– “Uỷ ban Nhân dân (làng huyện, tỉnh, thành phố là hình thức chính phủ trong các địa phương sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền) từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các Uỷ ban này… Xem như trên, Uỷ ban Nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra”. Trích từ bài “Cách tổ chức các Uỷ ban Nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh “Chiến Thắng”) đăng trên báo “Cứu Quốc” ngày 11/9/1945 giới thiệu với quần chúng quan niệm về nhà nước mới được xây dựng sau ngày Cách mạng thành công.
“Chưa đánh thắng thì chưa coi là đã chuẩn bị xong. Quân sự thì phải chuẩn bị mãi. Thắng trong chiến dịch này cũng mới chỉ là chuẩn bị xong một đợt; toàn thắng mới là chuẩn bị xong… Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều. Liều là dại. Dũng cảm là khôn. Kiên quyết và bạo dạn không phải là một người mà phải toàn bộ tất cả mọi người. Muốn toàn bộ kiên quyết và bạo dạn thì phải có kỷ luật.. .Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”. Chỉ thị của Bác tại Hội nghị cán bộ cấp chỉ huy trung đoàn và đại đoàn của Đảng uỷ Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới, ngày 11/9/1950.
“Trung thu này là Trung thu hoà bình đầu tiên, sau tám, chín năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu… Lần này Bác bận việc quá, không rảnh làm thơ gửi cho các cháu. Bác chỉ chúc các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ, ngoan ngoãn và cố gắng thi đua học hành. Đến ngày Nam Bắc một nhà/ Các cháu xúm xít thì ta vui lòng/ Trung thu năm Giáp Ngọ. Bác Hồ của các cháu”. Trích “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu” đăng trên báo “Nhân Dân” ngày 11/9/1954.
Ngày 11/9/1924 , tại Moscow, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản cho biết “Tôi đến Moscow vào tháng 7/1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác”.Lá thư còn cho biết Nguyễn Ái Quốc chấp nhận mọi điều kiện khó khăn để được hoạt động, lúc đầu khó khăn là những điều kiện của Quốc tế Cộng sản, lúc này là do nội chiến ở Trung Quốc “Và việc lên đường của tôi một lần nữa lại phải hoãn vô thời hạn…Và ngày mai sẽ là chuyện gì khác…”.
14 năm sau, ngày 6/6/1938, với bút danh là “Lin”, Nguyễn Ái Quốc lại viết một bức thư “gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản” nêu rõ hoàn cảnh của mình: “Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bẩy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này tôi viết thư gửi đồng chí dể xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này… Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng…”. Đó là những bằng chứng về những khó khăn mà Bác đã phải trải qua khi tham gia hoạt động của Quốc tế Cộng sản và lòng khao khát muốn trở về Tổ quốc hoạt động.
X&N
bee.net.vn