồm các bộ phận đã tham gia các công việc chuẩn bị trước như y tế, công binh, Cục Bảo vệ và lữ đoàn 144, dưới sự cỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài, Kinh Chi, Vũ Văn Cẩn.

Ngày 28 tháng 8, một phái đoàn y tế Liên Xô do viện sĩ thông tấn giáo sư Đê-bốp làm trưởng đoàn đã đến Hà Nội. Vừa đặt chân xuống sân bay Gia Lâm, nhìn sắc trời mùa thu chói chang ánh nắng, nhìn những vạt cỏ cháy xém bên đường băng, các đồng chí chuyên gia đã tỏ ra lo lắng, với nhiệt độ quá cao ở Hà Nội mùa này, khó có thể gìn giữ được thi hài của Bác.

Vào những ngày này, không khí chuẩn bị tang lễ ở Hội trường Ba Đình diễn ra hết sức dồn dập. Hòm kính để thi hài và hệ thống điều hoà nhiệt độ đã được kiểm tra, đánh giá kỹ. Hệ thống chiến sáng, hệ thống điều hoà nhiệt độ và độ ẩm… bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm ổn định trong hòm kính ở môi trường khí hậu nhiệt đới là một cố gắng rất lớn của các kỹ sư, cán bộ Bộ tư lệnh Công binh. Đây là những yếu tố cơ bản quyết định trong việc bảo quản và giữ gìn thi hài Bác.

Liên tiếp trong hai ngày 31 tháng 8 và mồng 1 tháng 9, sau khi Ban chỉ đạo thông báo kết quả thí nghiệm, vận hành máy móc, đoàn chuyên gia Liên Xô đã tiến hành kiểm tra xem xét tỉ mỉ từng thí nghiệm. Ở 75A và 75B, đoàn tỏ vẻ hài lòng. Kết quả đã vượt quá những lo lắng ban đầu của bạn.

11 giờ trưa ngày mồng 2 tháng 9, sau khi Bác yên nghỉ chưa đầy nửa giờ, một đoàn xe đặc biệt do đồng chí Kinh Chi chỉ huy được lệnh xuất phát từ công trình 75A. Đến trước cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe được lệnh dừng lại. Riêng chiếc xe hồng thập tự mang biển số FH 1468 của Quân y viện 108 do chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Xe vừa đến trước ngôi nhà sàn của Bác đã thấy đồng chí Trần Quốc Hoàn từ căn nhà hầm bước ra đón. Đồng chí căn dặn “sự việc đã xảy ra rồi, các đồng chí cứ bình tĩnh làm cho thật tốt”. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền cảm động thay mặt anh em hứa “sẽ biến đau thương thành trách nhiệm”.

Trong căn nhà hầm, các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn đứng lặng quanh phòng Bác, cạnh giường có một bó hoa huệ lớn. Các đồng chí trong tổ y tế bàng hoàng khi nhìn thấy Bác. Bác gầy và xanh. Mọi người vừa khóc vừa đến bên giường Bác. Đồng chí Phạm Văn Đồng vừa nói vừa ra hiệu: “Thôi, mọi người giãn ra cho chuyên môn làm nhiệm vụ”.

Hình như cho đến lúc ấy, mọi người trong căn nhà hầm vẫn còn ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, như chưa tin hẳn vào cái sự thật vừa xảy ra trước mặt họ.

Con đường Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duyệt, Trần Quang Khải, Lê Thanh Tông hôm ấy âm thầm đưa tiễn Bác. Các chiến sĩ cảnh vệ lữ đoàn 144 đã bảo vệ cho đoàn xe đưa Bác về 75A được an toàn.

Đón Bác ở bệnh viện 108 có các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài và các chuyên gia. Xe vừa dừng, mọi người đã có mặt xung quanh để đưa Bác vào buồng đặc biệt. Gần hai năm chuẩn bị, hôm nay nhiệm vụ đã đến với tổ y tế đặc biệt. Mọi người bỏ mũ, đứng lặng đi trước linh cữu của Người.

