GS Hoàng Minh Giám kể về những ngày vận nước “nghìn cân treo sợi tóc” (P 9)

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946

(DVT.vn) – Hội nghị Fontainebleau thất bại. Bác Hồ ký với Moutet bản Tạm ước, rồi rời Toulon ngày 19/9/1946 cùng một số trí thức Việt kiều: Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước…

Về chương trình nghị sự, hai đoàn quyết định một chương trình gồm 5 điểm:

1- Vị trí của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, và quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước ngoài;
2- Liên bang Đông Dương;
3- Vấn đề thống nhất ba kỳ và trưng cầu dân ý;
4- Vấn đề kinh tế;
5- Dự thảo một hiệp ước.

Thành lập các tiểu ban:

1- Tiểu ban chính trị (gồm tất cả hai đoàn);
2- Kinh tế – Tài chính;
3- Văn hóa;
4- Quân sự;
5- Chương trình nghị sự.

Lâu đài Fontainebleau.

Ngày 13/7 bắt đầu thảo luận vấn đề 1.

Ngày 12. Bác mở Hội nghị báo chí để trình bày lập trường của Việt Nam. Bác nói: “Quan hệ giữa Pháp và Việt Nam phải do một Hiệp ước quy định.

Về kinh tế và văn hóa, chúng tôi tán thành một “liên kết” (association) với nước Pháp trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp (dans le cadre de l’Union Française).

Lý do tồn tại của Liên bang Đông Dương là sự cần thiết phải phối hợp các hoạt động (coordonner les activités) của Việt Nam, Lào và Campuchia. Nó phải chủ yếu là kinh tế (économique). Liên bang Đông Dương không được biến thành một Phủ toàn quyền trá hình (gouvernement général déguisé).

Nam bộ là đất của Việt Nam, là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Một cuộc trưng cầu ý dân (référandum) sẽ tốn kém lắm. Nếu chúng ta có thể thỏa thuận với nhau và miễn tổ chức trưng cầu ý dân thì tốt hơn. Nếu không thể miễn, thì chúng ta sẽ tổ chức một cách thành thực và thẳng thắn, và kết quả sẽ cũng thế thôi.

Phái đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946.

Người Pháp sẽ có quyền tiếp tục lập các xí nghiệp (entreprises), quyền tự do kinh doanh của họ sẽ giống như người Việt Nam…”

Ngay từ lúc các tiểu ban bắt đầu thảo luận các vấn đề ghi trong chương trình nghị sự, rõ ràng là quan điểm của hai bên xa nhau rất nhiều, nếu không muốn nói là trái ngược nhau.

Các tiểu ban làm việc một tuần, rồi hai tuần, rồi ba tuần, vẫn chưa kết thúc được vấn đề nào. Ngày 26/7, chính trưởng đoàn Pháp Max André đã phải thốt lên:

– Bao thời gian đã trôi qua! Các tiểu ban của chúng ta chưa “xây dựng” được gì cả? Vì sao?
Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nói thẳng:
– Cái gì cản trở chúng ta, làm cho chúng ta chưa kết luận được một điểm nào? Đó là sự thiếu lòng tin cậy.

Ngày 26/7, có tin d’Argenlieu đã có một hành động mới, nhằm phá hoại Hội nghị: Ông ta triệu tập một hội nghị sẽ họp ngày mồng 1/8 tại Đà Lạt; thành phần hội nghị đó gồm những đại biểu của Nam kỳ, Campuchia, Lào, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và những quan sát viên miền Nam Trung kỳ, để thảo luận vấn đề “Liên bang Đông Dương”.

Hôm đó, mở đầu buổi họp Tiểu ban chính trị, anh Đồng phản đối quyết định của Cao ủy Đông Dương, vì nó là một sự vi phạm Hiệp định 6/3 tiếp theo nhiều vi phạm khác, một chứng cớ “mới” của chính sách “việc đã rồi” mà “chúng tôi kịch liệt phản đối”.

Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và thiếu nhi Việt kiều.

Anh Đồng nhờ Max André chuyển lời phản đối đó cho Chính phủ Pháp, và mong được trả lời càng sớm càng tốt.

Ngày mồng 1/8, Tiểu ban nghiên cứu vấn đề Liên bang Đông Dương bắt đầu họp, anh Đồng đứng dậy và nói:

“Ngày 26/7, tôi đã nhờ ông trưởng đoàn Pháp chuyển một thư phản đối về việc triệu tập Hội nghị họp ngày hôm nay tại Đà Lạt. Chúng tôi vẫn chưa được trả lời. Lập trường của chúng tôi là:

Nêu vấn đề Nam bộ nam Trung bộ và Liên bang Đông Dương là do các nhà chức trách Pháp ở Nam kỳ quyết định, thì Hiệp định sơ bộ 6/3 không có giá trị, và Hội nghị Fontainebleau không có lý do tồn tại; nếu Hiệp định sơ Bộ 6/3 có giá trị, thì chỉ Hội nghị Fontainebleau có thẩm quyền để thảo luận vấn đề nói trên.

