Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ: Phần 4

Hồ Chí Minh và Hội nghị Fontainebleau

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cung điện Versailles ngày 3/7/1946.

(DVT.vn) – Sau cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh với đô đốc d’Argenlieu trên vịnh Hạ Long, hai bên thỏa thuận thông báo cho công chúng biết nội dung cuộc hội đàm.

Văn bản liên quan đến cuộc hội đàm được soạn thảo rất công phu. Hồ Chí Minh đòi phải ghi rõ Paris đã được chọn làm địa điểm họp hội nghị. Sau nhiều lần ngần ngại và nhiều cuộc trao đổi giữa Hà Nội với Sài Gòn, cuối cùng văn bản này được hai bên đồng ý và được truyền đi qua báo chí và hệ thống truyền thanh.

Thông Cáo

Sau cuộc họp ngày 24 tháng 3 năm 1946 giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đô đốc d’Argenlieu,Cao ủy Pháp ở Đông Dương, những điều dưới đây đã được hai bên thỏa thuận:

Một – Trong thời hạn nhanh nhất, tức ngay sau khi hoàn thành các thủ tục quá cảnh, tức vào khoảng nửa đầu tháng 4, một phái đoàn hữu nghị gồm mười đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ đi Paris, chuyển tới Quốc hội Pháp lời chào anh em của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hai – Cũng trong thời hạn đó, một hội nghị trù bị sẽ mở tại Đà Lạt, giữa một bên là đoàn đại biểu Pháp gồm 12 thành viên, đặt dưới sự chủ tọa của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, một bên là đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 12 thành viên, đặt dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Chính phủ hoặc đại diện Chủ tịch.

Ba – Hội nghị trù bị này sẽ hoàn thành mọi việc chuẩn bị để một đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể lên đường trong thời hạn ngắn nhất, tức vào khoảng nửa cuối tháng 5 để khai mạc hội nghị chính thức tại Paris.

Nếu những ý đồ của Sài Gòn đã được bảo vệ, tức là phải có một hội nghị trù bị tại Đà Lạt trước khi mở hội nghị chính thức tại Paris, thì phía Việt Nam cũng hài lòng do hội nghị sẽ được tiếp tục tại Paris như đã ghi rõ trong diểm 3. Trên thực tế, chúng tôi cho rằng Hội nghị Đà Lạt không chỉ chuẩn bị cho Hội nghị Paris mà còn giải quyết đầy đủ các vấn đề, để cho các cuộc hội đàm tại Paris chỉ giới hạn trong việc long trọng ký kết những thỏa thuận đã được ghi rõ tại Đà Lạt và được đề cập trong buổi lễ ký chính thức.

Về đoàn đại biểu gọi là “phái đoàn hữu nghị”, sự thỏa thuận cũng đạt được rất nhanh chóng. Những người đề nghị được cử đi rất đông. Việc thành lập danh sách xuất phát từ nhiều đòi hỏi của phía Việt Nam (Các thành phần trong đoàn đại biểu hữu nghị của Việt Nam gồm có: Phạm Văn Đồng, Trưởng phái đoàn, Trần Ngọc Danh, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Luân, Trịnh Quốc Quang, Tôn Đức Thắng, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tích Trí, Nguyễn Tấn Gi Trọng).

Tôi cũng đã được quyết định trở về Pháp để chuẩn bị chuyến đi cho phái đoàn hữu nghị này và cũng để gặp lại Hồ Chí Minh khi ông đến Pháp. Tôi còn được cử vào một phái đoàn thông tin bên cạnh Chính phủ Pháp, có nhiều thông báo kịp thời những diễn biến ở Bắc Đông Dương cho chính phủ biết.

Cuối tháng 4, đoàn đại biểu hữu nghị Việt Nam rời Hà Nội, bay qua Calcutta tới Paris.

Ngày 30 tháng 4, tôi phát biểu trên đài phát thanh, cố giải thích, để mọi người nghe hiểu rằng chúng tôi vừa mới thoát khỏi vực thẳm khủng khiếp ở Bắc Đông Dương, và nếu quyết tâm thực hiện một cách rõ ràng, thẳng thắn, ta sẽ đạt được một thỏa hiệp thật sự trong tương lai.

