Bầu cử ở miệt cù lao
Hàng vạn nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội (5-1-1946) - Ảnh tư liệu
TT – “Hãy ra bầu cử, người công dân nước Nam. Hãy ra bầu cử, nghị viện của mình…”. Chàng trai miệt vườn của xứ cù lao Lục Sĩ Thành năm xưa rưng rưng hát lại những lời ca mà 61 năm trước ông và 12 chàng trai khác đã hát liên tục để tuyên truyền cho cuộc bầu cử đầu tiên của nước VN giữa khói lửa ngút trời trên vùng đất Tây Nam bộ.
>> Kỳ 1: Thu phục thù trong giặc ngoài
>> Kỳ 2: Tiếng dân trên báo
>> Kỳ 3: Lá phiếu trong khói lửa
“Tiến lên đường máu”
Chàng trai của ngày xưa ấy là Mười Mẫn, tức Hồ Minh Mẫn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Vào ngày 6-1-1946, ông 17 tuổi, là ủy viên ban chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Hậu Thành (một trong ba xã của cù lao Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, thuộc Cần Thơ thời ấy).
Đó là những ngày tháng khói lửa mịt mù dâng ngập xứ cồn. Quân Pháp đã tái chiếm Vĩnh Long, theo dòng Măng Thít xuôi về chiếm Tam Bình, Trà Ôn và vòng lên cướp lấy Cần Thơ rồi quay về đóng đồn trấn tại huyện lỵ Trà Ôn. Khói lửa chiến tranh lan thành hình vòng cung kéo vệt từ Vĩnh Long đến tận Cần Thơ. Khi tiếng súng nổ rền vùng sông nước heo hút cũng là lúc những cụm lửa bừng lên trên khắp mọi làng xóm: lửa tiêu thổ kháng chiến bốc lên theo lời kêu gọi của Ủy ban Hành chính kháng chiến. Vườn không nhà trống, quân đối phương lấn đến đâu, dân đốt lên ngọn lửa tiêu thổ báo hiệu thêm một lần nữa cảnh nước mất nhà tan giữa đất trời miền Tây Nam bộ. Những cột khói lan ra từ dinh quận Trà Ôn đến tận những ngôi nhà kiên cố một chút tận kênh xa, sông rộng. Pháp chiếm Trà Ôn, hơn 60 người dân Việt bị bắn.
Ở vùng quê nghèo Lục Sĩ Thành phần lớn người dân không biết chữ. Ruộng đất thì làm mướn cho điền chủ, tháng mười âm lịch vác nóp với cái vòng gặt đi qua Ba Xuyên, Bảy Sào gặt mướn tới giáp tết được có 3-4 đồng bạc mang về. Giá lúa hơn hai cắc một giạ. Làm đổ mô hôi, sôi nước mắt, đùng một cái quân Nhật vô vơ vét sạch. Nghèo đói và tăm tối, ấy vậy mà khi cách mạng nổ ra tháng 8-1945, cả cù lao hưởng ứng. Rồi người dân nô nức gia nhập các hội đoàn cứu quốc, gia nhập Thanh niên Cộng hòa vệ binh” (lực lượng chủ lực) và Quốc gia tự vệ cuộc (lực lượng công an). Lần đầu tiên, người dân nghe nói đến những từ độc lập, tự do, dân chủ…
Với ông Mười Mẫn và những chàng trai xứ Lục Sĩ Thành, không khí của những ngày tiền khởi nghĩa vẫn còn ấm nóng. Thời của những bài hát hào hùng của Lưu Hữu Phước với những giai điệu thúc giục những người trai ra đi vì lý tưởng vẫn con nguyên vẹn. Ông Mười Mẫn lúc ấy nhận lãnh nhiệm vụ lập một tổ tuyên truyền gồm 12 thanh niên đoàn viên cứu quốc. Một sự kiện mà ông nhớ đến 61 năm sau là bài hát Tiến lên đường máu trầm hùng, thôi thúc nhiều ngả đường: “Tiến lên đường máu, Quốc dân Việt Nam, non nước nát tan vì quân thù xâm lấn…”. Sau đó, bài hát đã được ông Tư Trân, trưởng ban tuyên truyền bầu cử của Trà Ôn, cải biên thành “Hãy ra bầu cử, người công dân nước Nam. Hãy ra bầu cử, Nghị viện của mình….”. 12 chàng trai trong tổ tuyên truyền mặc áo bà ba, cầm loa mo cau, hát say sưa chào mừng sự kiện lần đầu tiên người dân VN được đi bầu. Họ tuyên truyền làm sao để những nông dân tay lấm chân bùn miệt cù lao hiểu được ý nghĩa lớn lao của việc cầm lá phiếu bầu người đại diện cho mình sẽ khác với việc bầu hội đồng mà từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ họ biết có vài lần.
