Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954)
TT – Ngày 1-8-1969, một ngày thu Hà Nội rất đẹp, trời Ba Đình như xanh hơn, rộng hơn. Chim trong vườn Bác thi nhau hót líu lo, rộn ràng.
Đúng 5g30 sáng, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, đã có mặt ở chân cầu thang nhà sàn, cũng đúng lúc Bác từ trên cầu thang thong thả bước xuống.
Hai người như hai chiếc đồng hồ, không chênh nhau một giây, như anh chị em trong Văn phòng Chủ tịch thường kháo nhau.
Đưa cánh tay trái lên đỡ cánh tay phải của Bác, rồi dắt Bác bước ra con đường ven hồ, Vũ Kỳ hỏi thăm sức khỏe Bác:
– Thưa Bác, đêm qua Bác có ngủ được không ạ?
– Cũng tàm tạm! Bác cố đọc cho xong mấy cuốn Người tốt, việc tốt vừa nhận được, để hôm nay làm việc với các chú bên Ban Tuyên huấn trung ương.
– Thưa Bác, theo hẹn, đúng 8g30 các anh ấy sang. Tối hôm qua anh Hà Huy Giáp lại gọi điện nhắc.
– Chú ấy thật chu đáo, cẩn thận.
Đi thêm một đoạn, Bác dặn người thư ký:
– Danh sách mười thương binh hôm qua Bác thưởng huy hiệu, chú cần trích ngang thành tích, lát nữa chuyển cho chú Giáp để chú ấy khỏi mất công đi sưu tầm. Văn phòng Chủ tịch nước cần nêu gương giành việc về mình để đỡ cho các cơ quan khác.
Cứ thế, hai bác cháu, kẻ trước, người sau vừa đi, vừa hít thở không khí trong lành, vừa nói chuyện rủ rỉ. Gió sớm mai mát lành vờn bay trên mái tóc bạc như cước của Bác. Lúc này trông Bác giống như một tiên ông vừa giáng trần, theo sau là chú tiểu đồng thấp bé, lủn củn nhưng dáng vẻ tinh nhanh lạ thường.
Ngay cả quạt máy Bác cũng không dùng. Quanh năm, Bác chỉ dùng quạt giấy hay quạt làm bằng lá cọ lấy trong vườn. Khi thấy Bác dùng lá cọ làm quạt, nhiều đồng chí trong cơ quan cũng dùng.
Để tránh thất lạc, Bác dùng đầu thuốc lá châm thành chữ B vào quạt của mình. Và một chiếc quạt như thế đã theo Bác đến tận cuối đời.
Chúng ta xem phim Những giây phút cuối đời của Bác Hồ sẽ thấy hình ảnh đồng chí Vũ Kỳ ngồi ở đầu giường bệnh của Bác, tay phe phẩy chiếc quạt lá cọ quạt mát cho Bác.
Khi hai người ra đến sân ximăng, cái sân tiếp giáp với ngôi nhà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì chú tiểu đồng bước chậm lại để tiên ông vượt lên trước, vung hai tay thoải mái. Đến cột bóng rổ, Bác dừng lại, rướn người, cố đưa cánh tay phải lên sát vòng lưới nhiều lần.
Đây là một trong những bài tập mà các thầy thuốc Trung Quốc đề ra cho Bác hồi năm 1966, 1967 khi Bác đi nghỉ ở Ôn Tuyền, Quảng Châu… Đến lượt rướn cuối cùng, có lẽ là cao nhất, Bác đưa mắt cho người thư ký. Người thư ký vội vàng chạy đến, rút trong túi ra mảnh giấy và ghi lại mức rướn mà Bác vừa đạt được…
Đợi người thư ký ghi xong, Bác vui vẻ hỏi:
– Tốt chứ?
– Thưa Bác, kém hôm qua hai phân.
Nghe thế, Bác thoáng vẻ không vui nhưng ngay sau đó Bác lại động viên người thư ký:
– Nhưng không sao. Ngày mai ta lại cố gắng.
Trên đường trở về, Bác ngước lên cửa sổ tầng hai nhà thủ tướng, khum bàn tay làm loa, gọi với lên:
– A lô a lô, chú Tô dậy chưa? Xuống tập thể dục.