Tôi quan niệm như đã từng dự kiến từ mười tháng trước, biết bao khó khăn phải trải qua, để có thể đạt được Hội nghị Paris tầm vóc rộng lớn của vấn đề.

Đoàn đại biểu hữu nghị của Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Paris ngày 26 tháng 4 đã được các đại biểu quốc hội và nhiều nhân vật cấp cao của Pháp tiếp đón, và đã trở về ngày 16 tháng 5. Thời gian đoàn ở Pháp không nhằm mục đích nào khác là tiếp xúc với nhiều giới, do đó đã thực hiện một loạt dài các cuộc gặp gỡ, chiêu đãi thân mật.

Riêng Phạm Văn Đồng vẫn ở lại Paris để tham gia Hội nghị Fontainebleau.

Giữa khoảng thời gian này, ngày 31 tháng 5 Hồ Chí Minh có tướng Salan đi cùng, đã cùng với các nhà thương lượng Việt Nam rời Hà Nội lên đường đi Paris. Nhưng nội các Gouin vừa bị đổ và Georges Bidault được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Việc chưa có chính phủ giữa lúc Hồ Chí Minh đến Pháp khiến cho chúng tôi phải buộc hai máy bay chở ông và các cộng sự viên của ông chuyển hướng tới Biarritz, là nơi các vị khách của chúng ta chờ đợi sau khi thành lập xong chính phủ mới sẽ chính thức được đón tiếp tại Paris.

Trong một buổi được mời tới tham dự một cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, tôi được Chủ tịch Bidault giao nhiệm vụ tổ chức lịch trình cho những ngày Hồ Chí Minh ở Pháp. Cũng đã có quyết định, Chủ tịch Việt Nam và tôi không tham dự đàm phán ở Fontainebleau. Hai bên thỏa thuận, mọi cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Pháp đều qua tôi liên lạc. Điều lệ này giai đoạn đầu được tôn trọng nhưng sau đó đã bị phá vỡ một cách nguy hiểm. Hồ Chí Minh đã vượt lên trên đầu tôi, để làm mọi việc mà đáng lẽ tôi thấy cần phải từ chối, bởi vì tôi có những lý do đúng để làm như vậy.

Ngày 12 tháng 6, Hồ Chí Minh và những người cùng đi tới Biarritz. Ngay buổi tiếp xúc đầu tiên, tôi cảm thấy ông có vẻ bực mình. Ông nói thẳng với tôi, ông có thể quay lại Bắc Kỳ. Đối với ông, cuộc hội nghị đã dự kiến đến nay có vẻ như vô ích, bởi vì nước Pháp đã đơn phương đi ngược lại những thỏa thuận trong Hiệp định ngày 6 tháng 3, tự ý định đoạt số phận của Nam Kỳ. Ông liên tưởng tới việc ngày 1 tháng 6, giữa lúc ông đang bay trên vùng trời Trung Đông thì được tin nước Cộng hòa tự trị Nam Kỳ tuyên bố thành lập.

Quyết định này là nhằm đáp ứng với một bộ phận đòi ly khai của dân chúng Sài Gòn, đồng thời chỉ là một giải pháp quá độ, đã bị Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Việt Nam rất nhạy cảm với bất cứ điều gì động chạm đến sự thống nhất của ba kỳ, coi như “một chuyện đã rồi” không thể nào chấp nhận được. Sự kiện này được lực lượng chống đối ở Việt Nam khai thác, nói rằng nước Pháp “một lần nữa đã không tôn trọng những điều họ cam kết”, Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam vừa mới đi xa, vậy mà Pháp đã lợi dụng sự vắng mặt của họ, lợi dụng việc quân Pháp trở lại Bắc vĩ tuyến 16, để núp dưới bóng quân đội Pháp thiết lập lại những quyền lợi của Pháp ở Đông Dương, Hiệp định ngày 6 tháng 3 chỉ là một trò bịp v.v…

