Thay cho lời cám ơn

Sáng ngày 24 tháng 1 năm 2005, tại Lễ đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới, thay mặt Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh, tôi đọc bản báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tóm lược và nêu bật những thành tích đặc biệt xuất sắc của đơn vị đã đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Khi đề cập tới các yếu tố để đơn vị có được thành tích và phần thưởng cao quý, điều tôi nhắc tới đầu tiên và nhấn mạnh là đơn vị luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và Quân đội, mà thường xuyên, trực tiếp là các đồng chí cán bộ cấp cao được Chính phủ, Bộ Quốc phòng phân công phụ trách.

Sau lời biểu dương và căn dặn của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, khi đáp lễ tôi trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, của cá nhân đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng, Trưởng ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với đồng chí Đỗ Mười, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ công tác tại Lăng Bác đã từng được chứng kiến những đóng góp vừa chiến lược, vừa cụ thể của một đồng chí lãnh đạo qua nhiều cương vị khác nhau đối với công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình và nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Sự có mặt của đồng chí trong buổi lễ trọng thể này càng có ý nghĩa động viên gấp bội khi tuổi đã cao và sức khoẻ trước đó của đồng chí Đỗ Mười chưa thật ổn định. Kết thúc buổi lễ, khi rời Hội trường, bước chậm rãi ra xe, đồng chí hỏi cụ thể thêm về tình trạng thi hài Bác, kết quả nghiên cứu thực nghiệm và khả năng hợp tác với chuyên gia Nga. Đồng chí căn dặn phải cải tiến công tác đón tiếp nhân dân sao cho thuận tiện và chu đáo, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên để mọi người yên tâm, hết lòng với công việc được giao.

Cũng như mọi khi, vào viếng Bác nhân dịp kỷ niệm lần thứ 116 Ngày sinh của Người, đồng chí Đỗ Mười chăm chú ngắm nhìn hồi lâu. Lúc ra đồng chí nhận xét thi hài Bác vẫn rất đẹp và hỏi vui: “Râu Bác có còn đủ không?”. Đồng chí lắng nghe và hài lòng khi tôi báo cáo về khả năng tự đảm nhiệm của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

*
*    *

Sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ chính trị của đơn vị là nhất quán và xuyên suốt.

Đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có thời kỳ được Chính phủ phân công trực tiếp chỉ đạo công tác ở Lăng. Với tác phong làm việc sâu sát, khoa học, đồng chí đã dành nhiều thời gian kiểm tra công việc, lắng nghe ý kiến cấp dưới, các nhà chuyên môn và đưa ra các ý kiến định hướng, chỉ đạo quan trọng.

Quá trình trực tiếp chỉ đạo công tác ở Lăng của đồng chí Nguyễn Khánh có thời điểm không thể nào quên. Đó là từ cuối năm 1990 đến khoảng giữa năm 1991, khó khăn tích tụ, tình hình rất khẩn trương.

Tại Liên Xô, quyền lãnh đạo Nhà nước của Đảng Cộng sản mất dần, từng bước rơi vào tay các lực lượng đối lập. Khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng và đã xuất hiện một tình thế chính trị đặc biệt – tình thế phản cách mạng. Nguy cơ Liên bang Xô Viết bị xoá bỏ đã hiện hữu.

Đối với Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức. Viện trợ không hoàn lại của Liên Xô cho hoạt động của công trình Lăng cùng với chế độ chuyên gia thường xuyên không còn nữa. Sự giúp đỡ quan trọng và rất hiệu quả của Bạn bị gián đoạn và có nguy cơ mất hẳn.

Ngày 10 tháng 7 năm 1991, đồng chí Nguyễn Khánh chủ trì cuộc họp quan trọng để thống nhất nhìn nhận, đánh giá tình hình, xác định chủ trương định hướng lớn, đưa ra các nội dung ưu tiên, bước đi cần thiết cả trước mắt và lâu dài. Ngay tại cuộc họp cũng như sau này, các đồng chí có mặt hôm đó đều hiểu rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết luận của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh. Kết luận thể hiện bản lĩnh vững vàng, quyết tâm rất cao trên cơ sở thực tiễn và khoa học đối với sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Theo đó, trong tình hình mới, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là trọng trách của Bộ Quốc phòng, nhưng cần huy động khả năng chuyên môn của các nhà khoa học cả trong và ngoài quân đội. Tập trung nghiên cứu làm rõ những vấn đề đã có kết quả nhưng chưa thật đầy đủ, chưa thật chắc chắn về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan tăng cường đầu tư cho đơn vị xây dựng lực lượng và cơ sở nghiên cứu, cần thành lập ngay Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước để tư vấn giúp Chính phủ, chỉ đạo công tác đặc biệt quan trọng này. Chủ động chuẩn bị để đủ sức tự đảm nhiệm công việc, nhưng vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống, nhờ Bạn giúp đỡ khi khả năng này vẫn còn.

