(DVT.vn) – Bác Hồ gặp d’Argenlieu trên Vịnh Hạ Long. Viên đô đốc Pháp ra lệnh cho các chiến hạm “diễu binh”, nói là để “chào mừng” nhưng thực ra là để đe doạ.
Như chúng ta đã biết, sau khi Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 được ký kết, một mong muốn của d’Argenlieu, theo báo cáo của Sainteny, là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác trả lời Sainteny:
– Tôi sẵn sàng tiếp ông Thủy quân đô đốc.
Sainteny nói:
– Thưa Chủ tịch, có một điều trở ngại.
– Trở ngại gì vậy?
– Ông đô đốc nghĩ rằng sự có mặt của tướng Lư Hán là một trở ngại. Ông này đang ở Phủ Toàn quyền, và quân đội Trung Quốc chưa rút về nước. Nếu ông d’Argenlieu được gặp Chủ tịch ở một địa điểm nào khác, thì thuận tiện hơn. Thí dụ ở Vịnh Hạ Long. Ông đô đốc và hạm đội Pháp sẽ từ Sài Gòn đến vịnh đón Chủ tịch, và một thủy phi cơ của Pháp sẽ đưa Chủ tịch đến nơi gặp. Xin Chủ tịch cho biết ý kiến. Bác đồng ý, và hẹn ngày 24/3/1946 sẽ gặp d’Argenlieu trên vịnh Hạ Long.
Ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Đầu buổi chiều hôm đó, một thủy phi cơ đã đón Bác đi vịnh Hạ Long có Sainteny hộ tống. Đi giúp Bác, có tôi và anh Vũ Đình Huỳnh. Cố vấn Vĩnh Thụy cũng đi, nhưng hẹn sẽ khởi hành từ Hải Phòng, bằng một phương tiện khác.
Lúc chiếc thủy phi cơ hạ cánh xuống vịnh Hạ Long, tiến đến sát chiến hạm Emile Bertin (trên đó có d’Argenlieu), Bác và chúng tôi đã trèo lên boong tàu, và được tin Cố vấn Vĩnh Thụy đã đến trước chúng tôi, nhưng lúc trèo lên chiếc thang để lên boong tàu thì bị tuột chân xuống nước biển, quần áo ướt hết. Vì thế, Cố vấn đã quay về Hải Phòng và xin lỗi, không có mặt trong buổi tiếp đón.
Trên chiếc chiến hạm Emile Bertin, trang trí cờ quạt lộng lẫy, đô đốc d’Argenlieu mặc quân phục đại lễ, với đông đảo quan chức văn võ và một đơn vị lính thủy, đã xếp hàng chỉnh tề đón Bác.
Kèn chào nổi lên hoan nghênh vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
D’Argenlieu giới thiệu các quan khách có mặt. Tôi nhận thấy trong các quan khách đó, có một số nhân vật đã gặp trong thời gian thương lượng Hiệp định sơ bộ 6/3: Pignon, Gouron, Torel, Compain, v.v. Đa số các nhân vật đó là những công chức thuộc địa Pháp cao cấp (công sứ, thanh tra mật thám, v.v.) tập hợp xung quanh d’Argenlieu. Một người trong đám đó, béo phệ, nói tiếng Việt rất thạo, với một giọng hoàn toàn Việt Nam, nhích lại gần tôi, và nói:
– Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Coussean, nguyên công sứ tỉnh Sơn La.
Nghe anh ta nói, tôi có một cảm giác rất khó chịu, ghê tởm, khó tả. Hồi Pháp thuộc, tôi đã nghe nói nhiều về tên Coussean này, công sứ tỉnh Sơn La, nổi tiếng là một tên đao phủ, đã hành hạ, giết hại bao nhiêu người cách mạng Việt Nam không may rơi vào tay nó, trong nhà tù Sơn La…
Tôi không trả lời nó, làm như không nghe rõ nói gì. Vừa lúc đó d’Argenlieu mời Bác tiến tới vài chục bước, để từ trên chiếc boong tàu Emile Bertin xem cuộc “diễu binh” trên biển của hạm đội Pháp (gồm năm, sáu chiến hạm) chào mừng Bác. Nhiều loạt đại bác nổ vang trong nhiều phút, rồi các chiến hạm diễu qua, quân lính trên các chiến hạm hô vang: “Hu-ra, Hu-ra, Hu-ra, Hu-ra…” theo nhịp điệu của quân nhạc…
D’Argenlieu đứng bên cạnh Bác, có vẻ hân hoan đắc chí giới thiệu lần lượt các chiến hạm diễu qua trên mặt biển. Bác thỉnh thoảng vẫy tay chào… D’Argenlieu trả lời, có vẻ thích thú… Có một lúc d’Argenlieu đang nói chuyện với một số sĩ quan tùy tùng đến báo cáo gì đó, Bác quay lại phía tôi và noi khẽ:
– Nó làm ra vẻ tôn trọng ta lắm. Thật ra, nó muốn phô trương lực lượng để dọa ta đó. Nhưng ta có sợ đâu!
Xong cuộc duyệt binh, d’Argenlieu mời Bác dự một tiệc trà nhẹ, ngắn, với toàn thể quan khách,, rồi sau đó mời Bác đến “phòng khách danh dự” để đàm thoại về vấn đề thi hành các điều khoản của Hiệp định sơ bộ 6/3. Dự cuộc này, ngoài Bác và d’Argenlieu, chỉ có tôi.
Phát biểu trước, Bác nhắc d’Argenlieu chú ý việc thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản nói về trách nhiệm của hai bên phải đình chỉ ngay chiến sự ở miền nam Việt Nam, quân đội mỗi bên đóng ở đâu phải ở nguyên đó. Nếu chiến sự tiếp tục như hiện nay, thì tất nhiên không thể tạo nên không khí thuận lợi cho “cuộc đàm phán hữu nghị và chân thành” được nêu lên trong Hiệp định sơ bộ.
(Còn nữa)