Một thế kỷ bến Nhà Rồng

Tròn 100 năm, người con ưu tú của dân tộc Nguyễn Tất Thành bước chân xuống tàu Admiral Latouche Tréville tại Bến Nhà Rồng bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước. Sự kiện đó để lại dấu ấn thiêng liêng cho Cảng Nhà Rồng trở thành  một biểu tượng của miền Nam thành đồng Tổ quốc. Với  niềm vinh dự này mà lực lượng Biên phòng hiện đang làm nhiệm vụ tại cụm Cảng Sài Gòn đã nhiều năm qua luôn có những thành tích bất ngờ và vượt trội.

Cảnh quan quanh Bến Nhà Rồng nhìn từ sông Sài Gòn.

Chúng tôi theo chiếc bo bo của Bộ đội Biên phòng cụm cảng Khánh Hội – Nhà Rồng hành trình tuần tra thường nhật qua mặt sông trung tâm thành phố. Thiếu tá Phan Thanh Bình, người lái bo bo đưa đường gắn bó với chốt kiểm soát số 2 đã 4 năm qua, hàng ngày đều phải thường trực ở chốt gác đặc biệt này. Anh nói: Chúng tôi ở đây vẫn coi Nhà Rồng như một điểm đỏ gợi nhớ đến Hồ Chủ tịch và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người. Công việc hàng ngày của các anh là tuần tra an ninh, kiểm soát hàng hải và hơn hết là bảo vệ di tích “điểm đỏ” này.

Nhà Rồng của 100 năm trước nguyên là tòa nhà bán vé cho hành khách của Hãng tàu biển của Pháp Messageries Maritimes. Ngày nay, Bến Nhà Rồng được đánh số 1, khởi đầu đường Nguyễn Tất Thành – con đường xương sống để phát triển kinh tế xã hội cho quận 4, TP Hồ Chí Minh. Trong tổng thể 12.000 m2 khuôn viên di tích bây giờ được dùng làm Bảo tàng Hồ Chí Minh, lưu giữ những hình ảnh nơi ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Không xa tòa nhà đặc biệt này, bến phà Thủ Thiêm nối quận 1 và quận 2 của thành phố vẫn đang hoạt động trước khi hầm Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng trong năm 2011. Ngã ba sông Sài Gòn – Bến Nghé nay mai sẽ hình thành con đường ngầm qua sông hiện đại, nối dài thành phố bằng đại lộ Đông Tây. Từ Bến Nhà Rồng dọc theo sông Sài Gòn, đề án quy hoạch gồm cảng tàu du lịch gắn với khu di tích Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ trở thành một quần thể cảnh quan phức hợp dịch vụ du lịch và cảng biển.

Trong vòng bán kính 1km quanh bến Nhà Rồng đang diễn ra một cuộc thay đổi lịch sử trong quy hoạch hạ tầng đô thị đối với TP Hồ Chí Minh. Một tòa nhà hiện đại 68 tầng cao nhất Đông Nam Á đã hoàn thiện với hình dáng một búp sen vươn lên trên bờ sông Sài Gòn. Gần kề ngã ba sông Sài Gòn là cây cầu Phú Mỹ hiện đại vươn qua hai khu vực đô thị lớn là Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng.

Tuần tra trên sông.

Năm 2010, đã có 103 chuyến tàu cập cảng Nhà Rồng – Khánh Hội với gần 27 ngàn thuyền viên và hơn 50 ngàn lượt khách du lịch. Càng gần dịp đón Tết Nguyên đán Tân Mão, khách du lịch đi tàu biển đến TP Hồ Chí Minh càng đông. Trong đó có một địa điểm mà họ không thể bỏ qua trong lịch trình tham quan đó là di tích Nhà Rồng. Chốt gác số 2 những ngày này luôn phải thường trực đủ quân số, chỉ nghỉ ca, chứ không được nghỉ ngày lễ. Những hôm có bắn pháo bông tại khu vực Bến Nhà Rồng, các anh phải căng thẳng tuần tra hàng giờ trên mặt sông, nhất là vào giờ cao điểm như Giao thừa, sáng mùng 1 – khi các tàu vào cảng “xông đất”. Ngoài việc giám sát các tàu ra vào cảng, 5 cán bộ, chiến sĩ phải thường trực đảm bảo thông thoáng mặt sông liền kề với trung tâm đô thị. Năm 2010, Biên phòng Cửa khẩu Cảng Sài Gòn đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng và đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc cải cách thủ tục khai báo hành chính qua cảng.

Thượng tá Đào Quốc Huy, Chính trị viên của Biên phòng Cửa khẩu Cảng Sài Gòn phấn khởi nói: “Chưa có đơn vị kiểm soát hành chính nào tại cụm cảng Sài Gòn có được sự đổi mới toàn diện thủ tục hành chính như biên phòng cho tới thời điểm này. Điều mấu chốt của sự quyết tâm đổi mới không nằm ở máy móc hiện đại hay là biên chế thông thoáng mà lại nằm ở lòng người có muốn hay không”. Khẳng định như thế bởi đây là đơn vị tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính từ cách đây 5 năm. Vào thời điểm này, khi các đơn vị khác còn đang mắc míu trong lộ trình đổi mới thì Biên phòng Cảng Sài Gòn đã nhanh chóng đưa chương trình ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận thông tin khai báo thủ tục biên phòng qua mạng cho tất cả các tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài xuất, nhập, quá cảnh ra vào cửa khẩu cảng của TPHCM. Ngày trước, mỗi tàu cập cảng, biên phòng phải có một chốt gác 4 ca 16 người nay giản tiện chỉ còn 4 người. Người nào đeo thẻ điện tử có mã vạch thì chỉ kiểm tra một lần thay vì chồng chéo nhiều lần kiểm tra, nhiều ngành kiểm tra như trước đây. Đây cũng là tiền đề cơ bản ra đời nghị định mới về quản lý hoạt động hàng hải tại các cảng biển và khu vực hàng hải Việt Nam.

Dự án cảng Sài Gòn tại khu đô thị cảng Hiệp Phước có tổng diện tích khoảng 100 ha với năng lực xếp dỡ khoảng 18 triệu tấn hàng hóa mỗi năm đã được khởi động. Cùng với việc nạo vét sông Soài Rạp, cảng hàng hóa Nhà Rồng – Khánh Hội sẽ được di dời về đây. Việc chuyển cảng hàng hóa khỏi nội ô thành phố là tất yếu cho một đô thị du lịch dịch vụ hiện đại. Đoạn bờ sông từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (quận 1, 4, Bình Thạnh), dài khoảng 4km sẽ là khu công viên văn hóa dịch vụ cảng biển phức hợp lớn nhất khu vực. Sông Sài Gòn trong tương lai sẽ như một cảnh quan thiên nhiên làm đẹp cho thành phố với bến Nhà Rồng – biểu tượng vĩnh cửu của miền Nam ở ngã ba Bến Nghé.

Đăng Bảy – Thúy Hằng

bienphong.com.vn

Advertisement