
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc
(DVT.vn) – Đoàn đại biểu Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Bác cùng đi với tư cách là khách của Chính phủ Pháp. Đi máy bay Dakota, 12 ngày mới tới Pháp…
Sau khi Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 được ký kết, tên thầy tu phá giới Thierry d’Argenlieu tìm mọi cách ngăn cản việc thi hành Hiệp định đó: không chấm dứt chiến sự ở miền nam, trì hoãn việc họp hội nghị chính thức giải quyết vấn đề quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Ý đồ của viên cao ủy nham hiểm là lợi dụng việc kéo dài thời gian để thực hiện chính sách “việc đã rồi” trước khi bắt đầu hội nghị: càn quét ở Nam Bộ, đánh chiếm Plây-cu – Kon-tum, xây dựng cái gọi là “phong trào tự trị ở Nam Bộ”…
Chính phủ kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc năm 1948.
(Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám là người đứng thứ tư hàng thứ hai từ phải sang).
Nhưng sau Hội nghị trù bị, Pháp không thể trì hoãn hơn nữa, mà phải chấp nhận: một đoàn đại biểu Việt Nam sẽ lên đường chậm nhất là vào cuối tháng 5 sang Paris để đàm phán, và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ cùng đi, với tư cách là khách của Chính phủ Pháp.
Việc Bác sẽ đi Pháp không khỏi làm nhân dân và cán bộ ta lo lắng… Nhưng Bác rất bình tĩnh, và chuẩn bị chu đáo:
1. Mở rộng và củng cố khối toàn dân đoàn kết: Ngày 27/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời (gọi tắt là Hội Liên Việt), rộng rãi hơn mặt trận Việt Minh, bao gồm tất cả những người Việt Nam (Việt Minh hay không Việt Minh), sẵn sàng đoàn kết, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Ban chấp hành của Hội gồm các vị:
Hội trưởng danh dự: Hồ Chí Minh
Phó Hội trưởng: Huỳnh Thúc Kháng và Tôn Đức Thắng.
Tổng Thư ký: Cù Huy Cận.
Các Ủy viên trung ương: Trần Huy Liệu, Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tử Hạ và Nguyễn Tường Long.
2. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ là quyền Chủ tịch nước và lãnh đạo Chính phủ theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Hai máy bay Dakota đã chở Bác và Đoàn đại biểu ta, có tướng Salan và đại tá Tutenge đi hộ tống. Trưởng đoàn ta là Nguyễn Tường Tam vắng mặt, vì lý do sức khỏe.
Dọc đường, máy bay nghỉ nhiều chặng, do đó, phải 12 ngày sau khi cát cánh từ Gia Lâm, mới đến đất Pháp. Chỉ thị của Chính phủ Pháp là: “Hãy đưa các vị ấy đi du ngoạn càng lâu càng tốt (Faire balader ces Messieurs le plus longtemps possible). Lý do là Pháp chưa có Chính phủ.
Máy bay đã bay qua Miến Điện (Myanmar), Ấn Độ, Iraq, Ai Cập, sa mạc Sahara; đã dừng lâu tại Ấn Độ (tổ chức tham quan Calcutta, thủ đô New Delhi…), Ai Cập (tổ chức tham quan thủ đô Cairo, vùng Kim tự tháp…).
Ngày 12/5, Đoàn ta đến thành phố Biarritz, thuộc vùng tây-nam nước Pháp, gần Tây Ban Nha. Chỉ có ông… phó chủ tịch quận… ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Việt Nam ở sân bay!
Hôm sau, mới thấy Sainteny từ Paris đến, xin lỗi, vì không biết ngày giờ đến của máy bay! Rất bình tĩnh, Bác phàn nàn về hành động rất sai trái của d’Argenlieu đã cho phép thành lập một chính phủ bù nhìn ở miền nam Việt Nam (Bác nhận được tin đó khi máy bay đang bay trên vùng Syria). Và Bác nói với Sainteny: “Tôi tự hỏi có nên tiếp tục đi đến Paris hay không?”
