Tìm đường đi cho dân tộc
(VOV) – Đây là sự khởi đầu đúng đắn để từ đó Người đã dẫn dắt ngọn cờ cách mạng của dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cách đây 100 năm, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc với lòng yêu nước nồng nàn, lên đường bôn ba 5 châu, 4 biển, tìm con đường giải phóng dân tộc.
Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi
Với ý chí, nhiệt huyết và sức trẻ của tuổi thanh xuân, Nguyễn Tất Thành đã khởi đầu cho hành trình tìm đường giải phóng dân tộc với chân làm thuê trên tàu Đô đốc L’Amiral Latouche Tréville, rời Tổ quốc vào tháng 6/1911, ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác đã làm thế nào để có được độc lập, tự do, rồi “trở về giúp đồng bào mình”. 30 năm sau, Người trở về, tạo nên sự thay đổi của vận mệnh và tương lai cả dân tộc.
Theo ông Bùi Kim Hồng – Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, quyết định ra đi tìm đường cứu nước là sự khởi đầu một con đường đi hoàn toàn đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Người trực tiếp sang miền đất của chính kẻ thù đang cai trị dân tộc mình để hiểu được bản chất của vấn đề, bản chất của xâm lược, và khẳng định được rằng, ở bất cứ nước nào, người dân nô lệ cũng đều phải sống cuộc đời lầm than. Muốn giải phóng được dân nô lệ phải giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đấy không chỉ là con đường đối với dân tộc Việt Nam, mà là con đường đi của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Sau năm 1911, trong vòng 10 năm tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Với ý chí kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn, Người đã sống cuộc đời của người lao động, hòa mình vào phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, của các dân tộc bị áp bức bóc lột ở thuộc địa.
Qua những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm thực tế đó, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những chuyển biến mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc cùng cảnh ngộ bị áp bức như dân tộc mình. Quá trình thâm nhập vào những xã hội văn minh rộng lớn đã giúp Người nhận thức rõ hơn, khái quát hơn diện mạo của kẻ thù: không chỉ đối với thực dân Pháp mà cả chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc nói chung.
Với tinh thần ham hiểu biết và học hỏi, với tư duy độc lập sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hình thành chí hướng lớn lao và quyết tâm tìm con đường đi cho riêng mình. Người trân trọng và khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của những chí sĩ yêu nước trước đó, nhưng không đi theo con đường của các bậc tiền bối đã đi, mà có suy nghĩ, cách thức khác. Trong 30 năm xa Tổ quốc, Người mất gần 10 năm để tìm lời giải cho bài toán khó: làm thế nào để giải phóng Tổ quốc và nhân dân thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, để nước nhà được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc.
PGS, TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích: “Trong 10 năm ấy, Bác đã phải nghiên cứu, khảo nghiệm, chắt lọc đối chiếu từ cách mạng tư sản pháp 1779, cách mạng tư sản Mỹ 1776… Cuối cùng khi đọc Luận cương của Lênin, Người mới tìm thấy được lời giải thực sự cần thiết. Như vậy, Bác Hồ đến với chân lý cách mạng của thời đại không chỉ để giải quyết nhu cầu giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam mà còn đáp ứng cả xu thế của thời đại. Tức là phong trào giải phóng dân tộc phải đi vào quỹ đạo của phong trào cách mạng vô sản”.
Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Nguyễn Tất Thành nhận làm bồi tàu, thủy thủ để có điều kiện được tiến hành cuộc khảo sát rộng lớn thế giới tư bản, nhưng tâm hồn Người luôn hướng về Tổ quốc, luôn đau đáu về mục tiêu cao cả: giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Từ cảng Nhà Rồng, Người đã đi qua Singapore, Colombo, vượt Hồng hải, qua Suez đến cảng Saïd, Marseille, Le Havre. Từ Pháp, Người trở lại Sài Gòn, rồi đi vòng quanh châu Phi, qua các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Algeria, Tunisia, trở lại các cửa biển Đông Phi, vòng qua Congo, Dahomey, Guinée, Sénégal, vượt Đại Tây Dương tới Hoa Kỳ, vòng xuống Nam Mỹ, tới Argentina… Sau đó, trở lại Anh, về Pháp, qua Đức, tới Liên Xô, về Trung Quốc, sang Thái Lan…
Suốt thời thanh niên, Nguyễn Tất Thành vừa lao động kiếm sống, vừa tích luỹ tri thức và tìm hiểu đời sống chính trị, xã hội ở các quốc gia, dân tộc và các nền văn hoá của nhiều châu lục.
