– Ngày 15/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng J.Nerhu: “Nhân ngày tuyên bố Độc lập của Ấn độ, một ngày long trọng không riêng gì cho quý quốc, mà cho cả đại gia đình Á châu chúng ta, thay mặt dân tộc Việt Nam và riêng tôi nữa, trân trọng yêu cầu Ngài nhận và chuyển cho đại dân tộc Ấn Độ lời chúc tụng nhiệt liệt và lời chào mừng thân ái của chúng tôi. Tin tưởng vào mối cảm tình và tình đoàn kết giữa các dân tộc Ấn Độ và Á châu, dân tộc Việt Nam cương quyết tranh đấu cho được thống nhất và độc lập”.
Cách đó 1 năm, tháng 8/1946, Bác đã gửi điện mừng tới ông J.Nerhu nhân sự kiện Ấn Độ giành được độc lập. Bác quen biết thân sinh của vị Thủ tướng Ấn Độ từ năm 1927 khi dự cuộc Đại hội chống chiến tranh ở Brussels (thủ đô Bỉ). Mối quan hệ đó được duy trì cho đến năm 1954, Thủ tướng Ấn Độ J. Nerhy là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Hà Nội và tiếp đó là chuyến đi thăm của Bác sang Ấn Độ.
Bác và Thủ tướng Nerhu trên đường phố Delhi năm 1958
Ngày 15/8/1958, được tin nhà bác học Pháp Joliot Curie từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Viện Hàn lâm Pháp và gia đình chia buồn.
Điện viết: “Giáo sư đã hiến tất cả cuộc đời quang vinh cua mình cho khoa học, cho sự nghiệp hoà bình và cho hạnh phúc nhân loại. Giáo sư mất đi là tổn thất lớn không những cho nhân dân Pháp mà còn cho cả nhân dân toàn thế giới”.
Vợ chồng Joliot và Marie Curie đều nhận Giải Nobel, cũng là những người nhiệt tâm ủng hộ nền độc lập Việt Nam và từng gặp Bác trong thời gian có mặt tại Paris 1946. Trước đó, tháng 3/1956, khi nghe tin bà Irène Curie từ trần, một nữ bác học đã đoạt giải Nobel, Bác đã gửi điện chia buồn với Giáo sư Joliot Curie.
Tháng 8/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thư “Gửi hoạ sĩ Picasso” nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của danh hoạ Pháp gốc Tây Ban Nha. Lá thư viết: “Đồng chí Picasso thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với Hoà bình và Nhân loại.
Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picasso đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế hoạ sĩ mãi mãi giữ được mùa Xuân. Con chim Bồ câu Hoà bình do Picasso vẽ, rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp trên thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hoà bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc”.
Năm 1946 khi sang thăm nước Pháp, Bác đã thăm Picasso và được hoạ sĩ vẽ tặng một bức chân dung.
X&N
bee.net.vn