
Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 2/9/1969)
(ĐCSVN) – Lịch sử Việt Nam 100 năm qua trải nhiều giai đoạn thăng trầm, từ chỗ nước mất độc lập đến khi giành được độc lập, tự do và giành được những thắng lợi vĩ đại như ngày nay. Lịch sử đó gắn liền với tên tuổi, tư tưởng, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người tìm đường, mở đường, dẫn đường và thiết kế tương lai cho dân tộc.
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi
Khi ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng và làm lễ “vào làng” cho hai con trai, Nguyễn Sinh Cung có tên mới là Nguyễn Tất Thành. Có lẽ một sự mong muốn thành đạt cho các con bắt đầu từ đây. Bởi vì từ đó dõi theo các hoạt động của Nguyễn Sinh Sắc, người ta có thể nhận ra rằng, ông đang có một sự “điều chỉnh, sắp xếp” lại tư duy của mình cho phù hợp với những gì đang diễn ra rất sôi động và nhanh chóng lúc bấy giờ, nếu chưa phải là Âu, Mỹ thì cũng không thể là “Thánh hiền”.
Trong dòng chảy duy tân kiểu Duy tân hội của Phan Bội Châu, không loại trừ suy nghĩ của Nguyễn Sinh Sắc cũng muốn gửi con mình cho người bạn là Phan Bội Châu theo con đường Đông du, sang Nhật học tập. Khi Nhật Bản đang liên tiếp chiến thắng Nga hoàng trong chiến tranh Nga – Nhật, mà hồi đó người ta cho là người da vàng chiến thắng da trắng, thì người Việt Nam hướng tới Nhật Bản là một điều dễ hiểu. Nhưng rõ ràng, trong sự suy tính ở ngã ba đường thì việc ông Nguyễn Sinh Sắc cho hai con vào học trường Pháp – bản xứ (École franco – indigène) ở Vinh, với lớp đầu tiên của bậc tiểu học, thường gọi là lớp dự bị (Cours préparatoire) là một hiện tượng hiếm thấy lúc bấy giờ. Bởi vì, tuy các thầy Nho lúc đó đều than thở: “Nào có ra gì cái chữ Nho/Ông nghè ông cống cũng nằm co”, nhưng phần đông các nhà Nho lại ghét chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ngay cả Phan Bội Châu, con người lừng danh lúc bấy giờ cũng chẳng ưa gì tiếng Pháp. Phải nói rằng, hồi ấy, việc bàn luận nên học chữ nào gắn rất chặt với việc đi theo con đường nào, làm cách nào để đánh Pháp.
Việc vào học trường Pháp – bản xứ là bước khởi đầu rất quan trọng để Nguyễn Tất Thành có điều kiện khám phá nước Pháp. Và chính tại đây, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên biết tới ba từ: Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Khi phần đông đang say sưa với giáo lý “Thánh hiền”, với Nhật Bản, ghét chữ Pháp và sợ Pháp, Nguyễn Tất Thành quyết định sang nước Pháp “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” là một hiện tượng hiếm thấy. Anh học chữ Pháp và sang Pháp không phải để chống lại nước Pháp mà để hiểu nước Pháp, hiểu nền văn hóa Pháp để chống lại sự bất công, bất bình đẳng. Từ đây Người trở thành một nhân vật kỳ lạ của thời đại chúng ta như cách nói của Đa vít Hanbớcxtam.
Trong khi các tổ chức và phong trào cứu nước đang lúng túng, bế tắc về tư tưởng, đường lối và phương pháp cứu nước, có xu hướng đi vào ngõ cụt với tâm trạng bi quan “Đêm sao đêm mãi tối mò mò/đêm đến bao giờ mới sáng cho” thì Hồ Chí Minh xuất hiện, kịp thời đáp ứng đúng yêu cầu của lịch sử, của dân tộc và xu thế thời đại. Phong trào giải phóng dân tộc đòi hỏi phải có một đường lối cứu nước khoa học và cách mạng để chống kẻ thù mới là chủ nghĩa đế quốc, giành lại độc lập dân tộc. Thời đại đang cần vĩ nhân có khả năng đoàn kết, tổ chức các dân tộc thuộc địa vùng lên thực hiện sự nghiệp giải phóng.
Với trí tuệ mẫn tiệp, Hồ Chí Minh có một tầm nhìn, cách nhìn và cách làm hết sức độc đáo, mang sắc thái, diện mạo và dấu ấn Hồ Chí Minh.
