QĐND – Như Sự kiện và Nhân chứng từng giới thiệu, nữ nhà văn Mỹ Lê-đi Bớc-tơn là một tác giả, dịch giả nổi tiếng về văn học và văn học sử về đề tài Việt Nam. Bà là một nhà hoạt động xã hội theo lý tưởng của tổ chức cứu trợ Quây-cơ (Quaker), nhưng cuộc sống của nhân dân Việt Nam đã thôi thúc bà cầm bút. Cảm phục thiên tài Hồ Chí Minh, bà đã dịch cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện của Người sang tiếng Anh (Bảo tàng Hồ Chí Minh và NXB Thế giới xuất bản năm 2009), viết sách và nhiều bài báo về vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam.
Nhà văn Lê-đi Bớc-tơn. Ảnh: Khôi Nguyên
Phóng viên (PV): Thưa nhà văn Lê-đi Bớc-tơn,bà bắt đầu nghiên cứu về Hồ Chí Minh từ năm nào?
Bà Lê-đi Bớc-tơn: Tôi bắt đầu nghiên cứu sâu về Hồ Chí Minh từ năm 1995, sau khi hoàn thành cuốn Tiếp sau nỗi buồn viết về Việt Nam. Tên tiếng Anh của cuốn sách tôi lấy ý từ một tứ thơ trong bài “Trời hửng”, thuộc tập Nhật ký trong tù. Dĩ nhiên là tôi đã quan tâm tới Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu và ngày càng nhận thấy rõ hơn rằng: Khi chúng tôi, những người phương Tây, nghĩ rằng mình đã biết rõ Hồ Chí Minh, thì chính lại là lúc có thể mắc sai lầm rất rõ rệt.
Trong những năm chúng tôi soạn thảo Tiếp sau nỗi buồn, chị Nguyễn Hạc Đạm Thư kể cho tôi nghe những mẩu chuyện về quan sát riêng của chị về Hồ Chí Minh. Một số trong các mẩu chuyện đó đã xuất hiện trong Hồ Chí Minh: Một hành trình của tôi. Tôi thật cảm hứng khi nghe các câu chuyện về Hồ Chí Minh do các bạn bè Việt Nam từng tham gia Cách mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến kể lại. Rồi tôi gặp được những người từng biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh khá rõ để nghe họ kể về Người.
– Chúng ta hãy thử làm một thống kê xem bà đã có mấy cuốn sách về Hồ Chí Minh? Có mấy cuốn về Việt Nam?
– Với sự trợ giúp của bạn bè ở Việt Nam và trên thế giới, tôi vừa viết xong một cuốn sách tiểu sử khổ nhỏ về lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng tiếng Anh, nhan đề Hồ Chí Minh: Một hành trình với nhiều thông tin chưa từng được công bố. Đã có rất nhiều người đóng góp vào tập sách.
Chúng tôi hy vọng bản tiếng Việt cuốn Hồ Chí Minh: Một hành trình sẽ được NXB Thế giới phát hành vào mùa xuân này.
Tôi viết cuốn sách này vì áy náy về những thông tin thiếu chuẩn xác bằng tiếng Anh khi viết về Hồ Chí Minh. Nhiều nhà văn phương Tây đã không nhờ các đồng nghiệp Việt Nam soát xét lại bản thảo của họ. Chúng tôi, những người nước ngoài dễ mắc lỗi khi viết về đề tài Việt Nam. Tôi cũng là người đặc biệt hay mắc lỗi. Nhưng sau mỗi lần như thế, tôi đã học hỏi thêm được nhiều điều. Tôi tập hợp thêm những chi tiết, tìm hiểu sâu hơn vấn đề, rồi những vấn đề mới xuất hiện. Nhờ đó, nội dung cuốn sách Hồ Chí Minh: Một hành trình ngày càng trở nên phong phú.
Mọi người nghĩ tôi đã viết nhiều sách về Việt Nam. Trên thực tế điều này không đúng. Tôi có viết một cuốn sách về người tị nạn đã rời khỏi Việt Nam. Còn về đất nước con người Việt Nam, tôi chỉ viết cuốn After Sorrow, sau đó được dịch sang tiếng Việt (Tiếp sau nỗi buồn), và tiếng Pháp (Vietnam l’après-chagrin). Các bản này đều được NXB Thế giới phát hành.
