GS Hoàng Minh Giám kể về những ngày vận nước “nghìn cân treo sợi tóc” (P 2)

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.

(DVT.vn) – Sainteny trắng trợn định “mua” tôi! Tưởng bắt tay với Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sainteny nhiều lần tranh cãi đến quá nửa đêm. Hiệp định sơ bộ được ký…

PHẦN 2

Trong thời gian đầu, lúc chưa họp Quốc hội khóa I, Bác là Chủ tịch Chính phủ lâm thời và kiêm luôn chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Văn phòng của Bác thiếu một người giúp việc phụ trách về tiếng Pháp, vì thế anh Giáp đề xuất tôi. Tôi được Bác tin dùng, đồng thời, tôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp.

Theo chỉ thị của Bác, tôi đã nhiều lần lui tới nhà riêng của Sainteny. Y ở một căn nhà hai tầng, nơi góc hai phố Lý Thường Kiệt và Quang Trung (gần Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bây giờ). Ngôi nhà này trước đây một người Pháp tên là Sacton ở, sau đã về nước. Trước đó, tôi đã nghe nói là các lãnh tụ Quốc dân đảng cũng hay lui tới nhà riêng Sainteny. Một lần, tôi đến nhà y và thấy trong ngăn kéo, y cố tình để hở một gói tiền to.

Sainteny mời tôi ngồi và hỏi: “Tôi nghe nói các anh làm việc không có lương à?” (Thực tế cũng đúng thôi vì độc lập rồi nhưng tiền không có, tiền ở nhà băng chúng lấy hết rồi). Tôi im lặng, y lại nói tiếp: “Anh cần tiền thì tôi cho vay tạm một ít. Những người của Quốc dân đảng ở nhà tôi vừa mới ra, tôi cũng cho một ít tiền”.

Sainteny trắng trợn đến như vậy đó! Với lòng tự trọng, tôi muốn mắng cho y một trận ngay lúc ấy, nhưng nghĩ đến nhiệm vụ mà Bác đã giao cho nên kiềm chế được. Tôi trả lời: “Một là, người của Quốc dân đảng có lấy tiền của anh hay không, thì tôi không biết. Hai là, chúng tôi không ăn lương nhà nước là đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không, vì cách mạng mới thành công, đang gặp rất nhiều khó khăn. Anh hãy cất tiền đi, tôi không cần! Nếu anh có nhiều tiền thì anh trực tiếp nói với cụ Hồ Chí Minh với tư cách là Nhà nước Pháp cho Chính phủ Hồ Chí Minh vay, còn nếu anh đưa tôi với tư cách cá nhân thì không ăn thua gì đâu!”

Nghe xong, Sainteny đóng ngăn kéo lại và nói: “Thôi để nói sau!”

Việc mua chuộc tôi đã không thành.

Lúc về, tôi báo cáo lại sự việc trên cho Bác nghe. Bác bảo tôi: “Chú không cáu kỉnh với nó thế là tốt, vì mình còn phải làm việc với nó mà. Trong ngoại giao, nó cư xử thế nào cũng được, còn mình thì phải khéo léo. Vấn đề nó định dùng tiền mua chuộc, chú nói một câu như thế là nó đủ hiểu rồi.”

Chủ tịch  Hồ Chí Minh và Sainteny trên chiếc thủy phi cơ bay ra Vịnh Hạ Long gặp  D’Argenlieu.
(Ảnh do chị Hoàng Vĩnh Hạnh, con gái GS Hoàng Minh Giám cung cấp).

Trước lúc chúng ta chuẩn bị Tổng tuyển cử trong toàn quốc, Bác và Sainteny bắt đầu có những cuộc gặp nhau. Phải gặp nhau một cách bí mật. Chỉ họp buổi tối, sau 20 giờ.

Trong các lần gặp nhau giữa Bác và Sainteny, một số vấn đề có thể thỏa thuận với nhau trên nguyên tắc, nhưng trên hai vấn đề cơ bản thì bế tắc:

1. Ta đòi Pháp công nhận Việt Nam là một nước độc lập, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là một nước tự trị.

