Tầm nhìn Hồ Chí Minh qua con mắt một nhà báo Mỹ – Kỳ 1

QĐND – Trong cuốn sách của mình, Cuộc cách mạng bị bỏ lỡ (The Lost Revolution), được xuất bản năm 1965, nhà báo Mỹ Rô-bớt Sáp-lân (Robert Shaplen) cho rằng, Pháp và Mỹ đã không nhận định đúng về Cụ Hồ Chí Minh và không biết ứng xử một cách thực tế vào năm 1945 và 1946 đối với cuộc Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam, gây ra hai cuộc chiến tranh tàn bạo và phi lý, để rồi cùng phải chịu thất bại thảm hại nặng nề nhất trong lịch sử đối với cả Pháp và Mỹ. Cuộc cách mạng bị bỏ lỡ chủ yếu nói về tình hình Việt Nam, những diễn biến trong những tháng trước cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến năm 1965, khi Mỹ đẩy mạnh leo thang chiến tranh Việt Nam.

Xin trích giới thiệu với bạn đọc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Ma-ghi-uýt Mu-tê (Marius Moutet) ký bản tạm ước Việt – Pháp ngày 14-9-1946. Ảnh tư liệu

Câu chuyện của viên Trung úy Mỹ

Trong những tháng trước và sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nếu như mối quan hệ giữa người Mỹ và Việt Minh ở Nam Kỳ chưa bao giờ vượt qua tính chất thăm dò thì ở phía Bắc, mối quan hệ đó lại có phần chặt chẽ hơn rất nhiều. Có nhiều thời điểm trong lịch sử đã xảy ra những sự kiện mà sau này nhìn lại dù còn mờ mịt hay rời rạc, những sự kiện ấy vẫn gợi ra rất nhiều giả định về khả năng phát triển tình hình tiếp sau đó: Giá như vào thời điểm đó những sự kiện ấy đã được đánh giá một cách khác đi, giá như cứ để cho những sự kiện ấy được tiến triển thuận chiều… thì cả chuỗi sự kiện tiếp theo có thể đã khác đi rồi chăng? Ngày nay (năm 1965), chúng ta có cơ sở để tin rằng đã từng có những mối quan hệ giữa ông Hồ Chí Minh và một số người Mỹ trong năm 1945 và 1946, và đặc biệt hơn là mối quan hệ của ông Hồ với một nhóm nhỏ nhà chính trị và ngoại giao Pháp. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng gạt bỏ những sự kiện ấy và cho rằng ý nghĩa của chúng chẳng có gì quan trọng nếu cứ đinh ninh rằng những người cộng sản và đặc biệt là ông Hồ chưa bao giờ có một ý đồ nào khác ngoài việc lập một quốc gia cộng sản theo hình ảnh Mát-xcơ-va ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số người với từng mức độ am hiểu tình hình chính trị khác nhau sau chiến tranh thế giới II và từng góp phần tạo nên lịch sử của thời kỳ đó, những giả thiết xa xôi như thế chỉ là sự giản đơn hóa quá mức cả một chuỗi tình huống chính trị hết sức tế nhị và phức tạp lúc bấy giờ.

Tôi vẫn luôn có chung quan điểm với rất nhiều, nếu không nói là phần lớn những người đã theo dõi tình hình Đông Dương, là vào thời kỳ đó cả người Pháp và Mỹ, đặc biệt là những nhà vạch chính sách chủ chốt của nước Pháp ở Pa-ri lúc bấy giờ, đã phạm một sai lầm nghiêm trọng không biết ứng xử một cách thực tế hơn với ông Hồ Chí Minh vào năm 1945 và 1946, và bởi đó, toàn bộ tiến trình các sự kiện tiếp sau đó có thể đã diễn biến khác đi, dẫn đến chiến tranh đổ máu. Trong những năm gần đây (giữa thập kỷ 1960 – ND), một số quan chức Mỹ ở cấp cao nhất đã nói với tôi rằng, theo họ nghĩ đáng lẽ ra cần phải đi một nước cờ táo bạo với ông Hồ Chí Minh vào thời đó. Lịch sử, trái với lòng tin của nhiều người, rất hiếm khi tự lặp lại và cũng rất hiếm khi có được thời cơ lần thứ hai. Đây là một trong những thảm kịch đặc biệt của chính sách Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tiên.