Bìa cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” do nhà văn Lê-đi Bớc-tơn chuyển ngữ sang tiếng Anh.
Ảnh: Khôi Nguyên
Nhưng tôi có hiệu đính, giúp nghiên cứu, hoặc là đồng tác giả của nhiều cuốn sách. Học giả Hữu Ngọc và tôi cùng biên soạn tập sách song ngữ nhỏ: Những câu thường hỏi về văn hóa Việt.
– Bà đã dịch một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Anh. Những cuốn đó được mọi người đón đọc như thế nào?
– Sát hạch đối với nhà văn hay nhà thơ chính là các tác phẩm của họ liệu có thể được các thế hệ nối tiếp nhau đọc hay không. Hè năm vừa qua, tôi đã đọc một số đoạn của bản tiếng Anh cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện cho những người dân Bô-xtơn(Boston), Mỹ. Trong số những đoạn tôi đã đọc có mẩu chuyện về các phòng thiêu người nơi phát xít Đức tàn sát sáu triệu người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ II. Đây là một trong những đoạn văn có sức tố cáo nhất về tội ác diệt chủng đối với người Do Thái. Sau đó, nhiều người, cả dân gốc Do Thái và những người không phải là Do Thái, đã nói rằng họ rất xúc động về đoạn văn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Có những bài viết của bà, ví dụ như “Tài giả dạng của Hồ Chí Minh” là phát hiện mới và độc đáo. Trong bài viết đó, bà trích bài báo của tờ South China morning Post miêu tả vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933. Những tài liệu đó bà khai thác ở Việt Nam hay nước ngoài?
Vài năm trước đây, khi chuẩn bị sang Anh công tác, tôi đã đến hỏi TS. Nguyễn Thị Tình, lúc đó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, rằng tôi có thể tìm hiểu tại Luân Đôn về những gì mà Bảo tàng đang quan tâm. Chị Tình nhờ tôi tìm hiểu những hồ sơ tư liệu có liên quan đến luật sư Lô-giơ-bai (Loseby) và vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Tôi đã tới tra cứu ba ngày tại Lưu trữ Quốc gia Anh.
Tôi đã không tìm được điều gì. Hoàn toàn không. Nhưng trước khi ra sân bay rời Luân Đôn, tôi ngồi “chơi” với mục tìm kiếm trên chiếc máy tính trữ các thư mục của Lưu trữ Quốc gia Anh. Một cách cầu âu, tôi đánh chữ “Nguyen Ai Quoc”. Sau hai tiếng “póp, póp”, đã xuất hiện hai tệp “Vụ bắt giữ Nguyễn Ái Quốc”, một được lưu trữ vào năm 1931, một vào năm 1932. (Hóa ra trước đó tôi đã tìm kiếm bằng những từ khóa không thích hợp. Xin được gợi ý: Nếu tìm hiểu Hồ Chí Minh không nên tìm kiếm bằng từ khóa Tống Văn Sơ khi ở phương Tây. Đây là từ được dịch sang tiếng Việt, không phải từ gốc, chỉ sử dụng trong tiếng Việt. Ở nước ngoài, cần tìm kiếm bằng từ khóa “Sung Man Cho”, hoặc “Nguyen Ai Quoc”).
Nhà văn Lê-đi Bớc-tơn (thứ nhất từ trái sang) chụp ảnh với bà Nguyễn Thị Thập (thứ hai từ trái sang) Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số nữ cán bộ cách mạng. Ảnh tư liệu
Các thông tin trong hai tệp được trữ dưới dạng micrô phim. Tôi “kéo” được hai cuộn phim từ ô phích đựng phim, in chúng ra, rồi chạy nước rút ra sân bay, vác theo 250 trang tài liệu cùng đồ đoàn của mình.
Vụ án nào cũng có hai bên. Việt Nam từ lâu đã biết về bên “bị” là Hồ Chí Minh, thông qua hồi ức của Người thể hiện trong cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện, cũng như qua chuyến thăm Việt Nam của luật sư Lô-giơ-bai năm 1960. Còn hai cuộn micrô phim kể trên mở đường đến bên “nguyên” của vụ án, bên chống lại Hồ Chí Minh, đó là đế quốc Anh và thực dân Pháp.
