Tầm nhìn Hồ Chí Minh qua con mắt một nhà báo Mỹ – Kỳ 2

Bức thư của Hồ Chí Minh

QĐND – Ông Hồ và Giôn đã từng uống rượu, ăn gan hổ ninh nhừ. Ngày nay nhắc lại chuyện cũ, Giôn thú thật sự ngây thơ của mình là hồi ấy anh cứ nghĩ rằng ông Hồ không phải là người cộng sản. Nhưng dù ông đúng là cộng sản, Giôn vẫn tin chắc rằng ông Hồ rất thành thật muốn hợp tác với phương Tây, đặc biệt với Pháp và Hoa Kỳ. Giôn hiện còn giữ hai lá thư viết bằng tiếng Anh của ông Hồ gửi cho anh ta lúc ở trong rừng. Một lá thư viết không bao lâu sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh vào lúc Việt Minh sắp sửa nắm được quyền kiểm soát phong trào quốc gia, toàn văn như sau :

Trung úy (Giôn) thân mến,

Từ lúc chia tay với ông đến nay sức khỏe của tôi có kém đi. Có lẽ tôi sẽ phải nghe lời khuyên của ông di chuyển đến một vùng khác dễ tìm lương thực để sức khỏe được tốt hơn.

Tôi gửi tặng ông một chai rượu, hy vọng ông sẽ vừa ý. Mong ông vui lòng cho tôi biết những tin tức về tình hình quốc tế ông đã nhận được.

Nhờ ông gửi tới Đại bản doanh của ông bức điện sau đây :

1. Đại Việt (một tổ chức quốc gia chống Việt Minh) đang có kế hoạch tiến hành hoạt động khủng bố người Pháp ở nhiều nơi rồi đổ trách nhiệm cho VML (Mặt trận Việt Minh). VML đã chỉ thị cho hai triệu hội viên và dân chúng thuộc quyền của mình hết sức cảnh giác và khi có điều kiện phải chặn đứng âm mưu tội ác của Đại Việt. VML tuyên bố trước thế giới mục tiêu của mình là độc lập dân tộc. VML đấu tranh bằng biện pháp chính trị và nếu cần sẽ bằng biện pháp quân sự. Nhưng không bao giờ dùng hành động tội ác và bất lương. 

2. Ủy ban Giải phóng Dân tộc của VML đề nghị các nhà chức trách của chính phủ Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc tình hình sau đây. Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc đánh Nhật. Ngày nay Nhật đầu hàng, chúng tôi đề nghị Liên hợp quốc thực hiện lời hứa của mình là mọi dân tộc sẽ được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc quên lời hứa long trọng của mình và không trao độc lập hoàn toàn cho Đông Dương, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành được độc lập mới thôi.

Ký tên: Ủy ban Giải phóng của VML.

Xin cảm ơn ông vì đã làm phiền ông nhiều. Xin gởi ông lời chúc tốt đẹp

Thân ái chào ông, Hồ (sic)

(“sic” có nghĩa là “giữ đúng nguyên văn tiếng Anh” của người viết bức điện – ND).

Ngày 19-8-1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít tinh, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh tư liệu

Điều gì có thể cắt nghĩa được sự khác biệt giữa hai thời kỳ 1945 và 1965, giữa những ngày chung sống thân thiết của Giôn với ông Hồ Chí Minh ở trong rừng-thời kỳ mà Mỹ đang có uy tín rộng lớn ở châu Á-với tấm thảm kịch phức tạp của cuộc chiến tranh Việt Nam ngày nay, khi mà người Mỹ đang tiến hành cuộc ném bom đất nước của ông Hồ? (Sách này tái bản lần thứ 5 vào năm 1965).

Những người cho rằng lẽ ra cần phải tranh thủ ông Hồ về phía chúng ta nay vẫn giữ quan điểm đó mặc dù từ lâu họ biết rõ sự thực ông Hồ không bao giờ chao đảo khỏi con đường Mác-xít – Lê-nin-nít. Mặc dù những quan điểm tư tưởng của ông thuộc lớp người chính thống Mác – Lê-nin (mà cũng có thể chính vì những quan điểm đó rất chính thống), và cũng do Đông Dương ở xa Mát-xcơ-va của Xta-lin mà ông Hồ đã viết nên bản tiểu sử cách mạng độc đáo riêng của mình. Vào thời kỳ đó, ông không tỏ ra là một kẻ ly khai phong trào cộng sản quốc tế mà lại càng bộc lộ là một chiến sĩ Bôn-sê-vích có quan điểm độc lập, một Mô-hi-can Mác-xít cuối cùng giữa chốn hoang vu Đông Nam Á chống chế độ thực dân. Nếu cho rằng đó chẳng qua là ông ta đã mê hoặc được vài người Mỹ để tạo mối quan hệ bạn bè vui vẻ nhưng nguy hiểm trong những tháng trước và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng lại có thể kể ra nhiều loại bằng chứng khác nữa ngoài câu chuyện của Trung úy Giôn để chứng minh một cách chắc chắn rằng ông Hồ đã thật lòng với điều ông nói, ông rất muốn kết thân với những người Mỹ và những người Pháp có tư tưởng tự do, những người mà ông hy vọng có thể giúp ông tìm ra một con đường ôn hòa để giành lại tự do cho Việt Nam. Phải chăng đó chỉ là một nước cờ của ông Hồ, một diễn viên tuyệt vời, và phải chăng ông đã lợi dụng một số ít bạn bè người nước ngoài để xúc tiến sự nghiệp cháy bỏng của mình theo viễn ảnh của Mát-xcơ-va? Có khá nhiều bằng chứng về sự thành thực của ông Hồ để bác bỏ kết luận quá giản đơn đó. Chẳng phải do Mát-xcơ-va ở quá xa, không giúp gì cho ông Hồ một cách cụ thể trong những năm khó khăn trước đó, nhưng điều quan trọng là lúc bấy giờ nước Trung Hoa cộng sản chưa ra đời. Vậy thì lúc đó có ai hơn người Mỹ – những người đang tỏ ra tích cực chống chủ nghĩa thực dân khi vạch ra kế hoạch cho thế giới sau chiến tranh – đang có tư thế có thể giúp ông Hồ giành lại tự do cho đất nước từ tay người Pháp và đồng thời ngăn chặn được sự xâm nhập của Trung Hoa Quốc dân Đảng?

