Ngày đầu giữ gìn thi hài Bác ở “75A”

Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, tại cơ sở làm việc của Tổ y tế đặc biệt 75A rất bận rộn và hối hả. Liên tục có các đồng chí cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng và Quân đội xuống kiểm tra. Phòng thí nghiệm đặc biệt mặc dầu đang ở giai đoạn chạy thử để kiểm tra thông số nhiệt, ẩm, nhưng cũng sẵn sàng mở cửa đón khách.

Hàng ngày, tiếng chuông điện thoại số máy 455 đổ liên hồi, như báo hiệu một điều gì đó rất khẩn cấp. Có lần, khi nghe tiếng chuông đổ tôi vội nhấc ống nghe lên thì có tiếng nói: “Alô! Tôi là Nguyễn Lương Bằng …”. Sau khi nghe tôi thưa, ông đã dập máy luôn. Tôi báo cáo với Thủ trưởng Quyền và được đồng chí nhắc nhở:

– Máy điện thoại số 455 chỉ có tôi và anh Điều sử dụng để nhận chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên.

17 giờ 30 phút ngày 24 tháng 8, hôm đó là ngày thứ bảy, anh em chúng tôi dự định ăn cơm xong, sẽ đi dạo chơi. Chúng tôi vừa ra khỏi Khoa, cũng là lúc Thủ trưởng Quyền chạy đến ra lệnh: “Tất cả các đồng chí cán bộ, nhân viên từ giờ phút này trở đi không được ai ra khỏi Khoa – án binh bất động, trừ cô Quỹ và cô Hằng”. Mệnh lệnh chỉ có vậy, không một lời giải thích. Ngay cả Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và Bác sĩ Lê Điều cũng phải liên tục ở phòng làm việc của Khoa.

Suốt đêm hôm đó tất cả chúng tôi hầu như không ai chợp mắt. Thỉnh thoảng nhìn sang buồng bên, hai anh cứ đi đi, lại lại, đôi khi trao đổi điều gì đó rất hệ trọng. Về sau chúng tôi mới biết, tối hôm đó (ngày 24 tháng 8 năm 1969) tình hình sức khỏe của Bác đã kém đi nhiều. Bác khó thở nên có lúc phải hỗ trợ bằng cách thở ôxy. Càng về những ngày cuối tháng 8, anh em trong Tổ y tế đặc biệt càng trở nên bận rộn, hầu như không có giờ nghỉ ngơi, vì phải gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, xử lý môi trường các phòng thí nghiệm. Đặc biệt là theo dõi thông số nhiệt, ẩm các phòng “trung tâm” và phương tiện di chuyển.

Bác sĩ Sái Thế là người được phân công xử lý môi trường của chiếc ô tô cứu thương FH1468 và chiếc ô tô Volga màu trắng bằng hóa chất mạnh và tia cực tím. Anh Thế phải túc trực cả ngày đêm để theo dõi các kết quả xét nghiệm về môi trường, hai mắt anh sưng húp vì ảnh hưởng của tia cực tím và các hóa chất mạnh. Thủ trưởng Quyền và anh Điều đã nhiều lần cho anh nghỉ, nhưng anh Thế vẫn khăng khăng xin được tiếp tục công việc của mình.

19 giờ ngày 28 tháng 8 năm 1969, dưới sự chỉ đạo của Bác sĩ Lê Điều, tôi cùng anh Hát, anh Ảm tiến hành một thí nghiệm nhằm xác định thêm một số chi tiết kỹ thuật trong quy trình ướp bảo quản. Đêm đã về khuya, nhưng không một ai trong chúng tôi buồn ngủ, vẫn say sưa làm việc. Chúng tôi nghe anh Điều giảng giải về kỹ thuật một cách nhiệt thành và hết sức trách nhiệm của người anh đi trước.

Buổi sáng ngày 29 tháng 8, Chính ủy Trần Đình Lý xuống Khoa làm việc với Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và Bác sĩ Lê Điều. Chỉ sau 20 phút một tổ chuyên môn được hình thành gồm: Bác sĩ Trần Thủy, Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Y sĩ Nguyễn Trung Hát, Y công Phạm Ngọc Ảm.

Dưới sự chỉ đạo của Bác sĩ Lê Điều, chúng tôi tiếp tục tiến hành ướp thành công thi thể thực nghiệm và chuẩn bị đón Đoàn chuyên gia y tế Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin đến kiểm tra.

Đúng 7 giờ 56 phút ngày 1 tháng 9 năm 1969, Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô gồm 5 người do Giáo sư, Viện sĩ thông tấn X.X. Đê-bốp dẫn đầu đã quan sát, xem xét tỷ mỷ trạng thái mô hình thí nghiệm và nhận xét: “Kết quả bước đầu ướp được như vậy là tốt, kể cả diện mạo, tư thế và màu sắc”.

Khoảng 10 giờ ngày 2 tháng 9 năm 1969, có lệnh báo động khẩn cấp. Lúc này, bốn anh em chúng tôi: Điều, Châu, Hát, Ảm cũng vừa bước ra khỏi phòng thí nghiệm, chúng tôi đưa mắt nhìn quanh, cảm nhận một không khí nặng nề bao trùm lên khu vực 75A. Các lối ra, vào khu vực 75A được tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt. Nhìn nét mặt mọi người, ai cũng buồn rầu biến sắc. Dưới sự chỉ huy của Đại tá Trần Kinh Chi mọi người nhanh chóng lên xe chờ lệnh.