Cả thảy, tôi đã dành 5 năm để nghiên cứu Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông trong những chuyến đi công tác ở Pháp, Anh, Hồng Kông, Nhật, và cả khi ở Hoa Kỳ (Vâng, đúng vậy. Nhiều hồ sơ có liên quan đến Người hiện có cả ở Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ!). Các đồng nghiệp tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã dựa vào tư liệu của cả hai phía để biên soạn một cuốn sách về Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Các chuyên gia thiết kế, chế bản của NXB Chính trị Quốc gia đã sáng tạo ra một bố cục sách gây được ấn tượng thật sâu sắc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa ngừng công việc tìm kiếm sử liệu liên quan đến sự kiện này. Chẳng hạn, chỉ mới gần đây thôi, tôi mới tìm được ra tấm ảnh của Phran-xít Gien-kin (Francis Jenkin), vị trạng sư bào chữa đã biện hộ cho Hồ Chí Minh tại Tòa án tối cao Hồng Kông. Chúng tôi sẽ giới thiệu bức ảnh chân dung của Phran-xít Gien-kin trong bản tiếng Việt cuốn Hồ Chí Minh: Một hành trình sắp ra mắt bạn đọc.
– Bà từng lặn lội sang Luân Đôn để tìm hiểu những ngày Hồ Chí Minh làm việc ở đó – một việc mà rất ít nhà sử học Việt Nam có dịp thực hiện. Đó có phải là lợi thế của bà so với đồng nghiệp Việt Nam khi nghiên cứu về Người?
– Khi ở Luân Đôn, tôi đã phát hiện được một số chi tiết chưa chuẩn xác trên sách báo viết về quãng đời của Hồ Chí Minh tại Luân Đôn, và cũng xác định được rằng đã không thể tìm được tư liệu để minh chứng cho một số sự việc đang cần thẩm định. Chẳng hạn, đã xác định được rằng chàng trai Nguyễn Tất Thành lúc đó chưa rành tiếng Anh đến mức có thẻ vào đọc tại Phòng đọc Hình tròn của Thư viện trung tâm Anh quốc. Hơn nữa, đã không có một bí danh, biệt danh nào của Hồ Chí Minh xuất hiện trên sổ đăng ký bạn đọc, được bảo quản cẩn thận từ những ngày đó.
Tôi cũng xác định được rằng không tìm được các tư liệu từ những năm 1900 thể hiện quá trình Hồ Chí Minh làm việc tại khách sạn Đrây-tơn Coóc-tơ (Drayton Court Hotel), khu Oét I-linh (West Ealing), Luân Đôn (nay là một quán rượu đông khách), hoặc tại Khách sạn Các-tơn (Carlton) sang trọng ở trung tâm Luân Đôn (khách sạn này đã bị bom của Đức phá hủy hoàn toàn trong Chiến tranh thế giới thứ II).
Từ cương vị công tác cho một tổ chức phi chính phủ quốc tế, quả thật tôi đã có được ưu thế rõ rệt so với một số đồng nghiệp Việt Nam. Vì cương vị ấy cho phép tôi có những dịp công tác sang các nước ngoài Việt Nam, khi tôi có thể “quá giang”, “lợi dụng” chuyến công tác cho cơ quan để tra cứu về Hồ Chí Minh trong các kho lưu trữ. Từ khi về hưu, tôi đã không còn có được lợi điểm này, trừ chuyến đi mỗi dịp hè từ Hà Nội về Hoa Kỳ để lên lớp tại một khóa học Văn khoa. Cơ hội để tìm thấy một “dấu chân” của Hồ Chí Minh ở Hoa Kỳ hôm nay quả là có phần mỏng manh. Nhưng tôi vẫn ra sức tìm kiếm vào mỗi dịp được về Mỹ.