Tôi đã phải giải thích rất lâu với Hồ Chí Minh và những người cùng đi rằng quyết định này chỉ là tạm thời và không cản trở gì hết đến tương lai của Nam Bộ. Văn bản tuyên bố thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị đã ghi rõ, việc thành lập chính phủ này là: “Sự chờ đợi kết quả của việc trưng cầu ý dân trong tương lai, như Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 đã ấn định”. Cuộc trưng cầu ý dân dự kiến trong Hiệp định Sơ bộ sẽ được tiến hành đúng lúc. Đến lúc đó sẽ duy trì hay hủy bỏ quyết định thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị, tùy theo ý nguyện của dân chúng. Những lời trình bày này có vẻ đã tạm yên lòng Chủ tịch và những người cùng đi.

…Ở Hà Nội vẫn còn có Võ Nguyên Giáp được coi như một nhân vật đáng gờm nhất. Nhân vật hùng mạnh này đã chế ngự hội nghị trù bị tại Đà Lạt khai mạc ngày 18 tháng 4 dưới sự chủ tọa của đô đốc d’Argenlieu. Nguyễn Tường Tam dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao.

Tại Đà Lạt, mọi người đã thừa nhận rằng việc “trang bị” cho cái khung của Hiệp định ngày 6 tháng 3 thật là rất khó khăn. Mặc dù bầu không khí thân ái bao trùm hội nghị nhưng đến ngày 11 tháng 5 đã phải kết thúc bằng một thất bại gần như hoàn toàn.

Trong khi đó, tại Biarritz, Hồ Chí Minh cùng với sĩ quan tùy tùng là đại úy Huỳnh và Hoàng Minh Giám là một cộng sự viên trung thành, cùng đến ở tại khách sạn Carlton. Đó cũng là nơi tôi đến ở cùng với hai trong số cộng sự viên của tôi là Louis Fauchier Magnan và Philippe Quennouelle.

Trong thời gian chờ đợi, Chủ tịch của Việt Nam nghỉ mát trên bờ biển xứ Basque. Ông đi tìm hiểu xứ sở này, chơi bài, dự chiêu đãi, câu cá, thăm viện bảo tàng Lourdes v.v… Hồ Chí Minh đã trở lại vui vẻ, tươi cười. Ông vẫn nhã nhặn, giản dị như xưa nay vốn thế. Ông quan tâm đến tất cả mọi thứ, nói chuyện thân mật với dân cày, dân chài, làm họ ngạc nhiên vì ông tuyệt đối không say sóng biển. Nhiều người Việt Nam sinh sống tại Pháp đến thăm ông. Không khí trở lại bớt căng thẳng. Nhưng điều đó vẫn không ngăn được Bộ trưởng Không quân đi cùng với hai hoặc ba nghị sĩ cộng sản trách chúng tôi về những điều kiện không thoải mái của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang bị “giữ chân” tại Biarritz. Nhưng Hồ Chí Minh tỏ ra có nhã ý không phàn nàn về sự đón tiếp chậm trễ tại Paris. Ông tuyên bố là ông rất vui khi được nghỉ tại bờ biển xứ Basque.

Cuối cùng, chính phủ đã ấn định chương trình đón tiếp chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ 22 tháng 6 đến 4 tháng 7. Sáng 22, chúng tôi rời Parme-Biarritz bay đến sân bay Bourget ở Paris. Hôm đó thời tiết đẹp. Cảm thấy thời gian còn sớm, tôi cho máy bay lượn nhẹ một vòng để các vị khách ngắm những lâu dài Loire từ trên cao. Chuyến bay du lịch này làm tôi nhớ lại hàng loạt chuyến bay nhiều vô kể dể chụp ảnh trên không mà tôi đã tiến hành ở chính nơi đây trong thời kỳ tôi theo học khóa sĩ quan thám không ở Tours, trước khi chiến tranh bùng nổ ít ngày. Về phần Hồ Chí Minh trong khi bay trên thành phố này, không biết ông có nhớ rằng năm 1920 ông đã dự hội nghị thành Tours cùng với Marcel Cachin và hội nghị này đã khai sinh ra Đảng Cộng sản Pháp không.

