
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.
(DVT.vn) – Theo Bác Hồ chỉ đạo, GS Hoàng Minh Giám thay mặt Đảng Xã hội Việt Nam dự Đại hội Đảng Xã hội Pháp và trình bày lập trường của Chính phủ VNDCCH.
Năm 1933, lần đầu tiên, nước Pháp có một Chính phủ Mặt trận Bình dân (Gouvernement du Front populaire). Đảng Xã hội Pháp (SFIO) được thành lập một chi nhánh tại Bắc Kỳ (Fédération SFIO du Tonkin), do Louis Caput làm thư ký, và kết nạp một số đảng viên là người Việt Nam.
Hai năm sau, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động (1/5) được kỷ niệm công khai và long trọng ở Hà Nội tại khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô) với 25 nghìn người dự. Số người Pháp dự không quá mấy chục; còn lại là người “bản xứ”: đại biểu công nhân, nông dân ngoại thành, tiểu thương, tiểu chủ, sinh viên, học sinh và giáo viên nhiều trường học (trong đó có Trường Thăng Long), công chức, nhà văn, nhà báo, đại biểu các Hội Ái hữu do Đảng Cộng sản bí mật lãnh đạo, động viên.
Sau ngày 2/9/1945 (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập), một vấn đề đặt ra là có cần một Đảng Xã hội Việt Nam, không phải là chi nhánh của SFIO, mà là của những người trí thức Việt Nam yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội.
Trước khi Bác Hồ và Đoàn đại biểu ta tại Hội nghị Fontainebleau đi Pháp (31/5/1946), Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) ra đời (27/5/1946), với nhiệm vụ mở rộng khối đoàn kết toàn dân. Hai tháng sau (22/7/1946), Đảng Xã hội Việt Nam được thành lập, tự nguyện là một thành viên tích cực của Hội Liên Việt, cùng với các thành viên khác của Hội, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang bị nhiều giặc ngoài, thù trong quấy rối và đe dọa.
Lúc đó tôi không có mặt ở Hà Nội, mà đang công tác trên đất Pháp, trong Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau. Tôi nhận được điện của đồng chí Phan Tư Nghĩa, Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam (và nguyên đảng viên SFIO trên đất Pháp).
Tôi báo cáo với Bác Hồ (Bác có mặt ở Paris với tư cách là khách mời của Chính phủ Pháp). Bác bảo: “Tốt lắm. Chú cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao”. Rồi Bác nói thêm: “Hiện nay trong Quốc hội và Chính phủ Pháp, có ba đảng lớn hơn cả là: Đảng MRP (Phong trào Cộng hòa bình dân) theo khuynh hướng De Gaulle, Đảng Cộng sản, và Đảng SFIO. Đảng MRP không ủng hộ ta. Đảng Cộng sản ủng hộ ta. Nhưng không đảng nào trong hai đảng đó chiếm được đa số. Đảng Xã hội tuy có ít phiếu hơn, nhưng đứng về phía nào thì phía đó thắng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau tại một buổi gặp gỡ bà con Việt kiều tại Pháp.
(Trong ảnh: Người đứng thứ hai hàng thứ hai từ phải sang là GS Hoàng Minh Giám)
Bác quen nhiều đảng viên quan trọng của đảng SFIO, đặc biệt là Léon Blum, lãnh tụ của đảng. Chúng ta biết rằng trước kia Bác là đảng viên SFIO. Năm 1920, trong Đại hội họp ở thành phố Tours, Bác cùng Marcel Cachin và một số lớn đồng chí rút ra khỏi SFIO, gia nhập Quốc tế thứ ba và lập ra Đảng Cộng sản Pháp.
Để làm nhiệm vụ do Đảng Xã hội Việt Nam giao, tôi có một số thuận lợi. Louis Caput, nguyên thư ký chi nhánh SFIO Bắc Kỳ, có mặt ở Paris. Một người Pháp khác mà tôi quen từ trước Cách mạng Tháng Tám, vì người ấy cũng là đảng viên SFIO, thuộc Fédération SFIO Bắc kỳ, và dạy học ở Trường đại học Luật Hà Nội, tên là Lambrouquère và một số Việt kiều tại Pháp, trong đó có anh Đặng Chấn Liêu (em ruột anh Đặng Phúc Thông trong Đoàn ta dự Hội nghị Fontainebleau) đã giúp tôi làm quen với một số đảng viên Pháp của SFIO có nhiệt tình với nhân dân Việt Nam, thí dụ: anh Decheizèle (trong Ban Tổ chức của Trung ương Đảng SFIO), anh Jean Roux (luật gia và nhà báo, thường viết cho báo Franc Tireur và là ủy viên “Ban các vấn đề thuộc địa” (Commission des affaires coloniales của SFIO).
Caput và Labrouquère, một hôm hỏi tôi: “Anh có muốn gặp Marius Moutet không?” Thấy tôi có vẻ ngập ngừng một giây lát rồi mới trả lời: “Có, tất nhiên có”, họ nói: “Anh chớ ngại gì cả! Anh là SFIO, Moutet không thể không gặp anh!”