Chờ một lát không thấy trả lời, người thư ký thưa với Bác:
– Đêm qua thấy anh Tô thức rất khuya, chắc là chuẩn bị cho ngày mai họp Bộ Chính trị về qui hoạch xây dựng thủ đô và sau đó bàn tiếp về tình hình miền Nam và đấu tranh ngoại giao.
– Thế thì Bác cháu ta về để cho chú ấy ngủ thêm.
8g30, ngay dưới nhà sàn, Bác làm việc với Ban Tuyên huấn trung ương và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp về việc xuất bản sách Người tốt, việc tốt. Bác khen sách của một số nhà xuất bản đẹp và nhắc cần giữ phong trào cho thường xuyên.
Bác nhấn mạnh đào tạo con người là vấn đề chiến lược. Phong trào “Người tốt, việc tốt” chính là một trong những biện pháp quan trọng của chiến lược đó.
Làm việc xong, tiễn khách ra về, Bác quay lại dặn đồng chí Vũ Kỳ:
– Chú nhắc nhà bếp chiều nay làm cơm để Bác tiếp đồng chí Mười Cúc nhé. Chú cùng dự với Bác và mời cả chú Tô nữa.
Thế Kỷ, là bút danh của đại tá Nguyễn Thế Kỷ. Ông nguyên là trưởng ban tổng kết lịch sử Quân chủng Phòng không.
—
Cơ duyên khiến ông có cơ hội tiếp xúc lần đầu với Vũ Kỳ, người thư ký riêng của Bác Hồ bắt đầu từ năm 1986, khi Bảo tàng Hồ Chí Minh gửi công văn sang Bộ Quốc phòng đề nghị biệt phái ông sang bảo tàng nhằm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
—
Vào thời gian này, đồng chí Vũ Kỳ đang giữ chức giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đại tá Nguyễn Thế Kỷ đã được chọn làm người thể hiện hồi ký đồng chí Vũ Kỳ. Tháng 4-1989, cuốn Bác Hồ viết di chúc của Vũ Kỳ do Thế Kỷ thể hiện được Nhà xuất bản Sự Thật ấn hành.
Đúng 16g15, Bác nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, phó bí thư Trung ương Cục, báo cáo tình hình miền Nam.
Bác đặc biệt quan tâm đến chiến dịch “Bình định cấp tốc” của Mỹ ngụy đang thực hiện trong cả bốn vùng chiến thuật. Bác căn dặn đồng chí Nguyễn Văn Linh là trong bất cứ tình huống nào cũng phải bám chắc vào dân, dựa vào dân để mà tồn tại…
Mới cách đây chưa đầy ba tháng, Bác vừa viết xong những dòng cuối cùng của di chúc hết sức cảm động: “Năm nay tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người xưa nay hiếm, nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó không có gì lạ. Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?…”.
Khi viết những dòng này, Bác vừa tròn 79 tuổi. Bác đang thanh thản chờ đợi ngày ra đi, ấy thế mà sáng nay vẫn lo lắng đến việc đào tạo con người, chăm lo xây dựng người tốt, việc tốt cho ngày hôm nay và cho mai sau.
Và chiều nay lại gửi trọn vẹn cả tấm lòng về với miền Nam thân yêu, nơi mà Bác đã từng nói “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.
* Buổi sáng 3-8-1969, lại có những biểu hiện của những cơn đau thắt ngực. Hội đồng bác sĩ đưa máy móc vào kiểm tra toàn diện cho Bác, trao đổi cặn kẽ với bác sĩ Nhữ Thế Bảo và Lê Ngọc Mẫn về cách điều trị, đặc biệt tránh không được đi lại nhiều và hết sức tránh xúc động.
Cơn đau thắt ngực rạng sáng hôm nay do ảnh hưởng của buổi chiều làm việc với đồng chí Nguyễn Văn Linh hôm qua.
Mấy năm nay, hầu như mỗi lần nghe báo cáo về sự hi sinh của đồng bào miền Nam và sự tàn bạo của kẻ thù là trái tim Bác không sao ngăn được xúc động.
* May sao, ngày 5-8-1969 lại là một ngày vui của Bác. Khi nghe người thư ký báo cáo hai ông bà luật sư Trịnh Đình Thảo và đoàn cán bộ Liên minh các dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam vừa ra miền Bắc xin được vào thăm Bác, Bác vui vẻ nói ngay:
– Người ta ở xa đến, cần được nghỉ ngơi, mình phải đến tận nơi thăm hỏi mới phải lẽ.
