Nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến tranh toàn diện
(DVT.vn) – Hồ Chí Minh rất vui khi gặp Quennouelle và đã có nhã ý gọi viên sĩ quan này một cách rất hóm hỉnh là “Ông nhảy dù”.
…Tất cả những gì tôi đã thấy được, nghe được trong chuyến về Pháp ngắn ngày hồi tháng 3 mà Leclerc và nhiều tướng lĩnh, đô đốc đã bộc lộ cảm tưởng trong khi nói chuyện với tôi là phải cố tìm mọi cách tránh giải pháp vũ lực.
Mười ba tháng sau, tức ngày 13 tháng 2 năm 1947 khi chiến tranh đã bùng nổ, trong bản báo cáo về tình hình quân sự tại Bắc Kỳ, tôi đã viết:
“Chúng ta không có phương tiện, cũng không có ý định dấn thân vào một cuộc chiến tranh kéo dài. Vậy mà, tôi thấy rằng hiện nay hình như lại có chủ trương tiến hành những hoạt động quân sự làm phân tán lực lượng của chúng ta và đẩy lùi những kết quả đã đạt được ra xa…”.
Lúc đó, tôi đã chuẩn bị tiếp nhận quan điểm của tướng Leclerc, trùng hợp hoàn toàn với quan điểm của tôi.
Vì vậy, tôi đã làm việc không ngừng để đạt được hai Hiệp định Pháp-Việt và Pháp- Hoa ký kết tại Hà Nội và tại Trùng Khánh.
Sẽ dài dòng nếu nhắc lại ở đây chi tiết những buổi nói chuyện rất nhiều và rất dài, trong đó Hồ Chí Minh và các cố vấn của ông tranh luận với tôi từng câu, từng chữ để đi tới bản Hiệp định Pháp- Việt. Đã biết bao lần chúng tôi có cảm tưởng không thể nào đạt được thỏa thuận, trước cảm giác thất vọng vì chúng tôi không bao giờ có được tiếng nói chung. Hồ Chí Minh đòi phải được suy nghĩ cẩn thận, phải tham khảo ý kiến của các cộng sự, các cố vấn, đôi khi cả cố vấn của ông, tức Bảo Đại.
Về phía tôi, tôi cũng phải thường xuyên hỏi ý kiến Phủ Cao ủy đặt tại Sài Gòn, trước khi chấp nhận
một câu, một chữ trong đàm phán.
Chỉ riêng việc định nghĩa nội dung từ “Độc lập” đã làm những cuộc đối thoại giữa chúng tôi vấp váp nhiều nhất và cũng nhiều lần đức đoạn.
Nhiều lần, những cuộc đối thoại đứt đoạn này kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, cho tới khi một người trung gian có thiện chí đã tìm cách để những người đối thoại Pháp và Việt Nam lại giáp mặt nhau. Đó là Louis Caput được các giới Việt Nam, phe xã hội hoặc Mác-xit tín nhiệm, coi như một người chân thành, trung thực. Tình hữu nghị của Caput đối với Việt Nam được thể hiện trong việc ông đã ủng hộ nhiều khát vọng của nhân dân Việt Nam, nhưng ông cũng thuộc phái không kém phần hăng hái trong việc bảo vệ sự có mặt và những quyền lợi của Pháp ở Đông Dương.
Mãi tới ngày 16 tháng 2, sau một cuộc họp kéo dài vừa mới được nối lại, lần đầu tiên chúng tôi mới có cảm giác là có khả năng đạt được thỏa thuận. Hồ Chí Minh đã định rõ các khát vọng của ông và những điều kiện do ông đề xuất. Tôi quyết định đi Sài Gòn thỉnh thị ý kiến tướng Leclerc lúc này đang tạm quyền chức vụ Cao ủy thay đô đốc D’Argenlieu về Pháp công tác, trước khi đệ trình Chính phủ Pháp.
Ngày 18 tháng 2, tôi đi Sài Gòn. Tướng Leclerc là người hiểu rõ sự cần thiết phải đạt được hiệp định, ngày 14 đã điện về Pháp nói rõ, để đạt được hiệp định này thì không ngần ngại tuyên bố danh từ “Độc lập” cho Việt Nam. Trong cuộc gặp tướng Leclerc, chúng tôi đều hiểu ngay là có thể đi tới đích.
