Những trò Tàu
(DVT.vn) – Nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm 1945-1946 được kể lại trong hồi ký của một chỉ huy tình báo Pháp, ông J.P. Sainteny.
Lý do chính thức về sự có mặt của quân đội Trung Quốc như mọi người đều biết, là để giải giáp vũ khí các đơn vị quân đội Nhật Bản đóng ở bắc vĩ tuyến 16 với số quân vào khoảng 35.000 người. Vậy mà, người ta có thể ước lượng tới 130.000 quân Trung Quốc kéo vào Bắc Đông Dương, và nếu thêm cả những “bậu xậu” đi theo phục vụ thì có tới gần 200.000 người Trung Quốc đã “đổ xô” vào xứ Bắc Kỳ.
Rất dễ dàng hình dung được tâm trạng những người lính Trung Quốc này, vốn là dân các tỉnh rộng lớn tiếp giáp với Đông Dương như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, vào lúc họ có dịp thực hiện những ước mơ bấy lâu ve vuốt họ. Và thế là, không cần phải chiến đấu, Hoa Nam đã có thể chiếm lĩnh các cửa biển thiên nhiên của xứ Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, giơ bàn tay nắm lấy Hoa kiều ở Đông Dương ngồi lên một vùng mà nhiều người trong bọn họ cứ ngoan cố cho rằng đây là một tỉnh chư hầu của Trung Quốc, và mọi người đều coi là miền đất hứa, đến đây với tư cách là ông chủ.
Thay cho việc kể lể dài dòng, tôi xin nêu lên tóm tắt một số sự cố điển hình để có thể hiểu rõ hơn tình hình về sự chung đụng quyền hành, một trong những thí dụ này là chuyện chiếc máy bay Dakota xuất phát từ Vinh.
Tôi đã dự định đưa từ Vinh vào Nam Kỳ một vài người Pháp đau bệnh cần chữa trị gấp. Số chỗ đã được dành sẵn cho họ trong chiếc máy bay quay trở lại Sài Gòn. Tất cả những giấy phép hạ cánh đã nhận được đủ. Phải có giấy phép của những nhà chức trách Trung Quốc và Việt Nam thì một chiếc máy bay Pháp mới được hạ cánh xuống sân bay Vinh. Những tiếp xúc với người Trung Quốc được thực hiện với một ban liên lạc, gọi là “Ban liên lạc Pháp – Hoa” thiết lập từ khi Bộ tư lệnh Trung Quốc có mặt tại Hà Nội. Về phía Pháp có các đại úy Lonbaton, Gribelin Bérard và trung úy Augier. Loa phóng thanh trên sân bay báo tin máy bay đã tới. Phải đưa nhanh những người bệnh lên máy bay để máy bay tiếp tục bay vào Sài Gòn, đưa người bệnh tới bệnh viện ngay trong tối hôm đó.
Thế nhưng, ngày hôm sau Sài Gòn báo tin máy bay vẫn chưa tới. Đã chuẩn bị tổ chức tìm kiếm, thì đội phi hành đoàn trong chiếc Dakota báo tin máy bay vẫn hãy còn ở Vinh vì các nhà chức trách Trung Quốc chưa cho bay.
Chúng tôi lập tức kêu cứu tới Bộ tư lệnh Trung Quốc tại Hà Nội. Họ xác nhận các giấy phép đều hợp lệ và đã gọi điện cho ban chỉ huy quân đội Trung Quốc tại Vinh là chiếc Dakota vẫn đang bị bao vây.
Bốn mươi tám giờ đã trôi qua. Mặc dù đã có lệnh từ Hà Nội, nhà chức trách Trung Quốc ở Vinh vẫn không cho chiếc máy bay của chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.
Tôi tới gặp tướng Lư Hán, yêu cầu ông đích thân gọi điện cho Vinh để khẳng định mệnh lệnh giải phóng cho chiếc máy bay. Tướng Lư Hán đã làm theo, nhưng mấy giờ sau chúng tôi được biết, những mệnh lệnh của ông vẫn không được thực hiện.
Mấy ngày sau, chất vấn về ác ý đã gây ra sự cố ở sân bay Vinh, ban tham mưu Trung Quốc mới giãi bày một cách thành thật rằng, đúng là giấy phép có ghi rõ chiếc Dakota của Pháp có thể hạ cánh xuống Vinh để mang đi vài người Pháp sống tại thị xã này, nhưng lại không ghi là chiếc máy bay này được tiếp tục cất cánh. Vì vậy, khi máy bay hạ cánh đã được tiếp nhận rất lịch sự, nhưng không được phép rời khỏi Vinh.
