Một ngày và mãi mãi

Ngày mồng một Tết Kỷ Dậu (1969), Bác dành chuyến xuất hành đầu năm cho bộ đội Phòng không – Không quân. Bác hiểu rằng: Tới đây, bộ đội Phòng không – Không quân phải đương đầu với Không lực Hoa Kỳ – một lực lượng không quân hùng hậu và hiếu chiến bậc nhất thế giới.

Tháp tùng Bác đi chúc Tết bộ đội, tôi luôn trong trạng thái xúc động, nhói đau con tim. Tôi nhận ra một điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là: Sức khoẻ của Bác đã giảm sút nhiều. Hoà cùng vào niềm vui của bộ đội, tôi vẫn muốn nói to lên với các đồng chí của mình: “Các đồng chí ơi, sức khỏe của Bác không tốt lắm. Bác gắng gượng để đến với anh em ta đấy”. Nhưng tôi không được phép làm như vậy. Bác không được khoẻ, thế mà tiếng nói của Bác vẫn ấm áp, nụ cười của Bác khi gặp chiến sỹ thật hiền hậu, tin yêu. Những gương mặt ngời sáng kính trọng, tự hào của bộ đội Phòng không- Không quân càng làm cho Bác vui. Lúc ấy, không ai nghĩ rằng: Đây là lần cuối cùng mọi người được gặp Bác. Trong tôi trào dâng một xúc cảm bồi hồi. Tôi nghẹn giọng, nuốt nước mắt.

Sau khi thăm bộ đội Phòng không – Không quân, Bác đi thăm và chúc Tết nhân dân huyện Bất Bạt, Hà Tây. Tới làng Vật Lại Anh hùng, Bác dừng chân nghỉ trên đồi Vật Lại ngắm nhìn núi Tản Viên, Bác như thấy lòng thư thái trước cảnh non xanh, nước biếc… Bác đã trồng cây đa trên đồi Vật Lại. Cây đa ấy đến nay vẫn toả bóng mát như nhắc nhở các thế hệ cháu con phải có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên.

Dịp sinh nhật Bác năm 1969, trong một buổi gặp mặt với các tướng lĩnh, chỉ huy, lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, quân khu, quân binh chủng dự hội nghị quân chính toàn quân, tại phòng họp của Phủ Thủ tướng. Buổi gặp mặt có Bác, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào… Bác nói chuyện, động viên, nhắc nhở cán bộ dự hội nghị. Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt cho các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp toàn quân kính chúc sức khỏe Bác và tặng hoa chúc mừng nhân ngày sinh của Bác. Bác tặng lại các đại biểu và chúc các đại biểu sau hội nghị về cần cố gắng hơn nữa, có nhiều hoa chiến công hơn nữa.

Sau buổi gặp gỡ này, các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Bác vô cùng lo lắng, báo cáo với Bộ Chính trị rằng Bác đã có dấu hiệu nhồi máu cơ tim. Bộ Chính trị quyết định mời bác sĩ Trung Quốc sang chữa bệnh cho Bác. Từ tháng 8 năm 1969 sức khoẻ của Bác ngày càng xấu đi.

Ngày 12 tháng 8 năm 1969, trong khi trời nổi cơn giông, nhưng nghe tin phái đoàn ngoại giao ta ở Pa-ri vừa về nước, Bác lập tức tới nhà nghỉ Hồ Tây thăm anh em trong đoàn. Bác tới để nghe tình hình và động viên tinh thần anh em trong cuộc đấu tranh trên bàn hội nghị; sau đó Bác lại đi thăm, kiểm tra công tác bảo vệ đê điều chống bão lụt của Hà Nội.

Khi về, Bác bị cảm lạnh. Ngày hôm sau, Bác ho nhiều. Ngày 23 tháng 8 năm 1969, bác sĩ phải dùng thuốc kháng sinh tiêm cho Bác và làm điện tim, thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim.

Ngày 28 tháng 8 năm 1969, tim Bác có dấu hiệu loạn nhịp và rối loạn phần tuyến nhĩ thất.

