– Ngày 29/6/1935, Trưởng phòng Đông Dương Vera Vassilieva gửi báo cáo đến Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản trình bày hoàn cảnh của Nguyễn Ái Quốc một năm sau khi thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh ở Hồng Kông.
“Tháng 6/1934, Nguyễn Ái Quốc đến Moscow. Qua lời kể của đồng chí thì khó xác định được tại sao đồng chí lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp… Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vaillant Couturier (một nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp) trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng tất cả những việc này cần được kiểm chứng một cách thận trọng.
Khi đồng chí đến đây, chúng tôi đã chuyển đồng chí tới Trường Lenin tại Moscow, nơi đồng chí đang nghiên cứu… Nhiều lần đồng chí đề xuất với tôi xem xét vấn đề và thảo luận việc thành lâp mối liên lạc giữa các Đảng. Đồng chí kiên trì theo dõi những chuyến đi của học viên, họ đi đâu và với nhiệm vụ gì và rất đau khổ vì tại sao đồng chí không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật”.
Đây chính là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc phải chịu một thử thách rất nặng nề và kéo dài để thể hiện tinh thần kiên định cách mạng ngay với các đồng chí của mình.
Là một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho việc giải phóng các thuộc địa, trên diễn đàn Đảng Cộng sản Pháp cũng như Quốc tế Cộng sản, Bác đã có những phê phán rất gay gắt sự thiếu quan tâm đến vấn đề này của các tổ chức Đảng.
Những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc cho rằng “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn” hay trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930), sau đó bị Quốc tế Cộng sản phê phán là hữu khuynh và nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã “thủ tiêu Chánh cương sách lược văn tắt” của Nguyễn Ái Quốc để “thực hành cho đúng án nghị quyết và thư chỉ thị của Quốc tế Cộng sản” được cụ thể hoá bằng việc đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương và đưa ra “Luận cương Trần Phú”…
Tất cả những diễn biến đó lại cộng thêm việc Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt ở Hồng Kông sau đó lại được thả, khiến cho sự tin cậy của Quốc tế Cộng sản đối với nhà cách mạng Việt Nam bị đặt dấu hỏi.
Trong suốt các năm từ 1934 đến 1938 hầu như ghi nhận đựoc rất ít những hoạt động của Nguyễn Ấi Quốc ở Liên Xô, và ngày 6/6/1938, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải viết một bức thư trong đó nói rõ ràng: “Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bẩy việc tôi bị bắt ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ 8 tình trạng không hoạt động của tôi… Điều tôi muốn đề nghị… là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt dộng và giống như là sống bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng…”
Phải đến năm 1938, sau bức thư bí mật gởi qua Chu Ân Lai lúc này đang chữa bệnh ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc được với Manuinski, Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và là người có nhiều cảm tình với người “đồng chí An Nam”, Nguyễn Ái Quốc mới kết thúc được “năm thứ tám trong tình trạng không hoạt động” của mình và được tạo điều kiện về nước hoạt động.
Ngày 30/9/1938, Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, mới ra văn bản đồng ý cho “sinh viên số 19 (Lin, tức Nguyễn Ái Quốc) ra khỏi biên chế của Viện”, cũng có nghĩa là cho phép Bác trở về nước hoạt động. Đây chính là thời kỳ gian khó mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp định danh Bác là“người lữ hành cô đơn”.
Rời Moscow, Bác đi xe lửa xuyên Siberia đến Iếckut rồi băng qua sa mạc Gobi tìm đến vùng Tây An, rồi tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc trước khi liên lạc được với các đồng chí ở trong nước, để tìm cơ hội về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam (8/1941).
X&N
bee.net.vn