Đến 16 giờ, chúng tôi tới vùng trời Paris. Sân bay Bourget đen nghịt người. Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet và nhiều quan chức dân sự, quân sự thay mặt Chính phủ Pháp ra đón. Trên sân ga hàng không, phấp phới tung bay những lá cờ Pháp và Việt Nam. Tôi liếc nhìn vị khách của chúng tôi. Nét mặt ông lộ rõ vẻ xúc động. Cặp mắt ông sáng ngời. Cổ họng ông như nghẹn ngào muốn nói câu gì đó.

Máy bay hạ cánh rồi đứng im trên đường băng. Quốc thiều Pháp và Quốc thiều Việt Nam lần lượt vang lên. Hồ Chí Minh đứng nghiêm, chiếc mũ cát cầm trong tay. Liệu ông có nghĩ rằng, hai mươi ba năm trước đây, ông đã rời mảnh đất này của Pháp ra đi để rồi hôm nay nước Pháp lại nghênh đón ông như một nguyên thủ Quốc gia?

Chuyến đi thăm chính thức của Hồ Chí Minh được ghi trong chương trình nghi lễ bằng một loạt hoạt động chính thức vẫn thường dành cho thượng khách. Mọi người nhìn thấy Chủ tịch của Việt Nam tới thăm Khải Hoàn môn, Cung điện Versailles, Tòa Thị chính, lăng tẩm Mont-Valérien, xem biểu diễn tại Nhà hát lớn, đặt vòng hoa tại Đài tượng niệm các binh sĩ Đông Dương tử trận trên đất Pháp, được chôn cất tại nghĩa trang Nogent… Chiếc xe chở Chủ tịch có môtô hộ tống xuất hiện liên tục trên các đường phố thủ đô Pháp.

Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều buổi tiếp khách, chiêu đãi, và họp báo tại khách sạn Royal Monceau, là nơi ông nghỉ cùng với nhiều người cùng đi. Các nhà báo và các nhà hoạt động chính trị, đại biểu quốc hội, doanh nghiệp thường tới gặp Hồ Chí Minh. Bầu không khí bao trùm những cuộc gặp đó rất thân mật. Hình như đã tìm lại được khí hậu thuận lợi cho cuộc đàm phán.

Ngày 6 tháng 7, hội nghị Fontainebleau bắt đầu làm việc, các đoàn đại biểu có mặt tại Fontainebleau bao gồm:

Đoàn đại biểu Pháp: – Chủ tịch: Max André. Các thành viên: Juglas, Lozeray, Baudet, tướng Salan, đô đốc Barjot, Pignon, Torel, Bayen, Messmer, Gonon, Bourgoin, d’Arcy, Gayet, Bousoquet.

Đoàn đại biểu Việt Nam: Chủ tịch: Phạm Văn Đồng. Các thành viên: Trịnh Văn Bính, Tạ Quang Bửu, Dương Bạch Mai, Chu Bá Phượng, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Huyên, Huỳnh Thiên Lộc, Phạm Khắc Hòe, Hoàng Minh Giám. Các chuyên viên: Nguyễn Độ, Hoàng Văn Đức, Vũ Trọng Khánh, Hồ Đắc Liên, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Đắc Khê.

Cả hai đoàn đều ăn ở tại những khách sạn ở Fontainebleau. Các phòng làm việc được bố trí tại một cánh của tòa lâu đài. Người ta có thể nhận thấy ngay trong “tuần trăng mật” mới mẻ này xuất hiện nhiều bất đồng hơn hòa đồng. Phạm Văn Đồng là Chủ tịch đoàn đại biểu Việt Nam đã thay đổi thái độ khác với hai tháng trước, khi dẫn đầu phái đoàn hữu nghị.

Với những lời lẽ cứng rắn đôi khi gay gắt, Phạm Văn Đồng phản ánh tâm trạng của các đại biểu Việt Nam. Những đại biểu này không che giấu sự lo ngại bị lừa bịp bởi một chính sách nhiều mưu mô của phía Pháp.