Những sự cố tương tự như vậy kéo dài suốt hơn một năm. Nếu có những sự cố nhẹ nhàng, nếu có những việc lạm dụng quyền hành rất nhiều như tất cả mọi quân đội chiếm đóng đều gây ra, thì hỡi ôi!
Vụ giấy bạc mệnh giá 500 đồng Đông Dương xảy ra hồi cuối tháng 11 năm 1945 đe dọa dẫn đến thảm họa. Đầu đuôi câu chuyện như sau:
Tháng 8 năm 1945, vài tuần trước khi sụp đổ, Nhật Bản đã cho in từ nhà máy in của ngân hàng Đông Dương mà họ chiếm được hàng trăm triệu giấy bạc mệnh giá 500 đồng. Trong đó mối quan tâm đáng lo ngại, xuất phát từ quan điểm chính thống về tiền tệ, một buổi sáng các nhà chức trách ở Sài Gòn tuyên bố, dĩ nhiên không báo trước, hủy bỏ toàn bộ những loại tiền mệnh giá 500 đồng đã in trong khoảng thời gian từ 9 tháng 3 đến 25 tháng 9 năm 1845. Còn những số tiền cùng loại đã in từ trước thì đã tạm cất giữ trong các ngân hàng. Hành động này là hoàn toàn chính đáng. Nhưng Sài Gòn đã không lường hết những hậu quả xảy ra ngay tức khắc.
Thật vậy. Bởi vì số lớn tiền giấy mệnh giá 500 đồng in trong mùa thu 1945 là nằm trong tay Bộ tư lệnh quân đội Trung Quốc ở Hà Nội và những doanh nghiệp lớn của người Hoa ở Bắc Đông Dương. Tôi được mời đến một cách lịch sự, để giải thích về chủ trương này và sau đó là để hoãn thực hiện không thời hạn. Trong trường hợp ngược lại, tôi được cảnh báo là sẽ rất khó trấn an được dân chúng Việt Nam đang rất “xúc động” trước việc ăn hiếp một cách không thể chấp nhận được.
Về phía dân chúng Việt Nam, họ vẫn bình thản khi nghe thông báo về biện pháp “tiền tệ” dù có chấn động đôi chút. Bởi vì số đông họ đều là dân nghèo, đến mặt mũi tờ 500 đồng đó như thế nào họ cũng không biết. Nhưng, vào khoảng 48 giờ sau thì sự bất công trong chủ trương tiền tệ đã gây chấn động. Nhiều cuộc biểu tình và tụ họp bắt đầu làm rối loạn trật tự thủ đô Bắc Kỳ. Các chi nhánh ngân hàng không chịu đổi tiền giấy 500 và những diễn biến càng trở nên đáng lo ngại từng giờ một.
Lúc này tôi đã tới Sài Gòn để tìm hiểu rõ những nguyên nhân của quyết định cấm lưu hành loại tiền giấy mệnh giá 500 nói trên. Một số người khởi xướng được cử cùng đi với tôi ra Bắc Kỳ để trực tiếp giải thích cho các bạn Đồng minh lý do tại sao không thể để loại tiền giả này tự do lưu hành.
Trong khi đó tình hình căng thẳng đã càng cao tại Hà Nội. Ngay khi vừa tới, tôi đã được báo tin một cuộc biểu tình đã được dự kiến tổ chức ngay trước trụ sở Ngân hàng Đông Dương sau khi tôi tới.
Đúng như vậy, khoảng 14 giờ 30 có những tốp người bắt đầu tụ tập trước cửa ngân hàng, tại vườn hoa Pastuer. Đến 15 giờ số người càng đông thêm. 15 giờ 30 những phát súng đầu tiên bắt đầu nổ.
Ai là kẻ đáng ngờ đã gây ra vụ này? Các cơ quan mật vụ Trung Quốc hay là dân chúng Việt Nam đã mạo hiểm trước lửa đạn chỉ vì một tờ tiền giấy mà có lẽ họ chưa bao giờ có.
Vài người bị thương được mang vào trụ sở ngân hàng để cứu chữa. Về phía những “kẻ hành hung” cũng có những tên bị thương trong đó vài tên đến hôm sau đã chết.
Chúng tôi phải thỏa thuận với các nhà chức trách Trung Quốc tổ chức một cuộc họp dưới sự chủ tọa của tướng Gallagher, chỉ huy phái đoàn Mỹ tại Hà Nội để giàn xếp vấn đề gai góc này.