Chiếc xe cứu thương mang biển số FH1468, do đồng chí Nguyễn Văn Hợp cầm lái, trên xe có Đại tá Trần Kinh Chi ngồi ở vị trí chỉ huy, Thiếu tá Nguyễn Gia Quyền, Bác sĩ Nguyễn Văn Châu và Y sĩ Nguyễn Trung Hát, ở sàn xe xếp 200kg nước đá cây và một chiếc cáng thương. Theo lệnh cấp trên, đoàn xe từ từ chuyển bánh và khoảng 15 phút sau đoàn xe dừng lại trước cổng Phủ Chủ tịch, chỉ có xe mang biển số FH1468 lướt qua cổng, đi tiếp đến hàng cây cổ thụ rồi dừng lại. Tôi cùng bác sĩ Quyền, y sĩ Hát bước nhanh ra khỏi xe, băng qua thảm cỏ, đi nhanh đến đầu nhà mái bằng, nơi Bác đang an nghỉ.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ra đón chúng tôi và nhắc nhở: “Các đồng chí phải hết sức bình tĩnh, nén đau thương, làm tốt nhất nhiệm vụ, không cho phép để xảy ra sai sót”.

Mặc dầu đã được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn căn dặn, nhưng lúc khẽ rê chiếc cáng đến bên giường Bác nằm, mắt tôi hoa lên, nước mắt tôi rơi xuống giàn dụa. Tôi vội kéo tà áo bờ lu trắng lau nhanh nước mắt, lấy lại bình tĩnh, tiếp tục làm nhiệm vụ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tất cả các anh, các chị cán bộ, nhân viên phục vụ Bác đứng lặng im, nước mắt giàn dụa, quây quần quanh giường Bác với tấm lòng thương tiếc vô hạn, ngắm nhìn Bác phút cuối cùng trước lúc Người đi xa.

Trong giây phút trầm lắng, tiếng nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đượm buồn, nhưng rành rọt: “Thôi! Mọi người hãy giãn ra cho các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ”.

Ba chúng tôi đứng vào vị trí, đúng như sự phân công từ trước. Chúng tôi nhẹ nhàng chuyển Bác từ giường sang cáng. Toàn bộ thân hình Bác mềm mại, mắt không thâm, nhưng trũng sâu, nét mặt thanh thản trong bộ quần áo bà ba lụa màu gụ. Chúng tôi đưa Bác lên xe mang biển số FH1468, Đại tá Trần Kinh Chi lệnh cho xe bắt đầu chuyển bánh. Lúc này ba anh em chúng tôi mới có dịp nhìn ngắm Bác, không ai nói một lời, lặng người đi trong nỗi niềm thương nhớ Bác, vì đang phải chứng kiến một nỗi đau mất mát lớn của cả dân tộc. Một chặng đường ngắn từ Phủ Chủ tịch đến Viện Quân y 108, nhưng trên mặt, hai bên vai của anh Hợp ướt đẫm mồ hôi, cho thấy mức độ căng thẳng biết nhường nào trước một trọng trách lớn mà anh được giao phó.

12 giờ 45 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, sau khi khám nghiệm tổng thể và xử lý ban đầu, công việc ướp bảo quản giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành, trước sự chứng kiến của các đồng chí trong Ban chỉ đạo: Thiếu tướng Lê Quang Đạo- Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Phùng Thế Tài- Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Vũ Văn Cẩn- Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Đại tá Trần Kinh Chi- Cục trưởng Cục Bảo vệ.

Dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ X.X. Đê-bốp và nhà ngoại khoa nổi tiếng, Giáo sư Viện sĩ Thông tấn Iu. M. Lô-pu-khin, Giáo sư I.N Mi-khai-lốp, các nhóm chuyên gia y tế Liên Xô – Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, tiến hành các thao tác kỹ thuật một cách thận trọng, tỷ mỷ, chính xác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình ướp bảo quản.

Thời gian tiến hành công tác kỹ thuật ướp bảo quản đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho những ngày làm việc tiếp theo.

Sau bốn ngày đêm liên tục (từ ngày 2 tháng 9 đến ngày 5 tháng 9 năm 1969) với tinh thần trách nhiệm cao, lao động khoa học, nghiêm túc của các chuyên gia y tế Liên Xô và cán bộ nhân viên Tổ y tế đặc biệt, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn theo đúng quy trình công nghệ của Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin. Các nét đặc trưng của Người lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn.

19 giờ 30 phút ngày 5 tháng 9 năm 1969, thi hài Bác đã được quàn tại Hội trường Ba Đình để đồng bào và bạn bè quốc tế đến viếng, vĩnh biệt Người.

Sự kiện ngày đầu giữ gìn thi hài Bác, ngày 2 tháng 9 năm 1969 đã xa rồi, nhưng đó là một khoảnh khắc mà tôi không bao giờ quên. Mỗi khi ngắm nhìn bức ảnh Tổ y tế đặc biệt đứng bên thi hài Bác, bao kỷ niệm thân thương của những ngày tham gia giữ gìn thi hài Bác lại trào lên và ùa về trong tôi, nỗi nhớ thương, niềm tự hào về công việc giúp tôi vượt qua chính mình để sống và làm việc.

Đại tá Nguyễn Văn Châu
Nguyên Phó Viện trưởng Viện 69 – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement