Hồ Chí Minh và hành trình cứu nước

Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh: Lê Toàn

(baodautu.vn) Năm 2011, tròn 100 năm kể từ ngày Người khởi xướng con đường đấu tranh cho độc lập, tự do, chúng ta cùng nhìn lại con đường Người đã chọn, trở thành ngọn cờ vẫy gọi cả dân tộc vùng lên, chung sức, đồng lòng, phá tan xiềng xích thực dân, đế quốc, giành lại quyền tự chủ, giành lại giống nòi, giang sơn gấm vóc Việt Nam.

Lối đi riêng đến phương trời mới

Một ngày đầu mùa hạ năm 1911, ở tuổi 20, ấp ủ biết bao hoài bão và lòng tin, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, bắt đầu hành trình cứu nước.

Như bao người yêu nước đương thời, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh quyết định xuất dương nhằm xem xét, tìm hiểu thế giới, quan sát cuộc sống của các dân tộc, nhất là những dân tộc bị áp bức, đọa đày, để từ đó tìm ra con đường cho dân tộc Việt Nam tự giải phóng mình.

Trân trọng, khâm phục tâm huyết của các bậc tiền bối, nhưng vượt thoát khỏi phương sách cứu nước nhờ vào trợ giúp của nước ngoài hay xu hướng cải lương, Hồ Chí Minh đã tự xác định lối đi riêng bằng nhận thức và bằng linh cảm của chính mình.

Trong mười năm đầu của cuộc hành trình, cùng con tàu của Hãng Năm Sao (Pháp) mang tên Amiran Latouche Tréville, Hồ Chí Minh bôn ba qua nhiều lục địa. Cuối năm 1917, khi chiến tranh thế giới (thực chất là cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc) ở thời kỳ ác liệt nhất, Hồ Chí Minh trở lại Pháp tiếp tục hoạt động. Ngày 18/6/1919, các nước họp Hội nghị Hoà bình tại Versaille, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam (gồm 8 điểm và ký tên Nguyễn Ái Quốc), đòi chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Nhưng các nước đế quốc không hề để ý tới những yêu cầu trên. Điều này cho thấy, những lời tuyên bố của Mỹ và các nước đế quốc khác về tự do, dân chủ, tự trị, độc lập hoàn toàn chỉ là sự lừa bịp. Hồ Chí Minh nhận ra rằng, muốn được độc lập và tự do thật sự, các dân tộc bị áp bức phải dựa vào sức mình là chính; người Việt Nam phải tự giải phóng mình.

Thời gian ở Pháp, Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến mạnh mẽ mang tính bước ngoặt về nhận thức, tư tưởng. Người biết đến Cách mạng Tháng Mười Nga và bắt gặp Chủ nghĩa Lênin.

Người tự bạch: “… Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Chuẩn bị cho cuộc cách mạng dân tộc giải phóng

Ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, tin theo Chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tán thành Quốc tế thứ ba do Lênin lập ra (1920). Trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên là sự kiện lớn đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh; từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với Chủ nghĩa Cộng sản.

Cuộc gặp gỡ ấy được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (người đồng chí thân thiết – học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh) mô tả một cách hình ảnh: “Tia lửa chân lý lóe bừng khi đọc luận cương của Lênin, đã gặp những chất liệu được chuẩn bị sẵn trong tư tưởng và tâm hồn Hồ Chí Minh để cháy thành ngọn lửa của lý luận về cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, theo luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc gắn với cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Những việc làm quan trọng nhất của Hồ Chí Minh ở Paris những năm 1920 đánh dấu sự bắt đầu hình thành và đi vào cuộc sống của một chiến lược cách mạng vừa có ý nghĩa dân tộc, vừa có ý nghĩa quốc tế. Hồ Chí Minh lập ra “Hội những người Việt Nam yêu nước”, tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc địa” và ra báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Đồng thời, thông qua những trang viết trần trụi về thực tế cuộc sống, với những chi tiết khốc liệt, không lý luận, không triết lý trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Hồ Chí Minh đã “vạch mặt” được đối tượng của cách mạng, chỉ ra phương hướng đấu tranh của dân tộc và nhân loại bị áp bức.

