Thận trọng và khéo léo

– Ngày 21/10/1966, họp về công tác ngoại giao, Bác lưu ý “các Uỷ viên Bộ Chính trị phải thận trọng và khéo léo trong các mối quan hệ quốc tế”.

Cách đây 89 năm, ngày 21/10/1920, Nguyễn Ái Quốc cùng một số người Việt Nam dự cuộc mít tinh do các đảng viên Đảng Xã hội Quận 13, Paris, tổ chức dưới sự chủ tọa của văn sĩ Anatone France nhằm lên án chính quyền bắt giữ trái phép và độc đoán một số đồng chí của mình.

Từ ngày 21/10 đến 24/10/1922, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp họp tại Quận 10 ở Paris. Tại đây Nguyễn đã gặp Manuinsky, thường vụ Quốc tế Cộng sản. Tại diễn đàn này, Nguyễn Ái Quốc đã phê bình Đảng Cộng sản Pháp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa và đề nghị Đại hội thông qua lời kêu gọi “Những người bản xứ ở thuộc địa”.

Ngày 21/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự thụ lễ đức Khổng Tử tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Lễ do Hội Tư văn Thăng Long tổ chức theo lệ thường. Lần này, tham dự lễ còn có đại biểu của Uỷ ban Hà Nội và một số quan chức Trung Hoa Quốc dân Đảng. Để tỏ thiện chí, Bác thân đứng ra phiên dịch cho các quan chức Trung Hoa và bày tỏ tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” (Bốn bể là anh em).

Ngày 21/10/1946, tại Thành Phố Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân dân Thành phố, ghi vào cuốn sổ vàng của Trường Huấn luyện Thanh niên Tô Hiệu (Hải Phòng) dòng lưu bút: “Thanh niên đoàn kết. Gắng học tập. Gắng công tác. Tiến lên! Tiến lên”. Sau đó gặp một người bạn cũ từng cùng làm thuỷ thủ từ thưở hàn vi. Góp ý với báo “Dân Chủ”, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh miền Duyên hải, Bác nói: “Báo không nên viết những lời lẽ cứng rắn quá, không có lợi cho việc ngoại giao mà nên viết mềm mỏng để tranh thủ thời gian hoà hoãn… Đừng hạ thấp mình nhưng cũng đừng nên chọc tức kẻ thù, Báo chí phải dựa vào những cơ sở pháp luật làm lợi khí đấu tranh”. 

f21/10/1946 Hồ Chí Minh trên chuyến tàu từ Hải Phòng về HN trước sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân.

Nói chuyện với đông đảo nhân dân Hải Phòng tham gia lễ tiễn tại nhà ga xe lửa, Bác nói: “Trong bốn tháng hai mươi ngày, đồng bào nhớ tôi và tôi cũng trong bốn tháng hai mươi ngày nhớ đồng bào. Bây giờ tôi về thì rất sung sướng được thấy Tổ quốc thân yêu, thấy đồng bào quý mến, tôi rất vui lòng” và khẳng định “nhiệm vụ bao trùm nhất hiện nay là kiên quyết giữ vững độc lập, tự do!”.

Đoàn tàu đặc biệt rời ga Hải Phòng và về tới nhà Ga Hà Nội. Đông đảo nhân dân và thành viên Chính phủ cùng các cơ quan ngoại giao ra đón. Nói với đồng bào, Bác giải thích về Tạm ước 14/9; còn nói với người Pháp, Bác bày tỏ: “Tôi vừa sang Pháp để thương lượng với Chính phủ Pháp về vấn đề độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam… Nhân dân Pháp cũng vừa trải qua cuộc kháng chiến…nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam rất yêu hoà bình, tự do, không muốn chiến tranh, chỉ muốn tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Chúng tôi mong các bạn sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về Tổ quốc của mình…” .

Ngày 21/10/1947, Bác viết thư gửi hai lão du kích Kiến An, khen ngợi: “Hai cụ thật xứng đáng với tổ tiên oanh liệt của ta, các cụ phụ lão đời Trần, đời Lê, chẳng những kêu gọi con cháu, mà tự mình hăng hái tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước”.

Ngày 21/10/1958, trên báo “Quân Đội Nhân dân” đăng bài “Tên lửa bắn máy bay” của Bác, với bút danh là “Chiến Sĩ’ giới thiệu những tri thức quân sự về một loại vũ khí hồi đó được coi là tối tân, gồm cả “tên lửa đất đối không” và “không đối không”: “Tên lửa là một vũ khí rất lợi hại, nhất là khi nó mang đầu đạn nguyên tử…Vì lợi ích của đông đảo nhân dân, chúng ta rất không muốn xảy ra những cuộc chiến tranh có vũ khí tên lửa và nguyên tử”. Thực tiễn cho thấy, chỉ sau khi đăng bài báo này không lâu, các lực lượng vũ trang của ta đã phải sử dụng loại vũ khí này để chống trả cuộc xâm lăng của quân đội Mỹ, đặc biệt là trong công cuộc chống Chiến tranh Phá hoại của không quân  Mỹ ở miền Bắc nước ta.

Ngày 21/10/1966, phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị về công tác ngoại giao, Bác trình bày quan điểm được ghi thành biên bản: “Về phương châm kết hợp giữa đánh và đàm, đánh là chính, vừa đánh vừa đàm để chia rẽ địch, đàm là để phục vụ cho đánh; nghệ thuật kết hợp giữa tiến công và đàm phán với địch phải hết sức uyển chuyển, không sa đà, không mơ hồ vào việc giải quyết tình hình thông qua đàm phán, trước hết ta phải giành thế mạnh thì mới có điều kiện để đàm phán được và lưu ý các Uỷ viên Bộ Chính trị phải thận trọng và khéo léo trong các mối quan hệ quốc tế”.

X&N
bee.net.vn

Advertisement