Thông điệp của Bác tới Chính phủ Pháp

 – Ngày 2/7/1946, Chính phủ Pháp chính thức tiếp xúc với Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu với những nghi lễ trọng thể. Thủ tướng Pháp Georges Bidault hội đàm riêng với Chủ tịch nước Việt Nam. Buổi chiều Thủ tướng Pháp mở tiệc chiêu đãi trọng thể.

Trong lời chào mừng, người đứng đầu nước Pháp đánh giá: “Sự kiện Ngài đến đây có một ý nghĩa rất cao xa. Nó làm cho tình thân thiện giữa hai nước chúng ta khăng khít lại… Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau một cách thành thật vì chúng ta đều tin theo chủ nghĩa nhân đạo, mà nhân đạo là cái nền tảng mà những nhà triết học Đông phương và Tây phương xây đắp mối quan hệ giữa những người tự do, để tìm sự tiến bộ, đó là ý tưởng của tất cả xã hội dân chủ”.

s Ngày 2/7/1946, Bác Hồ tại Dinh Thủ tướng Pháp trong buổi lễ gặp mặt chính thức.

Trong đáp từ, người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bày tỏ: “Sự đón tiếp mà dân chúng và Chính phủ Pháp dành cho tôi đã rung động đến chỗ sâu nhất của lòng tôi. Trước khi chính thức chào Chính phủ Pháp, tôi đã có dịp đi thăm xứ Baxcơ, một miếng đất rất đẹp của Pháp. Sự tiếp xúc với xứ Baxcơ đã cho tôi nhiều giáo huấn. Dân Baxcơ tuy vẫn giữ được những màu sắc riêng, ngôn ngữ riêng, phong tục riêng, nhưng vẫn là dân Pháp. Dân Pháp tuy có nhiều tỉnh khác nhau nhưng vẫn là nước thống nhất và không thể chia rẽ được”.

Bằng cách diễn đạt đó người đứng đầu nhà nước Việt Nam muốn gửi tới nước Pháp thông điệp về sự không thể chia tách Nam Kỳ ra khỏi cơ thể Tổ quốc Việt Nam, đồng thời tỏ rõ Việt Nam sẵn sàng hợp tác với nước Pháp trong Khối Liên hiệp Pháp.

Với một tinh thần chủ động và thiện chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính ở Pari này, cái thành phố anh hùng và rộng lượng xướng xuất ra những nguyên tắc tự do, bình đẳng, bác ái, cái thành phố có thói quen bênh vực sự bình đẳng của các dân tộc, chính ở thành phố này, tôi trân trọng tuyên bố nước Việt Nam gia nhập vào cái sự nghiệp rất nhân đạo ấy… Pari đã còn hiến không ít để cho nước Việt Nam và nước Pháp có thể hoà hợp với nhau trong Khối Liên hiệp Pháp gồm những dân tộc tự do, bình đẳng cùng ôm một lý tưởng dân chủ và cùng say mê vì tự do.

Chính ở Pari, nước Việt Nam sẽ tiến lên con đường độc lập, tôi tin rằng chẳng bao lâu nước Việt Nam sẽ đóng vai trò xứng đáng ở Thái Bình Dương là một nước độc lập làm vẻ vang lớn cho nước Pháp… Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần.

Triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy Hội nghị Fontainebleau sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp… Sự hợp tác thành thực và thân thiện của hai nước sẽ là một gương lớn cho thế giới biết rằng: với một sự tin cậy lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất…”

Có thể nói, đây là một thông điệp rất minh bạch về thiện chí mong muốn hợp tác, hoà bình với nước Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho một nước Việt Nam độc lập phát biểu với thế giới. Nó hoàn toàn ngược lại với thái độ thù địch muốn phát động chiến tranh, chia cắt nước Việt Nam để đẩy hai dân tộc vào một cuộc chiến tranh mà Bác gọi là “huynh đệ tương tàn”.

Buổi chiều cùng ngày sau khi thoả thuận được với Chính phủ Pháp về việc hồi hương một số binh lính Việt Nam trở về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi “thư cho các binh sĩ Việt Nam ở Pháp” thông báo nội dung các thoả thuận và khuyên anh em giữ vững kỷ luật, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, về đến nhà phải giúp ích Tổ quốc, ủng hộ Chính phủ và “phải ăn ở cho xứng đáng với một người công dân của nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam”.

X&N
bee.net.vn

Advertisement