(DVT.vn) – Chỉ có Bác Hồ và GS Hoàng Minh Giám giữa “vòng vây” của các chiến hạm Pháp, đạn đại bác lên nòng, Bác vẫn bình thản đối đáp với đô đốc d’Argenlieu.
D’Argenlieu đứng bên cạnh Bác, có vẻ hân hoan đắc chí giới thiệu lần lượt các chiến hạm diễu qua trên mặt biển. Bác thỉnh thoảng vẫy tay chào… D’Argenlieu trả lời, có vẻ thích thú… Có một lúc d’Argenlieu đang nói chuyện với một số sĩ quan tùy tùng đến báo cáo gì đó, Bác quay lại phía tôi và nói khẽ:
– Nó làm ra vẻ tôn trọng ta lắm. Thật ra, nó muốn phô trương lực lượng để dọa ta đó. Nhưng ta có sợ đâu!
Xong cuộc duyệt binh, d’Argenlieu mời Bác dự một tiệc trà nhẹ, ngắn, với toàn thể quan khách, rồi sau đó, mời Bác đến “phòng khách danh dự” để đàm thoại về vấn đề thi hành các điều khoản của Hiệp định sơ bộ 6/3. Dự cuộc này, ngoài Bác và d’Argenlieu, chỉ có tôi.
Phát biểu trước, Bác nhắc d’Argenlieu chú ý việc thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản nói về trách nhiệm của hai bên phải đình chỉ ngay chiến sự ở miền nam Việt Nam, quân đội mỗi bên đóng ở đâu phải ở nguyên đó. Nếu chiến sự tiếp tục như hiện nay, thì tất nhiên không thể tạo nên không khí thuận lợi cho “cuộc đàm phán hữu nghị và chân thành” được nêu lên trong Hiệp định sơ bộ.
D’Argenlieu không đáp lời Bác, không tranh luận mà đứng dậy, một cách long trọng, xoa tay và nói:
– Thưa ngài Chủ tịch, tôi xin lưu ý Ngài một điều: xin Ngài đừng gọi tôi là “Ông đô đốc”, mà gọi tôi là “Ông cao ủy”.
Ông ta ngồi xuống, và chờ Bác nói. Tôi sực nhớ rằng từ lúc đặt chân lên chiến hạm Emile Bertin, Bác chưa hề gọi d’Argenlieu là “Ông cao ủy”.
Sau khi d’Argenlieu đã ngồi xuống, Bác liền nói với một giọng nói và một nét mặt rất bình thản:
– Thưa ông cao ủy, chúng ta tiếp tục nói về việc thi hành Hiệp định sơ bộ 6/3. Trong Hiệp định đó, đã khẳng định sự cần thiết mở lập tức cuộc đàm phán hữu nghị và chân thật (ouverture immédiate des négociations amicales et franches).
D’Argenlieu nói:
– Thưa Ngài Chủ tịch, nước Pháp sẽ nghiêm túc thi hành các điều khoản của Hiệp định sơ bộ. Nhưng hiện nay, Hội nghị nói trên chưa họp được, vì phải chờ cuộc tổng tuyển cử sắp tổ chức ở Pháp để thành lập một chính phủ mới. Vả lại, để giải quyết một số vấn đề rất mới, như vấn đề Liên hiệp Pháp (L’union française), cần có thời gian nghiên cứu, thảo luận trong Quốc hội Pháp.
Bác thấy rõ ý đồ của d’Argenlieu là trì hoãn, kéo dài thời gian, Bác nói:
– Không thể chờ lâu được. Kéo dài thời gian chờ đợi, thì rất nguy hiểm. Hiện nay, chiến tranh chưa được chấm dứt ở miền nam Việt Nam, và không phải không có nguy cơ chiến tranh nổ ra ở miền bắc. Quân đội Nhật, quân đội Trung Quốc cũng chưa rút… Tình hình có thể trở nên phức tạp, rối ren.