Trong cuộc họp được tổ chức tại trụ sở phái đoàn Mỹ có các tướng lĩnh chủ chốt của tướng Lư Hán, ông Lăng Kỳ Hàn đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc và một đại diện nữa của Bộ Tài chính Trung Quốc. Về phía Pháp, ngoài ông Clarac là cố vấn liên bang ngoại giao và ông Francois Bloch Laine là cố vấn liên bang về tài chính cùng đi với tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội, còn có các cộng sự viên của tôi, trong đó có ông Jean Laurent tổng giám đốc Ngân hàng Đông Dương đang ở Hà Nội vài ngày, ông Baylin, giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đông Dương tại Bắc Kỳ, một người Pháp rất đáng ca ngợi, thông thạo tiếng Trung Quốc, chủ một gia đình vĩ đại nước Pháp. Baylin là một con người vừa thẳng thắn vừa nhân hậu, chỉ biết có bạn, nhưng lại là nạn nhân chịu tội của vụ việc này. Vài ngày sau cuộc họp, trong khi ông đang chậm rãi trở về nhà bằng bước chân tập tễnh của một thương binh loại nặng hồi chiến tranh, ông đã bị một số kẻ lạ mặt bắn chết mà không bao giờ điều tra được tung tích.
Buổi họp hôm đó kéo dài gần một giờ và kết thúc bằng lời cam kết sẽ đổi những tiền giấy mệnh giá 500 đồng mà quân đội Trung Quốc đang giữ theo giá trị bồi hoàn. Tức là, một tờ 500 đổi được một tờ 150 đồng ở Nam Kỳ hoặc 250 đồng ở Bắc Kỳ. Và đã phải tiến hành nhiều cuộc đổi tiền loại này.
Ngày 25 tháng 3, Lư Hán đòi 300 triệu đồng Đông Dương. Chúng tôi từ chối. Bộ tư lệnh độc quyền Vân Nam liền đòi Ngân hàng Đông Dương phải nộp ngay cho họ bốn mươi triệu. Bất chấp những phản kháng của Pháp, nhiều khoản nộp khác vẫn cứ đặt ra và tổng số đã lên tới 400 triệu vào cuối giai đoạn chiếm đóng. Cũng phải thêm vào đó con số 14.000 tấn gạo nộp cho cơ quan hậu cần Trung Quốc, tương đương với 27 triệu đồng theo thời giá.
Trước khi rời khỏi Bắc Kỳ, ban tham mưu của tướng Lư Hán còn đòi thêm 250 triệu đồng. Rất dễ dàng hình dung được là số tiền này không phải dùng để trả lương cho binh lính bởi vì binh lính và hạ sĩ quan Trung Quốc đều được trả lương bằng đồng tiền Trung Hoa.
Một trong những biện pháp đầu tiên của Bộ tư lệnh quân đội Trung Quốc ngay khi mới tới là buộc dân chúng miền Bắc Đông Dương phải chấp nhận đồng tiền Trung Quốc coi đó như loại tiền tệ chính thức, ngang giá với đồng Đông Dương. Hơn nữa, đồng quan kim Trung Quốc còn được áp đặt trị giá tương đương với 1 đồng 50 tiền Đông Dương và ngang với 20 đô la Trung Quốc, một loại tiền mà hình dáng khuôn khổ giống như đồng đô la Mỹ, gây cảm tưởng đó cũng là đô la Mỹ. Một bản cáo thị được dán trên tường các phố phường Hà Nội đã làm cho đồng tiền Trung Quốc trở thành loại tiền tệ chính thức và dân chúng phải chấp nhận tỉ giá:
“Quân đội Trung Hoa được lệnh tiến vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật Bản đầu hàng. Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ mà quân đội Trung Quốc phân tán binh lực, không thể có được một hệ thống tiền tệ chung cho các cuộc giao lưu buôn bán. Vì vậy, nay ấn định tỉ giá các loại tiền Trung Hoa Dân quốc như sau:
1 quan kim = 1,5 đồng Đông Dương.
20 đô la Trung Quốc = 1,5 đồng Đông Dương.
Tỷ giá này là mệnh lệnh phải thực hiện, không được tự ý thay đổi với bất cứ hoàn cảnh nào. Kẻ nào không tuân lệnh sẽ bị Bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc trừng trị nghiêm trọng.”
Hành động độc đoán kiểu “ông hoàng” này đã dẫn đến những vụ đầu cơ tai tiếng kéo dài suốt vài tuần. Đồng quan kim được mua tận gốc tại Trung Quốc với giá rẻ gấp 5 lần sau đó đã được chuyển hàng đống vào Bắc Kỳ làm lợi cho người Hoa. Chỉ trong vài tuần, tất cả những thứ gì có thể bán được đều rơi vào tay người Hoa với giá rẻ như biếu không.
…
(Còn nữa)