Trước tình hình sức khỏe của Bác ngày càng có nhiều dấu hiệu xấu, trung tuần tháng 8 năm 1969, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác gồm các đồng chí: Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Uỷ viên Trung ương Đảng – Ủy viên Quân ủy Trung ương – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị – Trưởng ban; Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Phùng Thế Tài – Phó tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Vũ Văn Cần – Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần – Cục trưởng Cục Quân y; Đại tá Trần Kinh Chi – Cục trưởng Cục Bảo vệ Quân đội.

Ban chỉ đạo phân công đồng chí Phùng Thế Tài làm Phó ban và tôi là ủy viên thường trực, điều hành mọi công việc cụ thể của Ban chỉ đạo. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời gian, Ban chỉ đạo đã huy động thêm lực lượng nhằm đáp ứng với tình hình ngày một khẩn trương.

Theo dõi từng giờ, từng ngày sức khỏe của Bác, chúng tôi biết thời điểm nghiệt ngã nhất đang đến gần. Ban chỉ đạo khẩn trương tiến hành kiểm tra mọi khâu trong công tác chuẩn bị; khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại; đình chỉ mọi việc đi phép, đi học của cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến nhiệm vụ. Cục Bảo vệ và Tiểu đoàn 144 tổ chức ngay một đoàn xe làm nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác, gồm năm chiếc: Hai xe cứu thương, ba xe Gat, chọn các đồng chí: Hoàng Đình Thinh – lái xe của Tổng cục Hậu Cần; Nguyễn Văn Nhích – lái xe của Bộ Tổng tham mưu, Nguyễn Văn Hợp – lái xe cứu thương của Viện Quân y 108 làm nhiệm vụ lái xe cứu thương. Các xe khác do lái xe của Cục Bảo vệ đảm nhiệm. Hàng đêm, các chiến sỹ lái xe đã không quản vất vả, gian khổ miệt mài luyện tập, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ lái xe trong các tình huống, trên các đoạn đường, đến các địa điểm khác nhau.

Một số cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 144 và Cục Bảo vệ được chọn làm nhiệm vụ luyện tập, mặc trang phục cảnh sát hoặc hóa trang là người dân bình thường ém và tuần tra ở các con đường mà đoàn xe đi qua; mọi tình huống xấu có thể xảy ra (xe hỏng, kẹt tắc đường, gặp tai nạn, bị phá hoại…) đều được lường tính trước và vạch sẵn giải pháp xử trí.

Cục Đối ngoại – Bộ Quốc phòng được giao chuẩn bị nhà cửa, sửa chữa trang bị nội thất tốt nhất, chuẩn bị người phục vụ, hai xe du lịch; cử người nấu ăn, lái xe, công vụ cùng hai cán bộ Cục Bảo vệ Quân đội (đồng chí Vũ Quang Kha phiên dịch, đồng chí Hoan – cán bộ bảo vệ tiếp cận) và một tiểu đội cảnh vệ của Tiểu đoàn 144 thành một bộ phận phục vụ đoàn chuyên gia y tế Liên Xô. Đồng chí Vũ Quang Kha được cử phụ trách chung. Một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh, Tiểu đoàn 144 và một số cán bộ, chiến sĩ Cục Bảo vệ Quân đội (Tống Xuân Đài, Mạc Hồ, Nhu, Tấn…) chuyên trách làm mọi công tác do Ban chỉ đạo điều hành. Đồng chí Nguyễn Văn Hanh – Trưởng phòng Cục Bảo vệ Quân đội được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các bộ phận có trách nhiệm trực tiếp phục vụ ở công trình 75A, 75B.

Cuối tháng 8 năm 1969, Ban chỉ đạo kiểm tra lại tất cả các công trình, các đơn vị và mọi công tác chuẩn bị. Sau đó, chúng tôi báo cáo với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương và Bộ Chính trị: Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất với chất lượng cao nhất. Tất cả mọi người, mọi bộ phận, mọi công trình đều đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất xảy ra.

Trong thời gian này, thấy tình hình sức khỏe của Bác ngày càng giảm sút nghiêm trọng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã điện thông báo cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đề nghị Bạn cho đoàn y tế làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác Hồ sang Hà Nội ngay.

