Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu nhà nước, trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ là những người cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến khi Người đi xa, hầu như năm nào Bác cũng gửi thư, tặng quà tới thương binh và gia đình liệt sĩ. Trong giáo dục lòng yêu nước, Bác Hồ thường căn dặn cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ “ăn quả phải nhớ người trồng cây”, phải chăm lo đền ơn thương binh, liệt sĩ, những người bỏ thân vì nước và đồng bào, máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Dù bận nhiều công việc, Bác Hồ vẫn dành cho thương binh, bệnh binh những tình cảm yêu thương, quý trọng sâu nặng. Trong kháng chiến, sau các chiến dịch, chỉ đạo việc quân, Bác Hồ thường quan tâm chăm sóc thương, bệnh binh. Đến các nơi chữa bệnh, nuôi dưỡng thương binh, Người ân cần thăm hỏi, tặng quà từ tiền tiết kiệm và đồ dùng của mình để thêm phần chăm sóc cho thương binh. Bác nêu gương, biểu dương, khuyến khích, tặng huy hiệu của Người cho những thương binh khắc phục đau yếu, thương tật “tàn nhưng không phế” có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và động viên anh, chị em thương binh tuy đã suy giảm sức khoẻ mà vẫn cố gắng học tập, làm việc, cống hiến cho xã hội. Người còn căn dặn thương, bệnh binh phải khiêm nhường, biết ơn sự săn sóc của đồng bào, không được ra vẻ công thần, cần cố gắng tự lực, cánh sinh…

Cảm động biết bao, trước khi “từ biệt thế giới này”, tháng 5 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thêm mấy điểm vào bản Di chúc lịch sử. Trong mấy điểm ấy, Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nội dung của những việc này là phần chủ yếu, quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về người có công mà Người đã “viết thêm” vào Di chúc, tuy “không đi sâu vào chi tiết” nhưng rất sâu sắc, thể hiện đạo lý, truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”.

60 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn “Ngày thương  binh” và 32 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, gắng sức đền ơn, đáp nghĩa người có công với nước. Các chính sách, chỉ thị, pháp lệnh của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy cao độ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nước của đồng bào cả nước và làm nảy nở ở các địa phương, các ngành, các đơn vị, nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa người có công, làm xúc động tâm can đồng chí, đồng bào. Từ năm 1994, khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, quỹ đền ơn đáp nghĩa ra đời, số tiền do nhân dân đóng góp đến nay lên đến hơn 1000 tỷ đồng. Các bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng suốt đời. Hàng trăm nghìn ngôi nhà tình nghĩa được xây mới. Nhiều phong trào có ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện tình cảm biết ơn vô hạn của toàn dân, toàn quân ta với các thương binh như tặng sổ tiết kiệm, vườn cây “đền ơn đáp nghĩa”. Nhiều việc hiếu nghĩa được tiếp tục đẩy mạnh như tìm mộ liệt sĩ, nhiều cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa để đi tìm đồng đội; quy tập hài cốt liệt sĩ, xây đài tưởng niệm, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, xây mộ, dựng bia, tu bổ, tổ chức các sinh hoạt giáo dục thế hệ trẻ tại các nghĩa trang Quảng Trị, Trường Sơn, Bến Dược, Củ Chi… Đúng như Đại hội X của Đảng tổng kết: Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ… thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đã góp phần quan trọng nuôi dưỡng, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa, đỡ đần các nạn nhân chất độc da cam, con liệt sĩ, thương binh…

Sau hơn 20 năm đổi mới, nước ta vẫn còn là nước nghèo, dù cố gắng rất lớn thực hiện chính sách và pháp lệnh người có công, song trên cả nước vẫn còn  khoảng 55 nghìn hộ gia đình chính sách đang sống trong những ngôi nhà tranh tre nứa lá (gọi là nhà tạm) và cùng với nơi ở tạm bợ, đời sống hàng ngày của nhiều hộ gia đình chính sách, nhất là ở các vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng cao, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, vất vả, cả đời sống vật chất và đời sống văn hóa. Chương trình hành động của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội  hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thương binh, liệt sĩ được cả nước hưởng ứng góp phần cải thiện một bước quan trọng đời sống người có công trong cả nước, phấn đấu không còn hộ chính sách nghèo, 95% số gia đình  chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở khu dân cư. Thực hiện mục tiêu này, cao hơn trách nhiệm, nghĩa vụ là tinh thần “đền ơn, đáp nghĩa” của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội với tấm lòng tri ân những thương binh, liệt sĩ đã không tiếc xương máu bảo vệ độc lập, tự do, hoà bình và hạnh phúc cho nhân dân.

Phạm Văn Khánh

baobacgiang.com.vn

Advertisement