Tầm nhìn Hồ Chí Minh qua con mắt một nhà báo Mỹ (Kỳ 4)

“Các ông sẽ phải bỏ cuộc”

QĐND – … Từ núi rừng Việt Bắc vào những tháng trước khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc,  ông Hồ qua máy vô tuyến điện của Trung úy phi công Mỹ Giôn đã liên hệ thăm dò người Pháp ở Côn Minh.

Những bức điện ông nhờ Trung úy Giôn chuyển hộ đến tay Lê-ôn Pi-nhông (Léon Pignon), một chính trị gia chuyên nghiệp Pháp (về sau là Cao ủy Pháp ở Đông Dương) và Thiếu tá Giăng Xanh-tơ-ni (Jean Sainteny), sĩ quan của lực lượng Pháp Tự do (Đại diện Pháp ở Bắc Việt Nam). Cả hai người khi đó đang ở Côn Minh. Sau khi đọc bức điện của ông Hồ yêu cầu Pháp cam kết trao trả độc lập trong vòng năm đến mười năm, Pi-nhông và Xanh-tơ-ni trả lời họ sẵn sàng thương lượng nhưng lại không nói rõ thời gian và địa điểm. Vào lúc này người Mỹ trở thành một vấn đề đối với người Pháp. Đầu tháng 4-1945, chính quyền Mỹ dỡ bỏ lệnh của Ru-dơ-ven không giúp đỡ các lực lượng hoạt động bí mật ở Đông Dương, Cục Tình báo Chiến lược Mỹ (O.S.S.) bắt đầu tiến hành việc tái huấn luyện và cung cấp trang bị cho khoảng 2000 lính Pháp vừa chạy sang Côn Minh sau đảo chính của Nhật, có kế hoạch cho các toán Pháp – Mỹ nhảy dù xuống Đông Dương và tiếp theo sẽ thả đồ tiếp tế trang bị nếu có thể tổ chức được các đội du kích kháng chiến. Thật sự lúc này người Pháp một mặt sẵn sàng nhận mọi giúp đỡ vật chất của Mỹ nhưng lại rất muốn tránh bất cứ sự dính líu trực tiếp nào của Mỹ vào Đông Dương. Tướng Hi-li-oen, cựu Cục trưởng O.S.S. sau này đã nói: “Hết sức rõ ràng là vào tháng 6-1945, người Pháp hoàn toàn chỉ nghĩ đến việc tìm cách giữ không để người Mỹ vào Đông Dương hơn là lo việc đánh bại Nhật hoặc làm cái gì khác để đưa cuộc chiến tranh đến kết thúc thắng lợi trong vùng này”.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Người Mỹ vào Đông Dương không nhiều, nhưng đã có một số toán O.S.S. được thả dù xuống vùng rừng núi và có giúp lực lượng ông Hồ một số súng tiểu liên, các-bin. Vào lúc chiến tranh kết thúc, bộ đội Việt Minh được bổ sung thêm vũ khí lấy được của Nhật ráo riết chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Khắp toàn Đông Dương nổi lên phong trào độc lập. Dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, bộ đội Việt Minh tiến vào Hà Nội ngày 17-8-1945. Một tuần sau, một chiếc máy bay của lực lượng Pháp Tự do đưa Thiếu tá Xanh-tơ-ni nhảy dù xuống Hà Nội cùng với Thiếu tá Mỹ A-si-mét Pa-ti (Archimedes Patti) của O.S.S. Nhiệm vụ của Pa-ti là giải phóng tù binh chiến tranh. Để làm việc này, Pa-ti phải có sự hợp tác của người Nhật bởi vì lúc này quân Trung Quốc làm nhiệm vụ tiếp quản chưa tới. Xanh-tơ-ni cảm thấy mọi hoạt động của mình đang bị Việt Minh và người Nhật cản trở với lý do bảo đảm an ninh cho ông ta. Nhưng Xanh-tơ-ni cho là do có sự nương nhẹ của Pa-ti, Việt Minh đã cầm giữ mấy trăm người Pháp trong khách sạn Metropole. Xanh-tơ-ni bất bình, sau năm ngày đến Hà Nội, ông về Can-cút-ta (Calcutta), Ấn Độ: “Đang có một âm mưu cấu kết của Đồng minh nhằm hất người Pháp ra khỏi Đông Dương”. Nhưng thật ra chỉ là chuyện tình cờ chứ không phải câu kết.

Mấy tuần sau thêm một số người Mỹ đến Hà Nội, trong đó có một số sĩ quan cao cấp của Bộ tư lệnh Chiến đấu Mỹ từ Trung Quốc. Họ tỏ ra cởi mở, có cảm tình với Việt Minh, đặc biệt là với ông Hồ. Thiếu tá Pa-ti không giấu giếm việc ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Theo nguồn tin của Pháp, Pa-ti có nói sẽ giúp ông Hồ xin vũ khí và một vị tướng Mỹ nói ông ta có quan hệ với giới kinh doanh ở Mỹ và họ có thể gửi giúp chế độ mới ở Việt Nam các máy móc hạng nặng để tái kiến thiết đất nước. Việc ông Hồ cần sự giúp đỡ thì đã rõ. Ha-rôn I-dắc (Harold Isaacs), một đồng nghiệp của tôi làm việc ở Newsweek đã được gặp ông Hồ vào tháng 11-1945 kể rằng, ông Hồ có nói ông sẵn sàng để cho người Pháp giữ được địa vị kinh tế của họ ở Việt Nam nếu họ công nhận nền độc lập của Việt Nam. Ông Hồ hỏi lại: “Sao lại không? Chúng tôi đã phải trả bằng xương máu hàng mấy thập kỷ rồi. Ví phỏng chúng tôi phải trả thêm mấy trăm triệu đồng nữa để giành được tự do thì không đáng hay sao?”.