Đặc biệt, từ năm 1921 – 1923, giữa mùa đông giá lạnh ở Paris, căn phòng không điện, không nước trong ngôi nhà số 9, ngõ Compoint đã nuôi dưỡng một con người có trái tim luôn khát khao cháy bỏng để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Căn phòng này còn là nơi tụ họp rất nhiều người Việt Nam yêu nước đang sinh sống tại Paris để tìm ra con đường mới cho cách mạng Việt Nam.
Có thể nói, vào đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là một trong số rất ít các nhà cách mạng đương thời có điều kiện đi nhiều, có một vốn hiểu biết khá tường tận về chủ nghĩa đế quốc và hệ thống thuộc địa của chúng. Bản thân là người dân thuộc điạ, ra nước ngoài hòa mình vào cuộc sống lao động và đấu tranh của vô sản ở chính quốc, có gần 10 năm bôn ba, khảo sát các thuộc địa của đế quốc Anh, Pháp, Đức – từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ La tinh, nên Người có hiểu biết về bản chất chung và màu sắc riêng của mỗi nước đế quốc cũng như trình độ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội khác nhau giữa các nước thuộc địa. Nhờ vốn hiểu biết thực tế đó, cùng với một năng lực tư duy độc lập, tự chủ, đã giúp Người không rơi vào các khuynh hướng cơ hội nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận một cách giáo điều những công thức lý luận không phù hợp với thực tế các nước thuộc địa, nhất là ở phương Đông.
Cảm phục trước cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Australia, Allan Asbolt đã viết: “Một trong những nét nổi bật về cuộc đời Hồ Chí Minh là Người đã sống nhiều năm ở nước ngoài – ở châu Âu, Anh, Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc, nhưng Người không có tham vọng cá nhân, phù phiếm; không cố công để trở thành một nhân vật xuất chúng, theo ngôn ngữ của các nhà xã hội tư bản. Người dành thời gian chủ yếu cho việc nghiên cứu và học hỏi, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong thực tế có phần dựa vào kinh nghiệm hàng ngày của bản thân trong giai cấp công nhân. Người luôn luôn có suy nghĩ làm thế nào để giải phóng nhân dân nước mình khỏi ách đô hộ và bóc lột thực dân. Người cũng nhận thức sâu sắc rằng cần phải kết hợp sức mạnh chiến đấu của ý thức dân tộc Việt Nam đang trỗi dậy với những mục tiêu đồng cảm về cơ bản là hòa bình và nhân đạo của chủ nghĩa xã hội. Trong gần 3 thập kỷ, Người đã sống và làm việc ở nước ngoài nhưng về ý thức, Người không hề xa Tổ quốc”./.
Tìm lời giải cho “Bài toán thế kỷ” của dân tộc
(VOV) – Nhà sử học Italia, Perugia: “Hồ Chí Minh là một trong những người hiếm có của thời đại chúng ta. Không có Người, lịch sử có thể đã đi theo một con đường khác”.
Trong cuộc viễn du 30 năm, qua 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy cẩm nang thần kỳ của Lênin, tạo ra bước ngoặt cơ bản trong tư tưởng cách mạng, giúp Người đưa ra một kết luận quan trọng: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, điều này ngày càng chứng minh tư duy độc lập, sáng tạo của Bác Hồ. Người đã đi suốt từ châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, nghiên cứu các nước phát triển nhất của hệ thống Tư bản chủ nghĩa lúc bây giờ. Đồng thời bằng trải nghiệm qua thực tiễn quê hương mình, Người đã nghiên cứu cuộc sống của người dân ở những thuộc địa khốn khổ ở Châu Phi. Từ đó Người cân nhắc tìm con đường và khi tiếp cận luận cương của Lênin về vấn đề thuộc địa, Bác Hồ đã nhận ra con đường cứu nước cứu dân tộc. Toàn bộ việc đi tìm đường cứu nước của Người là có chủ ý, đã có những điều kiện nền tảng về tư tưởng và Bác đã chọn con đường rất mới, sang châu Âu để tìm con đường cứu nước, để hướng tới những tư tưởng hiện đại nhất thời đại lúc bấy giờ.
