– Ngày 3/8/1919, Nguyễn Ái Quốc gửi tới Jean Ajalbert, một nhà văn Pháp đã từng đến Việt Nam và có cảm tình với nước ta, nhiều tài liệu như “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam”, bài báo đăng trên tờ “L’ Humanité” viết về các yêu sách đó, một số bản tin trong đó có tin cụ Phan Châu Trinh đã từ trần (?!).
Ngày 3/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đẩy mạnh vận động hành lang chính giới và báo chí Pháp, gặp gỡ nhiều nhà báo trong đó có tờ báo “L’ Ordre” (Trật tự) vốn hay công kích Việt Nam.
“Nhật ký hành trình” chép: “Nhưng khi ông Buré (của tờ L’ Ordre) gặp Cụ Chủ tịch thì thái độ ông rất nhã nhặn. Hồ Chủ tịch đem tình hình nước ta và nguyện vọng dân ta ra nói chuyện rõ ràng, thì nhà viết báo lão thành kia tỏ ý cảm động. Sau đó ông Buré phái một người đến yết kiến Hồ Chủ tịch, rồi đăng một bài báo đứng đắn và có lợi cho ta”.
Tháng 8/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm viện Cải lão hoàn đồng ở Rumani
Ngày 3/8/1947, trong khi đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Gửi các chiến sĩ và nhân dân Nam Dương” (Indonesia) bày tỏ sự đồng tình với cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Dương và “tin chắc rằng, cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Nam Duơng sẽ thắng lợi, cũng như tin chắc rằng cuộc kháng chiến, cứu quốc của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thành công”.
Tháng 8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hội nghị Canh nông Việt Bắc đóng góp một số ý kiến: “Việc đặt kế hoạch phải sát với tình hình địa phương và của dân; Thành tích sản xuất phải được tổng kết; Cán bộ phải đi sát dân, bám dân và đề xuất được nhiều phương pháp và biện pháp thi đua với tinh thần chiến sĩ xung phong trong mọi việc”.
Cũng trong khoảng thời gian này (8/1949), Bác Hồ viết thư gửi Hội nghị Tình báo. Thư có đoạn viết:“1.Tình báo là tai mắt của quân đội. Tai phải nghe rõ, mắt phải thấy rõ tình hình của địch thì ta mới dễ đánh thắng địch. 2. Người xưa nói: Biết địch, biết ta, trăm trận ta thắng cả trăm; Biết địch là nhiệm vụ của tình báo. 3. Bên ta phải biết rõ bên địch, nhưng đồng thời không để địch biết ta. Vì vậy nhiệm vụ của tình báo là hết sức giữ kín tình hình và tin tức của ta, không cho lọt đến địch. Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: bí mật- cẩn thận – khôn khéo – kiên nhẫn”.
Ngày 3/8/1953, báo “Cứu quốc” đăng bài viết của Bác “Tiêu chuẩn đảng viên Đảng Lao động Việt Nam” (ký bút danh Đ.X) nêu 7 tiêu chuẩn gồm: “1. Không bóc lột người. 2. Suốt đời phụng sự nhân dân. 3. Luôn trau dồi lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân. 4. Luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. 5. Chấp hành tuyệt đối mọi kỷ luật của Đảng. 6 .Liên hệ chặt chẽ với quần chúng. 7. Thường xuyên thật thà tự phê bình và phê bình” .
X&N
bee.net.vn