Nửa giờ sau, biên bản khám nghiệm được hoàn thành, hai giáo sư viện sĩ Liên Xô I-u-ri Mi-khai-lô-vích và Ni-cô-lai I-ních Mi-khai-lốp đã trực tiếp làm công tác y tế cho Bác cùng với sự phụ giúp của hai bác sĩ Việt Nam.

Sau hai giờ làm việc, các chuyên gia cùng với tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành công tác y tế giai đoạn một và làm các biện pháp bảo quản thi hài giai đoạn đầu. Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn, các chuyên gia và tổ y tế đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác. Đặc biệt là các chi tiết ở mặt và miệng đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu. Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc dều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành, nhằm đạt kết quả cao nhất. Công việc này không chỉ nhằm chuẩn bị cho những ngày tang lễ mà còn liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ thi hài Bác. Trong chiếc hòm kính do các chiến sĩ công binh sản xuất, Bác nằm thanh thản như sau một ngày làm việc căng thẳng, như sau một chuyến đi xa trở về. Bộ quần áo ka ki quen thuộc nhưư còn đang phập phồng theo nhịp thở. Bác nằm đó, nhưng linh hồn Bác như đã thoát ra khỏi căn phòng chật hẹp của bệnh viện để đến với đồng bào ở từng ngõ phố, làng mạc và đến với chiến sĩ ở từng trận địa.

Sau buổi làm việc với các chuyên gia, bạn quy định chỉ có một số ít người được tiếp xúc với thi hài Bác. Vì thế, đồng chí Nguyễn Gia Quyền đã phải huy động một số nhân viên của khoa giải phẫu bệnh lý Quân y viện 108 để thành lập một tổ y tế lưu động hỗ trợ cho tổ y tế thi hài do bác sĩ Lê Điều phụ trách. Tổ này phải thường xuyên xử lý các phương tiện di chuyển, làm vệ sinh hòm kính ở Hội trường Ba Đình và theo dõi những diễn biến của khí hậu tác động tới nhiệt độ và độ ẩm trong hòm kính.

Quy trình xử lý môi trường ở Hội trường Ba Đình cũng được tổ chức hiện hết sức nghiêm túc, bằng các hoá chất có khả năng sát trùng mạnh và đèn cực tím. Do không có phương tiện bảo hộ, nên sau ba ngày, mắt nhiều cán bộ trong tổ bị sưng, tuy vậy không một ai chịu nghỉ. Mọi người vẫn khẩn trương lao vào giải quyết công việc và đều bồn chồn có cảm giác ngày đêm như ngắn lại.

Sáu giờ sáng ngày 4 tháng 9 năm 1969, trên làn sóng của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đã truyền đi bản Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam báo tin cho đồng bào và chiến sĩ cả nươc biết: Bác Hồ đã từ trần. Giọng đọc nghẹn ngào đầy xúc động của người phát thanh viên đã vang lên trong một bầu không khí ảm đạm và buồn bã. Trên các đường phồ Hà Nội, trong các căn nhà, mọi hoạt động đều ngừng lại. Mọi người bàng hoàng vây quanh những chiếc đài bán dẫn hoặc đứng lặng đi quanh những chiếc loa truyền thanh công cộng. Tin Bác qua đời như một tiếng sét đánh dữ dội, làm xáo trộn tất cả mọi sinh hoạt của đất nước. Những người đã từng được gặp Bác thì bồi hồi ôn lại những kỷ niệm về Người, còn những người chưa được gặp Bác thì đau đớn, ân hận, bởi niềm hạnh phúc mà họ hằng khao khát sẽ không bao giờ còn đến với họ nữa.

Suốt trong những ngày đau thương ấy, cả nước đã thao thức, không ngủ. Các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị quân đội âm thầm treo cờ tang, may băng tang, lập bàn thờ Bác, cử người đại diện cho đơn vị mình về Thủ đô viếng Bác.
Trung tâm bưu điện quốc tế cũng chưa có thời gian nào làm việc căng thẳng đến như thế. Hàng trăm bức điện trên khắp trái đất liên tiếp được gửi tới chia buồn với Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, và xin được đến Hà Nội dự lễ tang của Bác.