2. Ta đòi Pháp công nhận Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ là đất nước Việt Nam; Pháp từ chối, với lý lẽ Nam kỳ là thuộc địa của Pháp.

Cuối tháng 2/1946, ta được tin Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch đã ký một bản thỏa thuận. Pháp bằng lòng trả giá cho việc Tưởng rút quân, để quân Pháp vào thay thế. Cái giá đó là:

Pháp trả lại cho Tưởng những nhượng địa của Pháp trên đất Trung Quốc, nhường cho Tưởng phần con đường xe lửa Việt Nam ở bên kia biên giới Việt – Trung, bằng lòng cho hàng hóa Trung Quốc được miễn thuế vào cảng Hải Phòng, mở rộng quy chế về Hoa kiều sống trên đất nước Việt Nam.

Leclerc ra lệnh cho hạm đội Pháp sẵn sàng lên đường ra miền bắc, đồng thời chỉ thị cho Sainteny phải ký được một thỏa thuận với Chính phủ Hồ Chí Minh, vì nếu Chính phủ Hồ Chí Minh phát động chiến tranh du kích thì sẽ “rối ren lắm!”

Ngày mồng 5/3/1946, có tin hạm đội Pháp đã đến Vịnh Hạ Long, và sáng hôm sau, sẽ đến Hải Phòng. Trong các tướng tá Trung Quốc không có sự nhất trí: có kẻ tán thành rút quân, có kẻ không tán thành. Một tên đến gặp Bác, vẻ hốt hoảng, hỏi: “Sao phía Việt Nam không thỏa thuận với Pháp? Nếu xảy ra chiến tranh thì ai chịu trách nhiệm?”

Tối hôm đó, Bác và Sainteny họp đến quá nửa đêm, mà không có kết quả. Phía Pháp đề nghị giải quyết vấn đề mà Nam kỳ bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Phía ta đồng ý. Nhưng về vấn đề công nhận độc lập của Việt Nam thì Sainteny nói phải chờ quyết định của Quốc hội Pháp. Bác nói: “Rất tiếc, chúng tôi không thể đồng ý với các ông!”

Hai bên chia tay lúc 1 giờ sáng. Hai người Pháp tỏ ý rất lo lắng.

Sáng hôm sau, có tin quân Tưởng đã nổ súng khi hạm đội Pháp tiến vào Cửa Cấm, và hai bên đã bắn nhau.Phía ta đề nghị với phía Pháp có cuộc họp lúc 12 giờ trưa.Trong buổi họp, Bác đề nghị thay từ “độc lập” bằng từ “tự do” trong dự thảo hiệp định với một định nghĩa của từ “tự do”. Phía Pháp đồng ý, và hai bên thông qua bản dự thảo Hiệp định sơ bộ.

Sau đây, tóm tắt nội dung một số điểm:

1. Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do có Chính phủ, có Quốc hội, có quân đội, có tài chính của mình, là thành viên của Liên hiệp Pháp và của Liên bang Đông Dương.

2. Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ.

3. Nước Việt Nam thuận cho 15.000 quân Pháp vào miền bắc Việt Nam thay thế quân Trung Quốc giải giáp quân Nhật. Số quân Pháp đó sẽ phải rút hết trong hạn 5 năm, mỗi năm rút 1/5.

4. Hai bên sẽ đình chiến ngay để mở cuộc đàm phán chính thức. Quân hai bên ở đâu vẫn cứ ở đấy.

5. Cuộc đàm phán chính thức sẽ tiến hành ở Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris với nội dung: quan hệ ngoại giao của Việt Nam với nước ngoài, quy chế của Đông Dương, những quyền lợi kinh tế và văn hóa của nước Pháp ở Việt Nam.

Kèm theo bản Hiệp định sơ bộ, có một bản phụ (accord annexe) quy định số quân Pháp vào miền bắc Việt Nam để thay thế quân đội Trung Quốc là 15.000 người, sẽ phải rút hết số quân đội đó khỏi Việt Nam sau thời hạn 5 năm, mỗi năm rút 1/5.

(Còn nữa)
Theo DVT

dvt.vn

Advertisement