– Thưa Bác, hội đồng bác sĩ vừa căn dặn Bác nên hạn chế đi lại.
Nghe nói vậy, Bác hơi nghiêm nét mặt:
– Đối với miền Nam thì không có hạn chế nào cả. Chú chuẩn bị xe và sang nói với chú Tô cùng đi thăm phái đoàn miền Nam với Bác.
Trong suốt buổi làm việc, nhiều lần Bác phải lấy mùi xoa lau nước mắt khi nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh, phó bí thư Trung ương Cục, báo cáo về sự tàn bạo của kẻ thù và những hi sinh mất mát của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Bác tâm sự với đồng chí Nguyễn Văn Linh:
– Bác đã đề đạt nguyện vọng với trung ương là chuẩn bị cho Bác vào Nam một chuyến. Bác đã bảo chú Vũ Kỳ để râu cải trang nhưng trung ương chưa chấp nhận, cho là tình hình trong đó đang khó khăn. Bác nói là khi còn khó khăn, gian khổ để cho Bác vào mới quí.
Nhưng trung ương bảo hãy chờ một thời gian nữa. Hôm nay gặp đại diện của miền Nam ở đây, Bác lại xin bày tỏ nguyện vọng của Bác. Chú về bàn với các chú trong đó cố gắng làm sao để Bác có thể vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam càng sớm càng tốt.
Nghe Bác nói, mọi người đều xúc động, cùng rơm rớm nước mắt và càng thương Bác vô cùng.
Bác biết rất rõ luật sư Trịnh Đình Thảo là một trí thức nổi tiếng tham gia phong trào yêu nước từ năm 1945 ở Sài Gòn – Chợ Lớn, tích cực chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ năm 1955 tham gia phong trào hòa bình chống Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam VN, ba lần bị kẻ thù bắt giam nhưng vẫn một lòng hướng về cách mạng.
Sau năm 1968, luật sư ra chiến khu và tháng 6-1969, tại Đại hội Quốc dân miền Nam VN, được cử giữ chức phó chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam VN.
15g ngày 5-8-1969, ông bà luật sư Trịnh Đình Thảo cùng các ông Lâm Văn Tết, Lê Văn Giáp không ngờ lại được đón Bác đến thăm. Còn Bác thì phấn khởi ra mặt. Bác ôm hôn từng người với nụ cười rạng rỡ, nói rất vui:
– Dân tộc VN nhất định thắng đế quốc Mỹ vì dân tộc VN đại đoàn kết.
* Chiều 12-8, Bác lên hồ Tây thăm phái đoàn đàm phán của ta ở Paris vừa về Hà Nội, không may trên đường về lại gặp cơn dông. Mặc dù người thư ký đã cẩn thận, chu đáo mang theo cho Bác chiếc áo bông nhưng Bác vẫn bị cảm lạnh.
Sáng hôm sau, hội đồng bác sĩ hội chẩn kết luận Bác bị cảm lạnh dẫn đến viêm phế quản, sốt cao, bạch cầu tăng và quyết định điều trị bằng kháng sinh.
Kể từ đó, bệnh tình của Bác có những diễn biến phức tạp và bắt đầu từ ngày 17-8, Bác không ở nhà sàn nữa mà chuyển xuống nhà H67 ở gần nhà sàn, theo chế độ bất động.
Ngôi nhà này xây xong từ năm 1967 nên có ký hiệu là H67, mục đích là để Bác vừa làm việc, vừa có thể xuống hầm tránh máy bay ngay cạnh đấy khi có báo động phòng không. Ở đấy có một chiếc giường một bằng gỗ mộc cho Bác nằm.
Trên giường trải một chiếc chiếu trơn không vẽ hoa, và một chiếc gối một, cũng là gối trơn không có thêu thùa gì cả. Thật ra lúc đầu các đồng chí phục vụ cũng chuẩn bị sẵn cho Bác chiếu hoa và gối thêu hoa nhưng Bác bảo cất đi, Bác không dùng.
