Đã hơn nửa thế kỷ có “Tết trồng cây”

– “Tết trồng cây” đầu tiên được ghi nhận vào mùa Xuân năm 1960, gắn liền với phong trào thi đua kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (khi đó còn lấy ngày 6/1). Nhưng phải nói cho đúng hơn nó được khởi xướng bằng một bài báo ngắn đăng trên báo “Nhân Dân” ngày 28/11/1959 của Bác Hồ.

Tên của bài báo gồm 3 chữ được đặt trong ngoặc kép “Tết trồng cây”, đặt vấn đề bên cạnh các hình thức hoạt động đã có thường được phát động để lấy thành tích chào mừng ngày thành lập Đảng, “chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”.

Rồi tác giả bài báo phân tích một cách rạch ròi, dễ hiểu: “Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó có 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây… Như vậy mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây…

Từ 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, vừa cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong 10 năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần cải thiện đời sống của nhân dân ta. Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người – từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.

Ảnh Bác Hồ trồng câyẢnh Bác Hồ trồng cây

Bài báo viết cực kỳ đơn giản mà đầy tính thuyết phục và cùng với thời gian, chúng ta càng thấy giá trị sâu sắc của nó khi cả nhân loại đang đứng trước những thử thách của sự suy thoái môi trường mà việc trồng cây, gây rừng vẫn luôn là một giải pháp quan trọng hàng đầu. Nhưng Bác Hồ cũng hiểu rằng một cuộc vận động quần chúng là vô cùng gian khổ trong đó vai trò tổ chức và quản lý của nhà nước và các tổ chức xã hội là vô cùng quan trọng.

Có thể nói kể từ đó, Bác không chỉ là người phát động mà còn theo sát từng bước đi, không chỉ khuyến khích cổ vũ mà còn chăm chút chỉ bảo, phê bình và tìm tòi những biện pháp để cuộc vận động không chỉ mang lại kết quả thiết thực mà còn mong muốn biến nó thành một tập quán tốt đẹp của xã hội mới.

Vào Mùa Xuân năm Kỷ Dậu, Bác Hồ viết bài báo cuối cùng cổ vũ “Tết trồng cây” năm 1969, trong đó  đưa ra nhận định rằng “Tết trồng cây đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta” và tổng kết thực tiễn cho rằng: mọi người đều nên tham gia trồng cây nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực. Bác Hồ còn nhắc đến một nhận thức mới là “Chúng ta phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa”

Đến nay, nhiều cây Bác trồng đã trở thành những di tích lịch sử lâu bền làm tấm gương cho các đời sau về mẫu mực của con người hiện đại: thân thiện và bảo vệ môi trường sinh thái.

Và Tết trồng cây tiếp tục được duy trì và được phát động mỗi một Mùa Xuân sang, như một tập quán văn minh của dân tộc ta. Hiểu theo một nghĩa nào đó thì “Tết trồng cây” đã đi trước thời đại và ngày càng phù hợp đối với mối quan tâm của thế giới hiện đại trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Dương Trung Quốc
bee.net.vn

Advertisement