Tầm nhìn Hồ Chí Minh là một tầm nhìn xa, trông rộng – tầm nhìn đại dương, tư duy toàn cầu, xuyên thế kỷ. Người ra biển lớn, đi tới mọi châu lục, tiếp cận và khám phá nhiều nền văn hóa khác nhau. Tầm nhìn Hồ Chí Minh từ thế kỷ XX xuyên qua thế kỷ XXI, rọi chiếu tư duy và hành động của chúng ta trong thế giới toàn cầu hóa, đặt hòn đá tảng cho hội nhập và tiếp biến văn hóa.
Cách nhìn Hồ Chí Minh rất khoa học và cách mạng. Người dám rũ bỏ tư duy cũ, con đường cũ, cách làm cũ của các thế hệ bậc cha chú, chỉ giữ lại lòng khâm phục những người đi trước để đạt mục đích giành độc lập dân tộc. Người không làm theo kiểu “đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau”, “xin giặc rủ lòng thương” hay ra nước ngoài theo kiểu cầu viện. Người nhận thức sâu xa lời dạy của các bậc sĩ phu “muốn bắt cọp phải vào tận hang cọp”. Lúc bấy giờ, trong khi có người ghét chữ Pháp, sợ nền văn minh Pháp thì Hồ Chí Minh có cách nhìn bản lĩnh là muốn đánh Pháp phải hiểu nước Pháp, muốn hiểu Pháp phải học chữ Pháp. Người học chữ Pháp và quyết định sang Pháp để hiểu nước Pháp và văn hóa Pháp, muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau các từ tự do, bình đẳng, bác ái. Với cách nhìn này, Hồ Chí Minh cho thấy một trí tuệ và bản lĩnh với hai tố chất cách mạng và khoa học. Người mạnh dạn khai thác, lấy “vũ khí” của phương Tây là văn hóa, văn minh để chống lại thực dân phương Tây. Trong tác phẩm Hồ, Đa vít Hanbớcxtam nhận xét rằng “ông đã dùng tới nền văn hóa và tâm hồn của kẻ địch của ông”.
Trong khoảng 10 năm từ lúc rời Tổ quốc đến khi bắt gặp ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, Hồ Chí Minh đã thu hái nhiều giá trị ở phương Tây. Thật kỳ lạ là Hồ Chí Minh, hiện thân của cuộc đấu tranh quyết liệt chống thực dân phương Tây xâm lược, lại sớm đến với văn hóa Pháp, rất gần với văn hóa phương Tây. Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc dẫn lại lời của Etmông Misơlê (Edmond Michelet) cho là “ông Hồ Chí Minh rất Pháp” và lời của nhà báo Pháp Giăng Lacutuyrơ (Jean Lacouture) là Hồ Chí Minh có những dấu hiệu rõ ràng về những mối liên hệ tri thức và chính trị với nhân dân Mỹ. Được trang bị vững chắc vốn quốc học, đặc biệt là sử học, văn học, triết lý sống và các giá trị văn hóa truyền thống, lại thấm nhuần Khổng giáo, Phật giáo và những yếu tố tích cực của Lão giáo, ra đi từ một nước thuộc địa nửa phong kiến chuyên chế, Hồ Chí Minh thâm nhập phương Tây dễ dàng, tự nhiên nhưng vẫn rất Á châu. Người phương Tây nhận xét: Cụ Hồ nổi lên như là người Á châu nhất của Á châu nhưng lại là người dễ dàng tiếp xúc nhất với tinh thần của châu Âu (Pôn Muýtxơ). Hồ Chí Minh đi vào đời sống chính trị, tự đào tạo và trưởng thành ở châu Âu, tôi luyện những lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, tiến bộ ở phương Tây qua lăng kính giải phóng dân tộc. Hướng ra thế giới, sẵn sàng tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ giá trị gốc rễ, cái hồn, cái cốt rất Việt Nam. Đa vít Hanbớcxtam cho rằng, Hồ Chí Minh là một nhân vật kỳ lạ của thời đại này – hơi giống Găng đi, hơi giống Lê nin, hoàn toàn Việt Nam.