Những năm sau đó, bằng năng động sáng tạo, Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá và đưa các chủ trương, định hướng trên thành hiện thực, vượt qua khó khăn thử thách, trụ vững và trưởng thành.

*
*    *

Cuối tháng 9 năm 1992, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khoá IX đã bầu Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới. Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải được Chính phủ phân công trực tiếp chỉ đạo công tác ở Lăng. Ngay đầu tháng 10, đồng chí đã trực tiếp tham dự và chỉ đạo phiên họp đầu tiên của Hội đồng Khoa học bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có Quyết định thành lập trước đó ít ngày.

Đây là Hội nghị khoa học có ý nghĩa mở đầu một giai đoạn mới rất quan trọng, động viên và phát huy nội lực, đẩy nhanh quá trình tạo dựng khả năng tự đảm nhiệm việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Hội nghị được tổ chức giản dị nhưng trang trọng, chu đáo tại Nhà khách 19/5 trên đường Liễu Giai. Thành phần dự họp đều đến từ rất sớm và đông đủ. Phó Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đến sớm, bước vào phòng họp với tác phong quen thuộc: Nhanh nhẹn, gần gũi và vui tính. Mọi người đứng dậy chào và được đồng chí đáp lại bằng cái bắt tay rất chặt và vỗ vai thân tình.

Đến giờ khai mạc, sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu là công bố Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn về các vấn đề, giải pháp khoa học nhằm bảo quản lâu dài thi hài Bác. Thành phần của Hội đồng gồm: Chủ tịch do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hưng Phúc, Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Học viện Quân y đảm nhiệm; các uỷ viên: Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Phấn (Bộ Y tế); Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Hoàng Thuỷ Nguyên (Bộ Y tế); Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng (Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp); Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Bộ Quốc phòng); Tiến sĩ Nguyễn Quang Tấn (Bộ Quốc phòng); Bác sĩ Chuyên khoa cấp 2 Đỗ Văn Dai (Bộ Quốc phòng) và 2 thư ký : Tiến sĩ Vũ Văn Bình (Bộ Quốc phòng); Tiến sĩ Đào Hữu Nghĩa (Bộ Quốc phòng). Trong Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học còn có một số điều khoản quy định trách nhiệm, thẩm quyền của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, các Bộ trưởng có liên quan để đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng và cộng tác viên.

Đồng chí Phan Văn Khải thay mặt Chính phủ phát biểu giao nhiệm vụ và chỉ đạo hoạt động cho Hội đồng Khoa học. Đề cập ngắn gọn tình hình quốc tế không thuận lợi, ý nghĩa và yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong bất kỳ hoàn cảnh nào, một nhiệm vụ đặc biệt đã và sẽ tiếp tục giao cho Quân đội với sự tin tưởng tuyệt đối “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đồng chí biểu dương những kết quả đã đạt được trong quá trình vươn lên làm chủ một số lĩnh vực về kỹ thuật và y tế, coi đó là cơ sở ban đầu để định ra chương trình, kế hoạch, nội dung và bước đi tiếp theo. Hội đồng Khoa học được thành lập không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở thời điểm khó khăn hiện nay, mà phải xác định chiến lược lâu dài. Phó Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm của Hội đồng vừa tư vấn, vừa hỗ trợ tối đa trong phạm vi chuyên môn được phân công, nhất là hỗ trợ cộng tác viên, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, bồi dưỡng đào tạo cán bộ. Về quản lý Nhà nước, đồng chí yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Quốc phòng, Y tế, Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Viện Khoa học Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Hội đồng hoạt động hiệu quả.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ và tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng, thay mặt các thành viên trong Hội đồng Khoa học, đồng chí Chủ tịch phát biểu xác định trách nhiệm, cảm ơn sự tin cậy và quan tâm của trên, hứa hẹn sẽ có những đóng góp xứng đáng. Cũng trong phiên họp đầu tiên này, Hội đồng giành thời gian thảo luận báo cáo của Ban Quản lý Lăng về phương án tự đảm nhiệm và những nội dung ưu tiên cần tập trung nghiên cứu, đồng thời thống nhất quy chế làm việc của Hội đồng.

Nhiều năm đã qua đi, song sự kiện thành lập Hội đồng Khoa học bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một dấu ấn đậm nét thể hiện sự quan tâm đặc biệt, kịp thời, hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta. Đây là thuận lợi lớn, yếu tố rất quan trọng, có ý nghĩa mở đầu một giai đoạn mới, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.