Lúc đó, tôi xin phép Bác phát biểu, và tôi nói mấy câu vắn tắt, nhấn mạnh ý: Không nên để cho dư luận trong công chúng Việt Nam mất tin tưởng vào thiện của phía Pháp và vào khả năng đi đến một giải pháp hòa bình và hữu nghị. (Trong thời gian đàm phán giữa Bác và Sainteny đi đến Hiệp định sơ bộ 6/3, Bác vẫn cho phép, không những cho phép mà còn phát biểu, nếu có gì quá mạnh, mình sẽ “uốn nắn”; có người đấm, có người xoa; tất nhiên đừng đấm quá mạnh, quá mức cần thiết).
Cuộc tranh luận kéo dài, Bác nói:
– Nhân dân chúng tôi rất có kỷ luật, nhưng hiện nay tình hình trong dư luận ngày càng căng thẳng. Cần có những hành động thiết thực cụ thể, để tránh một sự bùng nổ.
D’Argenlieu suy nghĩ, rồi nói:
– Trong khi chờ đợi nước Pháp có một quốc hội và một chính phủ mới, chúng tôi đề nghị tổ chức một hội nghị trù bị cho hội nghị chính thức.
Để tránh một sự bế tắc, Bác đồng ý với d’Argenlieu. Và sau khi trao đổi ý kiến, hai bên đi đến quyết định: một hội nghị trù bị Việt-Pháp sẽ họp ở Đà Lạt. D’Argenlieu cũng tán thành ý kiến của Bác sẽ cử một đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam đi thăm hữu nghị Quốc hội và nhân dân Pháp để tạo không khí thuận lợi cho Hội nghị Việt – Pháp chính thức sẽ họp sau Hội nghị trù bị Đà Lạt.
Cuộc hội đàm kết thúc lúc 17 giờ 30 phút. Lễ tiễn đưa không có bắn súng, không có duyệt hạm đội trên biển như trong lễ đón, nhưng vẫn có đội quan danh dự và đông đủ quan chức văn võ của d’Argenlieu.
D’Argenlieu nói:
– Tôi rất tiếc rằng thủ tục lễ nghi không cho phép chúng tôi mời Chủ tịch ở lại đây đêm nay để ngắm “phong cảnh thần tiên” trên vịnh Hạ Long.
Bác trả lời:
– Tôi cảm ơn Ngài nhiều lắm, những rất tiếc, vì phải trở về Hà Nội ngay.
Pignon lúc đó nói:
– Xin Chủ tịch cho phép tôi trình bày một đề nghị: Chúng tôi rất hân hạnh nếu ông Giám vui lòng ở lại đây với chúng tôi, để sáng mai sẽ cùng nhau trở về Hà Nội.
Bác trả lời, rất vui vẻ:
– Điều này hoàn toàn do ông Giám quyết định. Đề nghị ông Giám trả lời Pignon.
Tôi nói:
– Tôi xin cảm ơn Hồ Chủ tịch. Tôi chân thành cảm ơn ông bạn Pignon; nhưng rất tiếc tối hôm nay tôi phải có mặt ở Hà Nội. Rất tiếc.
GS Hoàng Minh Giám tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946 (người ngồi đầu tiên tử trái sang).
(Ảnh do chị Hoàng Vĩnh Hạnh, con gái GS Hoàng Minh Giám cung cấp)
Chiếc thủy phi cơ chở Bác, Sainteny và chúng tôi về Hà Nội.
Trên đường bay từ Hà Nội đến vịnh Hạ Long và từ vịnh Hạ Long về Hà Nội, tôi thấy Bác rất chăm chú nhìn xuống những vùng mà chiếc thủy phi cơ bay qua. Trong chuyến bay về, có một lúc Bác quay lại nói rất khẽ với tôi:
-Địa hình này không thuận lợi cho du kích chiến; nhưng có quyết tâm và biết cách đánh thì dù khó khăn thế nào, cũng vượt qua được.
(Còn nữa)