Theo PGS, TS Lê Văn Yên (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia), Nguyễn Tất Thành chọn cho mình hướng đi mới, đó là tìm đến các nước phương Tây, nơi có trào lưu Tự do, Bình đẳng, Bác ái để tìm cách làm mới, phương pháp mới, rồi trở về nước giúp Tổ quốc, giúp đồng bào. Trong lúc đất nước còn khủng hoảng, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Có thể nói, đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là bước mở đầu cho cách mạng Việt Nam chuẩn bị đi vào con đường cách mạng vô sản, nhịp bước với thời đại, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân một cách hữu cơ từ trong bản chất giai cấp, trên tinh thần đấu tranh vì lợi ích nhân loại.
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí minh) nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc những tư tưởng, học thuyết đã có sẵn và luôn luôn mở rộng tầm nhìn, khai thác tư tưởng mới của nhân loại. Đây là sự gặp gỡ giữa tư tưởng của một con người có tầm trí tuệ với các vấn đề khách quan của thời đại đặt ra. Sự gặp gỡ giữa một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, một khát vọng lớn của một con người với những vấn đề nóng bỏng của thời đại đã hun đúc nên tư tưởng và đường hướng phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua năm 1920
Ra đi tìm đường cứu một quốc gia là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng tìm thấy con đường ấy là việc khó gấp bội phần. PGS, TS Lê Văn Tích (Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Sau nhiều thất bại của các bậc tiền bối, Hồ Chí Minh là người đầu tiên tìm ra lời giải cho “Bài toán thế kỷ” đặt ra trước dân tộc.
Từ việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Huy Hoan – nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng ta rút ra được rất nhiều bài học. Bài học đầu tiên, đó là có lòng yêu nước sâu sắc nhưng phải biến lòng yêu nước đó thành hành động cụ thể. Hành động cụ thể của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc từ khi ra đi tìm đường cứu nước là sự toàn tâm, toàn ý tập trung vào việc tìm cho dân tộc con đường giải phóng đúng đắn.
Bài học thứ hai là phải có trí tuệ sáng suốt, phải biết lựa chọn con đường đúng đắn. Ở giai đoạn Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, các quan điểm của thế giới về con đường giải phóng dân tộc rất nhiều, cũng như lúc bấy giờ chưa có một mô hình nào cụ thể về con đường giải phóng dân tộc. Nhưng sự thiên tài của Bác Hồ là đã chọn được mô hình rất đúng đắn để giải phóng dân tộc và chúng ta hoàn toàn có thể tự hào là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách thực dân là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới và chúng ta cũng lập ra chính quyền của dân đầu tiên trên thế giới từ một nước thuộc địa.
Bài học thứ ba chính là tấm gương học tập, nghiên cứu của Người. Người học suốt ngày, học cho đến 11 giờ đêm. Đi đâu cũng học và gặp ai cũng học.
Bài học thứ tư là sự sáng tạo của Người khi tìm lời giải cho bài toán khó của đất nước. Nhờ sáng tạo ấy Bác Hồ của chúng ta đã tìm được con đường giải phóng có hiệu quả. Luận cương Lênin chỉ nêu những vấn đề cơ bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo, mà hai luận điểm sáng tạo nhất của Bác là: Muốn giải phóng dân tộc phải dựa vào sức của nhân dân mình là chính; Và, cách mạng giải phóng dân tộc phải tiến hành trước chính quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam đã diễn ra theo đúng tư tưởng chiến lược đó của Bác./.
Những bài học lớn
(VOV) – Vận dụng sáng tạo, phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành được nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra con đường mới và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân đi theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với trái tim đầy nhiệt huyết, bộ óc sáng suốt, Người luôn luôn vươn tới những giá trị của Chân, Thiện, Mỹ. Sự nghiệp của Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh tìm thấy và dẫn dắt mọi người dân Việt Nam yêu nước dựa vào nền văn hóa mà ở đó biểu đạt những giá trị toàn cầu, những khát vọng của con người, của các dân tộc khác nhau, có bản sắc, cốt cách, đặc tính khác nhau nhưng thống nhất, hài hòa trong những giá trị chung nhất, tốt đẹp nhất mà con người toàn nhân loại và các dân tộc trên thế giới khát khao vươn tới.