Tôi không nói cho họ biết lý do sự ngập ngừng của tôi trong giây lát, trước khi trả lời họ: “Có, tất nhiên có!” Lý do đó là sự việc sau đây, đã xảy ra hồi đầu năm 1946: Lúc đó tôi đã tiếp tại Văn phòng Bộ Nội vụ, Luật sư Gustave Moutet (con trai của Marius, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại) được cử đến Việt Nam tìm hiểu tình hình. Trong khi trả lời một số câu hỏi của Gustave Moutet, tôi nói: “Chắc ông biết rằng nước chúng tôi đã là nạn nhân của hai cuộc chiếm đóng: cái thứ nhất là của quân đội Nhật, cái thứ hai là của quân đội Tưởng…”, anh ta “chêm” luôn một câu: “Còn cuộc chiếm đóng thứ ba nữa là của các ông!” (Et une troisième occupation: la vôtre!).
Tôi sửng sốt vì câu nói quái gở đó. Tôi phải tự kiềm chế, không phản ứng câu nói đó, tôi chỉ rút ngắn buổi tiếp khách.
Một ngày cuối tháng 6/1946, Labrouquère báo cho tôi biết Marius Moutet đã gửi thiếp mời tôi đến gặp tại Bộ Pháp quốc hải ngoại. Đúng ngày hẹn, tôi đã đến, nhưng buổi tiếp đó không làm tôi phấn khởi, vì ông ta không tỏ vẻ quan tâm nghe, khi tôi trình bày lập trường của ta về độc lập, thống nhất của Việt Nam, về vị trí của Việt Nam trong Liên bang Đông Dương, trong Liên hiệp Pháp; trái lại, ông ta tỏ rất quan tâm và phát biểu nhiều về quyền lợi mà ta sẽ dành cho thực dân Pháp còn sống trên đất nước ta.
Trái với Marius Moutet, một đảng viên SFIO khác mà đoàn ta đã có dịp làm quen trong thời gian Hội nghị Fontainebleau, đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng sâu sắc. Đó là giáo sư Paul Rivet, giám đốc Bảo tàng Con người (Musée de l’homme). Theo yêu cầu của ta là trong Đoàn đại biểu Pháp không nên chỉ có những công chức thuộc địa, Chính phủ Pháp đã đề nghị ba đảng MRF, Cộng sản, SFIO cử mỗi đảng một đảng viên tham gia đoàn Pháp. Đảng MRF đã cử ông Jugias; Đảng Cộng sản cử đồng chí Lozeray; Đảng SFIO đã cử Giáo sư Paul Rivet.
Ngày 5/7/1946, trưởng đoàn Pháp là Max André triệu tập các đoàn viên nghe thông báo nội quy của đoàn và đường lối chủ trương của Chính phủ Pháp trong Hội nghị Fontainebleau sẽ khai mạc hôm sau là ngày 6/7/1946. Buổi họp kết thúc, các đại biểu chào ra về. Khi bắt tay Paul Rivet, Max André nói: “Hẹn sáng mai nhé!” Paul Rivet trả lời: “Không! Sáng mai tôi không đến”. Max André ngạc nhiên hỏi: “Vì sao?” Và Paul Rivet trả lời: “Vì tôi từ chức” (Je suis démisionnaire).
Sau đó, Giáo sư viết một bài trên báo Le Populaire, nói lý do việc từ chức của mình, và tóm tắt trong một câu ngắn gọn: “Tôi không muốn là một người bị lừa dối, không muốn là một con tin, không muốn là một kẻ đồng lõa” (Je ne veux être ni dupe, ni otage, ni complice).
Hội nghị Fontainebleau bị bế tắc do những hành động phá hoại của bè lũ d’Argenlieu. Đoàn ta về nước. Bác cũng về nước, sau khi ký một Tạm ước (Modus vivendi) với Pháp. Bác cử một đoàn gồm ba người (Hoàng Minh Giám, Trần Ngọc Danh, Dương Bạch Mai) đại diện Chính phủ ta ở nước Pháp. Do đó, tôi có dự – với tư cách là đại diện Đảng Xã hội Việt Nam Đại hội toàn quốc (Congrès national) của Đảng SFIO cuối tháng 9 đầu tháng 10/1946. Lúc đó, tình hình Đảng SFIO không vui vẻ lắm… Tổng Thư ký sắp hết nhiệm kỳ là Daniel Mayer, không có hy vọng được tái cử, và nhiều người đã nói tên người thay thế là Guy Mollet.
Tôi đến dự Đại hội, phát biểu ý kiến, chào mừng Đại hội, trình bày tóm tắt lập trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Hội nghị Fontainebleau, khẳng định ý chí của nhân dân Việt Nam là độc lập, thống nhất của Tổ Quốc mình, trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp (Indépendance et unité du Viêt-nam dans le cadre de l’Union Française).
Tổng Thư ký sắp hết nhiệm kỳ không tỏ vẻ mặn mà với sự có mặt của đại diện Đảng Xã hội Việt Nam. Nhưng sau buổi họp, một số đại biểu SFIO và một đại biểu Công đảng Anh (Parti Travailiste) cũng là khách mời của Đại hội, đến bắt tay và chúc mừng cuộc đàm phán Việt – Pháp sẽ tiếp tục đầu tháng 1/1947 (theo Tạm ước 14/9/1946) và sẽ đạt kết quả tốt.
(Còn nữa)