Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ: Phần cuối

Hồ Chí Minh và những người chung quanh

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Pháp.

(DVT.vn) – Luôn khát khao hòa bình, luôn tôn trọng các dân tộc, tôn giáo, con người và lúc nào cũng nổi bật văn hóa Việt Nam, đó là con người Hồ Chí Minh.

Không nên quên rằng, Hồ Chí Minh sinh năm 1890 không phải từ thời thơ ấu đã được nuôi dưỡng ngay bằng các lý thuyết xã hội chủ nghĩa nhằm làm đảo lộn cấu trúc toàn thế giới. Và sau đó, khi đã trưởng thành, ông có nghiên cứu, thấm nhuần nhưng đều là tự học. Ngược lại, từ lúc thiếu thời ông đã được dạy dỗ theo cách cổ truyền.

Nền văn hóa truyền thống mà ông được học từ lúc còn sống trong gia đình, cộng với nền văn hóa đại cương mà ông hấp thụ sau đó trong những chuyến đi xa tới nhiều nước, nhất là ở Pháp, đủ để phát triển trong ông khả năng phân tích, tạo cho ông sự mềm dẻo và tính thích tò mò nghiên cứu để vận dụng suốt đời. Ông đã đến với các lý thuyết mác-xít không phải từ mảnh đất chưa được học hành gì. Học thuyết mác-xít đã chinh phục ông khiến ông trở thành người truyền bá nhưng không phải vì thế mà ông không phân tích để vận dụng. Trước hết ông là người thực tiễn, ông luôn luôn vận dụng cẩn thận lý luận vào hoàn cảnh thực tế, đặc biệt là trong hoàn cảnh Việt Nam, có những đặc điểm cần chú trọng.

Thật vậy, tôi xin nhắc lại là, Hồ Chí Minh luôn công nhận chỉ có lý luận của những bậc thầy tư tưởng của ông mới tạo điều kiện thắng lợi cho con đường ông đã vạch ra để đạt tới mục tiêu, nhưng ông cũng hiểu rằng cần phải tôn trọng những khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam và lúc nào cũng phải bám giữ tính chất Việt Nam. Ngay cả trong vấn đề này, ông đã nhìn đúng. Có thể đưa ra nhiều thí dụ trong lĩnh vực tôn giáo, văn hóa, giáo dục, học tiếng nước ngoài… Hồ Chí Minh đều có chính sách thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam.

Về đặc tính cá nhân, Hồ Chí Minh không hề thay đổi chút nào tác phong của mình. Dù đã lên tới tột đỉnh quyền lực, uy tín tỏa ánh hào quang chiến thắng, những điều đó đều không ảnh hưởng tới cá tính của ông. Cho mãi tới lúc này, ông vẫn còn giữ lại được một vẻ khiêm tốn bẽn lẽn thời thanh niên khi dự hội nghị thành Tours, dược Vaillant Contutier mời “đại biểu Đông Dương” lên phát biểu, hoặc khi Le’o Poldès làm cho ông trở thành nhân vật rất được chú ý tại Câu lạc bộ ngoại thành Paris. Tôi cũng đã được nhìn thấy thái độ cư xử của ông lúc giáp mặt với Leclerc, d’ Argenlieu, Goerges Bidault, Marius Moutet… đều như nhau, cũng như những lúc ông đối diện những nhân vật lẫy lừng đến thăm ông tại Hà Nội như Khroutchev, Nehru, Mikoyan, Cyrankievicz… Tôi nghĩ, đó cũng là đặc điểm của sự nhã nhặn châu Á, khiêm tốn, không phô trương.

Tôi còn nhớ, trong chuyến thăm chính thức nước Pháp, sau khi dự tiệc chiêu đãi tại tòa thị chính Paris, ông đã cầm một quả cam rồi đưa cho một bé gái đầu tiên trong đám đông đứng hoan nghênh ông phía dưới bậc thềm ngoài cổng. Người ta có thể cho rằng đây là một cử chỉ nhằm thu hút sự chú ý của quần chúng Paris. Thế nhưng, trong bữa cơm thân mật tổ chức tại Phủ Chủ tịch, chỉ có hai vợ chồng tôi và ông Phạm Văn Đồng được ông mời đến, ông cũng cầm mấy quả quýt đưa tặng vợ tôi. Đó là ông nhằm ý định gì? Nhất định không phải để cảm hóa tôi, bởi vì tôi biết ông rất rõ. Đây có thể chỉ là phản xạ tự nhiên thừa hưởng từ những truyền thống cổ xưa của nhân dân Việt Nam, tức là dù quà tặng nhỏ bé đến đâu, thái độ cho quà vẫn quý hơn giá trị tăng phẩm. Đây có thể là biểu hiện ông hoan nghênh vợ tôi từ Pháp mới đến Hà Nội.

