GS Hoàng Minh Giám kể về những ngày vận nước “nghìn cân treo sợi tóc” (P 11)

(DVT.vn) – Năm 1952, Paul Mus viết sách cho biết, hồi đầu năm 1947, Ballaert cho rằng chỉ cần ba tuần lễ là y “đè bẹp cuộc kháng chiến của Việt Nam”!

Năm năm sau, trong quyển sách Việt Nam, cuộc chiến tranh xét về mặt xã hội học (Vietnam, sociologie d’une guerre) xuất bản năm 1952, P. Mus có phê phán nội dung của bản thông điệp mà ông ta đã có trách nhiệm chuyển đến Hồ Chủ tịch tại thị xã Thái Nguyên. Người cố vấn đặc biệt, phái viên của Bollaert kể rằng, lúc đó bọn thực dân Pháp ở Paris và Sài Gòn đều nhất trí cho rằng chúng nắm chắc chiến thắng trong tay rồi, chẳng bao lâu nữa chúng sẽ đè bẹp cuộc “kháng chiến của Việt Nam”, vậy không nên nhận đàm phán.

Đình Tân Trào không xa trụ sở Bộ Ngoại giao.

Theo tác giả, bộ trưởng Bộ chiến tranh của Pháp lúc bấy giờ nhận định rằng: “Vấn đề quân sự ở Đông Dương có thể coi như xong rồi” (il n’y a plus de problème militaire en Indochine); một nhân vật quan trọng trong giới Pháp khẳng định: “Chỉ ba tuần lễ nữa thôi! Mọi điều sẽ được giải quyết tốt, miễn là không đặt vấn đề đàm phán!” (Encore trois semaines! Tout ira bien, pourvu que l’on ne négocie pas!).

Đường về…

… châu tự do Sơn Dương.

Và chính vì thế, khi nói đến ngừng bắn, thực dân Pháp đã đưa ra những điều kiện phi lý, mà bản thân P. Mus cũng nghĩ rằng phía Việt Nam không thể nào chấp nhận.

Khi Paul Mus ra về rồi, Bác và chúng tôi còn ngồi lại khoảng một tiếng nữa để đợi cho ông ta đi xa rồi mới về nơi ở. Lúc đó, vào khoảng 1 giờ sáng, Bác không về chỗ ở của mình mà về Sơn Dương, chỗ cơ quan Bộ Ngoại giao.

Việc Bác Hồ từ nơi nào đến gặp Paul Mus, việc đó, ngoài anh Phan Mỹ thì không ai biết cả. Bác bảo tôi: “Bây giờ chú về với tôi bằng xe com-măng-ca”. Lúc ấy xe đã đợi sẵn ở đó, theo sự bố trí của anh Phan Mỹ.

Lúa không lo giặc về khi mùa màng thôn quê (lời bài hát của Văn Cao).

Chúng tôi đi xe tới đèo Khế thì trời bắt đầu sáng. Bác bảo chúng tôi: “Thôi, chúng ta xuống đi bộ, vì nếu đi xe, máy bay địch dễ phát hiện”. Tôi và Bác đi bộ về khu tự do Sơn Dương và ghé vào chỗ Bộ Ngoại giao. Tôi hứa với Bác là sẽ nhớ và viết lại lời của bức thư thông điệp mà Bollaert gửi Bác qua Paul Mus. Hai ngày sau, tôi gửi bài viết đó cho văn phòng của Bác.

Lúc ở Việt Bắc, tôi thỉnh thoảng mới gặp Bác ở các cuộc họp Hội đồng Chính phủ. Còn ngày thường gặp Bác rất khó vì Bác hay thay đổi chỗ ở và Bác giữ nguyên tắc bí mật, tránh tiếp xúc nhiều, đồng chí Phạm Văn Đồng lúc đó ở gần Bác và ít khi thay đổi chỗ ở. Bác bảo tôi: “Nếu chú có việc gì quan trọng mà không gặp trực tiếp Bác được, thì báo cáo với chú Tô” (bí danh của anh Đồng).

Trong các cuộc họp ở Hội đồng Chính phủ, ở Việt Bắc, Bác là người phát biểu đầu tiên. Bác nói độ 10 đến 15 phút về tình hình thế giới, sau đó nói về vấn đề chính của cuộc họp, ví dụ về Bản tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1950), về việc sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, về kế hoạch cải cách ruộng đất và v.v.

Ta yêu những rừng Việt Bắc/ Nơi ta khôn lớn nên người (thơ Nguyễn Đình Thi).

Còn anh Văn thì báo cáo về tình hình quân sự. Cũng có lúc, anh Tạ Quang Bửu hoặc anh Hoàng Anh báo cáo về việc triển khai hoặc kết quả các chiến dịch. Thường thường, các buổi họp của Hội đồng Chính phủ nhanh, gọn.

Các cơ quan bộ ở Việt Bắc lúc đó cũng ít người. Đông nhất là văn phòng của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khoảng 30 đến 40 người. Phần lớn các bộ đóng trụ sở ở ATK Sơn Dương, cũng có một số bộ phận khác đóng rải rác ở các tỉnh xung quanh.

Mình về rừng núi nhớ ai/ Trám bùi để rụng, măng mai để già (thơ Tố Hữu).

Trụ sở Bộ Ngoại giao của ta lúc đó đóng ở gần một làng hẻo lánh cách huyện lỵ Sơn Dương khoảng 11 km. Đóng trụ sở ở gần Bộ Ngoại giao còn có các bộ khác như: Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ (Bộ Nội vụ lúc đầu do cụ Tôn Đức Thắng làm Bộ trưởng một thời gian ngắn, sau đó Bác mời cựu khâm sai Bắc Kỳ là cụ Phan Kế Toại lên giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Bộ Lao động…

Từ chỗ Bộ Ngoại giao chúng tôi đi tiếp quãng nữa thì tới con suối Lê, qua suối Lê đi tiếp một đoạn nữa thì tới xã Tân Trào, nơi có đình Tân Trào – địa điểm Bác họp và ra Lệnh Tổng khởi nghĩa 1945.

Những ngày sống bên con suối Lê, Tân Trào thật là gian khổ. Nhưng, về sau nhớ lại, chúng tôi luôn cảm thấy rằng đó là những ngày đẹp nhất, thiêng liêng nhất trong cuộc đời của nhiều người chúng tôi.

Hà Nội, năm 1986
H. M. G.
(Ảnh: Internet)

dvt.vn

Advertisement