Tối ngày 5 tháng 9, khi đài phát thanh thông báo danh sách Ban Tổ chức tang lễ và thời gian tiến hành lễ viếng thì cũng là lúc tổ y tế đặc biệt đang cùng với các chuyên gia chuẩn bị đưa Bác về Hội trường Ba Đình.

Đúng 20 giờ, đèn điện quanh khu vực Ba Đình vụt tắt. Đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác từ từ chuyển bánh, rời khỏi Quân y viện 108. Ngoài ba chiếc xe hôm trước, còn có hai chiếc xe của các đồng chí trong Ban chỉ đạo: Nguyễn Luơng Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng hế Tài, Kinh Chi tiễn chân Bác. Theo kế hoạch, đoàn xe vẫn đi theo đường Lê Tháng Tông, qua Bảo tàng cách mạng, Nhà hát lớn, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Bắc Sơn để vào Hội trường Ba Đình. Xe chở thi hài do đồng chí Nhít lái. Khi đến Nhà hát thành phố đã xảy ra một sự cố nhỏ. Vì quá xúc động và căng thẳng qua nhiều đêm tập luyện, xe đồng chí Nhít chở thi hài Bác đi lạc qua đường Nguyễn Hữu Huân và phải mất một lúc lâu, đoàn xe hợp điểm lại được ở cột đồng hồ để cùng về vị trí tập kết. 21 giờ đoàn xe đến Hội trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng có mặt đầy đủ để đón vào 75B và thay nhau túc trực bên thi hài Bác.

Khi đưa Bác ra Hội trường, theo yêu cầu của các chuyên gia, Ban chỉ đạo đã bố trí sẵn một xe trang bị đầy đủ mọi thiết bị, đề phòng ở Hội trường không bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm thì phải kịp thời đưa Bác về ngay lại 75A.

Mãi sau này khi lễ tang Bác kết thúc, các cán bộ chiến sĩ công binh mới được biết: phương án chuẩn bị của quân đội ở 75B là phương án dự bị. Nhiệm vụ chuẩn bị hòm kính, các trang thiết bị đặt ở 75B để bảo đảm thi hài trong thời gian tang lễ được giao cho Bộ Kiến trúc. Năm 1969, Bộ Kiến trúc đã khẩn trương cử đồng chí Vương Quốc Mỹ, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc sang Liên Xô ký hợp đồng, nhờ bạn giúp đỡ các phương tiện máy móc, làm hòm kính giữ thi hài Bác. Ngày 12 tháng 8 năm 1968, khi Bác ốm nặng đồng chí Vương Quốc Mỹ tiếp tục được cử sang Liên Xô lấy hòm kính và phương tiện máy móc nhưng không kịp. Bác đã ra đi trước khi đồng chí Mỹ về. Vì vậy phương án dự phòng trở thành phương án chính thức. Điều này thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, thể hiện tính chủ động, sáng tạo và ý thức nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của quân đội ta mà trước hết là tấm lòng của những người lính đối với Bác.

3 giờ sáng ngày mồng 6, Ban Tổ chức lễ tang cùng với các chuyên gia tiến hành tổng kiểm tra các mặt chuẩn bị cho ngày viếng đầu tiên. Khi nâng chiếc nắp hòm kính lên, đặt máy đo kiểm nhiệt độ, độ ẩm, thấy kết quả hiện trên mặt máy báo hiệu mọi sự đều hết sức ổn định. Viện sĩ thông tấn, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Đê-bốp không ghìm được xúc động đã quay lại ôm chầm lấy đồng chí Trần Bá Đặng và đồng chí Nguyễn Gia Quyền, lặp đi lặp lại mãi một câu nói: “Kha-ra-sô, kha-ra-sô!” (Tốt, tốt!).

Đến 6 giờ sáng, tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều đã có mặt quanh linh cữu Bác. Cặp mắt người nào cũng đỏ ngầu đẫm lệ, xung quanh Bác là cả một rừng hoa muôn sắc và trầm hương toả khỏi nghi ngút như khoét sâu thêm vào nỗi mất mát quá lớn của cả một dân tộc.