Ngày 28 tháng 8 năm 1969 đoàn cán bộ y tế Liên Xô đến Hà Nội. Đoàn do đồng chí X.X.Đê-bốp – Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm y học Liên Xô, Viện trưởng Viện khoa học giữ gìn thi hài Lê-nin làm Trưởng đoàn. Ngay khi tới Hà Nội, đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tiếp đón và làm việc. Sau đó, đoàn tiến hành kiểm tra các Công trình 75A và 75B; kiểm tra công việc chuẩn bị của Tổ y tế đặc biệt. Sau khi kiểm tra xong, đoàn kết luận: Đã có đủ điều kiện để tiến hành công tác giữ gìn thi hài Bác giai đoạn đầu để phục vụ lễ viếng và lễ tang Bác. Đến lúc này, Ban chỉ đạo chúng tôi thực sự như trút được một gánh nặng.

Trong khi ấy ở phòng bệnh, hàng ngày các bác sĩ vẫn thay nhau theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác; các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn tới thăm và báo cáo tình hình của cả nước với Bác. Mỗi tin chiến thắng từ chiến trường miền Nam đều làm cho Bác vui thêm.

Ngày 30 tháng 8 năm 1969, đồng chí Phạm Văn Đồng sang thăm và báo cáo với Bác tình hình chuẩn bị tổ chức ngày Lễ Quốc khánh 2- 9. Nghe báo cáo xong, Bác dặn: “Các chú phải nhớ bắn pháo hoa để động viên tinh thần nhân dân”. Nhưng do tình hình sức khỏe của Bác đang trầm trọng nh­ư vậy, ai còn tâm trạng nào để bắn pháo hoa nữa !

Ngày 31 tháng 8 năm 1969, nghe tin Bộ đội Phòng không bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ (chiếc máy bay này bị bắn rơi ngày 30-8) Bác rất phấn khởi. Người nhắc Văn phòng Chủ tịch nước gửi ngay lẵng hoa chúc mừng và khen ngợi Bộ đội Phòng không. Các chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 361 không ngờ rằng, đó là lẵng hoa cuối cùng mà họ thay mặt quân và dân ta được đón nhận từ lãnh tụ kính yêu.

Hôm đó, tâm trạng Bác rất vui, Người đã gắng ăn hết một bát cháo. Các đồng chí phục vụ bên Bác mừng khôn tả. Các bác sĩ chăm sóc Bác vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng. Họ hiểu rằng, chính tin vui thắng trận đã tạo nên điều kỳ diệu đó, nhưng chỉ là tình trạng nhất thời.

Và thời điểm khắc nghiệt nhất đã đến.

Sáng 2 tháng 9 năm 1969, cả nước đang hân hoan trong ngày Quốc khánh, thì trong căn nhà nhỏ, giản dị, cách ngôi nhà sàn của Bác không xa, trên một chiếc giường gỗ trải chiếu đơn sơ, Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc ta đang trút những hơi thở cuối cùng. Vây quanh Bác là các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác. Đồng chí Vũ Kỳ – người phục vụ thân cận nhất của Bác ngồi bên giường với chiếc quạt lá cọ trên tay không ngừng quạt nhẹ cho Bác.

Nhưng rồi, đúng 9 giờ 47 phút, trái tim Bác ngừng đập.

Chiếc quạt lá cọ rời khỏi tay, đồng chí Vũ Kỳ gục xuống khóc nức nở. Các bác sĩ vẫn không ngừng xoa bóp, hô hấp nhân tạo với hy vọng mong manh rằng, trái tim vĩ đại tràn đầy yêu thương của Bác sẽ đập trở lại. Nhưng tất cả đã vô vọng. Một giờ sau, khi trao đổi với các bác sĩ làm công tác cấp cứu, đồng chí Phạm Văn Đồng đau đớn khoát tay: “Thôi, các đồng chí để yên cho Bác nghỉ”. Tất cả mọi người có mặt bên giường Bác đều òa lên khóc nức nở.

Diễn biến tình hình về sức khoẻ của Bác đã liên tục được thông báo về 75A. Tại Công trình 75A, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài và tôi luôn bám sát tình hình ở Phủ Chủ tịch qua máy điện thoại. Các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt được lệnh sẵn sàng.

10 giờ, tôi đau đớn buông máy điện thoại, nói với các anh có mặt tại 75A “Bác mất rồi”. Anh Phùng Thế Tài vừa khóc vừa ra lệnh cho mọi người: “Tất cả vào vị trí”.