Cách làm của Hồ Chí Minh là quan sát, học hỏi, tìm hiểu, từ cuộc sống công nhân đến trí thức, làm nhiều nghề, nhiều địa bàn khác nhau, hoạt động thực tiễn kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu lý luận. Lấy dân tộc làm địa bàn xuất phát, ra nước ngoài xem họ làm như thế nào, tìm hiểu mọi loại học thuyết, mọi thứ chủ nghĩa, chắt lọc trong đó những cái hay, cái tốt, chọn thời cơ trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập. Đó là phương pháp “dĩ ngoại đột nội” (lấy ngoại đột nội), nhưng Phan Châu Trinh không hiểu, lại cho rằng “đãi thời đột nội” (chờ thời đột nội). Dẫu sao, Phan Châu Trinh cũng rất kỳ vọng vào Nguyễn Ái Quốc như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông. Còn Phan Bội Châu phải thừa nhận: rốt cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi là một thất bại lớn, đó là bởi tôi tuy có lòng mà thật bất tài… Nhưng hiện nay đã có người khác giỏi hơn lớp chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc mà lớp chúng tôi không làm xong. Đó là Nguyễn Ái Quốc. Ông nói rõ hơn: nếu Nam Đàn có thánh thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ không phải ai khác.
Trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa, nhiều con đường, với tầm nhìn, cách nhìn, cách làm mang sắc thái Hồ Chí Minh, cuối cùng Người rút ra nhận xét: chỉ có chủ nghĩa Lê nin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất.
Với sự kiện tiếp nhận Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê nin (tháng 7/1920), tham gia Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba, hoàn toàn tin theo Lê nin, Nguyễn Ái Quốc hoàn thành sứ mệnh tìm đường: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Người mở đường, xây dựng học thuyết giải phóng dân tộc
Sau 10 năm hoạt động không biết mệt mỏi (1911 – 1920), kết hợp khoa học và cách mạng, trí tuệ và bản lĩnh, Hồ Chí Minh đã tìm được ánh sáng chân lý của thời đại là chủ nghĩa Mác – Lê nin. Hồ Chí Minh tiếp tục sứ mệnh mở đường. Bằng nỗ lực phi thường, Hồ Chí Minh mở hai hướng để truyền bá những gì mình tiếp nhận được trong 10 năm tìm đường cứu nước vào phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hướng thứ nhất từ phía bắc xuống gồm các địa bàn: Pháp (1921 – 1923), Liên Xô (1923 – 1924), Trung Quốc (1924 – 1927). Hướng thứ hai từ phía Tây về với địa bàn Thái Lan (1928 – 1929). Trên bốn địa bàn chủ yếu đó, kết hợp chặt chẽ hoạt động thực tiễn với nghiên cứu lý luận, mở lớp đào tạo huấn luyện cán bộ, viết báo, viết sách, tham dự các hội nghị quốc tế, Hồ Chí Minh đã xây dưng được học thuyết giải phóng dân tộc dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê nin. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt của học thuyết đó là cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Phương hướng phát triển của cách mạng là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”.
Đối tượng của cuộc cách mạng là bọn thực dân Pháp xâm lược cùng với tay sai của chúng. Bản án chế độ thực dân Pháp là tiếng nói đanh thép, vạch mặt kẻ thù của các dân tộc bị áp bức.
Mục tiêu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Hồ Chí Minh nhận thức rõ ràng, đối với nước thuộc địa như Việt Nam, nếu không giành được độc lập, tự do thì sẽ không có gì hết.
Lực lượng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là toàn dân tộc, đoàn kết chặt chẽ, tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy liên minh công nông làm nền tảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cách mạng thuộc địa phải sát cánh, liên minh với cách mạng vô sản ở chính quốc.
Cách mạng giải phóng dân tộc phải được nhận thức và giải quyết trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin. Cách mạng phải do Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác – Lê nin lãnh đạo. Đó là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam, một Đảng chân chính cách mạng, “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Vai trò của Đảng, trong thì giác ngộ, vận động, giáo dục, tập hợp dân chúng và đưa họ ra đấu tranh cách mạng; ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển Đảng. Đảng phải đi đúng đường lối quần chúng, trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân, chống quan liêu, mệnh lệnh…
Học thuyết cách mạng giải phóng dân tộc được truyền vào Việt Nam, thấm sâu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối lãnh đạo, Hồ Chí Minh hoàn thành sứ mệnh mở đường.
Người dẫn đường cho sự nghiệp giành độc lập, tự do
Từ năm 1930, cách mạng Việt Nam tiến triển dưới ánh sáng Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Đặc biệt từ năm 1941 trở đi, sau khi trở về Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng Đảng ta dẫn dắt cả dân tộc đi tới bến bờ độc lập, tự do.
Với sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam mới được hình thành về cơ bản. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, trong đó có sự hiểu biết chưa thấu đáo của một bộ phận trong Quốc tế Cộng sản, nên Hồ Chí Minh trong khoảng 7 năm, từ tháng 6/1931 đến tháng 6/1938, trong “tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng…” (1).
