GS Hoàng Minh Giám kể về những ngày vận nước “nghìn cân treo sợi tóc” (P 8)

(DVT.vn) – D’Argenlieu muốn chủ trì Hội nghị Fontainebleau nhưng không thành. Sainteny định hạn chế các hoạt động của Bác Hồ nhưng thất bại. Nhiều tờ báo Pháp tỏ thiện cảm với Bác.

Bác dành thì giờ tiếp các nhà kinh doanh Pháp. Họ chăm chú nghe Bác trình bày chủ trương của ta là tôn trọng quyền lợi kinh tế của Pháp và muốn được sự giúp đỡ về kinh tế, kỹ thuật của Pháp để khắc phục tình trạng lạc hậu của đất nước. Họ đặt nhiều câu hỏi cụ thể, và tỏ ra hoan nghênh những lời giải thích của Bác.

Sau này, trong quá trình Hội nghị Fontainebleau, Bác tổ chức những cuộc họp báo, hoặc tiếp riêng phóng viên của một số trong những tờ báo cánh tả, ủng hộ ta như: Giải phóng (Libération), Chiến đấu (Combats), Người du kích (Franc-Tireur), Dân chúng (Le Populaire), Nhân đạo (L’Humanité), để trình bày lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề đang tranh luận ở Hội nghị. Ảnh hưởng của Bác về mặt tranh thủ dư luận là rất lớn.

Lâu đài Fontainebleau gần thủ đô Paris.

Phóng viên các báo đến rất đông, mỗi khi Bác triệu tập, vì họ rất thích nghe những lời giải thích, những tuyên bố của Bác. Họ nhận thấy trong đó bản chất cao thượng của một lãnh tụ có tầm vóc khác thường, nhưng rất khiêm tốn, có lúc dí dỏm, và luôn luôn có sức thuyết phục lớn.

Một hôm, một nhà báo hỏi:

– Thưa Chủ tịch, xin cho phép tôi hỏi một câu về đời tư của ngài: Trong cuộc đời đấu tranh cách mạng, ngài đã bị ở tù bao lâu?

Bác trả lời:

– Đấu tranh cách mạng, bị bắt vào tù, đó là việc khó tránh. Và sống trong nhà tù, thì thời gian bao giờ cũng là lâu cả (en pison, le temps est toujours long!). Mọi người đều cười, và câu chuyên chuyển sang vấn đề khác.

Phía Pháp muốn hạn chế hoạt động của Bác, nhưng thất bại. Sainteny kể rằng Chính phủ Pháp đã giao cho ông ta nhiệm vụ đó, nhưng vì Bác không phải là một thành viên của Đoàn, Bác là khách của Chính phủ Pháp, và có rất nhiều người Pháp ủng hộ tích cực, cho nên ông ta đã chịu thất bại.

Phía Pháp tưởng rằng việc họp Hội nghị ở Fontainebleau (cách Paris 60 km) sẽ giảm ảnh hưởng của Hội nghị đối với dư luận. Họ đã thất bại, một phần lớn do hoạt động khôn khéo và uy tín rất lớn của Bác.

Về thành phần Đoàn Pháp, ngoài một số người đã dự Hội nghị Đà Lạt (Pignon, Torel, Gouron, Messmer…) có thêm một số người chuyên môn và kỹ thuật, và đặc biệt có thêm ba nghị sĩ là: Jugias (Đảng MRP), Lozeray (Đảng Cộng sản) và giáo sư Paul Rivet (Đảng SFIO). Nghị sĩ MRP và nghị sĩ cộng sản không có hành động gì đặc biệt, Nghị sĩ SFIO thì khác hẳn.

Bác Hồ và Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng ở Pháp.

Ngày mồng 5/7 (một ngày trước ngày Hội nghị Fontainebleau bắt đầu), Đoàn Pháp họp để nghe đoàn trưởng phổ biến lập trường của Chính phủ Pháp trong vấn đề Việt Nam. Lúc buổi họp kết thúc, giáo sư Paul Rivet nói với trưởng đoàn:

– Ngày mai, tôi sẽ không đến Hội nghị.

