TGĐ UNESCO ca ngợi tấm gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một số sản phẩm kim khí tự tạo của em Ngô Viết Sơn, lớp 8 C trường Phổ thông công nghiệp cấp III Đống Đa – Hà Nội tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân sinh nhật Người năm 1965.

Tại lễ khai mạc, bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO khẳng định: “Triển lãm này đã tôn vinh cam kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập suốt đời. Đó cũng là một tầm nhìn mà UNESCO luôn thúc đẩy và hướng tới”. Bà Irina Bokova cho rằng, Hồ Chí Minh trước hết là một nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, do vậy Người nhận thức rõ về sức mạnh của tri thức, tri thức đó không chỉ thu nạp một lần ở tuổi ấu thơ và là quá trình học tập suốt đời. Người đã áp dụng điều này và không bao giờ ngừng học hỏi.

Khái niệm “Học tập suốt đời” là coi học tập diễn ra dưới mọi hình thức, cả chính quy, không chính quy thông qua những giai đoạn khác nhau của cuộc đời con người, từ độ tuổi mầm non cho tới khi về già.

Học tập suốt đời khuyến khích, hỗ trợ và động viên việc con người tìm đến tri thức trên cơ sở tự nguyện, tự giác vì những lý do cá nhân hay lý do chuyên môn.

Bà cũng đánh giá, Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế tạo đà phát triển cho văn hoá-giáo dục…và vui mừng khi được biết Việt Nam chi 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục. Điều đó thể hiện cam kết của Việt Nam đối với học tập. UNESCO cam kết sẽ sát cánh với Việt Nam cả về nhân lực, vật lực trong các dự án về giáo dục. Điển hình là việc UNESCO sẽ hỗ trợ “Học tập suốt đời” tại Việt Nam.

Với gần 300 tài liệu hiện vật, phim ảnh, triển lãm tập trung giới thiệu về truyền thống khuyến tài, khuyến học của Việt Nam. Nêu cao tấm gương tự học mẫu mực và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân Việt Nam

Việt Nam luôn coi trọng nhiệm vụ giáo dục học tập suốt đời và coi đó là chìa khóa quan trọng góp phần xây dựng xã hội bình đẳng và tiến bộ hơn. Vì học tập suốt đời có vai trò trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội toàn diện của Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam (4-2006) nêu rõ: “ Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở-mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt,đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên; tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, đảm bảo sự công bằng xã hội trong giáo dục”.

Tự học tập và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”. Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr.215).

tutuonghochiminh.vn

Advertisement