Theo PGS-NGND Lê Mậu Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta một bài học lớn: mọi quyết định đều phải dựa vào thực tiễn của thời đại và sức mạnh của dân tộc.
PGS-TS Vũ Quang Hiển (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, bài học lớn mà chúng ta luôn luôn khắc ghi đó là phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo sự nghiệp đổi mới để xây dựng nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nói đến độc lập dân tộc, độc lập tự do không thể tách rời với thống nhất đất nước. Vì một đất nước độc lập đồng thời phải là một đất nước thống nhất quốc gia một cách toàn diện.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, vấn đề độc lập dân tộc càng được coi trọng. Sự hội nhập của các quốc gia đều là trên nền tảng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cũng theo PGS-TS Vũ Quang Hiển, bản sắc văn hóa đó thể hiện qua ngôn ngữ, tiếng nói, phong cách ứng xử, mà phong cách đó biểu hiện ở mọi người Việt Nam, từ những người có chức có quyền cho đến những người bình thường, một anh lái xe taxi, một người đạp xích lô, một chị bán hàng ở một kiốt ở Bờ Hồ, hay một chị lao công quét rác… Trong con mắt bạn bè quốc tế, người ta thấy ở họ một con người hiền lành trong đời thường, chăm chỉ trong lao động sản xuất và dũng cảm, quyết liệt trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Nhìn vào họ, người ta thấy được hình ảnh tiêu biểu của con người Việt Nam.
Giới trẻ Việt Nam rất năng động, và trong điều kiện hiện tại, sự năng động và thông minh của giới trẻ có điều kiện phát huy. Giới trẻ một mặt hướng tới cái mới, năng động tìm kiếm cái mới, nhưng phải luôn luôn giữ gìn các giá trị đã đi vào bản chất của con người Việt Nam, tiếp tục nắm vững và phát huy ngọn cờ độc lập dân tộc.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chúng ta nhớ bài học quí giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, đó là: “có cái gì tốt của Đông phương và Tây phương thì ta phải học lấy để làm giàu cho văn hóa Việt Nam”. Ngày nay, chúng ta càng phải nâng cao chủ nghĩa yêu nước, không chấp nhận nghèo nàn lạc hậu, làm cho con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta phải luôn luôn nung nấu mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đó cũng là những bài học được GS-TS Tạ Ngọc Tấn (Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Từ sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước sẽ là những bài học rất lớn cho chính bản thân cách mạng nước ta, đó là trong điều kiện thực tiễn thế nào chúng ta tìm ra những giải pháp, những con đường giải quyết những vấn đề trong đất nước. Bài học cho thế hệ trẻ là tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường và thái độ trách nhiệm với đất nước…”.
Theo GS,TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), để đất nước phát triển ngày càng vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế, chúng ta luôn luôn phải học Bác vừa kiên định, vừa sáng tạo. “Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta thông điệp cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam là con đường đi tới Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản. Thông điệp đó là thông điệp quan trọng nhất hiện nay và tôi cho rằng phải kiên định con đường đó. Nhưng phải vừa kiên định vừa sáng tạo”.
PGS, TS Nguyễn Bá Linh (Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu hai bài học để phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh đó là: Thứ nhất, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo sự nghiệp đổi mới để đạt mục tiêu mà Đảng đã đề ra: Xây dựng nước ta thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thứ hai, luôn luôn kết hợp lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, đã nói là phải làm, không đánh trống bỏ dùi để làm gương cho toàn dân tộc theo phương châm: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau như Bác thường răn dạy.
Tròn một thế kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại. Đây là dịp để mỗi chúng ta học tập và noi gương Bác Hồ, kiên định con đường mà Bác đã lựa chọn.
Một nhà báo nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại, vì Người đã cho chúng ta lý do để sống và khả năng để thực hiện những ước mơ của mình. Chúng ta thật hạnh phúc khi được học theo Bác, để biết khởi đầu đúng và đi tới đích./.
Mai Hồng