Đặc biệt trời Hà Nội nóng nực như thế mà bao nhiêu lần các cán bộ phụ trách đề nghị lắp máy điều hòa nhiệt độ nhưng Bác đều từ chối. Bác nói:
– Các chú thay nhau đề nghị nhiều lần như thế thì chắc đã có máy rồi, vậy các chú chuyển máy điều hòa xuống bệnh viện để bệnh nhân nặng dùng.
Hồ Chủ tịch vĩ đại
TT – Ngày 26-8-1969, thấy tình hình sức khỏe của Bác diễn biến càng xấu, được sự ủy nhiệm của Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương ra quyết định thành lập ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác, trực thuộc Quân ủy trung ương, do thiếu tướng Lê Quang Đạo, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Quân ủy trung ương, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm trưởng ban.
Trước mắt ban chỉ đạo tổ chức ngay một đoàn xe có nhiệm vụ vận chuyển, hộ tống thi hài Bác trên những con đường và địa điểm mà thi hài Bác sẽ đi qua, bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Đội xe thành lập xong là tổ chức huấn luyện ngay.
Cứ đêm đến là cả đoàn tập hành quân theo phương án đã được phổ biến. Xuất phát từ vườn Bách thảo, đi hết đường Phan Đình Phùng, rẽ phải sang đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, xuống Trần Thánh Tông, theo lối cổng sau về Viện Quân y 108.
Tại Viện 108, từ cuối năm 1968 đã hoàn thành một công trình đặc biệt mang mật danh 75A, do một tiểu đoàn công binh làm suốt mấy tháng trời. Họ làm ban đêm, từ 7g tối đến 4g sáng, đào đắp hàng trăm mét khối đất đá. Sau công trình 75A là một công trình tương tự ở dưới sân khấu hội trường Ba Đình, mang mật danh 75B.
Chỉ những đồng chí có trách nhiệm ở cấp cao mới biết công trình 75A là nơi sẽ tiến hành phẫu thuật phục vụ việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác, còn công trình 75B là nơi sẽ để thi hài Bác trong suốt mấy ngày liền phục vụ cho lễ tang quốc gia.
Toàn thể cán bộ chiến sĩ từng ngày đêm lao động cật lực xây dựng công trình, các chiến sĩ lái xe trong đoàn xe đặc biệt, các đồng chí cảnh vệ đêm đêm làm nhiệm vụ đứng gác trên các ngả đường ở Hà Nội… tuyệt nhiên không một ai hay biết là việc mình đang làm phục vụ mục đích gì.
Và đặc biệt, chính Bác Hồ cũng không biết những điều đó. Bác không hề biết rằng sau ngày sinh nhật thứ 77, Bộ Chính trị đã họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn bàn chuyện chăm sóc sức khỏe cho Bác và việc giữ gìn thi hài khi Bác qua đời.
Và đúng ngày 2-9-1967, một tổ bác sĩ gồm ba người được Đảng và Nhà nước ta cử sang Liên Xô học chuyên đề về giữ gìn thi hài. Đó là Nguyễn Gia Quyền – chủ nhiệm khoa giải phẫu Viện 108, Lê Ngọc Mẫn – chủ nhiệm khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai, Lê Điều – chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Việt – Xô.
Cho đến cuối tháng 8-1969, mọi công việc chuẩn bị cho việc giữ gìn thi hài Bác và lễ quốc tang đã cơ bản chuẩn bị xong. Bộ Chính trị đã bố trí thời gian trực tiếp nghe báo cáo và chính thức mời đoàn chuyên gia thi hài Liên Xô sang Hà Nội.
Trong lúc đó, các thầy thuốc giỏi của Trung Quốc do Đảng và Nhà nước ta mời sang từ đầu tháng tám vẫn ngày đêm phối hợp chặt chẽ với hội đồng bác sĩ của ta chăm sóc chạy chữa cho Bác.
Chiều tối 23-8, Viện Quân y 108 cử một tổ công tác gồm hai bác sĩ, hai y tá, một chủ nhiệm khoa dược vào hỗ trợ tổ công tác điều trị cho Bác. Y tá Oanh và Quý được đồng chí Vũ Kỳ trực tiếp giao nhiệm vụ đặc trách làm công tác hộ lý.