Từ khi về Tổ quốc, Người có điều kiện triển khai và thực thi kịp thời tư tưởng của mình. Ngay sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị 8 Trung ương Đảng (tháng 5/1941). Tại Hội nghị này, học thuyết giải phóng dân tộc của Người được Hội nghị nhất trí cao. Hội nghị quyết định thay đổi chiến lược, chỉ tập trung giải quyết một vấn đề cần kíp là dân tộc giải phóng. Chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc, tạm thời gác lại vấn đề giai cấp đấu tranh để giải quyết sau và thành lập chính quyền cách mạng của chung cả toàn dân tộc, không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào là một tư duy phát triển khoa học và có ý nghĩa cách mạng của tư tưởng Nguyễn Ái Quốc. Nhờ đó cả dân tộc đã quy tụ dưới ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh, làm nên thắng lợi nhanh chóng và rất ít đổ máu của Cách mạng Tháng Tám 1945 .
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố với thế giới nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới độc lập, tự do.
Thiết kế tương lai: triết lý phát triển bền vững Việt Nam
Sau khi đất nước được độc lập, Hồ Chí Minh trăn trở với hạnh phúc, tự do của nhân dân và sự phát triển của đất nước. Người chỉ ra rằng, “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Muốn có tự do, hạnh phúc phải xây dựng CNXH. Theo Người, mục đích chỉ có một là CNXH, nhưng con đường để đạt mục đích thì có nhiều và phải biết vận dụng và phát triển sáng tạo. “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau”(2). Người viết: “ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(3). Đối với Việt Nam đó là con đường qua chế độ dân chủ mới, tức là sự phát triển của Việt Nam trải qua 3 giai đoạn: giải phóng dân tộc – dân chủ nhân dân – chủ nghĩa xã hội. Người luôn hướng tới mục đích “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học thành”. Người dặn: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn/Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm/Người nào cũng biết chữ,/ Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”(4). Cách làm là “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Người chăm lo xây dựng một xã hội học tập suốt đời, bởi vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu; dốt thì dại, dại thì hèn”. “Trồng người” là chiến lược số một và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần “vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Người quan tâm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Người “Chính phủ là công bộc của dân” và mọi hoạt động của Chính phủ phải “sao cho được lòng dân”.
Sự phát triển bền vững của đất nước phải do Đảng lãnh đạo. Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước. Hồ Chí Minh quan tâm tới văn hóa cầm quyền của Đảng, trong đó quan trọng nhất là đề ra được đường lối đúng đắn, khoa học, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, từ nguyện vọng lòng dân, gắn liền với xu thế thời đại vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin. Đó là một Đảng biết trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân, gần dân; chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí dân chủ, dân vận; trọng dụng nhân tài. Đảng không giấu giếm khuyết điểm, dám tự phê bình và phê bình, dám nhận trách nhiệm trước dân. Đảng hoạt động trong khung khổ hiến pháp và pháp luật, không có ngoại lệ. Tóm lại, đó là một Đảng chân chính cách mạng, đạo đức và văn minh, không phải là một tổ chức làm quan phát tài. Ngoài lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, Đảng không có lợi ích gì khác.
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một văn kiện lịch sử vô giá: đó là bản Di chúc được coi như một Cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh. Người kỳ vọng về một đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Người dặn dò Đảng phải không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Di sản Hồ Chí Minh là bức tranh về một xã hội tương lai. Đó là triết lý phát triển bền vững Việt Nam theo tiêu chí của Liên hợp quốc trong Chương trình nghị sự XXI: 1)Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; 2) Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; 3) Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; 4) Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 5) Tăng cường sức khỏe bà mẹ; 6) Phòng chống sốt rét và các bệnh khác; 7) Bảo đảm bền vững môi trường; 8) Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển(5).
Ông Hans D’orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định trong buổi mít tinh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pari, ngày 14/5/2010: “Chúng ta phải công nhận rằng thông điệp của Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu, và nó luôn có giá trị thời đại, bởi vì nó hướng tới tương lai”(6)./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.90.
(2) Sđd, t.7, tr.247.
(3) Sđd, t.8, tr.227.
(4) Sđd, t.5, tr.65.
(5) Chương trình này còn gọi là Tuyên bố Thiên niên kỷ, được 189 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cam kết thực hiện, tháng 9/2000.
(6) Han D’orville: Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, www.tuanvietnam.net, ngày 20/5/2010.
GS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)