Vì lòng tự trọng, chúng ta phải chấm dứt tình trạng nhập nhằng này, và đình chỉ Hội nghị của chúng ta cho đến khi nào cái nhập nhằng đó chấm dứt”.

Thế là buổi họp chấm dứt. Và Hội nghị cũng chấm dứt bởi vì, sau đó, chỉ có những cuộc gặp và trao đổi ý kiến lẻ tẻ, không có cuộc họp giữa hai Đoàn. Bác quyết định sẽ rời nước Pháp ngày 14/8.

Ngày 8/8, Max André nói với ta: Hội nghị Đà Lạt do d’Argenlieu triệu tập ngày 1/8 chỉ để trao đổi ý kiến, không quyết định gì cả, và đề nghị Hội nghị Fontainebleau lại họp.

Bác quyết định hoãn ngày về nước, và ngày 12/8 tuyên bố với báo Libération: “Tôi không đặt điều kiện cho việc tiếp tục Hội nghị. Và ngày 15/8, Bác tuyên bố với báo Franc-Tireur: “Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong muốn”.

Trong lúc đó, cũng có những lời phát biểu “ngược dòng” của một số nhân vật Pháp như de Gaulle và Herriot.

De Gaulle cảnh cáo: “Có nguy cơ tan rã Liên hiệp Pháp”.

Herriot lên tiêng: “Nếu Liên hiệp Pháp không có quyền quyết định về vấn đề ngoại giao và quốc phòng của các thành viên, thì còn gì là Liên hiệp Pháp?”.

Bắt đầu từ ngày 3/9, ta và Pháp thỏa thuận cử một tiểu ban gồm bảy đại biểu: ba người Pháp (Pignon, Torel, Gouron) và bốn người Việt Nam (Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Trịnh Văn Bính, Dương Bạch Mai) dự thảo trong bảy ngày (3-10/9) một thỏa thuận về các vấn đề cơ bản là:

1- Độc lập của Việt Nam
2- Vấn đề ngoại giao
3- Vấn đề quân sự
4- Vấn đề Nam bộ

Nhưng sau bảy ngày, tiểu ban ấy không đi đến một thỏa thuận nào cả.

Thế là Hội nghị Fontainebleau đã kết thúc ngày mồng 10/9/1946, nếu không nói là ngày mồng 1/8/1946.

Đoàn ta rời Paris ngày 13/8 đi Toulon và ngày 16/8 xuống tàu Pasteur về nước.

Bác cũng về bằng tàu thủy, để có thể nghỉ ngơi. Chiếc tàu Dumont d’Urville mà Chính phủ Pháp dành cho Bác bị hư hỏng nhẹ, cần sửa chữa, cho nên Bác ở lại Paris thêm mấy ngày. Sáng 14/8, Bác gặp Moutet, trao đổi ý kiến về vấn đề ký một Tạm ước (Modus Vivendi), rồi Bác đi chào tạm biệt Bidault. Nửa đêm hôm đó, Bác gọi điện thoại cho Moutet, đến nhà ông ta, thảo luận thêm về nội dung bản Tạm ước, và ký bản đó với Moutet.

Nội dung bản Tạm ước không giải quyết cụ thể vấn đề nào cả, chỉ nêu những thỏa thuận về nguyên tắc mà những tiểu ban hỗn hợp (commissions mixtes) sẽ cụ thể hóa cách thức thực hiện. Như thế có nghĩa là cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, một hiệp định đầy đủ và dứt khoát (un accord total et définitif) sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán sắp tới, chậm nhất vào tháng 1/1947.
Bác rời Paris ngày 16/9 và ngày 19 rời Toulon về nước.

Ngày 18/10, d’Argenlieu đón Bác ở vịnh Cam Ranh, trao đổi ý kiến về vấn đề thực hiện bản Tạm ước.

Bác về đến Hải Phòng ngày 21/10/1946. Bác đã cử một phái đoàn đại diện Chính phủ ta tại Pháp, gồm: Hoàng Minh Giám (trưởng đoàn) và hai đoàn viên (Trần Ngọc Danh, Dương Bạch Mai).

Bác đã nhận một số Việt kiều tình nguyện về nước hoạt động, phục vụ đất nước: Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Đặng Chấn Liêu, Lâm Ngọc Huấn, Trần Đại Nghĩa…

(Còn nữa)

dvt.vn

Advertisement