Những đêm khuya vắng lặng, trong phòng chỉ còn lại ba ông cháu, những lúc tỉnh, Bác hỏi chuyện về quê hương, gia đình, học tập, công tác và đôi khi hát cho Bác nghe. Y tá Ngô Thị Oanh còn nhớ một lần hát xong, Bác tặng cho một bông hoa hồng.
Ngày 28-8-1969, trên điện tâm đồ xuất hiện diễn biến rối loạn nhịp tim, báo hiệu một cơn nhồi máu khó tránh khỏi. Những cơn đau thắt ngực tăng lên. Hai cháu Oanh và Quý thay nhau xoa ngực cho Bác. Hội đồng bác sĩ mời đoàn chuyên gia y tế Trung Quốc cùng hội chẩn.
Buổi chiều, Bác thiếp đi một lúc vì quá mệt, tỉnh dậy đã thấy vợ chồng đại tướng Võ Nguyên Giáp và chị Đặng Bích Hà đứng bên cạnh, trên tay là một bó hoa huệ 10 bông. Một nụ cười rất tươi nở trên môi Bác.
Có lẽ đây là nụ cười cuối cùng của Bác dành cho hai con người mà Bác rất mực yêu quí. Bác ra hiệu gọi đồng chí Vũ Kỳ và cháu Ngô Thị Oanh lại bên giường, bảo cháu Oanh cắm hoa vào lọ và bảo đồng chí Vũ Kỳ rằng Bác muốn uống một ngụm nước dừa ở cây dừa đầu nhà.
Các bác sĩ tỏ ý không muốn Bác uống nước dừa vì không thích hợp với bệnh tình hiện nay của Bác. Bác đã nói một câu làm cho ai nấy đều xúc động:
– Biết vậy! Nhưng đây là dừa miền Nam.
Ai cũng biết đây là cây dừa do đồng bào miền Nam tặng Bác và suốt 15 năm qua Bác đã chăm sóc với tất cả tình thương yêu tha thiết.
Ngày 29-8-1969, bệnh tình Bác càng nặng thêm. Các đồng chí Bộ Chính trị thay nhau túc trực bên giường Bác.
Bộ Chính trị đã cho kiểm tra lần cuối cùng mọi công tác chuẩn bị. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh đã tiếp đoàn chuyên gia thi hài của Liên Xô sang giúp ta.
Sau 20 năm, ngày 20-2-1961, Hồ Chủ tịch về thăm lại Pắc Bó (Cao Bằng). Được gặp lại Người, bà con Pắc Bó vô cùng xúc động! - Ảnh tư liệu
Đoàn gồm sáu người do đồng chí S. Đêvôp, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, phó chủ tịch Viện Hàn lâm y học Liên Xô, viện trưởng Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lênin, làm trưởng đoàn. Các đồng chí đã trực tiếp đến kiểm tra các cơ sở 75A, 75B.
Tối 30-8-1969, Bác lại phải trải qua một cơn đau và sau đó đi vào hôn mê. Những biện pháp tốt nhất được hội đồng bác sĩ khẩn trương sử dụng để cấp cứu. Bác dần dần tỉnh lại. Thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang đứng bên cạnh, Bác hỏi ngay:
– Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm quốc khánh đến đâu rồi?
Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn:
– Các chú nhớ phải bắn pháo hoa để cho nhân dân và các cháu nhỏ vui mừng đón ngày độc lập của đất nước.
Tiếp đó, Bác lại hỏi tình hình lũ lụt và nhân dịp này Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo với Bác ý kiến của Bộ Chính trị đề nghị Bác lên khu sơ tán của trung ương ở Hòa Bình để tiện việc chăm sóc, điều trị cho Bác. Nghe xong, Bác tỏ vẻ không vui và nói ngay:
– Bác không đi đâu cả. Bác không bỏ dân mà đi. Các chú phải tích cực tìm mọi biện pháp bảo vệ cho được đê điều để bảo vệ dân.
Ngày 31-8-1969, sáng sớm, Bác được báo cáo là hôm qua bộ đội tên lửa Hà Nội lập công xuất sắc, bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ. Bác rất vui nói với đồng chí Vũ Kỳ tổ chức gửi tặng một lẵng hoa cho đơn vị lập công.
Cán bộ chiến sĩ sư đoàn phòng không 361 không thể biết Bác Hồ, người tặng hoa cho họ hôm nay, đang sắp phải từ biệt thế giới này.