Tôi đã viết rằng, bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 nếu đã dẫn đến việc kết thúc sự chiếm đóng của đội quân Lư Hán, việc quân đội Pháp trở lại Đông Dương với việc đặt một nước Việt Nam tự do vào khối Liên hiệp Pháp thì cũng mới chỉ vạch ra những nét đại cương cho một sự thỏa hiệp. Cần phải có thêm những hiệp nghị riêng cho từng lĩnh vực, với những chi tiết cụ thể hơn.

Hội nghị trù bị Đà Lạt, như đã thấy đã không đạt được một tiến bộ nào, không ký kết được điều gì sau khi đã ký Hiệp định Sơ bộ tại Hà Nội. Cũng dễ hiểu khi cho rằng tại Hội nghị Fontainebleau vẫn còn tồn đọng những trở ngại chính cần vượt qua, đặc biệt là:

– Sự hợp nhất ba “kỳ”, tức là sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam.

– Vấn đề thuế quan (chính từ vấn đề này mà bốn tháng sau đã xảy ra cuộc xung đột đẫm máu của sự cố không thể nào dàn xếp được tại Hải Phòng).

– Vấn đề đại diện ngoại giao. Nước Pháp muốn đặt Liên bang Đông Dương trong khối Liên hiệp Pháp, chủ trương không để cho Việt Nam được quyền tự chủ trong quan hệ quốc tế, trong khi đó Việt Nam lại muốn được toàn quyền độc lập trong việc đàm phán và ký hiệp ước với nước ngoài.

– Vấn đề tiếng Pháp: nước Pháp muốn ngôn ngữ Pháp phải là ngôn ngữ thứ hai bắt buộc phải giảng dạy ở Việt Nam. Phía Việt Nam lại đơn giản cho rằng tiếng Pháp chỉ là sinh ngữ được ưu tiên trong các sinh ngữ khác.

Về vấn đề chuyên gia kỹ thuật và tài sản của Pháp ở Việt Nam, hai bên cùng có những quan điểm khác biệt và bám giữ đến cùng lập trường không thay đổi của mình. Nếu Việt Nam hoàn toàn chấp nhận việc nhờ cậy các chuyên gia Pháp thì họ lại muốn tự họ được lựa chọn chuyên gia và không đồng ý sự ưu tiên mang tính chất bắt buộc.

Vấn đề bồi thường liên quan đến các tài sản của Pháp gặp tai họa hoặc bị cướp đoạt cũng dẫn đến hai bên từ chối mọi trách nhiệm nếu xảy ra xung đột. Hơn nữa, phía Pháp cũng từ chối bồi thường theo chỉ định tương tự.

Chỉ nêu lên vài thí dụ trên đây, cũng đủ thấy, mặc dù đại đa số các thành viên đều có thiện chí và ước muốn thỏa hiệp nhưng bên nào cũng giữ vững lập trường khó xoay chuyển.

Thất bại của Hội nghị Fontainebleau, ít nhất là một phần, đã bắt đầu thấy rõ khi Pháp được tin ngày 1 tháng 8 năm 1946 tại Đà Lạt tiến hành một hội nghị “Liên bang” nhằm xác định vị trí của Liên bang Đông Dương, không chỉ với Campuchia và Lào, mà cả Nam Kỳ. Nguồn tin này đã lập tức cắt đứt ngay Hội nghị Fontainebleau. Sau đó, nhờ có Hồ Chí Minh, vài ngày sau mới lại tiếp tục họp trở lại. Nhưng đến lúc này thì cả hai bên đều mất lòng tin đối với nhau.

Trong một buổi tranh cãi gay gắt với Hồ Chí Minh xoay quanh chủ đề này, lần đầu tiên Chủ tịch đồng ý với tôi là ông không nên vắng mặt quá lâu hơn nữa. Nhưng ông nói với tôi:

– Tôi biết, ông đang liên tưởng tới vấn đề gì, nhưng tôi làm sao trở về nước với “hai bàn tay không”?
“Bàn tay không” đó là một công thức mà tôi thường được nghe và từ hôm đó trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên của ông.

Còn đoàn đại biểu đàm phán của Việt Nam thì đã trở về tay không. Phạm Văn Đồng đã đóng cửa Hội nghị Fontainebleau đi xuống Marseille đáp tàu biển về nước và sẽ tới Hải Phòng ngày 3 tháng 10.