Có nhiều cách thuật lại khác nhau trong việc ông Hồ tìm cách liên lạc với phương Tây trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một chuyện tuy có phần chất phác đơn sơ, nhưng lại nói lên được rất nhiều thực tế lúc bấy giờ. Đó là câu chuyện về  một cựu Trung úy Lục quân Mỹ – trong câu chuyện này tôi chỉ được gọi anh ta là Giôn (John) – người vào tháng 5-1945 đã nhảy dù xuống khu căn cứ của ông Hồ nằm trong rừng gần làng Kim Lũng ở Việt Bắc để thực hiện nhiệm vụ thiết lập một đường dây bí mật giải thoát các nhân viên quân sự Đồng Minh. Làng Kim Lũng ở ven khu rừng già, nằm khuất sau lùm cây rậm. Những thung lũng nhỏ hẹp lọt giữa những dãy núi cao và ở một trong những thung lũng nhỏ đó, khu căn cứ của ông Hồ Chí Minh gồm 4 chiếc lán nhỏ cất bên cạnh một dòng suối dưới chân một đỉnh núi cao cách biệt với thế giới bên ngoài. Mỗi lán chỉ rộng khoảng 1,2 mét vuông, cột tre đỡ sàn cao cách mặt đất khoảng 1,2 mét. Ông Hồ cũng sống kham khổ như những người khác.

Chính giữa cái nôi cách mạng nguyên sơ nằm sâu trong vùng Nhật kiểm soát, Trung úy Giôn đã có cơ hội độc nhất được sống và làm việc với ông Hồ trong nhiều tháng. Anh ta nhận thấy, ông Hồ hoàn toàn có thái độ hợp tác khi ông phái các toán du kích đi trinh sát lùng sục yểm trợ, kể cả một lần đi cứu một số người Pháp bị giam giữ gần biên giới Trung Quốc. Giôn đã dùng chiếc máy vô tuyến xách tay của anh để giúp ông Hồ bắt liên lạc lần đầu tiên với những nhân viên thương lượng người Pháp lúc bấy giờ đang ở Côn Minh, Trung Quốc, những người mà chẳng bao lâu sau đó có thể sẽ cùng tranh luận với ông Hồ ở Hà Nội về tương lai của Đông Dương sau chiến tranh. Nhưng chính bản thân Giôn đã đóng một vai trò trực tiếp hơn liên quan tới những vấn đề của Việt Nam trong câu chuyện thân mật với ông Hồ khi ông đang chuẩn bị cho bản Tuyên ngôn Độc Lập.

Giôn kể lại: “Ông Hồ nhiều lần hỏi tôi có thể nhớ được lời văn của bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta (Mỹ) không. Tôi chỉ là một người Mỹ bình thường, làm sao tôi nhớ được. Tất nhiên, nếu cần tôi có thể điện về Côn Minh xin thả dù cho tôi một bản”. (Có một điều ít người biết, chính ở sân bay Lũng Cò – Tuyên Quang, một bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đã được Không đoàn 14 thả xuống theo yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc… – “Đường dẫn đến Tuyên ngôn độc lập” của Đại tá Thế Kỷ, người giúp việc cho ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ – theo Báo Tuổi Trẻ cuối tuần 31-8-2008).

Nhưng điều cốt yếu mà ông Hồ cần lại chính là tinh thần toát lên của bản tuyên ngôn đó. Càng trao đổi ý kiến với ông, tôi càng thấy thực sự ông biết nhiều hơn tôi. Trong hầu hết mọi chuyện tôi trao đổi với ông, ông đều biết rõ hơn tôi, nhưng thấy yêu cầu của ông rất kiên quyết, buộc lòng tôi cũng phải nói lên ý kiến của mình và thật là một điều lạ là ông rất chú ý lắng nghe tôi nói. Ông Hồ thật sự là một người hết sức dễ mến. Nếu như tôi phải nêu lên một đức tính về ông già đang ngồi trên ngọn đồi trong khu rừng ngày ấy, thì đó là đức tính hiền hậu ở con người ông”.

Quang Doãn
(Giới thiệu và biên dịch)

Kỳ 2: Bức thư của Hồ Chí Minh

qdnd.vn

Advertisement