Giữa không khí trang nghiêm ấy, bỗng một tiếng khóc nức nở, oà lên vang xa khắp Hội trường. Đó là tiếng khóc không thể ghìm nén được của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vừa khóc, Thủ tướng vừa bắt tay cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Lời cảm ơn chân thành và những giọt nước mắt liên tiếp lăn trên má của đồng chí Phạm Văn Đồng khiến các đồng chí chuyên gia cũng không cầm được nước mắt

Đồng chí Lê Duẩn cố nén xúc động, quay sang bắt tay mọi người. Đồng chí hỏi khẽ: “Các đồng chí có yêu cầu gì không?”. Thay mặt cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Trần Bá Đặng đã đề nghị với đồng chí Lê Duẩn cho phép anh em được chụp ảnh bên thi hài Bác. Nguyện vọng thật đơn giản nhưng hết sức thiêng liêng ấy là phần thưởng vô giá đối với mọi cố gắng bấy lâu của các chiến sĩ công binh, cảnh vệ và tổ y tế đặc biệt. Đó cũng là hình ảnh đầu tiên của các chiến sĩ quân đội được đứng vòng quanh lĩnh cữu của Người.

6. Giai đoạn gìn giữ bảo quản thi hài Bác trong thời gian tang lễ đã kết thúc. Đối với tổ y tế, giai đoạn tiếp theo là một khoảng trống hết sức khó khăn. Những kiến thức học được ở Liên Xô chỉ đủ cho họ làm được những gì mà họ đã cố gắng hết sức để làm. Phương pháp hiện đại thì chưa được học hết, phương pháp cổ truyền của dân tộc thì chưa kịp khai thác cho thật thấu đáo. Hơn nữa nước ta đang trong điều kiện chiến tranh và lại là một nước khí hậu nhiệt đới; quanh năm nắng nóng, độ ẩm cao…

Việc bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Bác có rất nhiều khó khăn. Nhưng sự giúp đỡ trực tiếp của bạn, tổ y tế tin rằng chúng ta có thể vượt được tất cả để giữ gìn trọn vẹn lâu dài thi hài Bác.

Sau ngày đưa Bác về lại 75A, hàng loạt công việc cần phải làm ngay được đặt ra trước tổ y tế, như việc làm vệ sinh môi trường, chống bụi, chống nấm mốc.. Điều gay go nhất là làm sao có ngay được 320 lít nước mềm, bảo đảm chất lượng cao, trong nước hoàn toàn không có chất kim loại, không có khuẩn trùng. Để giải quyết khó khăn này, tổ y tế đã cử người đến các cơ sở y tế có chạy thận nhân tạo như bệnh viện Việt-Đức, Bạch Mai và 108 xin, nhưng khi bạn kiểm tra lại không đạt yêu cầu về chất lượng. Cuối cùng đồng chí Bộ trưởng Y tế phải đích thân trực tiếp chỉ đạo cách giải quyết, tổ y tế mới có được 320 lít nước mềm đúng tiêu chuẩn.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với trí thông minh, sáng tạo, có đầu óc phân tích, phán đoán nhạy bén, tổ y tế đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quân uỷ giao phó: vừa gìn giữ thi hài Bác, vừa nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt.

Cho tới nay, gần ba mươi năm trôi qua, những cố gắng ban đầu của tổ y tế vẫn được đánh giá cao. Chiến công của họ thật đáng kể nhưng lại diễn ra hết sức thầm lặng. Họ không được báo chí nhắc đến, không được biểu dương rầm rộ. Chỉ với tấm lòng, tình cảm của họ đối với Bác là cứ mỗi ngày một sáng kiến thêm. Khiêm tốn, giản dị, không lùi bước trước khó khăn là phẩm chất mà Bác đã để lại cho họ, giúp họ đi đến tận cùng trong mọi lĩnh vực khoa học phức tạp và đầy những trắc trở. Bao giờ những thử thách cũng luôn luôn ở phía trước họ.

(còn nữa)

bqllang.gov.vn

Advertisement