Hồ Chí Minh không về cùng với đoàn Việt Nam. Chuyến thăm chính thức nước Pháp đã kết thúc. Ông không còn là khách mời của Chính phủ Pháp nữa. Ông rời khách sạn Royal Monceau, đến ở trong một biệt thự của ông Aubrac tại Soisy-sous-Montmorency. Ông tỏ rõ thái độ muốn đi tới cùng. Cũng như Marius Moutet, ông muốn tránh sự đổ vỡ và ngày 14 tháng 9 đã cùng ký với Marius Moutet bản Tạm ước nhằm cứu vãn tình hình.

Tuy vậy, ông vẫn lo ngại điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Ông thấy trước khả năng có thể bùng nổ xung đột vũ trang và đã nói với tôi bằng thái độ kiên quyết:

– Nếu cần phải chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu. Một người các ông có thể giết chết mười người chúng tôi. Mười người chúng tôi sẽ giết một người của ông. Nhưng cuối cùng, chính các ông sẽ là người nản lòng bỏ cuộc.

Từ lâu, tôi đã tăng cường thúc đẩy Chính phủ Pháp thu xếp để tổ chức việc về nước của Hồ Chí Minh được nhanh nhất. Ngày về đã được ấn định là ngày 14 tháng 8, nhưng Hồ Chí Minh muốn tranh thủ thời gian còn lại. Ông từ chối đi máy bay, viện lý do sức khỏe. Có lẽ ông nghĩ tới một âm mưu ám hại ông, dễ thực hiện trong chuyến bay. Ông đòi trở về trên một tàu chiến Pháp và Bộ Hải quân đã dành cho ông con tàu Dumont d’Urville dự kiến sẽ đi Đông Dương để ông sử dụng. Những cố gắng của tôi nhằm thu xếp cho ông trở về Hà Nội bằng các phương tiện nhanh nhất đã thất bại. Thế là, bốn mươi tám giờ sau khi ký bản Tạm ước, Hồ Chí Minh rời Paris ngày 16 tháng 9 trên một toa xe lửa đặc biệt đi xuống Marseille và quân cảng Toulon.

Tại Monte’limar là nơi đoàn tàu dừng lại vài phút, toa xe chở chúng tôi lập tức bị những người Việt Nam đứng đợi trên sân ga ùa tới. Hầu hết những người này đều là công nhân làm việc tại một doanh trại gần đó. Cuộc đón tiếp Chủ tịch nước Việt Nam rất nồng nhiệt. Chúng tôi được biết cách đây mấy ngày đoàn đại biểu Việt Nam rời Hội nghị Fontainebleau ra về cũng được những người công nhân này hoan hô nhiệt liệt, ca ngợi thái độ không khoan nhượng của những đại biểu dự đàm phán.

Hồ Chí Minh đứng trên bậc lên xuống toa xe đặc biệt, nói vài lời với đám đông. Ông giải thích tại sao ông lại ký bản Tạm ước. Ông cũng yêu cầu mọi người tiếp tục làm việc bên cạnh “những anh em người Pháp” vì nước nhà đang cần nhiều công nhân lành nghề và chuyên viên kỹ thuật.

Đến Marseille, tại doanh trại Mazargues là nơi tập trung hàng ngàn người Việt Nam đứng đón, những tiếng hoan hô chen lẫn tiếng hô vang: “Độc lập!”. Tại đây, Hồ Chí Minh vẫn nói chuyện một cách từ tốn, ca ngợi tình hữu nghị Pháp – Việt. Ngược lại, chính hai đồng bào tôi là nghị sĩ tỉnh Marseille, đại biểu cộng sản trong Hội đồng thành phố, lại phát biểu chống Pháp. Với thái độ hung hăng khác hẳn giọng điệu mềm mỏng của Hồ Chí Minh, hai vị đại biểu người Pháp này đã cổ vũ các công nhân Việt Nam đấu tranh tới cùng chống lại “sự áp bức thực dân của Pháp”.

(Còn nữa)

dvt.vn

Advertisement