Trưởng đoàn ngạc nhiên hỏi:

– Vì sao?

Paul Rivet trả lời:

– Tôi từ chức.

Ngay tối hôm đó, Paul Rivet viết thư cho Moutet, bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại: “Tôi đã từ chối tham dự Hội nghị Fontainebleau, vì tôi không muốn là một người bị lừa dối, một con tin, một kẻ đồng lõa (Je ne veux eetre ni dupe, ni otage, ni complice). Tôi đã thấy một ý đồ mà tôi không thể nào chấp nhận: tổ chức một hội nghị không phải để làm cho nó thành công, mà trái lại, để làm cho nó thất bại”.

Trưởng đoàn Pháp là Max André, nguyên trưởng Đoàn Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt, một đảng viên MRP, ủy viên Hội đồng quận Seine đã được Edmond Michelet giới thiệu với de Gaulle, và tháng 1/1946 đã được cử sang Đông Dương nghiên cứu tình hình, được gặp Bác Hồ ngày 21/1. Không biết khi trở về Pháp, ông ta đã báo cáo như thế nào. Một số cán bộ của ta nói rằng ông ta gửi cho Bác một bức thư rất “láo xược”. Bản thân tôi không được đọc bức thư đó. Sau này tôi có đọc một bài phát biểu của Edmond Michelet nói rằng ông ta rất tiếc đã giới thiệu Max André với de Gaulle: “Bidault và tôi đã tín nhiệm anh ấy. Đó là một sai lầm. Nếu chúng ta cử một người khác vào vị trí của anh ấy thì tình hình đã chuyển biến theo một hướng khác”.

Đoàn ta gồm một số đại biểu đã dự Hội nghị trì bị Đà Lạt (Trịnh Văn Bính, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Dương Bạch Mai…), một số đại biểu mới (Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Phan Anh…), một đại biểu Việt kiều sống tại Pháp: Bửu Hội… Trưởng đoàn là Phạm Văn Đồng.

Ngày 6/7/1946, Hội nghị Fontainebleau khai mạc. Có hai sự cố:

1-D’Argenlieu ngỏ ý muốn “chủ trì” Hội nghị. Đoàn ta không đồng ý. Nhưng đoàn Pháp nói rằng ông đô đốc không chịu từ bỏ tham vọng của mình và đang chuẩn bị đến hội trường. Chúng tôi cảnh cáo rằng nếu ông ấy đến thì chúng tôi sẽ không dự buổi họp. Sau một thời gian chờ đợi, Max André cho biết: “Đô đốc sẽ không đến vì lý do sức khỏe”.

2- Buổi khai mạc bắt đầu bằng một diễn văn ngắn, chào mừng và chúc mừng, vô thưởng vô phạt của Max André. Diễn văn của trưởng đoàn ta thì khác hẳn, lên án những hành động của phía Pháp đã vi phạm Hiệp định sơ bộ 6/3: không đình chỉ chiến sự, đã đánh chiếm vùng cao nguyên Plây-cu – Kon-tum chiếm phủ toàn quyền cũ, và nghiêm trọng hơn cả là sự lập ra một chính phủ bù nhìn ở miền nam Việt Nam. “Nếu coi Hiệp định sơ bộ 6/3 chỉ là một phương tiện để có thể kéo quân vào bắc Việt Nam, để đẩy mạnh chiến tranh ở miền nam Việt Nam, buộc chúng tôi chấp nhận “những việc đã rồi”, thì không thể nào đi đến một sự thỏa thuận hòa bình và hữu nghị mà hai dân tộc chúng ta đều mong ước”.

Bài diễn văn của anh Đồng không làm cho đoàn Pháp vui lòng, nó thật là một sư “tiến công” bất ngờ, gây xôn xao dư luận. Những người thuộc giới thực dân, phái hữu, tất nhiên không thỏa mãn. Nhưng những người tiến bộ, những người có khuynh hướng dân chủ thì ủng hộ, tán thành bài diễn văn “không ngoại giao”, nhưng chân thật và đúng đắn đó…

(Còn nữa)

dvt.vn

Advertisement