Những nét đại cương của đề án này lập tức được điện cho đô đốc D’Argenlieu để ông có thể trình bày với Chính phủ Pháp – Leclerc kết thúc bức điện bằng một câu như sau:
“Tôi nhắc lại, các đề nghị cụ thể của Chính phủ Pháp cần phải được gửi tới ngay, nếu không có thể bỏ lỡ cơ hội”.
Cũng xin nhấn mạnh, trong bức điện này không có vấn đề phải tuyên bố ngay danh từ “Độc lập”.
Phản ứng đầu tiên của Paris là thuận lợi. Tôi quay trở lại Hà Nội ngay. Hôm sau, tôi nhận được bản dự thảo Hiệp định về nguyên tắc mà đô đốc D’Argenlieu ủy nhiệm cho tôi nhân danh Chính phủ Pháp chuyển tới Hồ Chí Minh.
Điện trả lời của Chính phủ Pháp phê chuẩn những điểm đề nghị mà chúng tôi đã gửi đi trong bức điện ngày 18. Có một vài điểm cần xác định thêm, nhưng nội dung cơ bản đã được duyệt.
Đó là công nhận Việt Nam “là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hợp Pháp” mà Chính phủ Hồ Chí Minh đã chọn, trước khi ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3.
Hồi đó, có lời đồn đại nói rằng Chính phủ Pháp đã bị đặt trước “một việc đã rồi”. Lời đồn đại này do một số nghị sĩ Pháp đưa ra trong cuộc họp Quốc hội Pháp, nói rằng, Chính phủ Pháp chẳng được biết tin gì về những cuộc đàm phán diễn ra tại Hà Nội và mãi tới ngày 7 tháng 3, sau khi hiệp định đã ký kết, mới được báo cáo. Việc chính phủ duyệt y những đề nghị của chúng tôi trước khi ký hiệp định một lần nữa đã chứng minh những lời đồn đại này là không chính xác.
Ngay trước khi ký kết hiệp định, tôi đã gặp Hồ Chí Minh nhiều lần sau khi Chính phủ Pháp từ Paris đã điện trả lời những đề nghị của chúng tôi trình lên chính phủ ngày 18 tháng 2. Đến khi bản hiệp định có thể được ký, tôi cũng đòi nhấn mạnh với vị Chủ tịch Chính phủ Việt Nam là, bên cạnh chữ ký của người đứng đầu chính phủ hiện hành, nên có thêm chữ ký của các đảng phái để phản ánh đầy đủ chính kiến của công luận Việt Nam hồi đó.
Thật vậy, ngày 31 tháng 10 năm 1945, chính phủ cũ của Việt Nam đã được từ chức. Số đại biểu Quốc hội cũng đã giảm từ 444 xuống 291. Chính phủ mới thành lập ngày 3 tháng 11 gồm đại đa số là thành phần thân Việt Minh. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Quốc hội Việt Nam họp tại Nhà hát lớn Hà Nội đã biểu quyết bằng hình thức giơ tay, công nhận chính phủ mới, gồm có:
Chủ tịch: Hồ Chí Minh (Việt Minh).
Phó chủ tịch: Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội).
Ngoại giao: Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc dân đảng).
Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách mạng lão thành ở Huế, thuộc chủ nghĩa dân tộc đi theo chủ nghĩa cộng sản, cựu Tổng biên tập tờ Tiếng Dân.
Cứu tế: Chu Bá Phượng (không đảng phái).
Tài chính: Lê Văn Hiến (Việt Minh).
Quốc phòng: Phan Anh, nguyên Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim
Y tế: Trương Đình Tri, cựu đại úy bác sỹ (Đồng minh hội).
Giáo dục: Đặng Thai Mai (Việt Minh).
Tư pháp: Vũ Đình Hòe (Việt Minh).
Công chính: Trần Đăng Khoa (Nam Kỳ).
Nông nghiệp (Bồ Xuân Luật vốn là trung sĩ lính cảnh vệ Đông Dương, chạy sang Trung Quốc năm 1940 (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội).
Bảo Đại vẫn là cố vấn tối cao của chính phủ này, một chính phủ được thành lập dưới sức ép của tình hình thời cuộc và của những đòi hỏi cấp bách.
Cùng trong lúc tiếp tục đàm phán nhằm cho phép quân đội Pháp trở lại Bắc Kỳ, chúng tôi cũng phải tính trước đến khả năng thất bại và chuẩn bị các biện pháp ứng phó.
