– “…Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo mà chúng ta bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập tự do. Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết lại thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì …
Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân …Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta…
Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa…Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng”… Đó là nội dung “Thư gửi uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” của Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đăng trên báo “Cứu Quốc” ngày 17/10/1945.
Bác Hồ cùng Tủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Tổng lãnh sự Pháp Sainteny trong những ngày đầu Hà Nội giải phóng.
“…Tiền là mạch máu cho mọi công việc, tiền cần thật nhưng không phải vì cần tiền mà cứ đi đè đầu bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền… Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ (chức vụ) tức là gây cho dân chúng cóp óc hiếu danh trong khi cần trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực góp vào công cuộc giữa gìn và xây dựng đất nước…
Bán ngôi thứ làm óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa …Làm sao cho người ta nhận thấy rằng đồng tiền của người ta bỏ ra là một viên gạch để góp vào việc xây đắp nền móng quốc gia”. Trích nội dung bài báo “Bỏ cách làm tiền ấy đi!” của Bác (ký bút danh Chiến Thắng” đăng trên “Cứu Quốc” ngày 17/10/1945 phê phán việc một số địa phương bán các thứ vị để lấy tiền cho bộ máy.
Còn với bài báo, Bác phê phán những cách làm tiền của các quan chức địa phương bằng việc bán chức vụ hay bắt dân đóng góp. Bài báo chỉ rõ rằng việc gây quỹ “phải đem theo một ý nghĩa tuyên truyền nữa mới được. Sao cho người ta nhận thấy rằng đồng tiền của người ta bỏ ra là một viên gạch để góp vào việc xây đắp nền móng quốc gia”.
Ngày 17/10/1954, Bác tiếp J. Sainteny, một chính khách Pháp đã từng tham gia nhiều cuộc thương lượng trước khi chiến tranh nổ ra. Ông trở lại Hà Nội chỉ một tuần sau ngày quân ta tiếp quản thủ đô trên cương vị là Tổng lãnh sự Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bằng cách diễn đạt thân mật, Bác đưa ra thông điệp với nước Pháp sau chiến tranh: “Ông xem, chúng ta đã đánh nhau,“đấm đá” nhau, tám năm trời nhưng rất trung thực, như ông đã nói ở Paris. Bây giờ mọi chuyện đã xong, các ông cần ở lại đây và cùng với tấm lòng như thế, chúng ta thoả thuận với nhau, cùng hợp tác. Vậy ông tính sao? Hai bên hưởng bằng nhau”.
X&N
bee.net.vn