Tiếp đó, Người tiến hành một cuộc vận động cách mạng kiên trì, gian khổ trên phạm vi quốc tế cũng như ở trong nước; truyền bá những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường của cách mạng Việt Nam do Người đề xướng tới công nhân, nông dân và những người Việt Nam yêu nước thông qua “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” và tờ báo của Hội (Quảng Châu, Trung Quốc – 6/1925).

Những “hạt giống đỏ” được gieo mầm từ lớp huấn luyện Quảng Châu trở thành hạt nhân trong phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc những năm sau đó. Và các bài giảng của Hồ Chí Minh tại lớp huấn luyện Quảng Châu đã được tập hợp lại rồi in thành cuốn “Đường kách mệnh”, xác định đối tượng, vai trò của cách mạng thuộc địa đối với cách mạng chính quốc và khả năng thắng lợi của cách mạng thuộc địa.

Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và những luận điểm được trình bày trong Đường kách mệnh đã trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức, tạo những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của một đảng vô sản ở Việt Nam.

Mùa Xuân năm 1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, ra tuyên bố thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Lời kêu gọi thành lập Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo đã được Hội nghị thông qua và trở thành Cương lĩnh của Đảng, là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trở về Tổ quốc, đưa dân tộc đến bến bờ độc lập, tự do

Trở về nước vào dịp Tết Tân Tỵ (Xuân 1941) qua cửa ngõ Cao Bằng trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (họp từ ngày 10 đến 19/5/1941, tại Pác Bó, Cao Bằng), nhằm giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ. Đây là hội nghị có tính chất bước ngoặt, hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc.

Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh – 19/5/1941) đã được thành lập. Kể từ đây, diễn ra một quá trình chuẩn bị khởi nghĩa vô cùng sôi sục dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Hồ Chí Minh. Các khu căn cứ địa cách mạng hình thành; đoàn thể cách mạng quần chúng lần lượt ra đời; lực lượng vũ trang cách mạng cũng được thành lập, sẵn sàng đón thời cơ.

Những ngày đầu tháng 8/1945, khi thời cơ xuất hiện, Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội vào trung tuần tháng 8, dù các đại biểu chưa về đủ. Ngày 13/8, Trung ương Đảng ra lệnh khởi nghĩa và chỉ trong hai tuần, cuộc Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất” đã nổ ra và giành thắng lợi trên khắp cả nước. Thành quả lớn nhất của cuộc cách mạng là nền độc lập, tự do của dân tộc và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trong buổi lễ trọng đại của dân tộc và dưới nắng vàng của buổi chiều Thu ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “…Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Lời tuyên ngôn bất hủ đó là lời khẳng định giá trị của độc lập, tự do, cũng chính là lời hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh quyết tâm giữ vững thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945.

Kể từ mùa Thu lập nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, kiên trì kháng chiến chống Thực dân Pháp ròng rã 9 năm trường và làm nên thiên sử vàng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Nhưng Pháp bại, Mỹ lại thừa cơ nhảy vào với âm mưu thâm độc chia cắt vĩnh viễn nước ta, chà đạp lên nền độc lập, tự do, sự toàn vẹn của non sông gấm vóc Việt Nam. Trận đụng đầu lịch sử với thế lực hùng mạnh nhất hành tinh ấy, thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân ta, với mốc son Đại thắng mùa Xuân (30/4/1975)- ngày hội thống nhất non sông – ngày vui trong nước mắt dâng trào – ngày mà triệu triệu con tim Việt Nam tha thiết gọi tên Hồ Chí Minh, hình ảnh vĩ đại của Người như rực sáng trong “ngày vui đại thắng”.

Lê Quang Lạng
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

baodautu.vn

Advertisement