Chính sách của chính quyền Mỹ trong thời gian chiến tranh đối với vấn đề Đông Dương có lúc tỏ ra tích cực nhưng cũng có lúc mập mờ. Tổng thống Ru-dơ-ven (Roosevelt) có lúc đã nhận được sự chấp thuận có tính chất thăm dò của Xta-lin và Tưởng Giới Thạch về việc thực hiện chế độ ủy trị đối với Đông Dương sau chiến tranh, mặc dù trước đó cả hai nước này đã tán thành ý kiến trao trả độc lập cho người Việt Nam. Sớc-sin (Churchill) đã có phản ứng tiêu cực đối với đề nghị thực hiện chế độ ủy trị và Ru-dơ-ven đã chê trách ông ta là một kẻ theo chủ nghĩa đế quốc già cỗi. Tuy nhiên Ru-dơ-ven lại có thái độ có phần mập mờ khi có thời cơ cần phải làm cái gì đó để mở đường thực hiện độc lập cho Việt Nam. Tháng 10-1944, ông ta nói với Bộ trưởng Ngoại giao Co-đen Hun (Cordell Hull): “Chúng ta không được có bất cứ quan hệ nào đối với các nhóm kháng chiến ở Đông Dương”. Và khi một phái đoàn của phe nước Pháp tự do tới Kandy (Xây-lan) để yêu cầu Bộ tư lệnh Đông Nam Á của Đồng minh giúp đỡ, Ru-dơ-ven đã ra lệnh: “Không một đại diện nào của Mỹ ở Viễn Đông, bất kể là dân sự hay quân sự, được phép có bất cứ quyết định nào liên quan đến các vấn đề chính trị với người Pháp hay bất cứ người nào khác”.

“Người nào khác” có thể bao gồm cả ông Hồ Chí Minh mặc dù Ru-dơ-ven chưa từng nghe nói về ông ta. Ông Hồ từ lâu vốn là người bí ẩn, có nhiều tên gọi. Về điều này, ta chỉ cần nhớ lại thời kỳ 1939, khi ông Hồ còn lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Năm ấy, tiếp theo sự thất bại của Mặt trận Bình Dân ở Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương do ông Hồ xây dựng phải phân tán và đi vào hoạt động bí mật. Khi quân Nhật tràn vào Bắc Kỳ tháng 9-1940, những người cộng sản và những người quốc gia không cộng sản đã tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa chống cả Pháp và Nhật, nhưng đã nhanh chóng bị đàn áp. Tháng 5-1941, sau khi Nhật dựng lên chế độ bù nhìn gồm những người Pháp theo chính phủ Vichy, ông Hồ cùng những người cộng sản Việt Nam khác đã tổ chức cuộc họp với một số người theo chủ nghĩa quốc gia tại Tsin Li trên đất Trung Quốc gần biên giới Bắc kỳ. Họ đã tập hợp nhiều bộ phận đang hoạt động phân tán vào tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh-gọi tắt là Việt Minh-và linh hồn lãnh đạo của tổ chức này, người được bầu làm người đứng đầu, là ông già để râu Nguyễn Ái Quốc, người bất ngờ xuất hiện trong buổi họp, mặc dù trước đó nhiều người tin rằng ông đã chết vì bệnh lao ở trong rừng nhiều năm rồi. Không hề phô trương mình là người cộng sản, ông Hồ đã cùng với bạn bè tập trung vào việc thành lập một mặt trận quốc gia chung để tiếp tục cuộc chiến đấu chống cả Nhật và Pháp để giành tự do cho Việt Nam.

Quang Doãn
(giới thiệu và biên dịch)

Kỳ 1: Câu chuyện của viên Trung úy Mỹ

Kỳ 3: “Ông già người Việt” và những cuộc gặp với người Mỹ

qdnd.vn

Advertisement