Ngày 1-9-1969 là một ngày căng thẳng đầy lo âu của mọi người đang túc trực quanh Bác. Lần đầu tiên những người phục vụ nghe tiếng rên của Bác. Điện tâm đồ luôn xuất hiện những ký hiệu xấu. Các đồng chí trong Bộ Chính trị hầu hết đều có mặt, vẻ đau buồn hiện rõ trên từng ánh mắt. Cả dân tộc đang sắp phải gánh chịu một mất mát lớn không gì bù đắp được.
Tuy nhiên, Bác vẫn chưa ra đi. Người thư ký suốt một đời tận tụy với Bác từ những ngày đầu dựng nước lại được Bác giao thêm một nhiệm vụ: nhân dịp kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.
Sau đó Bác còn bảo ông lo tổ chức gửi tặng lẵng hoa của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh cho đội cảnh sát khu vực 4, khu phố Ba Đình, đội bảo đảm giao thông đường bộ I.
Ngày 2-9-1969, cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày Quốc khánh. Không ai biết người khai sinh ra ngày độc lập của dân tộc đang chuẩn bị lên đường đi xa mãi mãi.
Trời mưa, bộ phận phục vụ đã căng bạt ngoài sân, kê thêm nhiều ghế. Mới tờ mờ sáng, hình như có mối tâm linh mách bảo, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chính trị đều có mặt đông đủ.
Khoảng 9g, một cơn đau đột ngột làm cho Bác phải quặn nghiêng người và cứ thế lịm dần. Máy điện tim chỉ còn thoi thóp và chạy ngang với những đường sáng nhấp nhô yếu ớt. Lúc này, các thầy thuốc Trung Quốc từ từ lần lượt lui ra ngoài.
Bộ phận hồi sức cấp cứu chủ yếu của Viện 108 tập trung làm các động tác hô hấp nhân tạo. Tất cả những người có mặt trong nhà H67 như nín thở, chờ đợi, hi vọng…
Đồng hồ chỉ đúng 9g47 phút.
Nhiều tiếng khóc bỗng òa lên rồi cố nén. Các đồng chí Bộ Chính trị và lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đứng xếp hàng quanh giường Bác mặc niệm, rồi lần lượt bước ra ngoài theo yêu cầu của chuyên môn.
Riêng ba đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cố nán lại, đặt tay lên trán Bác, lên ngực Bác, nước mắt lưng tròng. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương phải giục lần nữa mời rời khỏi giường Bác.
Nhưng sau đó vài phút, đại tướng Võ Nguyên Giáp lại một mình quay trở lại, đứng nhìn Bác một lúc lâu nữa.
Đúng 11g, đoàn xe đặc biệt năm chiếc sau bao nhiêu ngày luyện tập, chờ đợi, có mặt ở trước cổng Phủ chủ tịch. Bốn chiếc đỗ lại bên ngoài dàn đội hình theo phương án đã chuẩn bị, chỉ có chiếc hồng thập tự mang biển số PH1468 do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp vào nhà H67 chuyển Bác lên xe đi về 75A Viện 108.
Xe Bác đi theo đường Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tôn, Trần Thánh Tông, như bao chiếc xe khác đang di chuyển trên đường. Không ai biết, không ai ngờ trong chiếc xe đó có một con người vĩ đại, Bác Hồ yêu quí của toàn dân tộc đang đi về cõi vĩnh hằng.
Ngày lễ độc lập, hai bên hè phố người đi lại tấp nập, nhất là ở các ngã ba, ngã tư. Những lá cờ đỏ sao vàng làm bằng giấy nổi bật giữa những chiếc áo mới màu xanh và khăn quàng đỏ của các em thiếu nhi. Lại có cả tiếng trống ếch nữa.
Ngày lễ độc lập bao giờ cũng là ngày lễ lớn của các em với những bài hát ca ngợi Bác Hồ. Bác Hồ đã đem độc lập, tự do về cho đất nước, cho các em. Đời đời các em nhớ Bác.
Mùng 2-9-1945, mùa thu Hà Nội, Bác về…
Mùng 2-9-1969, mùa thu Hà Nội, Bác đi xa…
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và đẹp đẽ. Vì vậy, cả dân tộc càng nhớ đến Người. Hồ Chí Minh vĩ đại!
THẾ KỶ