Có thể tôi có ưu thế trong kỹ năng tìm kiếm, nhờ “lô gích tâm lý” – sự kết hợp giữa tư duy toán học, do từng là giáo viên toán, với phương pháp kết cấu mạch văn. Chẳng hạn, có một số sử gia Hoa Kỳ nói rằng thời gian Hồ Chí Minh sống tại Bô-xtơn là không quan trọng? Có thật như thế? Kết luận như thế quả là ngược với lô gích tâm lý. Một người trẻ tuổi như Hồ Chí Minh lúc đó không học được điều gì trong suốt một năm trời ở một nước ngoài? Nếu điều này đúng, các trường đại học ở Mỹ cử sinh viên của họ sang Việt Nam thực tập một năm để làm gì?
Hãy khảo sát tình hình Bô-xtơn năm 1912-1913. Chúng ta thấy phong trào đấu tranh giành độc lập cho Phi-líp-pin thoát ách đô hộ của Mỹ, thấy bộ luật kỳ thị như Luật áp dụng riêng cho người Hoa (Hồ Chí Minh trong mắt xã hội Mỹ, do ngoại hình, hẳn được nhìn nhận như người Hoa), thấy trào lưu chống phân biệt chủng tộc sục sôi trong cộng đồng Mỹ gốc Phi (những người bị đô hộ trong lòng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ), thấy dồn dập những cuộc tuần hành đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Hồ Chí Minh hẳn đã quan sát, học hỏi kinh nghiệm của các làn sóng đấu tranh này.
Giả định chúng ta áp dụng lô gích tâm lý lên tình hình trên đường phố. Chúng ta diễu qua cửa ra vào dành cho nhân viên của Pa-cơ Hao-xơ (Paker House), nơi thấp thoáng trong màn khói bếp, những người nấu bếp bận rộn giữa những đống rau củ, thịt cá. Chúng ta đi trên các phố của thành Bô-xtơn, dùng trí tưởng tượng một cách có lô gích để tư duy, xem người thanh niên có tính cách và tâm lý như Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh sẽ quan tâm đến điều gì. Chúng ta sẽ tiếp tục dòng suy tưởng tại thư viện công. Chúng ta lật các tờ báo, tạp chí, tranh ảnh của những năm 1912-1913, đọc các văn bản, các quảng cáo thời đó, để hình dung những gì Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đã quan sát được năm 1913.
Tuy nhiên, lần theo dấu chân Nguyễn Tất Thành, chúng ta gần như chưa tìm được những dấu vết chắc chắn. Hiện nhiều câu văn vẫn chỉ mới ở dạng giả định, với các trạng từ như “hẳn”, “chắc là”, “có lẽ” …
– Bà phát hiện sự thú vị trong lời mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự nhạy cảm của nhà văn hay là tính chính xác của một giáo viên dạy toán?
– Các chi tiết về Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam là một phát hiện đột xuất của tính lô-gích: Khi tôi biên dịch Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ khi được dịch ngược sang tiếng Anh lại biến thành một câu khác! Tôi hỏi lại Sác-lơ Phen (Charles Fenn), cựu sĩ quan OSS của Đồng minh, đóng tại Côn Minh năm 1945. Ông Phen trả lời vào tháng 8-1945, theo yêu cầu của Cụ Hồ ông đã gửi sang Hà Nội nguyên bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ cho Người. Nhận thức rằng Hồ Chí Minh khoảng năm 1913 hẳn đã quan sát phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ, rồi tư duy về giá trị của kết luận của Người trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, tôi thấy rõ: Trong khi dịch Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh đã chủ động chuyển hoán lời kêu gọi, sao cho nó bao gồm được cả đối tượng phụ nữ và dân tộc ít người.
– Có nghĩa là trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ không có từ “Tất cả mọi người” như trong Tuyên ngôn Độc lập mà Hồ Chí Minh viết?
– Vài năm trước, tôi có phát biểu trước vài trăm sinh viên và hơn mười giáo sư tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Một giáo sư Việt Nam rất giỏi tiếng Anh đã thử thách luận điểm của tôi về cách Hồ Chí Minh trình bày phần đầu bản Tuyên ngôn Độc lập. Ông ấy nói: “Chẳng nhẽ chữ “men” trong tiếng Anh lại không ngụ ý “tất cả mọi người”, tức là “cả đàn ông và đàn bà”?
