Trong những ngày thăm nước Pháp

– “Nhật ký hành trình chuyến đi Pháp” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” ghi chép: “Ngày 8/7/1946, 12 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp vợ chồng ông Marrane, cựu Chủ tịch Quận Seine, ông Coste, nghị viên Quốc hội, vợ chồng ông Poldès, văn sĩ (xưa là chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô mà Bác tham gia), có mời cả vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hà ăn cơm với khách.

6 giờ (chiều), Đô đốc Missoffe thết tiệc trà hoan nghênh Cụ Chủ tịch. Ông Missoffe có 5 người con trai đều tham gia kháng chiến và một con gái là Jacqueline 13 tuổi, rất mến Hồ Chủ tịch và gọi Cụ bằng Bác Hồ. Từ lúc đến Paris, Cụ Chủ tịch đã có một bày cháu giai, cháu gái, Pháp có, Việt có”.

Ngày 8/7/1958, Bác thăm Kè Sông Đà, Cổ Đô, Ba Vì, Hà Tây.Ngày 8/7/1958, Bác thăm Kè Sông Đà, Cổ Đô, Ba Vì, Hà Tây.

Cũng trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân dịp nước Cộng hoà Phi Luật Tân (Philippines) tuyên bố độc lập. Bức điện có đoạn: “Nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam vui mừng chào đón ngày 4/7/1946 là một ngày kỷ niệm trong lịch sử giải phóng các dân tộc Đông Nam châu Á, dân tộc Phi Luật Tân đã khôi phục quyền tự do bằng một con đường hoà bình, nó làm vinh dự đặc biệt cho Hợp chủng quốc Mỹ.

Nhiều dân tộc khác không may mắn bằng Phi Luật Tân còn đang tranh đấu chống đế quốc để giành quyền độc lập. Nhưng hết thảy các dân tộc cũng đã trải qua những nỗi đau đớn chung, rồi đây sẽ liên hợp với nhau để tiến tới một nền hoà bình lâu bền và một nền dân chủ chân chính. Nước Việt Nam quốc gia tự do, mong mỏi sự hợp tác đó sẽ thành công rực rỡ”.

Ngày hôm sau, 9/7/1946, Bác tiếp các vị khách là các nhà tư bản gồm chủ nhà máy xi măng và nhà máy điện, nước Bắc Kỳ (cũ) đến chào.

Bác còn tiếp một nghị sĩ Quốc hội Pháp là người gốc Ấn Độ rất có cảm tình với Việt Nam. Buổi tối Bác tiếp ông bà J.Sainteny người tháp tùng từ Hà Nội sang.

Bà Sainteny lại là con gái ông Albert Sarraut nguyên là Toàn quyền Đông Dương, sau đó là Bộ trưởng Thuộc địa đã từng “đụng độ” với Nguyễn Ái Quốc hơn hai chục năm trước.

Đó là lần Bộ trưởng Thuộc địa đã “mời” Nguyễn Ái Quốc đến văn phòng của Bộ ở Paris và đưa ra lời lẽ nửa đe doạ, nửa mua chuộc: “Anh muốn gì, cứ nói ra, tôi sẽ đáp ứng. Bằng như anh chống đối thì tôi đủ sức bẻ gẫy …”. Rồi ông bẻ lấy cây bút chì đang trên tay để thể hiện sự răn đe. Nguyễn Ái Quốc đã bình thản trả lời: “Mong ước của tôi chỉ là lam sao cho nước tôi độc lập, dân tôi tự do”.

Ngày tiếp theo, 10/7/1946, Bác mời cơm đáp lễ ông bà Sainteny và mời cả ông Albert Sarraut là nhạc phụ của Sainteny. Trước đó Bác trả lời phỏng vấn của phóng viên Mỹ và trong ngày còn tiếp nhiều chính khách nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác thân thiện Việt – Pháp.

X&N
bee.net.vn

Advertisement