Tôi cũng gạt nước mắt lao ra xe chỉ huy. Chúng tôi được lệnh cho xe tới Phủ Chủ tịch. Trên xe còn có các đồng chí Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Trung Hát, Tổ y tế đặc biệt và đồng chí Đỗ Hải – Chính trị viên Tiểu đoàn 144.

Tới cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe dừng lại, riêng chiếc xe cứu thương mang biển số FH1468 do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Xe vừa đến trước cửa ngôi nhà sàn của Bác, đã thấy đồng chí Trần Quốc Hoàn ra đón. Anh Hoàn ôm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: “Sự việc xảy ra rồi! Các đồng chí phải bình tĩnh làm tốt nhiệm vụ của mình”. Khi nhìn thấy tôi và Tổ y tế đặc biệt, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng vừa khóc, vừa vẫy tay: “Thôi, mọi người hãy dãn ra cho các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ”.

Thấy Bác nằm thanh thản trên giường, nước mắt tôi trào ra. Nhưng tôi chợt hiểu rằng, đây là lúc mà mình phải tỉnh táo nhất; mình là cận vệ của Bác Hồ, lúc này mình phải bảo vệ Bác như tất cả những lần Bác đi công tác. Nghĩ vậy, tôi trấn tĩnh lại cùng các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt tiến vào. “Các đồng chí thận trọng” – Tôi nhắc nhở trong khi mọi người chuyển Bác từ giường sang cáng thương. Tôi vẫn đi bên cạnh Bác trên quãng đường từ nhà ra xe. Lúc này tôi không còn chú ý tới mọi người xung quanh. “Tất cả dãn ra cho Bác đi” – hình như tôi đã nói như vậy. Mọi người dãn sang hai bên tạo thành một đội danh dự. Đó là tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị – những người học trò ưu tú của Bác.

Khi Bác đã yên vị trên xe, tôi quan sát nhanh rồi ra lệnh: “Lên đường”. Chiếc xe nhẹ nhàng lăn bánh ra cổng Phủ Chủ tịch. Lúc đó, tất cả các xe đều giữ đúng vị trí, giữ đúng cự ly. Đoàn xe hộ tống Bác qua các phố Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tông về 75A. Trên xe chỉ huy, tôi quan sát thấy phố phường Hà Nội vẫn bình yên, cuộc sống vẫn ồn ào, sôi động trong ngày Quốc khánh. Chưa ai biết một mất mát lớn lao, một nỗi đau khôn cùng đã đến với toàn dân tộc. Ở những ngã ba đường, tôi thoáng nhìn thấy các chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ, họ đứng nghiêm khi đoàn xe đi qua. Nhìn ánh mắt những người lính, tôi hiểu rằng họ đang gửi lời chào vĩnh biệt Bác kính yêu. Là những người biết một cuộc chia ly lớn nhất trong lịch sử dân tộc đã tới, nhưng họ vẫn phải yên lặng, tỉnh táo. Họ là những chiến sĩ cảnh vệ đang bảo vệ cho một chuyến đi của lãnh tụ. Họ không được rời vị trí, không được để lệ rơi.

Khi xe dừng lại trước Công trình 75A, mọi người ùa ra đón. Tôi chỉ kịp nhảy xuống xe báo cáo với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài: “Thưa các anh! Bác đã tới”.

Tôi đã nhiều lần được bảo vệ, tiếp cận Bác trong những chuyến đi công tác, nhưng chưa bao giờ có chuyến đi nào buồn đến như vậy. Suốt chặng đường từ Phủ Chủ tịch đến 75A, tôi luôn cắn răng tự nhủ với mình: “Không được khóc! Không được rơi nước mắt”. Nhưng lúc này, sau khi làm biên bản khám nghiệm xong, các chuyên gia y tế của Liên Xô và của Tổ y tế đặc biệt bắt đầu đưa thi hài Bác vào buồng đặc biệt thì tôi không sao kìm nén được nữa.

Trong buồng đặc biệt lúc đó có đoàn chuyên gia y tế Liên Xô, các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt, anh Phùng Thế Tài và tôi lui tới ra vào theo dõi tiến trình công việc để báo cáo kịp thời với các đồng chí lãnh đạo, đồng thời cũng làm nhiệm vụ chăm sóc các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam.