Được tin Bác và Đoàn ta đến Biarritz, nhiều Việt kiều, nhiều nhân vật Pháp, bạn của Bác, lần lượt đến Biarritz chào và thăm hỏi. Đồng chí Charles Tillon, Bộ trưởng Bộ Quân khí đã chuyển lời chào của Đảng Cộng sản Pháp, và phàn nàn với Sainteny về sự đón tiếp quá luộm thuộm đã dành cho Bác.
Đoàn đại biểu ta chỉ ở lại Biarritz hai ngày, rồi đi Paris bằng xe lửa…
Trong thời gian Bác Hồ ở Biarritz (15 ngày), ngoài việc tiếp khách Pháp và Việt kiều, Bác tranh thủ đi thăm cùng Basque, thăm hỏi dân đánh cá, tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của nhân dân địa phương.
Bác được tin: Ngày 21/6, d’Argenlieu đã ra lệnh cho quân đội Pháp chiếm phủ toàn quyền Pháp cũ, nhân dân Hà Nội đã đình công hai ngày liền để phản đối, nhưng cụ Huỳnh và anh Giáp không làm to chuyện (dĩ bất biến ứng vạn biến!…).
Bác cũng được tin ngày 24/6, Chính phủ do Félix Gouin (đảng SFIO) đứng đầu đã rút lui, nhường chỗ cho một chính phủ mới gồm ba đảng (MRP, Cộng sản, SFIO) do Bidault (chủ tịch đảng MRP) đứng đầu; Moutet vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại, nhưng Bidault phụ trách vấn đề Liên hiệp Pháp (Union Française), có Alexandre Varenne (nguyên toàn quyền Đông Dương) làm phụ tá.
Ngày 22/6/1946, Bác đến Paris (sân bay Le Bourget). Đón tiếp rất long trọng, lộng lẫy tuy không có Bidault, chỉ có Moutet thay mặt Bidault. Nhưng cờ Việt Nam, cờ Pháp, kèn trống, quan khách, dân chúng, nhất là dân chúng, Việt kiều, người Pháp, báo chí, nhiếp ảnh, quay phim, rất đông, rất vui, rầm rộ, tưng bừng, nồng nhiệt, phấn khởi. Mọi người ngạc nhiên thấy một vị Chủ tịch nước rất độc đáo, ăn mặc rất giản dị, trên ngực không đeo một tấm huân chương nào, có một chòm râu thưa thớt, một bộ mặt rất hiền từ, vui vẻ, khiêm tốn, một đôi mắt rất sáng.
Mấy ngày sau, ở khách sạn Royal Monceau, đã dành riêng đón Bác, rất nhiều người (nhà báo Pháp và các nước khác, các chính khách Pháp, Việt kiều…) xin được gặp Bác. Chính phủ Pháp mời Bác thăm Điện Versailles, đi tham quan vùng Normandie (một chiến trường quan trọng trong chiến tranh vừa qua). Ngày 2/7, Bidault tiếp chính thức Bác. Ngày 3/7, Bác long trọng đi viếng Đài Chiến sĩ vô danh.
Bác dành buổi gặp mặt đặc biệt với Việt kiều, để Bác và Đoàn nói chuyện và cảm ơn sự giúp đỡ đoàn rất nhiệt tình của Việt kiều.
Bác dành thì giờ đi thăm và tiếp những người bạn cũ như Léon Blum mà Bác đã gọi thân mật là papa Blum, các đồng chí cộng sản, xã hội… đã cùng nhau chiến đấu bao nhiêu năm về trước, đồng cam cộng khổ… Bác làm quen với những bạn mới (như Edmond Michelet, bộ trưởng Bộ Quân lực, được Bidault giao trách nhiệm quan hệ trực tiếp với Bác), những nghị sĩ Pháp và thuộc địa Pháp (Angérie, Madagasca, Sénégal, Côte d’Ivoire…), các nghị sĩ này tỏ ra rất xúc động khi được gặp Bác, có người đã không cầm được nước mắt lúc chia tay.
(Còn nữa)