“Vâng”, tôi đáp. “Vấn đề chính ở chỗ ấy. Nhưng Hồ Chí Minh hẳn đã chứng kiến hàng đoàn biểu tình, tuần hành của phụ nữ Mỹ đòi quyền bầu cử. Và Người hẳn cũng biết rằng từ “men” vào thời Hoa Kỳ ra bản Tuyên ngôn Độc lập không bao gồm phụ nữ.
“Ở hội trường này có bao nhiêu người trên 18 tuổi?”, tôi hỏi, giơ tay mình lên. Một rừng cánh tay giơ lên. “Đây cũng chính là độ tuổi đi bầu cử ở Hoa Kỳ hôm nay. Nhưng nếu chúng ta ở đây đặt mình vào thời Hoa Kỳ ra bản Tuyên ngôn Độc lập thì không một ai trong chúng ta được quyền bỏ phiếu. Không một ai. Vì sao? Vì “men” thời đó có nghĩa là “người da trắng có tài sản lớn”. Tôi là người da trắng duy nhất ở đây, nhưng không phải là người có tài sản gì đáng kể”.
Năm 1913, Hồ Chí Minh chắc chắn đã cảm thấy sự gạt bỏ người Hoa và người Mỹ gốc Phi khỏi diện được hưởng những quyền mà người Mỹ da trắng có tài sản đáng kể được thụ hưởng. Tôi khẳng định chắc chắn rằng Hồ Chủ tịch đã đặt các câu trích từ văn bản nhà nước của Mỹ và Pháp trong đoạn mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam xuất phát từ các nguyên nhân về ngoại giao cấp nhà nước. Nhưng tôi cũng nhận thấy Người đã đưa vào bản Tuyên ngôn này các tư tưởng rất quan trọng của mình. Cách sử dụng ngôn từ của Hồ Chủ tịch đã thể hiện mạnh mẽ rằng Việt Nam là cộng đồng bình quyền của mọi dân tộc, và của mọi công dân cả nam và nữ.
– Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, bà thấy ở người có điều gì đặc biệt so với các danh nhân khác?
– Chúng ta đã được biết về nhiều nhân vật lỗi lạc, đồng thời biết rằng thiên tài thường bộc lộ trong một mặt cụ thể. Còn ở Hồ Chí Minh, sự lỗi lạc của Người vượt ra khỏi khuôn khổ của một lĩnh vực nhất định. Người có khả năng đọc, nói và viết nhiều thứ tiếng, có khả năng làm thơ cả ở những thể loại khó về niêm luật, đồng thời có khả năng biểu đạt những ý tưởng phức tạp bằng những mệnh đề đơn giản, để người bình thường có thể hiểu được. Người có kiến thức sâu về chiến lược quân sự và đường lối ngoại giao, có trí nhớ tuyệt vời về những ai đã từng gặp trong đời, không phụ thuộc vào địa vị xã hội của họ, tinh thông về công tác vận động quần chúng. Danh sách này, mỗi chúng ta đều có thể bổ sung vào.
Tuy nhiên, có tài chưa đủ. Và tài năng chưa hẳn là thông thái.
Nhân tài thường bị thách thức bởi những nhân tài khác (cao nhân tất hữu cao nhân trị). Đó là lý do chúng ta thấy biết bao bút chiến và khẩu chiến trong các giới làm khoa học ở mọi nơi trên thế gian này. Nhưng thiên tài ở Hồ Chí Minh còn là khả năng tuyệt vời tập hợp những người yêu nước có chuyên môn và óc sáng tạo. Sau đó, Người cử họ vào các lĩnh vực công tác khác nhau, nơi họ có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình cho một nước Việt Nam vừa giành độc lập. Người đưa ra những chỉ thị rõ ràng, động viên cao nhất tính chủ động sáng tạo trong thi hành nhiệm vụ được giao.
Với nhiều sự đóng góp như thế, nhưng Hồ Chí Minh rất sáng suốt khi thể hiện sự khiêm nhường. Người đã tránh được những cám dỗ vật chất, để trở thành mẫu mực cho người dân.
That’s leadership (Bản lĩnh lãnh đạo). Đó chính là đức độ của người lãnh đạo.
Hồng Sơn – Lê Đỗ (thực hiện)