Nội dung và yêu cầu chung của khoa học giữ gìn lâu dài thi hài là:

– Phải giữ được những nét đặc trưng của thi hài Bác như khi Người còn sống.

– Phải giữ thi hài được lâu dài.

– Phải đảm bảo được yêu cầu có thể để đông đảo người tới viếng thăm trong điều kiện môi trường bình thường.

Theo chúng tôi được biết, khoa học giữ gìn thi hài với nội dung và yêu cầu như thế thì trên thế giới cho đến lúc đó chỉ mới có Liên Xô làm được.

Các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam đã từng là những nhà chuyên môn giỏi, được học tập, thực hành công tác giữ gìn thi hài trong hai năm có thể đảm đương nhiệm vụ, nhưng xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cao, từ tấm lòng yêu kính Bác nên Giáo sư Viện sĩ Iu.M. Lô-pu-khin, Viện sĩ X.X. Đê-bốp và Giáo sư I.N. Mi-khai-lốp đã trực tiếp làm công tác y tế giữ gìn thi hài Bác cùng với sự phụ giúp của hai bác sĩ là Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều – thành viên của Tổ y tế đặc biệt Việt Nam. Trong phòng im phăng phắc. Tôi như nghe được nhịp đập của trái tim mỗi người. Các đồng chí chuyên gia cũng rất xúc động. Sau khi mọi động tác chuẩn bị đã hoàn tất, mọi người đứng lặng trước Bác vài giây rồi đồng chí Iu.M. Lô-pu-khin mới ngẩng lên ra lệnh “bắt đầu”.

Có một điều đặc biệt là tuy tuổi cao, sức yếu nhưng hệ thống mạch máu của Người về cơ bản vẫn thông suốt đến các hệ thống mao mạch. Điều đó chứng tỏ sinh thời Người rất chăm chỉ rèn luyện thân thể. Đây cũng là một thuận lợi rất cơ bản cho công tác giữ gìn thi hài Bác. Bởi vì, để giữ gìn lâu dài, thi hài Bác phải được trau chuốt đến từng mao mạch. Đó là công việc hết sức tỉ mỉ. Các chuyên gia y tế Liên Xô đã làm công việc đó với một tấm lòng yêu thương, trân trọng lãnh tụ, với tinh thần khoa học rất cao và một tài năng tuyệt vời.

Sau này, mỗi khi ngoài trời đổ mưa là tôi lại có cảm giác ớn lạnh, rùng mình. Cuộc đời tôi tuy đã trải qua không ít những ngày gian khổ, hiểm nguy, trải qua không ít những đau thương, mất mát, nhưng chưa bao giờ tôi phải sống một ngày nặng nề, đau đớn đến vậy. Vào những ngày Bác mất, Hà Nội lúc nào cũng như bị đè nặng dưới một bầu trời u ám, sũng nước. Tin về nỗi đau lớn của dân tộc chưa được phép loan đi, nhưng dường như dần dần mọi người Hà Nội và cả cỏ cây thiên nhiên đều cảm được nỗi mất mát lớn lao đó.

Với tôi, ngày 2 tháng 9 năm 1969 là một ngày không thể nào phai mờ trong ký ức. Cũng từ ngày hôm đó, tôi hiểu ra rằng, nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, nhất là bảo vệ những di sản tinh thần của Người vẫn là một nhiệm vụ trọng đại của những người lính thuộc thế hệ chúng tôi và rồi chúng tôi sẽ phải giao lại nhiệm vụ thiêng liêng ấy cho các thế hệ mai sau. Nhiệm vụ của người bảo vệ vì thế không chỉ dừng lại ở một không gian, thời gian nhất định. Bác đã ra đi, nhưng những người lính cận vệ của Người luôn ở bên Người, luôn sẵn sàng hành động để bảo vệ những giá trị thiêng liêng mà Người để lại cho dân tộc, cho Đảng và cho cả nhân loại. Đó là điều quan trọng mà tôi đã nhận thức sâu sắc được trong ngày bi tráng ấy.

Thiếu tướng Trần Kinh Chi
Nguyên Tư lệnh, kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

bqllang.gov.vn

Advertisement