“Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác”

 – Ngày 31/7/1952, báo “Nhân Dân” đăng bài viết của Bác đề cập tới nội dung “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” vạch rõ: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta”. Trong nhiều bài báo hay bài phát biểu sau này Bác là người kiên trì giáo dục và đấu tranh chống lại “tội ác này”.

Ngày 6/6/1953, báo “Nhân Dân” đăng bài “Phải chống bệnh quan liêu”, trong đó Bác phân tích những thành công và chưa thành công trong cuộc vận động phê bình và tự phê bình chống quan liêu, tham ô, lãng phí trong đó có vai trò của báo chí.

fChủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp.

Tác giả nhấn mạnh: “Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm… Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống, từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí…”

Ngày 24/7/1962, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về “Cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.

Bác nhấn mạnh: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu… Uy tín của người lãnh đạo là mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ, chứ không phải ở chỗ giấu diếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình.”

Ngày 27/7/1963, Bác dự và phát biểu tại hội nghị phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật chống tham ô, lãng phí và quan liêu” (gọi tắt là “ba xây, ba chống”).

Bác phân tích 3 tệ nạn phải chống: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội… Lãng phí làm tổn hại nghiêm trọng cho Nhà nước và nhân dân… Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí… Muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp thì cần phải tiêu diệt những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

X&N
bee.net.vn

Advertisement