Ông Hồ Minh Mẫn: “Ai cũng muốn tận tay mình bầu một lá phiếu cho nền dân chủ Việt Nam” - Ảnh: T.Hùng
Thùng phiếu nhuộm đỏ máu đào
Trong ngày bầu cử 6-1-1946 tại Nam bộ, câu hỏi được nhiều người dân hỏi nhất là: “Chủ tịch Hồ Chí Minh có ứng cử không?”. Nhiều người thậm chí chưa biết nhiều về khái niệm Quốc hội, nhưng đối với họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một khái niệm gần nhất để họ hình dung về đất nước. Nhiều người khi bỏ phiếu đã cẩn trọng hỏi tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở đâu trong lá phiếu để bầu cho đúng. Ban tổ chức đã phải nhiều lần thanh minh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tận Hà Nội chứ không ứng cử ở đây, người Cần Thơ phải bầu những người ở chính Cần Thơ để đại diện cho mình. Ông Mẫn nhớ lại: “Không có cảnh một người đi bầu cho cả nhà. Ai cũng muốn tận tay mình bầu một lá phiếu cho nền dân chủ Việt Nam”.
Ông Mười Mẫn đã đẽo thanh tre cho thiệt đẹp rồi chấm vô đĩa mực tàu, viết nắn nót dòng chữ: “Toàn dân tích cực tham gia tổng tuyển cử bầu Quốc hội”. Tờ giấy có chiều cao hơn gang tay, dài chừng sải tay thành một băngrôn treo ngay trước điểm bầu cử. Những tấm đệm bàng được căng lên thành những phòng đăng ký danh sách, phòng bỏ phiếu kín. Một cái bàn gỗ mượn từ nhà dân được đặt cạnh thùng phiếu, những người trong đội tuyên truyền ngồi tại chỗ hướng dẫn người dân cách thức bỏ phiếu hợp lệ, viết giúp phiếu bầu cho phần lớn những người dân chưa hề được cầm viết một ngày.
Bên kia bờ sông là xã Vĩnh Xuân bị quân đối phương chiếm đóng ngày đêm, bên này đường người ta rục rịch kéo nhau đi bầu cử. Ngày 6-1-1946, những thùng phiếu từ bên kia đường chuyển sang bên này đường, đến từng ngôi nhà rồi vội vàng được chuyển đi tránh con mắt hội tề. Các xã bị chiếm đóng của Trà Ôn bấy giờ là Mỹ Hòa, Đông Thành… cũng phải bầu cử như vậy. Nhiều nhân viên bầu cử phải ôm thùng phiếu ra vào nhiều lần mới lấy hết số phiếu cử tri. Rất nhiều nhân viên các tổ bầu cử đã hi sinh khi làm nhiệm vụ ôm thùng phiếu đến các khu dân cư trong vùng quân đối phương chiếm đóng. Máu họ nhuộm đỏ những thùng phiếu cho khát vọng độc lập, chủ quyền.
Tất cả những ứng cử viên vùng Cần Thơ ngày ấy đều là những trí thức, những nhà cách mạng ít nhiều đã có những đóng góp cho phong trào kháng chiến. Cần Thơ lúc bấy giờ có sáu đại biểu là Phan Lương Báu, Trần Ngọc Danh, Đặng Văn Quang, Trần Ngọc Quế, Đỗ Văn Y và Nguyễn Đăng. Họ đều là những người trí thức được đồng bào tín nhiệm. Ông Mười Mẫn cho hay tiêu chí duy nhất để người dân tín nhiệm là thời gian tham gia công cuộc giành và giữ chính quyền của các ứng cử viên.
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Quốc hội khóa I (1946-1960) bầu ngày 6-1-1946
Tổng số đại biểu: 403.
Gồm 333 đại biểu được dân bầu, 70 đại biểu không qua bầu cử, trong đó có 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mạng đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam quốc dân đảng.
Thành phần xã hội trong Quốc hội khóa I như sau:
– Trí thức: 61%.
– Công kỹ nghệ gia: 0,6%.
– Buôn bán: 0,5%.
– Thợ thuyền: 0,6%.
– Nông dân: 22%.
Về tuổi tác:
– Đại biểu từ 18 đến 25 tuổi: 0,7%.
– Đại biểu từ 26 đến 40 tuổi: 70%.
– Đại biểu từ 41 đến 50 tuổi: 18%.
– Đại biểu từ 51 đến 70 tuổi: 0,5%.
(Nguồn: 60 năm Quốc hội Việt Nam 1946-2006, NXB Thông Tấn 2006)
Ngày 6-1-1946, thủ đô Hà Nội thức dậy cùng những tiếng hô khẩu hiệu, đồng thanh hát những bài ca cách mạng. “Chúng tôi tham gia là vì tin tưởng vào chính quyền cách mạng, tin tưởng vào cụ Hồ”. Lần đầu tiên họ được tham gia ngày hội về quyền con người.
Kỳ tới: Ngày hội của niềm tin