*
*    *

Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, trong khi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh tổ chức- biên chế, nâng cao chất lượng tổng hợp và kỷ luật Quân đội, Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng vẫn dành sự quan tâm đặc biệt và kịp thời đối với nhiệm vụ của đơn vị, mà tiêu biểu là Nghị quyết 50 (tháng 2 năm 1988). Đó là Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện Nghị quyết, bên cạnh lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, gắn bó và chỉ đạo trực tiếp đơn vị có đồng chí Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Trần Hanh.

Được Bộ phân công, với tác phong sâu sát, đồng chí Trung tướng Trần Hanh dành nhiều thời gian kiểm tra công việc, tham dự các hội nghị Đảng uỷ, hội nghị khoa học và cả các cuộc họp sơ kết quý, 6 tháng và tổng kết năm của đơn vị. Khi bàn công việc, đồng chí điềm tĩnh lắng nghe ý kiến nhiều chiều, chắt lọc, cân nhắc thận trọng, rồi nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc phân tích, đưa ra những gợi ý hoặc ý kiến chỉ đạo. Quá trình phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở thời điểm trước, trong và sau khi Liên Xô tan rã, khi nhìn nhận đánh giá tình hình, lúc bàn chủ trương và cơ chế tiếp tục hợp tác với Bạn, kế hoạch và nhiệm vụ ưu tiên nâng cấp Viện 69… những đóng góp của đồng chí Trần Hanh rất thiết thực, cụ thể.

Có một sự kiện ở thời điểm nhạy cảm gắn liền với sự chỉ đạo của Trung tướng Trần Hanh – Phó Tổng Tham mưu trưởng. Đó là đầu năm 1992, khi nhóm chuyên gia y tế của Bạn không kịp sang giúp ta làm thuốc thường xuyên thi hài Bác, chúng ta vừa lo tự đảm nhiệm, vừa tính toán để có thể tiếp nhận và quản lý dung dịch đặc biệt như một người chủ thực thụ. Đồng chí Trần Hanh dành nhiều thời gian làm việc với lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh, bàn kỹ, bàn cụ thể từ ý định, quyết tâm và cách làm, đến phân công tổ chức thực hiện. ở đồng chí, ngoài lo toan chung như những người trong cuộc, còn có sự cân nhắc cẩn trọng của một người anh cả dày dạn kinh nghiệm. Đồng chí đã căn dặn mọi người lưu ý khi làm việc với người đại diện của Bạn cần có bước thăm dò, bên cạnh cơ sở pháp lý cần vận động thuyết phục bằng tình cảm và nhất là phải khẩn trương nhưng không được nóng vội.

Việc tổ chức thực hiện chuyển giao dung dịch đặc biệt từ Bạn sang ta đã diễn ra đúng với dự kiến. Sau khi Bạn đồng ý chuyển giao, chúng ta đã tiếp nhận đầy đủ, chu đáo và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Sự kiện này bắt đầu một thời kỳ mới – thời kỳ đẩy nhanh quá trình làm chủ toàn diện và vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

*
*    *

Khác với mọi khi, tu bổ định kỳ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay được tiến hành sớm và đẩy nhanh tiến độ, kịp phục vụ lễ viếng của các Đoàn đại biểu sang dự Hội nghị APEC – 14. Hà Nội dịp này được trang trí đẹp. Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình thắm đỏ màu cờ và rực rỡ sắc hoa.

Trong đoàn kiểm tra chuẩn bị mở cửa Lăng sau tu bổ định kỳ, tôi yên tâm thấy mọi việc đã hoàn tất, từ công tác y tế, kỹ thuật, an ninh – nghi lễ, đón tiếp tuyên truyền đến đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường. Chất lượng và tiến độ công việc khẳng định thêm khả năng làm chủ toàn diện, vững chắc của các lực lượng phục vụ tại Lăng.

Tất cả đã sẵn sàng, để ngày mai, sau buổi kiểm tra lần cuối của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng – người vừa được Thủ tướng phân công trực tiếp chỉ đạo công tác ở Lăng, Lăng Bác mở cửa đón khách.

Ngắm nhìn Lăng Bác với vóc dáng uy nghiêm nhưng gần gũi vốn có, thêm những nét đẹp vừa mới được tôn tạo, trong tôi một niềm tin thật rõ ràng: Bác là vĩnh hằng và Người đang rất vui chứng kiến đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển.

Thiếu tướng Đào Hữu Nghĩa
Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement