– Ngày 9/8/1922, tờ báo “Journal du Peuple” (Nhật báo Nhân dân) đăng “Thư gửi Khai Định” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là thời điểm Vua bù nhìn Khải Định được thực dân Pháp đưa sang Pháp để tham dự Hội chợ quốc tế tổ chức tại Marseille và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, đặc biệt là của những trí thức yêu nước và cấp tiến người Việt tại Pháp như Phan Châu Trinh. Nguyễn Ái Quốc cũng lên tiếng.
Với một lối hành văn hài hước những sắc sảo, lá thư của Nguyễn Ái Quốc vạch trần tình cảnh của ông vua bù nhìn trong chuyến đến Mẫu quốc lần này: “Ngài đã đến đây – hay nói cho đúng hơn là người ta đã đưa Ngài đến, coi như một món hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ”.
Tác giả lưu ý người đứng đầu một triều đình thủ cựu và lưu ý: “Ngài có thấy được nguyện vọng thiết tha mong muốn công lý, tự do và lao động của quần chúng rộng rãi của dân tộc Pháp hay không? Ngài có thấy được tình cảm yêu chuộng hoà bình và hữu nghị đang làm rung động trái tim quần chúng đó, mà qua những cuộc cách mạng giải phóng, giờ đây đã giải phóng mình khỏi ách của bọn vua chúa, để trở thành kẻ tự mình làm chủ mình đó không?”.
Vua Khải Định và thế tử Vĩnh Thụy ở Paris năm 1922
Cuối bức thư, Nguyễn Ái Quốc cảnh tỉnh ông vua bù nhìn về một trào lưu mới của thời đại: “Hoà lẫn với tiếng sóng gầm vang, những tiếng thét dữ dội của nhân dân bị áp bức ở các nước này, cũng như của nhân dân nước Ngài, sẽ xé tan bầu không khí yên tĩnh bên tai Ngài.
Và nếu như Ngài có đôi chút óc tưởng tượng, Ngài sẽ thấy rằng ý chí của nhân dân – một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực – một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bên ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi”.
Tờ báo Le Paria
Trước đó, ngày 1/8/1922, trên tờ “Le Paria” (Người Cùng Khổ) Nguyễn Ái Quốc còn viết bài: “Sở thích đặc biệt” để đả kích sự thiếu hiểu biết của một ông vua trị vì một đất nước đang là thuộc địa tối tăm của chủ nghĩa thực dân nhưng lại khuất phục sức mạnh của kẻ thù.
Cũng trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc còn viết vở kịch “Con Rồng Tre” (Dragon en bambou) được giới thiệu công diễn tại Câu lạc bộ Ngoại ô ví Khải Định chỉ là một ông vua không có quyền hành nằm trong bàn tay cai trị, uốn nắn của những nhà cai trị thuộc địa.
X&N
bee.net.vn