“Tổng tuyển cử là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”

(ĐCSVN)Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết: “Ý nghĩa tổng tuyển cử”[1] , một tuần trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc. Người viết: “Tổng tuyển cử là một dịp để cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, gánh vác công việc nước nhà.” Cho đến nay, điều này vẫn được kiểm chứng và khẳng định qua nhiều lần nhân dân ta đi bầu đại biểu Quốc hội, những người đại diện xứng đáng nhất cho mình để lập ra cơ quan lập pháp tối cao của dân, do dân, vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu).

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng trên trong lúc đất nước ta đang ở trong tình thế vô cùng khó khăn, hiểm nghèo. Những ngày sau Cách mạng Tháng Tám 1945, vấn đề giữ vững độc lập dân tộc đặt ra vô cùng cấp bách. Chính quyền cách mạng non trẻ lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa phải đối phó với âm mưu bạo loạn, lật đổ của “thù trong” vừa phải lo chống giặc “ngoài” xâm lược. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng đó, Đảng ta – đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh – kêu gọi đoàn kết, đại đoàn kết vì lợi ích tối cao của dân tộc, của Tổ quốc. Mặc dù buộc phải rút vào bí mật, nhưng Đảng vẫn có những chủ trương lãnh đạo kịp thời và sáng suốt, bằng những biện pháp cụ thể, phù hợp và khéo léo nhằm mục đích xây dựng, củng cố và bảo vệ vững chắc hệ thống Chính quyền cách mạng từ trung ương đến địa phương. Chính quyền cách mạng là tiền đề và cơ sở bảo đảm cho cuộc đấu tranh giữ vững Độc lập dân tộc, Trong những năm tháng vô cùng khó khăn đó, Đảng đã huy động đến mức cao nhất nội lực của cả dân tộc Việt Nam cho cuộc đấu tranh bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Trong tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, người Việt Nam nào, dù ở đâu cũng tìm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc đấu tranh chung.

Tỷ lệ nhân dân cả nước đi bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trung bình là 89%, nhiều nơi đạt 95%, dù kẻ thù chống phá quyết liệt, đã nói lên sự đúng đắn và hiệu quả của chiến lược đại đoàn kết trong việc nâng cao ý thức và năng lực thực hiện dân chủ của nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đề xướng từ những bước đầu tiên.

Chính phủ Cách mạng lâm thời được chính thức hoá sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6- 1- 1946, bao gồm nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam, đã trở thành công cụ mạnh mẽ, sắc bén để đưa cách mạng tiến lên. Những chính sách, đạo luật do Chính phủ ban hành và đặc biệt là bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội khoá I thông qua ngày 9- 11- 1946 đã thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ mới. Chính phủ Cách mạng được toàn dân bảo vệ vì nó hợp với lòng dân và đã trở thành hạt nhân, là mục tiêu ủng hộ của khối đại đoàn kết dân tộc gồm nhiều tổ chức đoàn thể quần chúng rộng rãi và mạnh mẽ. Sự vững chắc của Chính quyền Cách mạng đã là điều kiện bảo đảm, là công cụ thúc đẩy cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng.

Tổng tuyển cử là dịp để mỗi người dân thực hiện quyền tự do dân chủ của mình, bầu những người đại diện xứng đáng, đủ đức, đủ tài vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Quốc hội của dân bầu ra Chính phủ vì dân. Nhân dân thông qua Quốc hội để thực hiện quyền dân chủ của mình, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả những công việc của Chính phủ.

Nhân dân có ngàn tai vạn mắt, có thể đánh giá chính xác những ưu điểm, khuyết điểm của bộ máy chính quyền cũng như của từng cán bộ. Nhân dân là người có quyền lực cao nhất, nhân dân chính là người có ý kiến tối hậu về hiệu quả mọi công tác của Chính phủ, phẩm chất của mọi cán bộ công chức – thậm chí “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[2] .

Hồ Chí Minh thường xuyên chú trọng tới việc tạo dựng một môi truờng dân chủ. Người chủ trương: Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. Đồng thời Người thường xuyên và kiên quyết chống lại những biểu hiện mất dân chủ, xâm phạm tới quyền dân chủ của nhân dân: quan liêu, tham ô, lãng phí, chuyên quyền độc đoán, xa dân… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân” và “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ”. Khi xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ, khi lập pháp và hành pháp, trong các hoạt động của các cơ quan, đoàn thể từ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương cho đến các đơn vị cơ sở; từ các đơn vị kinh tế đến các tổ chức quần chúng…, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề đem lại và bảo vệ lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Người căn dặn cán bộ làm việc ở các cơ quan, tổ chức: Phải đặt lợi ích cuả dân chúng lên trên hết. Người còn nhấn mạnh: Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi – lỗi ở đây không chỉ nên hiểu là lỗi trong công tác mà còn là lỗi về mặt đạo lý.

Trước ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII, những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về bầu cử cách đây 65 năm vẫn mang nhiều ý nghĩa. Bầu cử Quốc hội khóa XIII là một dịp chúng ta tập trung thực hiện tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ từ cơ sở để nhân dân trực tiếp bầu ra những đại biểu của mình – những người thật sự có đức, có tài và có tâm, những người thật sự vì dân, vì nước. Quốc hội phải thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề lớn của đất nước và thực hiện tốt hơn vai trò giám sát tối cao vì lợi ích của nhân dân. Chính phủ cũng như chính quyền các cấp phải hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp, đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia (bao gồm thể chế hành chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức và tài chính công). Chính quyền các cấp do những đại biểu của dân bầu ra phải thật sự tôn trọng lợi ích của nhân dân.

——————————————————————————–

[1] Báo Cứu quốc số 130, ngày 31- 12- 1945

[2] Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 5, tr 60

Các từ khóa theo tin:

Ngô Vương Anh

dangcongsan.vn

Advertisement