Chúng tôi được biết, cũng như ông, tất cả các bộ trưởng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong khi tiếp khách thì tiếp tại những dinh thự cũ của Pháp, nhưng khi trở về nhà lại sống một cách đơn giản nhất, trong những biệt thự chẳng một chút xa hoa lộng lẫy nào.

Trở lại thái độ của Hồ Chí Minh đối với các tín đồ Thiên chúa giáo nói chung. Ở đây lại càng nổi bật nhân cách của Hồ Chí Minh và sự thức thời trong chính trị của ông. Chắc hẳn, trong khi công bố chính sách tự do tín ngưỡng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi muốn chứng minh chính sách tôn trọng tự do đã được ban hành. Không nên coi nhẹ sự kiện là từ thế kỷ 16, từ lúc bắt đầu truyền đạo, đến lúc này tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đã có hơn một triệu con chiên ngoan đạo. Nhưng năm 1954, một nửa số này do Ngô Đình Diệm xúi giục và liên tục lôi kéo, đã di cư vào miền Nam vì lo sợ Việt Minh. Nhưng vẫn còn có tới năm hoặc sáu nghìn tín đồ Thiên chúa giáo chọn con đường ở lại miền Bắc, bất chấp những hành động cưỡng ép di cư.

Hồ Chí Minh hiểu là phải tin tưởng ở những người chấp nhận luật pháp Việt Nam mà vẫn không từ bỏ tín ngưỡng của mình. Phạm Văn Đồng trong khi nói chuyện với tôi về tương lai của đất nước mình cũng tỏ ra rất bất bình trước việc cưỡng ép di cư các tín đồ Thiên chúa giáo và khẳng định với tôi, một khi nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất cũng như hiện nay, sẽ không bao giờ có chuyện đàn áp tôn giáo.
Về phần tôi, cũng phải nói rằng, trong khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh không một lần nào tôi thấy ông biểu lộ một chút gì tỏ vẻ bài xích, bi quan hoặc châm biếm đối với bất cứ một tôn giáo nào. Tôi không thể nào quên, trong cuộc hành trình đi Pháp năm 1946, trong chặng tạm dừng chân chờ đợi ở Biarritz, khi tôi sắp xếp chương trình giải trí cho ông, ông đã đề nghị tổ chức cho ông tới thăm Viện bảo tàng … tôn giáo ở Lourdes. Khi tới thăm, ông đã tỏ ra rất tò mò, muốn hiểu biết, rất lịch sự, rất tôn trọng Tổng giám mục Theas là người tiếp đón ông.

Cũng phải nhắc lại, trong thư gửi tôi đề ngày 24 tháng 2 năm 1947 ông Hồ đã tỏ ý cầu mong “Thượng đế phù hộ chúng ta”, dường như muốn lấy Đức Chúa Trời làm nhân chứng, rằng cả ông lẫn tôi đều không ai phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột ác liệt từ ngày 19 tháng 12 năm 1946.

Cuối cùng, thật là thích thú khi được biết, trong bản di chúc của mình, nhà duy vật chủ nghĩa này đã viết: “Tôi để sẵn sàng mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Quả là lời tuyên bố rất ngạc nhiên của một người theo chủ nghĩa vô thần. Nhưng cũng nên hiểu, ở Viễn Đông quan niệm “vô thần” có ý nghĩa khác với chúng ta thường nghe ở châu Âu.

Trong những năm 1954, 1955 và cả những năm tiếp theo, nhà cầm quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong các dịp lễ Toussaint và Noel đều thể hiện sự quan tâm đến nguyên tắc tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng. Từ trưa ngày 24 tháng 12 năm 1955 đã tuyên bố đây là ngày lễ của giáo dân, các tín đồ được tiến hành các nghi thức tôn giáo một cách nồng nhiệt và đông đảo trong đêm hôm đó. Năm 1955, trong thư gửi giáo dân Việt Nam, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Trong đêm Noel hòa bình thứ hai này, đồng bào ta ở miền Bắc có thể tự do cầu nguyện Đức Chúa Trời vì quân địch không còn chiếm đóng nhà thờ, giết hại dân lành nữa”. Lãnh tụ Việt Minh còn so sánh hoàn cảnh giáo dân được ở lại miền Bắc với đồng bào bị cưỡng ép di cư vào Nam đang “tưởng nhớ tới xóm làng quê hương”. Ông kêu gọi “giáo dân hai miền đấu tranh cho hòa bình và thống nhất”.

Cùng với việc tuyên truyền, giác ngộ giáo dân mà đích thân Hồ Chí Minh tiến hành, còn thành lập “Ủy ban liên lạc giáo dân yêu nước” nhằm đấu tranh cho thống nhất là “ý chí kiên quyết của nhân dân hai miền Nam Bắc”.

dvt.vn

Advertisement