Một mục tiêu không bao giờ thay đổi

– Ngày 24/7/1946, trong lúc cuộc thảo luận chính thức Pháp-Việt đang diễn ra tại Fontainebleau đi vào bế tắc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh càng ráo riết vận động “ngoại giao hành lang”. Trong ngày Bác thăm Bộ trưởng Pierre Cot, Chủ tịch Quốc hội V. Aurion, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời cũng là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp Jacques Duclos…và giành thời gian làm việc với phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của các báo Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Nước Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và cùng chúng tôi gây mối quan hệ mới trên cái nền tin cậy và tự do, thì nước Pháp sẽ thấy danh dự của mình, tinh thần của mình và áp lực của mình ở Việt Nam thêm nhiều lắm. Mà như thế thì vững vàng, chắc chắn hơn là lấy chiến tranh họăc sức mạnh hoặc tham mưu, để ép chúng tôi ký điều ước này, điều ước nọ”.

 Bác cùng gia đình R.Aubrac.Bác cùng gia đình R.Aubrac.

Hơn hai thập kỷ sau, ngày 24/7/1967, tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch vào thời điểm máy bay Mỹ đang bắn phá ác liệt, Bác thân mật tiếp ông Raymond Aubrac một người bạn tốt mà Bác đã từng quen biết và đến ở tại nhà ông trong thời gian qua thăm Pháp năm 1946.

Đi cùng ông Aubrac là nhà sinh vật học Herbert Marcovic đến Việt Nam công khai là làm việc với Viện Vệ sinh Dịch tễ nước ta nhưng thực chất cả hai người mang sứ mệnh thiện chí nhằm “hoà giải” mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội chấm dứt chiến tranh.

Tại cuộc gặp, Bác đã phân tích từ lịch sử dân tộc để thấy bản chất cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và đưa ra thông điệp là chỉ khi nào Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc đánh phá miền Bắc thì mới có thể có đàm phán. Bác cũng đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp chính thức để giải thích rõ quan điểm của nhà nước ta về vấn đề này. Cuối buổi tiếp, Bác không quên thăm hỏi và tặng quà cho con gái của ông Aubrac mà Bác đã nhận lời đỡ đầu cách đó 21 năm (1946).

Cuộc găp gỡ này nằm trong một chuỗi các cuộc vận động ngầm giữa bối cảnh cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cũng như cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đang đẩy lên đến mức cao nhất của sự ác liệt mà đỉnh điểm là Tết Mậu Thân (1968).

Những thông điệp thể hiện quyết tâm giành mục tiêu hàng đầu là thống nhất Tổ quốc cũng như những thiện chí hoà bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng thúc đẩy những nhân tố đưa đến những cuộc đàm phán chính thức để tìm một giải pháp khả thi cho việc kết thúc chiến tranh.

Riêng Raymond Aubrac suốt đời giữ những quan hệ tốt đẹp với Bác Hồ và nhân dân Việt Nam. Mới đây nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ vẫn đến Hà Nội dự và bày tỏ sự mến phục với người bạn cũ đã qua đời cách nay đã 4 thập kỷ.

Từ 2 sự kiện cách nhau 2 thập kỷ cho thấy ý chí và mục tiêu phấn đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán: Hoà bình cùng với một nước Việt Nam độc lập và thống nhất lãnh thổ.

X&N
bee.net.vn

Advertisement