Đạo quân viễn chinh Pháp đã xuống tàu, nhưng vì những lý do về thủy triều, chỉ có thể đổ bộ lên Hải Phòng trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3. Nếu đến thời hạn cuối cùng Hiệp định vẫn chưa được ký kết thì vẫn cứ phải đổ bộ bằng vũ lực và sẽ gặp nhiều rủi ro cho dân chúng Pháp.
Chúng tôi đã thỏa thuận với tướng Leclerc, dù thế nào cũng phải đổ bộ đúng hạn định và phải chuẩn bị sẵn sàng những hoạt động quân sự để bảo vệ dân chúng Pháp đang sống tại Hà Nội chống lại những phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam như: nhảy dù biệt kích xuống các điểm nhạy cảm, thả dù vũ khí xuống các binh sĩ Pháp đang bị nhốt tập trung trong thành Hà Nội v.v…
Leclerc đã cử ra Hà Nội trung úy hải quân Philippe Quennouelle, là một trong những trợ lý của thiếu tá Pouchardier, chỉ huy đội biệt kích đã được chỉ định sẽ nhảy dù xuống Hà Nội. Bước ngoặt trong cuộc đàm phán đã cho phép chúng tôi tiết kiệm được các hoạt động quân sự. Sau khi tới Hà Nội, Quennouelle đáng lẽ tham gia đội biệt kích dù thì lại ở bên cạnh tôi để cùng tham gia đàm phán… Hồ Chí Minh rất vui khi gặp Quennouelle và đã có nhã ý gọi viên sĩ quan này một cách rất hóm hỉnh là “Ông nhảy dù”.
Đối với tôi “ông nhảy dù” quả là một cộng sự quý, một đồng đội khó ai sánh kịp. Sau này, trong đêm 19 rạng ngày 20 tháng 2 năm 1946, khi bùng nổ chiến tranh, Quennouelle cùng với vài binh sĩ nữa đã bảo vệ trụ sở làm việc của tôi trước sự tiến công của Việt Minh.
Theo dự kiến, Hiệp định sẽ được ký kết chậm nhất là vào đêm ngày 5 rạng ngày 6 tháng 3 năm 1946. Nhưng, mãi tới quá nửa đêm, các nhà thương lượng đôi bên vẫn còn sa lầy trong bế tắc. Pignon và tôi rút về nhà riêng, sau khi đề nghị Hồ Chí Minh suy ngẫm thêm. Tôi cũng nói rất rõ với Hồ Chí Minh, để lại đến hôm sau thì chắc chắn là quá chậm. Hồ Chí Minh cũng biết, các tàu chiến của Pháp chở Leclerc và đội quân viễn chinh đã tới sát bờ biển Bắc Kỳ.
Trong khi đó, từ tối ngày 5 tháng 3, Leclerc đã cho người mang đến cho tôi một thư riêng, trong đó ông đề nghị tôi bằng bất cứ giá nào cũng phải đi đến ký kết. Leclerc đã được báo tin về những ý đồ của các chỉ huy đội quân Lư Hán chiếm đóng Bắc Kỳ đang muốn chống lại quân Pháp đổ bộ, vi phạm hoặc cố làm ra vẻ không biết gì về những thỏa thuận đã đạt được giữa Pháp và Trung Quốc tại Trùng Khánh. Vì vậy, ông ngại sẽ xảy ra điều tệ hại nếu đổ bộ mà không có sự thỏa thuận.
(Trong lá thư viết tay của đại tá Lecomte là người tham dự cuộc hội đàm giữa đại diện hai ban tham mưu Pháp – Hoa cũng cho biết, trong cuộc họp này phía Pháp đã vấp phải mọi lý do trì hoãn cuộc đổ bộ. Các tướng lĩnh Trung Quốc được biết về giải pháp bó buộc của Leclerc phải đổ bộ đúng hạn định, đã lường được sự thỏa thuận của Trung Quốc. Nhưng họ cũng không thể chấp nhận sự nguy hiểm đó. Vì vậy, một người trong hàng ngũ của họ là tướng Tchao có ý thức hơn về thảm kịch đang có nguy cơ xảy ra, đã tự thân chinh đi gặp Hồ Chí Minh, đề nghị Hồ Chí Minh thỏa thuận với tôi và không ra lệnh chống lại cuộc đổ bộ để tránh một sự bùng nổ chiến tranh toàn diện).
…
(Còn nữa)