… Cảm tình của người Mỹ đối với ông Hồ vào cuối năm 1945 và đầu năm 1946 thể hiện trong việc thành lập Hội Hữu nghị Việt-Mỹ. Cuộc họp đầu tiên của hội ở Hà Nội có một tướng Mỹ và các sĩ quan Mỹ dự. Đáp lại những lời hoan nghênh, ca ngợi hữu nghị đối với nước Mỹ, vị tướng Mỹ mong muốn rồi đây sẽ có những việc như trao đổi sinh viên giữa hai bên.

Thiếu tá Xanh-tơ-ni một lần gặp một chuyện ông cho là sỉ nhục khi đang ngồi xe Jeep có treo cờ Pháp bị quân Nhật bắt giữ, sau đó được thả nhờ có sự can thiệp của một đại tá Mỹ. Đối với người Mỹ, Xanh-tơ-ni có nhận xét: “Tinh thần chống chủ nghĩa thực dân ấu trĩ đã làm mờ mắt hầu hết người Mỹ”. Tuy gặp nhiều chuyện không hài lòng, chính Xanh-tơ-ni hơn bất cứ người Pháp nào, lại có cảm tình với Hồ Chí Minh và đã cố gắng thúc đẩy chính sách hợp tác thực sự với ông.

Sau hai lần gặp ông Hồ vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10-1945, Xanh-tơ-ni có nhận xét ông Hồ là “một nhân vật đầy nghị lực và đáng kính”. Sau này trong cuốn sách “Chuyện một nền hòa bình bị bỏ lỡ, 1945-1947”, Xanh-tơ-ni đã viết: “Con người rất mực giản dị này, với khuôn mặt ta thoáng nhìn đã thấy ngay sự thông minh mẫn tiệp, tài giỏi, tinh tế, là một nhân vật thuộc lớp người có những phẩm chất cao quý nhất, là một người chẳng bao lâu sẽ đứng vào hàng đầu trên cục diện châu Á”.

Xanh-tơ-ni là người đã tham gia phần lớn việc thương lượng với ông Hồ và đạt được Hiệp định ngày 6-3-1946. Trong cuốn sách của mình, Xanh-tơ-ni có trích dẫn lời ông Hồ nói: “Khi chúng tôi muốn tự cai quản đất nước mình… chúng tôi sẽ cần đến các chuyên gia, các kỹ sư và nguồn tư bản của các ông để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng mạnh”. Xanh-tơ-ni nói: “Ông Hồ muốn có một Liên hiệp Pháp được xây dựng, trong đó Việt Nam là hòn đá tảng… Ông ấy muốn đất nước ông phải được độc lập và muốn nền độc lập ấy có vai trò của người Pháp… Thật đáng tiếc là nước Pháp đã không đánh giá đúng con người đó và không hiểu hết giá trị và sức mạnh của ông ấy”.

… Một lần, trong thời gian Hội nghị Fontainebleau (1946), ông Hồ đã nói với Xanh-tơ-ni và Ma-ri-uýt Mu-tê (Marius Moutet): “Nếu chúng tôi phải chiến đấu để giành độc lập thì chúng tôi sẽ chiến đấu. Các ông có thể giết được mười người của chúng tôi và chúng tôi chỉ giết được một người của các ông nhưng cuối cùng các ông sẽ là người phải bỏ cuộc”.

Rô-bớt Sáp-lân, sinh năm 1917, thường xuyên viết cho các báo The New Yorker, Herald Tribune, Newsweek ; trong Thế chiến II là phóng viên chiến tranh của Newsweek trên mặt trận Thái Bình Dương. Do tính chất công việc, R. Sáp-lân biết khá nhiều chuyện về Việt Nam trong những năm chiến tranh. Ông cũng là bạn của Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, của Giáo sư La-ri Bơ-man (Larry Berman), tác giả cuốn “Điệp viên hoàn hảo”. Sau 1975 ông có trở lại thăm Việt Nam.

Cuốn “The Lost Revolution” (Cuộc cách mạng bị bỏ lỡ) của R. Sáp-lân ra mắt độc giả từng phần lần đầu tiên trên các báo từ năm 1955, sau đó xuất bản thành sách, liên tục tái bản có bổ sung vào những năm 1962, 1963, 1964, 1965. Điều đáng chú ý là trong cuốn sách của Mỹ, tác giả phê phán Pháp và Mỹ liên tục sai lầm, đã bỏ lỡ cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 của nhân dân Việt Nam, bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác với Cụ Hồ Chí Minh do không hiểu được nguyện vọng cháy bỏng của Cụ Hồ là độc lập dân tộc cho nhân dân Việt Nam, không tin Cụ Hồ thành thật muốn hợp tác với Đồng minh để chống Nhật cứu nước và sẵn sàng quan hệ với phương Tây để xây dựng đất nước sau khi giành được độc lập.

Quang Doãn
(Giới thiệu và biên dịch)

Kỳ 1: Câu chuyện của viên Trung úy Mỹ
Kỳ 2: Bức thư của Hồ Chí Minh
Kỳ 3: “Ông già người Việt” và những cuộc gặp với người Mỹ

qdnd.vn

Advertisement